Và cuốn hồi ký Đuổi theo ánh sáng (Phương Nam Books và NXB Thế Giới ấn hành, Đặng Nguyên Giang dịch) sẽ làm rõ nét những mối tương quan giữa cá nhân ông và ngành nghệ thuật mà ông theo đuổi. Cuốn sách đi lại từ đầu từ thời thơ ấu huyền diệu ở New York đến cuộc chiến Việt Nam, cũng như thời gian mà ông thành công với Midnight Express ở tuổi 33 để mất hơn một thập kỷ nữa thì mới trở lại được với danh vọng thông qua Salvador hay Platoon. Qua đó tác phẩm đã làm nổi bật một Oliver Stone bất toàn nhưng cũng kiên gan, và tính hai mặt của môn nghệ thuật mà ông yêu quý.
Bìa sách Đuổi theo ánh sáng. Ảnh: Minh Anh
Những con đường điện ảnh
Cũng như những hồi ký khác, Oliver Stone khởi đầu cuốn sách bằng những ký ức khi ông còn nhỏ, nơi cha mẹ ông đã đến với nhau một cách bất ngờ. Vào thập niên 1950, khi ấy người Mỹ vẫn còn là những “vị thần” đối với người Pháp tương đối khốn khó sau Đệ nhị Thế chiến, vì thế không quá khó hiểu khi mẹ ông – người phụ nữ Pháp đoan trang đã bị choáng ngợp bởi người bạn trai – chính là cha ông - dẫu chưa biết gì thì cũng rời nhà, xây dựng một cuộc sống mới. Thế nhưng hạnh phúc thì chẳng tày gang, họ nhanh chóng không có được tiếng nói chung, dẫn đến một cuộc ly dị mà người ảnh hưởng nhiều nhất là Oliver.
Ở tuổi thiếu thời, khi không biết phải làm gì, ông đã đăng ký tình nguyện đến Chợ Lớn để dạy ngoại ngữ. Sau khoảng thời gian này, ông về lại Mexico và nuôi mộng trở thành nhà văn với cuốn tự truyện của bản thân mình. Những tưởng những bước ngoặt trong quãng đầu đời sẽ tạo ra ngôi sao sáng chói trên văn đàn Mỹ, thế nhưng hiện thực thì không như mơ, ông nhanh chóng bị từ chối, dẫn đến lại một lần nữa trở lại Việt Nam, nhưng lần này là tham gia vào cỗ máy chiến tranh ở vai trò bộ binh. Giải ngũ vào năm 1967, nhận thấy mình không còn nhà và mục đích sống, Oliver sa đọa vào chất kích thích mà ông vốn đã quen dùng ngay tại Việt Nam.
Oliver Stone trên trường quay Platoon năm 1986. Ảnh: Photofest
Nhờ sự giúp đỡ và tài chính của cha, ông dần hòa nhập, bắt tay vào viết kịch bản Platoon từ những trải nghiệm mình đã kinh qua. Những trận chiến ác liệt, những thân xác cháy đen, những cảnh huống nhốn nháo gần như cuồng loạn khi họ tham chiến… từ nỗi ám ảnh giờ đã trở thành chất liệu “có một không hai” cho ông sử dụng. Tuy vậy với một tay mơ, bản nháp nói trên không được chú ý, rơi vào lãng quên.
Bằng những tương duyên bất ngờ, Oliver được giao để viết kịch bản cho phim Express Midnight kể về một thanh niên bị kết án tù vì buôn lậu ma túy, và bất ngờ thay nó đã tạo được những tiếng vang lớn, chiến thắng cả Quả cầu vàng cũng như Oscar. Giống với Platoon bắt nguồn từ những ấn tượng của ông đối với chiến tranh, bộ phim nói trên cũng được viết từ giai đoạn ông sa vào nghiện ngập và bị bắt giữ.
Những tưởng thành công ở tuổi 33 sẽ giúp cho tên tuổi ông lên tầm cao khác, thế nhưng lần lượt The Hand, Conan the Barbarian, Scarface, Year of a Dragon… liên tục thất bại hoặc bị gác lại, khiến vị biên kịch thêm một lần nữa rơi vào đáy sâu của chất kích thích. Nhưng may mắn ông đã không dừng lại và mạo hiểm tự mình đầu tư vào Salvador – bộ phim kinh phí thấp kể về tình hình rối ren với tội phạm và các vấn đề vẫn đang hiện diện của đảo quốc này - mà không thể biết kết quả rồi ra sao.
Điều bất ngờ là nó đã thành công vang dội, tạo thêm đòn bẩy giúp cho Platoon được đà tiến tới. Cuối cùng sau khoảng 10 năm, Oliver Stone đã tìm thấy được hào quang của mình, dẫu quá trình ấy luôn luôn hiện diện không ít khó khăn.
Oliver Stone, John Savage và James Woods trên phim trường Salvador. Ảnh: El Pais
Bài học từ những thất bại
Là người hay đọc và rất thích đọc mọi lúc mọi nơi, cuốn hồi ký của Oliver Stone được viết một cách vừa gần gũi nhưng cũng đậm đặc tính chất văn chương. Ông dùng nhiều so sánh hấp dẫn, biến các tình tiết trở nên mới mẻ, độc đáo. Chặng hạn nói về lựa chọn kết hôn của cha mẹ mình, ông đã ví bà như Scarlett trong Cuốn theo chiều gió, người từ bỏ Ashley quý tộc – vị hôn phu người Pháp, để gắn bó với Rhett hào hoa – chính là cha ông.
Hay trong trải nghiệm cuộc chiến ở Việt Nam, ông cũng lấy hai hình tượng là Achilles và Hector trong trận chiến thành Troy để nói về cách chỉ đạo tương đối khác biệt của cấp trên của mình… Ông cũng ví mình như Odyssey - người phải mất hai thập kỷ để về lại Ithaca - cũng như ông đã trầy trật tìm lại hào quang, sau những khó khăn nhưng không dừng bước.
Bên cạnh những quãng cuộc đời được tái hiện lại, ta cũng hiểu thêm về những tình tiết đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của vị đạo diễn tài danh. Chẳng hạn trải nghiệm đến Việt Nam, theo Oliver, được truyền từ chính cha ông – người coi 40 năm dài sau thế chiến thứ II không thể sánh được với những năm tháng mình đã tham chiến. Việc dẫu thất bại tương đối nhiều lần nhưng vẫn cố gắng và không từ bỏ cũng được truyền thừa từ chính mẹ ông – người căn bản là luôn lạc quan, và rồi nó sẽ trở thành cơ sở để ông đối mặt với cuộc sống này và ngành làm phim ở Hollywood.
Lauren Bacall và Oliver Stone tại giải Oscar 1979. Tại đây ông đã chiến thắng Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất cho Midnight Express. Ảnh: Getty Images
Với Oliver, “phim ảnh trao ban nhưng cũng hủy diệt”. Nó giúp ông kể những gì mình đã trải qua, nó giúp mở rộng tầm nhìn bằng những trải nghiệm mình đã xem qua, nó cũng mang lại tiền tài, danh vọng cho bản thân ông… Thế nhưng nó cũng mài mòn đến tận xương tủy tâm hồn tốt đẹp của người yêu nó.
Với vị đạo diễn, trải nghiệm ở những năm đầu từ một người không tên tuổi, không quan hệ đã cho ông thấy được sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp điện ảnh một khi thất bại, nơi số người cạnh tranh quá nhiều còn sự nổi tiếng thì là quá ít. Ở đó ông đã bị gạt ra rìa dù có đóng góp, ông bị cười nhạo vì dám vạch trần thói đạo đức giả của Hollywood xa hoa… và ở khía cạnh nào đó, Oliver Stone đã bị cô lập với phần còn lại ở thế giới ấy.
Khi thất bại bủa vây, việc tự thực hiện Salvador bằng tất cả những gì mình có lại là một khó khăn khác khi thiếu kinh phí, không ai tin tưởng. Oliver dành ra nhiều chương kể về quá trình thực hiện, với những khó khăn từ chọn bối cảnh, quá trình diễn xuất cho đến biên tập, tham gia quảng bá…. Với ông, điện ảnh gần như bốc trụi cả con người mình.
Nó khắc nghiệt và đau đớn, thế nhưng dù có ra sao, thì chính tinh thần không được từ bỏ đã đưa ông về với ánh hào quang. Chính niềm tin vững chắc vào bản thân cộng với thời điểm ủng hộ khi các tác phẩm về những đất nước kém phát triển đang ngày càng được quan tâm đã làm nên thành công lớn. Và như Stone nói, theo đuổi điện ảnh cũng giống như việc đuổi theo ánh sáng - nó vừa hoành tráng nhưng cũng khó nhằn, nó đầy lung linh nhưng khó nắm bắt. Khi ta những tưởng đã nắm được rồi, hóa ra chẳng có gì cả.
Có thể nói Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một câu chuyện đi lại từ đầu của một đạo diễn và nhà biên kịch đã đứng trên đỉnh vinh quang sau nhiều thập kỷ nỗ lực cố gắng, mà cũng đồng thời là câu chuyện về sự trưởng thành, về thất bại và mất tự tin, về trí tưởng tượng và mơ ước, về nỗ lực để biến những thứ không thể trở thành có thể… Đây là một tác phẩm vừa giúp ta hiểu những gì đã cấu tạo nên tế giới điện ảnh của Oliver Stone, nhưng qua đó cũng truyền cảm hứng về bài học không ngừng cố gắng, luôn không bỏ cuộc.
Minh Anh