Hình ảnh mặc quần ngắn, áo thun của GS Trương Nguyện Thành (thứ hai từ phải sang) giảng bài tạo ra nhiều tranh luận. Ảnh: TL |
Với tư cách là người trong bức ảnh, nhân vật trung tâm của những tranh luận, GS Trương Nguyện Thành, phó hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen bình thản khi trao đổi với với phóng viên Người Đô Thị Online: “Tôi không thể nào thay đổi được bạn nghĩ gì về tôi, nhưng tôi chỉ có thể thay đổi ở cá nhân tôi và tôi nghĩ gì về tôi. Cho nên tôi không phiền về điều đó”. Ông thẳng thắn: “Tôi cho rằng không nên dạy máy móc. Điều đó chán lắm”.
Sự việc diễn ra vừa rồi là ngoài ý muốn hay là chủ ý truyền thông về cách dạy mới nhằm kích thích sáng tạo, trực quan cho sinh viên thưa ông?
Thực sự tôi không ngờ lại có hiệu ứng như vậy vì tôi cũng từng tổ chức một khoá học về phát triển tư duy sáng tạo tương tự ở trường đại học Bách khoa TP.HCM vào hè 2016. Tôi cũng kích thích sự sáng tạo của các em bằng thí nghiệm nhanh, trong vòng 5 – 10 phút phải nghĩ ra làm một cái gì bộc phát, đang sẵn có trong người.
Thời điểm đó tôi có nhờ ban tổ chức mua cho một mớ áo thun trắng cùng kéo, sơn màu... rồi bảo các sinh viên muốn làm gì thì làm với chúng, miễn sao thể hiện tính sáng tạo. Trước đó tôi có dạy, muốn sáng tạo thì các bạn phải cởi bỏ hết tất cả những rào cản trong tư tưởng của mình. Những rào cản đó có từ đầu, là định kiến xã hội, từ nhận thức cái gì được – cái gì không được, những nhận thức gì mà bạn cho rằng nên - không nên... Cởi bỏ hết mới có khả năng sáng tạo được. Và tôi cũng lấy một cái áo, làm thí nghiệm trong khi đó các sinh viên lấy áo người vẽ, người cắt làm đủ trò.
Tôi vào phòng vệ sinh, bí mật chuẩn bị cho thí nghiệm của mình. Khi ra mọi người cùng trưng bày thành quả của mình đã làm trong 10 phút. Lúc đó các sinh viên ai nấy cũng ồ lên vì tôi làm táo bạo quá. Từ thí nghiệm đó đập vào trí nhớ của họ, tạo ấn tượng.
Cho nên khi muốn suy nghĩ, giải quyết một vấn đề gì thì họ sẽ nhớ lại hình ảnh đó, họ sẽ nhớ những điều ông thầy đó nói: những cái gì được, không được, không nên thì mình nên bỏ nó đi. Những hình ảnh vừa rồi cũng vậy, đó chỉ là những thí nghiệm trong thời gian ngắn tôi chỉ dạy trong những lớp dạy phát triển tư duy sáng tạo, khoá đào tạo về khởi nghiệp. Khởi nghiệp cũng gắn với khoa học, bạn phải làm cái gì sáng tạo, cái gì mới thì mới có khả năng thành công, chứ đi theo lối mòn, bắt chước những người đã đi rồi thì bạn sẽ không có khả năng cạnh tranh và thất bại. Rào cản trong tư tưởng của mình chính là giới hạn trong sáng tạo.
Như vậy từ khi về Việt Nam ông mới áp dụng hình thức thị phạm này?
Ở Việt Nam định kiến xã hội nặng nề chứ đại học nước ngoài ăn bận vậy là bình thường, không có gì lớn lao cả. Ở bên đó tôi có những cách khác nhau để dạy học trò của mình. Tôi có thể dẫn học trò đi leo núi suốt một ngày để dạy cho họ là làm nghiên cứu phải đối diện với thất bại triền miên và đó là quy trình lên – xuống rất mệt mỏi. Có khi leo cả hai, ba chục cây số, từ sáng sớm tới tối.
Cách dạy của tôi muốn học trò nhớ bài học người dạy. Kể cả con của tôi cũng vậy. Tháng 12 vừa rồi lần đầu tiên cháu về Việt Nam, tôi dẫn đi xe đạp xuyên miền Tây 400km trong vòng bốn ngày. Bài học con tôi học được là đừng bao giờ dừng lại, ý chí phải thắng được cơ thể của mình. Cuối cùng về nằm lụy hai ngày, khi tỉnh dậy tôi hỏi: đi nữa không con thì cháu nó vẫn cười và đòi đi. Hiệu quả là con tôi đã cảm nhận được chiến thắng trong bản thân và không có gì là nó làm không được nữa. Cho nên tôi có những cách dạy con cũng như học trò phải nhớ suốt đời bài học đó.
Để làm vậy tôi phải nghĩ ra cách để lại một ấn tượng gì trong đầu của họ và không bao giờ quên được. Bài học của tôi cho sinh viên biết được sáng tạo là gì? Làm sao phát huy được nó? Cho nên, tôi bước vào buổi dạy, với áo blazer chỉn chu. Giảng chừng nửa tiếng tôi đặt câu hỏi: chúng ta có đồ bận thường ngày, nhưng nếu muốn thay đổi toàn diện trang phục thì sẽ làm gì? Để có thí nghiệm, tôi xin một phút, chạy ra phòng vệ sinh thay trang phục. Khi vào tất cả ồ lên. Tôi đặt vấn đề: các bạn chắc sẽ không bao giờ nghĩ tôi sẽ mặc đồ như thế này đứng đây? Nghĩ ra được vấn đề mà người khác không nghĩ ra được đó mới là sáng tạo.
GS Trương Nguyện Thành đang đứng lớp khoá học về phát triển tư duy sáng tạo. Ảnh: TL
Nhưng phương pháp của ông bên cạnh nhiều người đồng tình, cho là phá cách, táo bạo nhưng cũng không ít người phản đối. Với những luồng ý kiến phản đối, thậm chí nặng lời trên mạng xã hội, ông cảm nhận như thế nào?
Tôi cảm thấy cũng bình thường, không phiền cũng như không bị tổn thương. Vì bài học tôi dạy cho sinh viên và họ biết được rồi, coi như thành công. Chỉ tiếc là nhiều người ngoài nhìn vào một vài hình ảnh, chưa hiểu được vấn đề, không hiểu bối cảnh mà đã vội đánh giá. Nhận định của họ sai do không hiểu bối cảnh thì tôi đâu có thời giờ đi giải thích. Tôi không thể nào thay đổi được bạn nghĩ gì về tôi, nhưng tôi có thể thay đổi ở cá nhân tôi và tôi nghĩ gì về tôi. Cho nên tôi không phiền về điều đó. Quyền nghĩ gì là của họ.
Cũng như xem một bức ảnh là 2D về một người cầm cây súng bắn người kia, thì người cầm súng đó là kẻ sát nhân hay là nạn nhân đang tự vệ? Nếu anh không biết bối cảnh trước đó là gì mà chỉ thấy hành động một người cầm cây súng bắn người kia, anh vội kết luận người đó là sát nhân, rồi phán xét đó là kẻ ác thì hơi sớm. Ở trường hợp bức ảnh về tôi, nếu họ suy nghĩ sâu sắc và chín chắn, thế nào họ cũng sẽ đặt câu hỏi: ông giáo sư này làm vậy để làm gì? Nếu để nổi tiếng thì phải xem ổng là ai. Chỉ cần vài ba câu hỏi sẽ nhận ra bức hình đó không nói hết được nội dung cớ sự là gì.
Với những sinh viên ngồi trực tiếp tại buổi giảng, họ có phản ứng gì hay không và sau đó có phản hồi về cách ông làm?
Không, hầu như các em ấy đều hiểu. Thực ra họ còn kéo nhau lên chụp hình và đùa với tôi mang trang phục đó đi đấu giá (cười to).
Vậy phía hội đồng sư phạm nhà trường có phản hồi hay nhắc nhở?
Không. Thực sự thì ban giám hiệu, các thầy cô biết tôi làm hàng ngày mà (cười). Cho nên sự kiện xảy ra trong một ít phút để minh họa cho tiết dạy chứ đâu có phải lúc nào tôi cũng “ít vải” như vậy (cười lớn).
Nhưng với rất nhiều người ngoài kia vẫn bày tỏ quan điểm không ủng hộ thì ông có tiếp tục cách dạy như vậy?
Con người của tôi xưa nay là vậy, khó thay đổi. Nhưng tôi sẽ không bận quần sooc, áo thun như vậy nữa, vì làm như vậy đã không còn sáng tạo nữa. Tôi phải nghĩ cách khác.
Tôi luôn chủ trương phải luôn cho sinh viên có cơ hội đánh thức được nhận thức là các em ấy đang bị rào cản trong tư tưởng. Sinh viên nước ngoài thì đã khai phóng rồi. Sinh viên ở ta thì còn bị rào cản bởi những định kiến xã hội, định kiến cuộc sống, cái gì làm được - không được rồi cả phương pháp của người thầy. Lối mòn đó quen rồi. Nghiên cứu khoa học cũng vậy. Nếu không có gì mới cho khoa học thì không thể công bố, không thể xuất bản được. Ra trường, khởi nghiệp cũng giống vậy. Người ta làm cái ly, anh đi sau cũng làm cái ly y chang thì làm sao cạnh tranh. Phải có gì sáng tạo trong khởi nghiệp mới có tính cạnh tranh…
GS-TS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961; tiến sĩ ngành hóa và tính toán; hai bằng sáng chế quốc tế về công nghệ thông tin; xuất bản 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa và công nghệ thông tin; xuất bản hơn 150 bài báo trình bày tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế. Ảnh: TL |
Luôn xây dựng một người thầy chủ động, phá bỏ những rào cản và lối mòn, cách giảng dạy đó của ông bị thôi thúc bởi điều gì?
Tôi nói thẳng nhiều phương pháp sư phạm ở Việt Nam giảng giống như “tụng kinh”, học trò nghe buồn ngủ không biết ông thầy nói cái gì, trò nghe được gì. Cái quan trọng của sư phạm là truyền đạt ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm. Để đánh giá hiệu quả công việc đó là người học trò đó học được gì, nhớ cái gì và có thể ứng dụng điều gì ở khi anh dạy. Chứ không phải là anh đã nói với nó bao nhiêu giờ? Chiều sâu của lượng kiến thức là gì bởi đó là chuyện của anh, của ông thầy. Còn khi anh dạy, thì tôi đánh giá hiệu quả anh dạy qua người học.
Ở Mỹ tôi là giáo sư giảng dạy 24 năm, 6 năm trợ giảng mới thấy các đại học nổi tiếng, nhà tuyển dụng họ đi tìm học trò của những giáo sư nổi tiếng. Họ biết người học trò đó lĩnh hội được gì từ người thầy, là tầm nhìn, cách truyền đạt, phương pháp nghiên cứu... Cho nên không phải ai cũng dạy giống như nhau. Tôi cho rằng không nên dạy máy móc. Điều đó chán lắm. Mà dạy hoài một lớp tôi cũng chán. Cũng giống như nấu ăn, một món không bao giờ tôi nấu y như vậy, phải tìm gia vị mới, tạo khẩu vị mới. Cũng lớp đó, cũng bao nhiêu kiến thức đó nhưng không bao giờ tôi dạy giống nhau. Có nhiều cách để khơi dậy tính tò mò cũng như sự hấp thụ kiến thức cho sinh viên. Một khi sinh viên có tính tò mò thì não bộ họ mới bắt đầu hấp thụ kiến thức mới. Còn trên này thầy “tụng”, dưới kia trò ngủ thì, như ông bà xưa nói, chỉ có “nước đổ đầu vịt”.
Như ông đề cập ở trên, khi dạy ở nước ngoài điều thuận lợi bản thân các sinh viên đã thấm tinh thần giáo dục khai phóng. Khi về giảng dạy cho sinh viên trong nước, ông có gặp khó khăn trong phương pháp dạy ấy?
Được một cái là Hoa Sen có một chương giảng dạy tổng quát, trong đó có bộ môn giáo dục khai phóng. Ở chương trình năm nhất đã giúp sinh viên khai phóng cách học, cách suy nghĩ vấn đề, phân tích công việc. Đó là cái tôi thấy lợi thế.
Thực sự sinh viên Hoa Sen gần đây có trình độ tiếng Anh cũng như khả năng hấp thụ tốt hơn nhiều. Khi về nước tôi đánh giá ở đây có cơ hội rất tốt để đưa những phương pháp giáo dục mới, kể cả giáo dục khai phóng giúp các em mở mang trí tuệ, nhìn sự việc đa chiều hơn. Trong tiêu chí đào tạo tôi muốn sinh viên không phải học chỉ để ra kiếm công việc làm mà học để phát triển trí sáng tạo, rồi ra khởi nghiệp, tạo công ăn việ làm cho mình và cho người khác nữa.
Nếu làm được như vậy thì hiệu quả giáo dục lên xã hội tốt hơn nhiều.
Bản thân trong quá trình tìm tòi xác lập vị thế người thầy chủ động, tung tẩy với những thí nghiệm táo bạo, ông có bao giờ tự đề phòng bằng cách đặt ra những ranh giới an toàn, giữ chuẩn mực người thầy?
Trong không gian lớp, khoảng thời gian với những phút thí nghiệm sáng tạo thì chỉ có giới hạn ở đó là luật pháp. Còn ngoài ra những giới hạn về định kiến xã hội tôi nghĩ nên cởi bỏ. Đương nhiên tôi đâu bận những đồ đó ra đường (cười). Tôi vẫn vào lớp với bộ đồ lịch thiệp, thực nghiệm xong tôi lại ăn bận bình thường. Cho nên định kiến xã hội áp dụng ở ngoài còn trong không gian này học viên hiểu tôi đang thị phạm, làm thí nghiệm về sáng tạo và tôi đang làm những điều luật pháp cho phép.
"Cái quan trọng của một người thầy không phải là dạy được bao nhiêu kiến thức mà là làm sao kích thích được người học trò học được bao nhiêu kiến thức, từ đó ứng dụng được bao nhiêu kiến thức đó." |
Đương nhiên, tôi vẫn suy nghĩ đến vấn đề đừng vượt ra ngoài giới hạn kiểm soát. Bận cái áo thun, quần sooc nhiều người nói sốc, dị hợm nhưng đâu có vi phạm thuần phong mỹ tục, nó cũng che hết tất cả những nơi nhạy cảm của con người, đâu xúc xúc phạm nhân phẩm ai.
Như tôi nói ở trên, nhiều người chỉ nhìn tấm hình đó và luận ra là ông thầy này đang khuyến khích các giáo viên đứng bục giảng bận đồ như vậy mà thực ra đâu phải. Thí nghiệm đó người ngồi nghe và thấy họ nhận thức rằng, vì những rào cản định kiến nên họ không nghĩ tới tôi có thể xuất hiện như vậy.
Khi bắt tay thực hiện những phương pháp táo bạo đó bản thân ông có lường trước được những khó khăn, phản đối?
Cái tôi đánh giá cao và đeo đuổi là hiệu quả trong truyền đạt ý tưởng, kích thích sự sáng tạo người học.
Những thí nghiệm, thị phạm như vậy khá phổ biến ở nước ngoài. Hiện Việt Nam cũng đã hội nhập sâu với thế giới. Ông có nghĩ những phương pháp, cách tung tẩy khi đứng lớp như vậy rồi đây sẽ được đón nhận hơn?
Trên mạng gần đây thôi có đưa tin về một giáo viên đã vẽ lên cơ thể cô ấy những mạch máu và giảng dạy một cách trực quan cho học trò. Điều đó ấn tượng không? Cá nhân tôi cho là có. Nhưng giảng viên mình có dám làm không? Tôi cho là không. Cho nên tùy khả năng, sự cảm nhận của mỗi người và họ chấp nhận được phương pháp đó hay không. Không ai ràng buộc họ làm hay không được làm. Cho nên với những phương pháp dạy mới, tôi khuyến khích giảng viên tìm hiểu và thay đổi tùy theo phong cách cá nhân. Tôi không áp đặt hay bắt buộc.
Là người đang tích cực theo đuổi cách dạy mới, từ kinh nghiệm cá nhân ông sẽ có gửi gắm gì cho những người cũng đang mong muốn cách làm này?
Họ cần nhận định việc truyền đạt kiến thức thì đánh giá bằng việc học trò sẽ hiểu được bao nhiêu, ứng dụng được bao nhiêu chứ không phải là mình dạy được bao nhiêu. Đó là điều quan trọn nhất. Lúc bấy giờ, người giảng viên sẽ đi tìm những phương pháp khác nhau để thí nghiệm giúp người học có khả năng hấp thụ nhanh nhất và sử dụng kiến thức đó tốt nhất.
Trọng Văn thực hiện