Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Sáng 27.4, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với chính quyền Vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp) tổ chức Lễ khởi công dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài.
Tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài nằm trong khuôn khổ hợp tác của dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France đã được thực hiện từ năm 2007.
Tiếp nối thành công này, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đề nghị chính quyền Vùng Ile-de-France giúp đỡ thực hiện một dự án trùng tu một biệt thự cổ thời Pháp theo đúng các nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án khác tương tự đối với các công trình thời Pháp trên địa bàn Hà Nội.
Chủ trương này đã được lãnh đạo hai địa phương thống nhất đưa vào nội dung các Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2022-2025.
Chủ đầu tư cho biết, với mục tiêu bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp đảm bảo an toàn và giữ gìn, phát huy giá trị kiến trúc của nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài, dự án sẽ phục hồi công trình trên nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc; sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại đảm bảo không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc và phát huy giá trị của công trình.
Đồng thời, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cam kết sẽ quản lý, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy trình, quy định; tổ chức giám sát, theo dõi thi công bảo đảm việc thi công đúng tiến độ, an toàn, chất lượng và hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt.
“Dự kiến sau khi hoàn thành công việc bảo tồn, sửa chữa và chống xuống cấp, biệt thự 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. Định hướng khai thác công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng là minh chứng rõ nét cho một chiến lược đồng bộ bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tố di sản đô thị,” Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.
Khởi công dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ. Với chức năng mới này, công trình sẽ trở thành một điểm đến văn hóa mới của quận Hoàn Kiếm nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung.
Những người yêu di sản của Hà Nội khi đến đây sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp-Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.
Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành bảo tồn cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới và là địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Pháp.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thông qua dự án này, thành phố Hà Nội mong muốn chia sẻ về phương thức thực hiện trùng tu biệt thự, từ hình dáng, vật liệu đến cảnh quan nhưng phù hợp với chức năng sử dụng mới, với cuộc sống hiện đại. Bảo tồn, trùng tu di sản không chỉ dưới góc độ kỹ thuật mà còn được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, kinh tế.
Sau khi bảo tồn, trùng tu các biệt thự, người dân hay các tổ chức có thể khai thác, phát huy các giá trị ấy. Hoạt động kinh tế tốt sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì thường xuyên và hiệu quả.
Chính vì vậy, thành phố Hà Nội muốn thông qua dự án bảo tồn, trùng tu biệt thự 46 Hàng Bài-49 Trần Hưng Đạo để cộng đồng nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của những ngôi biệt thự Pháp.
Thành phố Hà Nội là một di sản đô thị, với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ, khu phố Pháp, khu vực ngoài đê sông Hồng. Khu phố Pháp có một vị trí chiến lược trong thành phố Hà Nội bởi đó là không gian kết nối giữa nhiều khu khác nhau với những nét đặc trưng riêng.
Cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét duyên dáng rất riêng cho khu phố Pháp ở Hà Nội.
Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ 20 đã khéo léo kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo, từ đó tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Á có được.
Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, Hà Nội có nhiều chuyển biến quan trọng do tác động của tăng trưởng kinh tế. Sự thay đổi sâu sắc diện mạo đô thị thể hiện rõ trong cảnh quan, đặc biệt đối với khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm.
Đi kèm theo đó là những áp lực ngày càng gia tăng đối với quỹ di sản kiến trúc, đô thị trước nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực nội đô.
Chính quyền thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến việc kiểm soát phát triển đối với khu vực này và áp dụng các biện pháp bảo tồn di sản. Năm 2015, UBND thành phố Hà Nội ban hành một quyết định riêng về quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ.
Linh Khánh