Điều nhận ra rõ nhất ở phiên chất vấn kỳ họp này là thái độ nhìn thẳng vào sự thật, không ngần ngại đối diện với những vấn đề nóng bỏng nhất, nhiều thách thức nhất mà cuộc sống đang đặt ra. Ảnh minh họa: quochoi.vn
Trong khi chờ đợi một chuyển biến chính trị căn cơ hơn về vai trò thực chất của cơ quan lập pháp, thông qua các kênh truyền thông, cử tri và người dân đã được chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14 diễn ra từ 20.10 đến 23.11.2016.
Hai ngày rưỡi dành cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tuy không nhiều nhưng đã mang lại cho người hỏi, người trả lời và cả người theo dõi qua truyền hình trực tiếp những cảm xúc không thể nói là nhàm chán như từng có trước đó (do ít đại biểu dám hỏi các vấn đề gai góc). Hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi – trong đó có 20 câu hỏi chất vấn Thủ tướng, 35 lượt đại biểu đặt câu hỏi tranh luận với người trả lời chất vấn. Các con số đó thực sự đã khuấy động không khí của kỳ họp.
Điều nhận ra rõ nhất ở phiên chất vấn kỳ họp này là thái độ nhìn thẳng vào sự thật, không ngần ngại đối diện với những vấn đề nóng bỏng nhất, nhiều thách thức nhất mà cuộc sống đang đặt ra. Mặc dù đã được báo chí phản ánh nhiều trước khi Quốc hội họp, nhưng tại kỳ họp, các đại biểu vẫn đề cập rất gay gắt việc Bộ Công Thương bổ nhiệm sai một cán bộ không đủ tiêu chuẩn là ông Trịnh Xuân Thanh, dẫn tới việc điều động và bổ nhiệm sai sau đó đối với ông này tại tỉnh Hậu Giang. Nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng việc xử lý cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là chưa đúng mức so với hậu quả nghiêm trọng mà ông này gây ra cho đạo đức xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của Nhà nước.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đã “truy đến cùng” Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, rằng việc làm hồ sơ tặng Huân chương Lao động cho Trịnh Xuân Thanh và danh hiệu Anh hùng Lao động cho đơn vị của Trịnh Xuân Thanh là một căn cứ cho việc điều động và bổ nhiệm nhân sự này ở Bộ Công Thương và sau đó ở tỉnh Hậu Giang, đã được cơ quan có thẩm quyền khẳng định là sai trái. Vậy Bộ Nội Vụ có trách nhiệm ra sao? Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng không ngần ngại nhận xét trách nhiệm quản lý ngành còn nhiều sơ hở và thụ động khiến nhiều địa phương lợi dụng cụm từ “đúng quy trình” làm “bà đỡ” cho việc bổ nhiệm người nhà lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện vào các vị trí lãnh đạo tại địa phương. Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân đã phải thừa nhận đó là biểu hiện đáng lo ngại, phải nhanh chóng ngăn chặn bằng quy định cụ thể. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cùng một số đại biểu khác thì truy đến cùng
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về nguyên nhân gây thua lỗ của 5 dự án nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý. Các đại biểu nhận định, biến động kinh tế thế giới không thể là nguyên nhân chính gây thua lỗ lớn đến vậy, nếu như không có các yếu tố thiếu tinh thần trách nhiệm và lợi ích nhóm.
Một điểm đáng chú ý trong phiên chất vấn ở kỳ họp này là các đại biểu Quốc hội không dễ dàng bằng lòng với câu trả lời của người được chất vấn. Câu hỏi rất thẳng của Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): “Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư? Có hay không việc bất chấp lo lắng của người dân, bất chấp sự cảnh báo của các chuyên gia? Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm khi phê duyệt dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Tôn Hoa Sen tại Ninh Thuận đã buộc Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phải đưa ra câu trả lời nặng trĩu trách nhiệm cá nhân: “Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm”. Vậy mà các đại biểu vẫn chưa dừng sự truy vấn về dự án này ở đó. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dồn thêm một câu hỏi “cân não”: “Nếu sau này dự án có hệ lụy, Bộ trưởng có dám cam kết trước Quốc hội rằng sẽ từ chức không?”.
Mặc dù không còn thời gian để trả lời, nhưng trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã khẳng định trước Quốc hội, rằng “dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Tôn Hoa Sen chưa phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt, mà đang trong quá trình xem xét. Dù rất cần thép cho các ngành công nghiệp nhưng chúng ta dứt khoát không đánh đổi môi trường và muối của Cà Ná để lấy thép. Không chỉ với dự án thép Cà Ná, với tất cả các dự án thép khác tới đây các bộ ngành sẽ phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư về công nghệ vận hành, công nghệ xử lý rác thải, bảo vệ môi trường theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường được điều chỉnh chặt chẽ và các bài học rút ra từ dự án Formosa”.
Câu trả lời bị buộc phải cụ thể của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (và các bộ trưởng được chất vấn) rõ ràng là một cơ sở để các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm nhiệm vụ giám sát một cách có kiến thức, có kỹ năng và có trách nhiệm trong suốt nhiệm kỳ, nếu họ thực sự muốn. Và đó cũng có thể xem như sự hé mở về một Quốc hội mong muốn và biết hành động vì trách nhiệm trước cử tri của mình.
Thanh Nguyễn