Hôm nay (10.11), tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Bruce Li, Phó Chủ tịch kinh doanh năng lượng số châu Á - Thái Bình Dương của Huawei Digital Power đã chia sẻ các giải pháp năng lượng số, hướng đến chủ trương giảm mức phát thải khí cacbon của Việt Nam cùng với xu hướng chung trên toàn thế giới.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về 'Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021' do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến từ 9.11 đến 6.12.2021, với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong kỷ nguyên số”.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình Hiện đại hoá, công nghiệp hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng từ nguồn năng lượng bền vững, năng lượng xanh giúp giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon và những sáng kiến, ứng dụng công nghệ thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới trong tất cả các ngành công nghiệp và đời sống.
Biến đổi khí hậu cùng với những hệ quả đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Khí thải carbon là nguyên nhân chính cho sự nóng dần lên của Trái Đất, gây ra các đợt hạn hán, bão lũ và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sự sống của hàng tỷ người trên Trái Đất. Do đó, các biện pháp giảm phát thải nhà kính mạnh mẽ là yếu tốt then chốt để ngăn chặn biển đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”; theo đó, tỷ lệ điện năng mặt trời chiếm khoảng 5,4-5,9% vào năm 2030, năm 2045 tăng lên đạt tỷ lệ 8,4%.
Đối với điện gió trên bờ và gần bờ, năm 2030, tỷ lệ điện năng gió trên bờ và gần bờ chiếm khoảng 6,5%; về điện gió ngoài khơi, đạt khoảng 2.000 MW hoặc có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi vào năm 2030; đối với điện từ chất thải rắn, sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến năm 2030, điện năng sản xuất từ các nguồn này đạt khoảng 0,9-1%, tăng lên 2,2-2,5% vào năm 2045.
Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh). Chuyển đổi sang nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng phát thải carbon và hướng đến một tương lai phát triển bền vững là yêu tố tiên quyết để nhân loại tồn tại và phát triển.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Chìa khoá đạt được mục tiêu trung hoà carbon đó chính là xây dựng các hệ thống nguồn năng lượng dựa trên các nguồn năng lượng sạch và năng lượng mới.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bruce Li, Phó Chủ tịch kinh doanh năng lượng số châu Á - Thái Bình Dương của Huawei Digital Power, cho biết: “ Lĩnh vực năng lượng số (Digital Power) chính là mảng xương sống trong tương lai của ngành năng lượng. Đó chính là việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất hướng đến nguồn năng lượng xanh và sạch hơn. Ứng dụng những công nghệ trong lĩnh vực ICT, điện tử công suất tích hợp đưa vào tất cả các ngành công nghiệp, các lĩnh vực trong cuộc sống, đơn cử như ngành năng lượng mặt trời, giao thông thông minh, xe điện và hạ tầng cho xe điện.”
Huawei đã sớm đầu tư vào chiến lược phát triển năng lượng số, bao gồm phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy việc chuyển đổi số các nguồn năng lượng truyền thống, kết hợp công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý năng lượng, tăng cường chia sẻ dữ liệu về năng lượng để tạo ra một tương lai tốt đẹp và xanh hơn. Huawei tập trung đưa ra các sản phẩm giải pháp công nghệ đóng vai trò then chốt nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm thiểu carbon trên toàn cầu. Ngành ICT sẽ giúp các lĩnh vực khác cắt giảm lượng khí thải carbon gấp 10 lần so với mức phát thải của chính ngành ICT. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2030, công nghệ kỹ thuật số có thể sẽ giúp giảm 15% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Trung hoà carbon là mục tiêu chung của toàn cầu, Huawei luôn nỗ lực trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon trong sản xuất và vận hành. Năm 2016, Huawei đạt được mức giảm 33,2% lượng khí thải carbon so với doanh thu. Mục tiêu mới cho năm 2025 là sẽ giảm thêm 16% lượng khí thải carbon tính theo doanh thu và tăng hiệu quả năng lượng của các sản phẩm lên 2,7 lần.
Ông Lê Nho Thông, Phó Giám đốc kinh doanh Công nghệ năng lượng số của Huawei Việt Nam.
“Chúng tôi luôn dành ưu tiên hàng đầu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, với ngân sách hàng năm lên tới 10-15% doanh thu của tập đoàn. Huawei Digital Power mong muốn thúc đẩy ngành năng lượng trong lĩnh vực phát điện như điện mặt trời, điện gió; hỗ trợ cho hạ tầng giao thông thông minh, giao thông xanh; viễn thông và công nghệ thông tin, trạm phát sóng; và data center.
Chúng tôi không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra các giải pháp công nghệ tích hợp điện tử công suất và kỹ thuật số để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng cho một tương lai xanh hơn, tốt đẹp hơn. Huawei cam kết hợp tác với tất cả những đối tác có cùng tầm nhìn và hướng tới mục tiêu một thế giới trung hoà carbon.”, ông Lê Nho Thông, Phó Giám đốc kinh doanh công nghệ năng lượng số của Huawei Việt Nam, chia sẻ tại phiên thảo luận của Hội thảo.
Trên thế giới, các giải pháp trạm carbon thấp của Huawei đã được áp dụng tại hơn 100 quốc gia, bao gồm Arab Saudi, Hy Lạp, Pakistan và Thụy Sĩ, giúp các nhà mạng giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 40 triệu tấn. Để thúc đẩy năng lượng tái tạo, Huawei đã triển khai các giải pháp năng lượng số tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ 1/3 dân số thế giới. Tính đến tháng 6.2021, các giải pháp này đã tạo ra 403 tỷ kWh điện từ các nguồn tái tạo, và tiết kiệm tổng cộng 12.4 tỷ kWh điện. Những nỗ lực này đã giúp giảm 200 triệu tấn khí thải CO2.
Với tư cách là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, phát triển và đưa ra những sản phẩm tiên tiến phục vụ cho các ngành công nghiệp, Huawei cam kết thúc đẩy các giải pháp năng lượng số tại Việt Nam nhằm tối ưu hóa mạng lưới điện, giảm thải và nâng cao hiệu suất. Huawei sẽ sát cánh cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đối với thế giới, đồng thời đem lại sự thịnh vượng, nâng cao chất lượng sống cho người dân Việt Nam.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian qua, phát triển năng lượng nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; sản xuất và tiêu thụ năng lượng đã gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.
Tổng cung năng lượng sơ cấp năm 2019 đạt 96,228 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng trung bình khoảng 9% năm; tỷ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng ở mức 22,9% vào năm 2015 tăng lên 26,8% vào năm 2019; tiêu thụ năng lượng trên đầu người từ 577,5 kg dầu quy đổi (KgOE) vào năm 2015 tăng lên 688,2 kg dầu quy đổi (KgOE) vào năm 2019.
Tuy nhiên, kèm theo sự gia tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, tổng phát thải khí CO2 cũng gia tăng nhanh chóng, phát thải khí CO2 bình quân đầu người hàng năm ở mức 1,96 tấn năm 2015 đã tăng lên 2,95 tấn vào năm 2019; phát thải năng lượng trên USD GDP tăng từ 1,4 kg dầu quy đổi (KgOE) năm 2015 lên 1,8 kg dầu quy đổi (KgOE) năm 2019.
Các phân tích, đánh giá hiện nay cho thấy nước ta còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hoá thạch. Ngoài ra, mô hình phát triển năng lượng với cơ cấu các nguồn năng lượng truyền thống, hoá thạch chiếm tỷ lệ cao đã và đang gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường và việc sử dụng năng lượng ở nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Nhận diện được những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế của ngành năng lượng nước ta trong thời gian qua và những xu thế mới về năng lượng, những thành tựu mới khoa học - công nghệ trên thế giới hiện nay, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11.2.2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, nêu rõ quan điểm định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch” trong bối cảnh đất nước đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với những thành tựu về khoa học - công nghệ mới...
Tr.Văn