Lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Chưa đánh giá hết tác động nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt

 10:37 | Thứ sáu, 30/08/2019  0
Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.870 ha đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ này đồng thời cũng đề nghị cần nghiên cứu tiếp các tác động dự án đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, đến xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh dự án.  

LTS: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhìn nhận nhiều loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác cạn kiệt,… trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu là cần “quy định tiêu chí môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển. Điều chỉnh cơ chế chấp thuận, quy trình, hình thức đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế”.

Từ kết luận này, soi rọi vào Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của TP.HCM, Người Đô Thị nhận thấy có rất nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, cho dù dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.    

Ra đời cách đây hơn 17 năm, dự án lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) ngay từ đầu đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên gia do nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Từ quy mô ban đầu là 821 ha, trong đó có 600 ha lấn biển (15,5 ha biển đã được san lấp bỏ hoang nhiều năm), hiện nay dự án đã được mở rộng thành 2.870 ha với tên mới là Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, do công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ (một công ty con trong chuỗi các công ty kinh doanh bất động sản của công ty cổ phần Vinhomes, thuộc tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư.

Tại hội thảo khoa học "40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM, thành quả và kinh nghiệm" - tháng 12.2018, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu cần nghiên cứu kỹ dự án lấn biển Cần Giờ, "Nếu chúng ta quyết định sai, 5-10 năm có thể chưa thấy gì, nhưng sau này có thể tàn phá khủng khiếp và con cháu sẽ lên án chúng ta", ông Nhân nói.

Thế nhưng, giữa tháng 5.2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biến Cần Giờ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Hàng loạt nguy cơ môi trường, chưa đánh giá hết tác động

Sau con đường Rừng Sác mở rộng xé đôi Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ gây nhiều tranh cãi, Dự án lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, đang vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên môn do lo ngại những nguy cơ tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

GS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng viện Quản lý khoa học công nghệ và quản lý môi trường từng lo ngại, từ xưa đến nay độ mặn của khu vực rừng ngập mặn đã ổn định, việc xây bờ kè trong dự án dẫn luồng chảy sông ra xa thì độ mặn hoàn toàn có thể sẽ giảm xuống; và chỉ cần có sự thay đổi ở mức 2% độ mặn là rừng ngập mặn sẽ chết.

Văn bản Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ vào tháng 6.2018 ý kiến: “hệ sinh thái sinh ngập mặn Cần Giờ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường nguồn nước của hệ thống sông rạch kết nối Biển Đông. Tuy khu vực dự án không nằm trong ranh giới Rừng phòng hộ Cần Giờ, nhưng việc ô nhiễm môi trường (đặc biệt là nguồn nước) phát sinh trong quá trình thực hiện dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các hệ động – thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ vốn có tính nhạy cảm rất cao với các tác nhân thay đổi môi trường”.

Vị trí Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trên bản đồ


Còn ý kiến của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM: “khu vực nghiên cứu nằm ở cửa biển có nhiều tuyến giao thông thủy, hàng hải quan trọng của TP.HCM và khu vực lân cận, đặc biệt công trình lấn biển có thể ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên làm thay đổi dòng chảy”.

Trao đổi với Người Đô Thị về dự án, kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP.HCM nhận định: vùng lấn biển và các cửa sông khác trong vùng hiện nay là vùng bồi lấp, nên khi lấn biển xây khu đô thị chắn ngang sẽ gây hiện tượng đưa phù sa tới các cửa sông/biển khác, khiến các cửa sông/biển này bị bồi lắng, nhất là sông Soài Rạp – Thị Vải, nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông sông vận tải phía Nam là rất lớn.

Còn đánh giá tác động môi trường của việc lấn biển trong nghiên cứu tiền khả thi nhận định: “sự thay đổi địa hình bãi Cần Giờ làm vùng ngập triều mở rộng ra phía biển sẽ làm vùng bãi triều bị thu hẹp và độ ngập trên bãi tăng lên, thời gian ngập kéo dài cũng như thay đổi sự truyền sóng đến công trình và tốc độ dòng chảy - kéo theo sự bồi lắng hoặc xói mòn bãi biển. Việc xây dựng công trình sẽ làm cho dòng chảy, sóng gió tăng lên và dự báo một số khu vực có tốc độ xói tăng cao”...

Trong Hồ sơ tài liệu về Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ mà chúng tôi đã tiếp cận được cho thấy, các văn bản quyết định, chỉ thị của Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM đều tập trung vào yêu cầu cốt lõi: đảm bảo yêu cầu bảo tồn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, sa bồi làm ảnh hưởng địa hình lòng sông, không gây xói lở ven bờ và không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, hàng hải qua khu vực này kết nối với các cảng thành phố.

Đồng thời yêu cầu cần làm rõ tác động của từng quy mô dự án có ảnh hưởng đến độ mặn của nước, trước hết là khu vực nước rừng sinh thái ngập mặn, hạn chế tối đa đến toàn bộ hệ sinh thái của khu vực này,…

Vội vàng phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường 

Tuy nhiên, Quyết định số 220/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ký ngày 28.1.2019, phê duyệt nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha lại cho thấy: những yêu cầu cốt lõi trên vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Dù phê duyệt, nhưng Quyết định 220/QĐ-BTNMT còn “đính” thêm tới 15 điều kiện kèm theo, trong đó có nhiều điều kiện là "tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động"!  

Điển hình nhất là điều kiện mục 3.1 của Quyết định: “tiếp tục nghiên cứu các giai đoạn tiếp theo tác động của việc thực hiện dự án đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đến xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh dự án và có biện pháp giảm thiểu thích đáng các tác động tiêu cực của dự án”.

TS. Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái miền Nam đánh giá, điều kiện 3.1 này chứng tỏ chủ đầu tư đã chưa đánh giá được hết tác động của dự án tới Khu dự trự sinh quyển Cần Giờ, đến xói lở, bồi tụ và dòng chảy khu vực xung quanh dự án, cũng như chưa hề tìm được những giải pháp giảm thiểu thích đáng. Về mặt chuyên môn, đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà đánh giá tác động môi trường cần phải thực hiện được.

Hay tại mục 3.6 của Quyết định phê duyệt: “trường hợp xảy ra sự cố, gây tác động lớn đến hệ sinh thái và môi trường phải dừng ngay các hoạt động của dự án để khắc phục, điều chỉnh biện pháp bảo vệ môi trường”, TS. Long cho rằng đây là một điều kiện “không thể chấp nhận được”.  Lý do, một Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải dự báo được những điều có thể xảy ra và không xảy ra, đồng thời, phải đưa ra được những giải pháp giảm thiểu tác động thích đáng.

Dự án Khu đô thị biển Cần Giờ 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha; nằm trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM; khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng lõi là 18 km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trự sinh quyển Cần Giờ.

Tổng trữ lượng cát san lấp cần cho dự án là: 137,6 triệu m3. Quy mô dân số dự án là 228.000 người, với 8.887 triệu lượt khách du lịch/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 217.053,967 tỷ đồng (trong đó chủ đầu tư góp 15% tổng vốn đầu tư). Dự kiến dự án được thực hiện kéo dài 11 năm, kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Ảnh: Lê Quân


Phân tích với Người Đô Thị, một chuyên gia về đánh giá tác động môi trường với kinh nghiệm lâu năm trong quản lý môi trường cho biết: về bản chất, đánh giá tác động môi trường là đánh giá sự tác động qua lại, dự án sẽ có ảnh hưởng đến môi trường như thế nào, và ngược lại, môi trường sẽ ảnh hưởng đến dự án ra sao, chứ không phải chỉ đánh giá những ảnh hưởng một chiều. Có những vấn đề chưa từng xảy ra, nhà khoa học phải dùng kiến thức, kinh nghiệm để nhìn thấy trước được những ảnh hưởng, tác động đó; từ đó đưa ra được những biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tối đa, hoặc tránh không gây ảnh hưởng, xét ở mọi lĩnh vực góc độ, kể cả tính toán về hiệu quả kinh tế.

Trong trường hợp những giải pháp đưa ra vẫn không giải quyết được, thiếu khả thi thì dự án phải dừng lại, không được thông qua. Vì vậy, việc Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ chưa đánh giá xong hết các tác động mà vẫn được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt với điều kiện “cần tiếp tục đánh giá” là "ngược đời".

Bình luận về những điều kiện kèm theo trong Quyết định 220/QĐ-BTNMT, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh, đây là một Quyết định phê duyệt vội vàng, không thỏa đáng và còn nhiều vấn đề mập mờ, khi những vấn đề rất lớn về môi trường vẫn chưa giải quyết được thì lại bị biến thành điều kiện kèm theo, “cần tiếp tục nghiên cứu”. Những điều kiện kèm theo trong Quyết định này cũng cho thấy việc thành lập Hội đồng khoa học thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường là vô nghĩa. Bởi ý nghĩa của việc thành lập Hội đồng là để xem xét Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được đánh giá đầy đủ chưa, đồng thời đánh giá dự án này có thể triển khai được hay không.

Nhiều chuyên gia đã cho rằng, chỉ riêng điều kiện 3.1 nói trên đã đáng để Bộ Tài nguyên và Môi trường phải quyết định cho làm lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá lại toàn bộ tính khả thi của dự án.

Tìm hiểu của chúng tôi cũng cho thấy, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập vào ngày 12.10.2018, với 21 thành viên, đã có nhiều ý kiến thành viên trong hội đồng nhận xét: Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án chưa thấy rõ và cần bổ sung những tác động của dự án đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cũng như tác động đến xói lở, bồi tụ khu vực dự án, kể cả khu vực Gò Công, Vũng Tàu. Những giải pháp giảm thiểu các tác động này cũng cần được cụ thể làm rõ.  

Theo văn bản cuộc họp Hội đồng ngày 12.10.2018, ông Ngô Văn Quý, đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã không đồng ý thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường vì những lý do trên. Tương tự, ông Trần Phong, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam cũng đã đề nghị chưa thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, không chỉ do những vấn đề trên mà còn do “các đánh giá tác động môi trường được nêu trong báo cáo là khá đơn giản, sơ sài, chưa thể hiện và gắn liền với các đặc thù của dự án. Vì vậy, các biện pháp giảm thiểu như đề xuất trong báo cáo cũng chưa đảm bảo hạn chế một cách triệt để các tác động ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội của khu vực/vùng”.

Mặt dù sau đó, nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung 2 lần theo công văn số 925 ngày 17.12.2018 và văn bản ngày 7.1.2019 của công ty Cổ phẩn đô thị du lịch Cần Giờ, chủ đầu tư dự án.

Quyết định mâu thuẫn

Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2017 về Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ mở rộng 2.870 ha, do tổng vốn đầu tư dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ lớn hơn 5.000 tỷ đồng (217.053,967 tỷ đồng), và có hạng mục xây dựng và kinh doanh sân golf, nên theo quy định, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc Thủ Tướng Chính phủ.

Ngày 23.3.2019, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký văn bản số 1049/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền (trong trường hợp này là Thủ tướng Chính phủ) quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Đến ngày 16.5.2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biến Cần Giờ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh Dự án Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều điều kiện kèm theo trong Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chúng tôi đã nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đồng thời đưa ra điều kiện (mục 3.2): “chỉ được tiến hành triển khai dự án khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư”. 

Bình luận về điều này, nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một quyết định nhiều mâu thuẫn. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giúp việc, tham mưu cho Thủ tướng về chuyên môn. Thủ tướng chỉ đồng ý hay không về chủ trương, còn Bộ có trách nhiệm thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường có đủ giá trị khoa học hay không, đặc biệt về nguyên tắc trong các vấn đề về môi trường. Trong trường hợp còn lưỡng lự, trong vai trò là một cơ quan quản lý Nhà nước, tham mưu cho Chính phủ thì Bộ không nên trình Thủ tướng xem xét.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần được thực hiện độc lập, thay vì giao chủ đầu tư

Thực tế cho thấy, lâu nay nhà đầu tư làm quy hoạch dự án, và nhà đầu tư đứng ra thuê làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường để hợp thức hóa quy hoạch; dựa trên đó, dự án được phê duyệt. Nhưng với một dự án quy mô khổng lồ, 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha, có thời gian triển khai kéo dài tới 11 năm ở vùng biển thuộc khu vực nhạy cảm như Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, thì việc đánh giá tác động môi trường cần thực sự chặt chẽ, thấu đáo, dù nó mang tính là công cụ dự báo.

Không chỉ kèm theo hàng loạt điều kiện quan trọng cần nghiên cứu tiếp, mà theo Quyết định phê duyệt dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi; vì vậy, một số hạng mục, biện pháp bảo vệ môi trường chưa thật chi tiết, cụ thể, chưa đủ thông tin đánh giá tác động môi trường sân golf, các khu vui chơi, cảng tàu du lịch quốc tế, khu nhà ga và đường sắt đô thị,…

Trao đổi với Người Đô Thị, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, việc đánh giá không đầy đủ, hay hẹn lại đánh giá tiếp (như Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 220/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường) là không đúng; làm rồi sửa rất khó và tốn kém vô cùng.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với cơ chế đặc thù của TP.HCM hiện nay, thành phố nên chủ động thay đổi, không nên giao Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ đầu tư thực hiện. Thay vào đó, nên áp dụng theo cách làm quốc tế: trong số các chi phí thủ tục để xin phê duyệt dự án, cần phải bao gồm khoản chi phí cần thiết đánh giá tác động môi trường - mà chủ đầu tư cần phải nộp cho thành phố.

Thành phố sẽ dùng kinh phí này để thuê một đơn vị chuyên nghiệp độc lập đánh giá tác động môi trường, tác động đến việc phát sinh cần thiết phải nâng cấp hạ tầng phục vụ cho dự án (bao gồm việc cải thiện giao thông, chống ngập, cấp điện nước,… và các xử lý tác động môi trường khác), làm cơ sở khoa học cho thành phố xem xét dự án có khả thi hay không. Sau đó là cần tính đến việc thương lượng về tỷ lệ trách nhiệm đóng góp của nhà đầu tư, như là một điều kiện được phê duyệt dự án – trong trường hợp dự án khả thi.

“Cơ chế” đánh giá tác động môi trường này, không chỉ áp dụng với Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ mà hoàn toàn có thể áp dụng cho những dự án lớn của thành phố hiện nay. 

Lê Quỳnh 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.