Lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường trên toàn quốc

 21:03 | Thứ hai, 17/02/2020  0
Phạm vi quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm vùng đất, vùng nước (bao gồm cả vùng biển), vùng trời, khoảng không, lòng đất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 259/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm vùng đất, vùng nước (bao gồm cả vùng nước biển), vùng trời, khoảng không, lòng đất.

Theo yêu cầu của Chính phủ, quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia phải đáp ứng việc xây dựng nội dung về phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường; xây dựng quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo.

Việc lập quy hoạch cũng hướng tới việc xây dựng nội dung về bố trí mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, bao gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc môi trường đất, nước, không khí trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường.

Công tác quan trắc môi trường được thực hiện đối với các thành phần môi trường khác nhau, bao gồm: nước, không khí, đất, trầm tích, tiếng ồn,...

Hà Nsẽ hoàn thiện 81 trạm quan trắc không khí trong quý 1. Nguồn: Vietnam+

Đối với từng thành phần môi trường khác nhau thì mục đích, yêu cầu và việc thực hiện quan trắc có sự khác nhau, mang tính đặc thù riêng. Do đó, để xây dựng được quy hoạch tổng thể cần thiết phải xây dựng được các quy hoạch quan trắc riêng đối với từng thành phần môi trường.

Mặt khác, quy định cũng định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường. Trong đó, định hướng phát triển các phòng thí nghiệm, rà soát, đánh giá năng lực các phòng thí nghiệm tham gia công tác quan trắc môi trường; tăng cường năng lực của các phòng thí nghiệm đối với hoạt động kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng...

Đặc biệt là xây dựng định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường.

Việc lựa chọn danh mục các dự án quan trắc môi trường quốc gia cần ưu tiên thực hiện tập trung vào các lĩnh vực: Triển khai các chương trình quan trắc tổng thể theo quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư bổ sung một số trạm quan trắc tự động tại các khu vực ưu tiên cao theo quy hoạch; tăng cường năng lực quan trắc môi trường cho các trạm quan trắc môi trường quốc gia và địa phương…

Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Kinh phí lập quy hoạch sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Hùng Võ

Nguồn Vietnam+
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.