Lên non thăm miền tiên giới

 16:12 | Thứ năm, 08/09/2016  0

Trong số 57 hang động mới khám phá vừa được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) công bố tại Quảng Bình vào tháng 6 qua, hang Tiên, hang Rục, hang Gió... thuộc vùng núi rừng giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa (cách Phong Nha gần hai giờ xe chạy trên lộ trình ngót nghét trăm cây số) là chuỗi hang động mới nhất trong danh sách hơn 300 hang động dày đặc của hệ thống núi đá vôi Quảng Bình. Điều hấp dẫn là chuỗi hang này vừa được đưa vào khai thác phục vụ du lịch thám hiểm từ tháng 7.2016.

Từ Phong Nha, tôi theo nhóm những người bạn tham gia chuyến “Chinh phục hang Tiên” thẳng tiến về Minh Hóa. Phương - chàng trai Quảng Bình làm nhiệm vụ dẫn đường chia sẻ những kỹ năng luồn rừng cho hành trình sắp đối mặt, cùng thông tin thú vị về hệ thống hang Tiên. Cùng với Tú Làn, hang Tiên được các nhà thám hiểm BCRA đặt chân đến từ 1994, nhưng những bí ẩn của hệ thống hang động kỳ vĩ này vẫn chưa được khám phá hết.

Vẻ đẹp cảnh quan là nét hấp dẫn hàng đầu của du lịch khám phá hang động

Còn nhớ trong chuyến đến hang Tiên vào tháng 4.2015, ấn tượng của tôi chỉ là những kiến tạo địa chất ở cửa vào cao rộng, vòm trần lớn, lớp nhũ đá hình ruộng bậc thang xếp lớp từ ngay cửa vào, với hệ thực vật tạo nên một mảng xanh quyến rũ gồm dương xỉ, các loài dây leo đeo bám. Với cấu tạo là hang khô, từ cửa hang đi đến đoạn cuối dài khoảng một cây số nên hành trình khám phá năm ấy không mang lại nhiều ấn tượng mạnh như các hang kế cận vùng thung lũng Tú Làn. Đến đầu 2016, một chuyến thám hiểm hang Tiên được BCRA thực hiện lại, và vẻ lộng lẫy ẩn giấu xưa nay của hang Tiên dần được phát lộ, đẹp đến ngỡ ngàng ở một không gian tầng hai của hang. Tôi trở lại hang Tiên lần này với hy vọng được diện kiến trọn vẹn vẻ đẹp đã khiến các vị tiên quên đường về khi xưa.

         

Hành trình “Chinh phục hang Tiên” có ba chuyến đi vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần, tối đa 8 khách mỗi chuyến đi. Vào mùa mưa lũ, tuyến du lịch này sẽ ngưng hoạt động từ giữa tháng 9 đến hết tuần đầu tháng 11.

Chúng tôi đổ bộ ở bìa rừng thuộc xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, trước mặt là dãy núi đá vôi trùng điệp, nhấp nhô quen thuộc. Để đến được hang Tiên, trước mắt cả nhóm phải trải qua thử thách thể lực, vượt qua hai dốc núi và một thung lũng nhỏ trong cái nóng oi ả của tiết trời. Cung đường núi đến hang Tiên mới được khai phá, đường mòn in chưa rõ dấu nên chỉ sau một đêm mưa, nhiều đoạn đã bị cỏ cây che phủ, gây không ít khó khăn cho việc định hướng của cả đoàn.

Rừng vùng Cao Quảng không có vắt như các vùng núi kế cận ở thung lũng Tú Làn, bù lại muỗi không kể xiết. Các phương tiện chống muỗi từ thế giới văn minh đều vô hiệu, thịt da hở ra chỗ nào là bị băm vằm không thương tiếc.

Có lẽ tiên của ngày xưa khi xuống miền khỉ ho cò gáy này không phải trải qua những khổ ải trần gian như chúng tôi, chứ cứ kiểu đi mãi từ sáng đến xế trưa, tiên cảnh đâu chẳng thấy, chỉ thấy những gương mặt nhợt nhạt đi vì đuối dần, nhan sắc lem luốc với bùn đất cùng nhễ nhại mồ hôi, bụng đói, chân run, cổ họng đắng khô vì khát... thật khó mà say được với cảnh tiên dương trần.

Bao gian nan sẽ được đền bù ở đích đến

Những cung đường hiểm trở rồi cũng nhẹ dần khi chúng tôi lọt vào vùng thung lũng hang Tiên, dòng suối trong vắt chảy từ khe đá đón những bước chân mỏi nhừ. Trong nỗi hân hoan, bao nóng bức của hành trình, mệt mỏi của dốc núi như trôi theo con nước hết cả. Cũng bắt đầu từ thung lũng này, hành trình có nhiều đoạn phải băng sông vượt suối hơn, và cảm giác hạnh phúc khi đi rừng mùa nóng mà gặp sông suối thật không gì bằng.

“Chinh phục hang Tiên” có lộ trình kéo dài hai ngày một đêm, chúng tôi hạ trại ở một bãi trống ngay ven suối chỉ cách cửa hang Tiên chừng nửa giờ đi bộ. Giấc đêm trong thung lũng bao quanh bởi núi đồi trùng điệp, bỏ xa thế giới văn minh, không sóng điện thoại, không đèn điện, chỉ có róc rách suối nước lùa ánh trăng trôi, vẻ đẹp của miền tiên giới vẻ như đang dần tỏ.

Sau một đêm an giấc trong thanh bình của đất trời, mọi người trở dậy từ rất sớm hăm hở chờ đợi hành trình chạm vào cõi tiên. Con suối khô dẫn từ cửa hang Tiên chỉ tạo lũ khi mùa mưa đến, giờ trở thành con đường thông thoáng, tuy có chút gập ghềnh nhưng dễ thở hơn nhiều so với kiểu luồn rừng hôm trước. Chả mấy chốc, ngửa mặt lên, cửa hang Tiên đen ngòm, cao đến hơn 70m đã sừng sững trước mặt.

Những kiến tạo địa chất và thạch nhũ trong lòng hang Tiên

Tiến sâu vào bên trong, lòng hang như một cái ống khổng lồ, mái vòm mang cấu tạo từ vô số thạch nhũ đeo bám, cùng các đường vân đá đan xen, tạo nên bức tranh kỳ ảo. Sau khi qua vô số địa hình gập ghềnh, vượt những thửa ruộng thang đẹp mắt, những trụ thạch nhũ sừng sững như tòa nhà khổng lồ muôn hình muôn dạng, khi đến cuối hang - điểm dừng của chuyến khám phá năm trước - mọi người len vào một ngách nhỏ xíu chỉ vừa đủ thân người chui lọt, không gian hang Tiên lại mở ra một tầng khác kỳ ảo hơn.

Trong số các hang động vùng Quảng Bình, hang Tiên là một trong rất ít các hang có kết cấu hai tầng mang độ rộng và độ lớn tương đương, lượng thạch nhũ ở tầng hai hang Tiên cao, dày, và có kết cấu đẹp hơn ở tầng một. Tầng hai hang Tiên cũng là nơi có vô số chim én trú ngụ, chúng tôi đến thăm hang buổi sớm, cũng là lúc đàn chim dời tổ theo hố sụt trên trần hang bay đi kiếm ăn, tạo nên một giàn đồng ca ríu rít.

Chuỗi khám phá trong hành trình “Chinh phục hang Tiên” còn có hang Gió, hang Rục, cả ba tạo thành một vùng quần thể hang động mang nhiều sắc thái. Hang Tiên, hang Gió là hang khô, còn hang Rục là hang nước với dòng sông ngầm chảy trong lòng hang. Cung đường khám phá miền tiên giới trải qua đủ gian nan, vất vả, thử thách của những bước chân trèo đèo, lội suối, vượt sông, trước khi chạm vào vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, hang động... đem lại nhiều cung bậc cảm xúc thú vị, mở ra một hành trình khám phá mới, một trải nghiệm mới hấp dẫn những người đam mê du lịch thám hiểm miền “thiên đường” hang động của Quảng Bình nơi dải đất miền Trung.


Du lịch hang động ở Việt Nam được BCRA đánh giá có 6 độ khó khác nhau. “Chinh phục hang Tiên” thuộc cấp độ 4 - chỉ sau hành trình thám hiểm Sơn Đoòng và Tú Làn - với lộ trình khoảng 8km đường rừng và 5,5km trong lòng hang động.


 

Bài và ảnh Nguyễn Đình

 

 

 

 

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.