Liệu pháp kích thích não mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh Parkinson

 20:09 | Thứ tư, 27/07/2022  0
Khi sử dụng liệu pháp kích thích não sâu, bệnh nhân có kết quả cải thiện bệnh rõ rệt và gần như trở lại cuộc sống bình thường như trước.

Nhằm trang bị kiến thức về phát hiện sớm và điều trị bệnh Parkinson cho mọi người, TS-BS Phạm Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Ngoại thần kinh, trường Đại Học Y Dược TP.HCM, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM và TS-BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Nội thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, vừa có cuộc chia sẻ trực tuyến về liệu pháp ít xâm lấn trong điều trị bệnh Parkinson.

Các dấu hiệu để nhận biết sớm

Bệnh Parkinson là do sự thoái hóa nhóm tế bào não làm giảm đi chất dopamine, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như đi chậm, run khi nghỉ, đơ cứng, phản xạ, vận động khó khăn, dễ bị té ngã.

Theo các chuyên gia, đa số người mắc Parkinson nhận ra bệnh và thăm khám khi đã có các triệu chứng về vận động. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phát hiện thông qua những dấu hiệu khởi phát ban đầu.

TS-BS Phạm Anh Tuấn chia sẻ, giai đoạn khởi đầu khá kín đáo, đôi khi dễ nhầm lẫn. Những triệu chứng thường thấy như chậm vận động, biểu hiện chậm chạp, dáng đi có xu hướng chậm chạp và nghiêng về một bên hoặc phía trước. Dấu hiệu kín đáo hơn của bệnh là cảm giác về chữ viết không còn mềm mại, khó viết hay ký tên. Biểu hiện khởi đầu là cứng cơ từ vai đến tay, đôi khi khó phân biệt với các bệnh khác.

Người bệnh Parkinson gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.


Chia sẻ về cách phát hiện sớm bệnh Parkinson, TS-BS. Trần Ngọc Tài cho biết các triệu chứng đặc trưng nhất là run khi nghỉ, nghĩa là khi người bệnh thư giãn, đi lại sẽ thấy tay run nhưng khi cầm nắm đồ vật thì sẽ mất đi. Chậm vận động xuất hiện ở khuôn mặt với các biểu hiện đờ ra như đeo mặt nạ hoặc tay kém đung đưa khi đi. Các động tác tay trở nên chậm chạp đi. Ngoài ra, triệu chứng ở giai đoạn khởi phát của bệnh còn có biểu hiện đơ cứng, mất ổn định tư thế, dáng đi bất thường.

Thông tin đáng chú ý khác là có đến 90% bệnh nhân Parkinson có triệu chứng khứu giác kém nhưng triệu chứng này thường không được chú ý. Tương tự, biểu hiện rối loạn giấc ngủ, thường xuyên lo lắng, bất an vì mất cân bằng hoạt động ở não bộ cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh Parkinson nhưng thường bị người bệnh bỏ qua.

Các dấu hiệu rõ rệt nhận biết bệnh

Khi bệnh Parkinson tiến triển, dấu hiệu của bệnh sẽ trở nên rõ rệt hơn, đặc trưng là triệu chứng run. Phần tay, chân, môi hay lưỡi… của bệnh nhân thường bị run khi nghỉ.

Triệu chứng tiếp theo là cơ co cứng. Phần cổ vai hay lưng của người bệnh thường bị tê cứng, hay chảy nước dãi và đôi khi bị thay đổi cả giọng nói. Người bệnh ít khi chớp mắt và khuôn mặt dễ bị đơ cứng, giảm khả năng biểu đạt cảm xúc. 

Người bệnh gặp khó khăn khi vận động với dáng đi bất thường và thường bị dồn cơ thể về phía trước, vì thế họ dễ bị ngã khi có tác động nhẹ từ phía sau. Ngoài ra người bệnh sẽ có thể bị suy giảm trí nhớ, đổ mồ hôi liên tục, hạ huyết áp, tiểu không tự chủ.

Các phương pháp trong điều trị Parkinson

Theo TS-BS. Phạm Anh Tuấn, Parkinson là bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn và nền tảng điều trị là dùng thuốc. Việc dùng thuốc có thể kiểm soát bệnh tốt khoảng 4 - 5 năm kể từ thời điểm bệnh khởi phát. Giai đoạn sau, việc đáp ứng thuốc trở nên kém hơn. Đây là lúc người bệnh cần đến các biện pháp hỗ trợ cùng với thuốc để giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Liệu pháp kích thích não sâu là phương pháp hiệu quả trong điều trị bệnh Parkinson hiện nay, giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh Parkinson như run (lắc mạnh), chậm cử động và đơ cứng.

Khi sử dụng liệu pháp kích thích não sâu, bệnh nhân có kết quả cải thiện bệnh rõ rệt và gần như trở lại cuộc sống bình thường như trước. Bên cạnh đó, người bệnh vẫn cần áp dụng điều trị thuốc theo đúng liều lượng và cần tái khám đầy đủ để được điều chỉnh thích hợp trong quá trình thực hiện liệu pháp kích thích não sâu. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh.

Liệu pháp kích thích não sâu đã phát triển hơn 20 năm trên thế giới và đã được FDA chấp thuận từ năm 2002 cho điều trị Parkinson. Hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh Parkinson ở giai đoạn không đáp ứng với thuốc, loạn trương lực cơ toàn thể và run vô căn không đáp ứng với thuốc. 

Năm 2012, liệu pháp tiên tiến kích thích não sâu lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM. Hiện nay, có ba bệnh viện gồm Nguyễn Tri Phương TP.HCM, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM và bệnh việt Việt Đức đang thực hiện liệu pháp kích thích não sâu vào điều trị bệnh Parkinson.

Diễm Kiều

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.