Nam bộ - Sài Gòn - Hồ Chí Minh: Mối thâm tình lịch sử

 09:51 | Thứ hai, 07/02/2022  0
Trong những tuần lễ cả Thành phố phải cách ly nhau vì Covid-19, “phải nghỉ ngơi” vì không được bước chân ra khỏi nhà, tôi có dịp đọc lại những trang sử cũ. Thật thú vị, tôi tìm thấy những cứ liệu giải thích vì sao vào tháng 9.1946 tại Fontainebleau (Pháp), Cụ Hồ lại tuyên bố “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Và vì sao tên Hồ Chí Minh được đặt cho thủ phủ Nam bộ - thành phố Sài Gòn.

Sứ mệnh của Nam bộ kháng chiến và sự quan tâm đặc biệt của Cụ Hồ

Cuộc kháng chiến chống Pháp của sĩ phu và nghĩa binh Nam Kỳ từ 1859 đã bị Pháp dìm trong bể máu, kết thúc với cuộc khởi nghĩa Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Thất bại này có sự “trợ giúp” của triều đình Huế qua việc ký với Pháp hai Hòa ước: Nhâm Tuất - 1862, nhượng cho Pháp ba tỉnh Đông Nam bộ và Giáp Tuất - 1874, công nhận Nam Kỳ vĩnh viễn thuộc Pháp.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Cho đến 1945, Pháp đã đô hộ Nam bộ hơn 80 năm, dùng luật pháp, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, cả súng đạn và nhà tù, để xóa đi bản sắc Việt Nam trong lòng người Nam bộ. 

Súng im, nhưng cuộc kháng chiến bằng thơ văn yêu nước ở Nam bộ từ 1859 vẫn tiếp tục với Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông, Nguyễn Văn Lạc, Phan Văn Trị... Cuộc kháng chiến bằng văn hóa này đã nung nấu trong người dân Nam bộ lòng yêu nước, ý nguyện thống nhất, truyền thống “chống đồng hóa bởi ngoại bang” của cha ông từ ngàn năm trước. Do đó, từ đầu thế kỷ XX, người dân Nam bộ đã hưởng ứng các cuộc vận động giành độc lập của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường…, và người trẻ hơn nhưng có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng hơn là Nguyễn Ái Quốc.

Do tin phục Nguyễn Ái Quốc mà nhân dân Nam bộ đã ủng hộ Việt Minh giành chính quyền ngày 25.8.1945 ở Sài Gòn. 

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 2.9.1945, Pháp quyết tâm chiếm lại Việt Nam, khởi đầu bằng đánh chiếm Nam bộ. Rạng sáng ngày 23.9.1945, quân Pháp tấn công Tòa Thị chính Sài Gòn, bắt toàn bộ ban lãnh đạo của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ. Nam bộ kháng chiến nổ ra, lần này dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đảng bộ của Nam Kỳ được giao sứ mệnh lịch sử: tổ chức chiến đấu nhằm kiềm chế, gây khó khăn cho thực dân Pháp trong việc đánh chiếm ra miền Trung và miền Bắc; hỗ trợ chính quyền trung ương đàm phán để Pháp công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam và có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến, nếu không thể tránh; vận động nhân dân Nam Bộ tham gia bầu cử Quốc hội, góp phần xây dựng một nhà nước thống nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Sứ mệnh trên đây nhằm ba mục tiêu cốt tử: giành độc lập về chính trị, thống nhất Bắc, Trung, Nam và có nhà nước được quốc tế công nhận. Ba mục tiêu này đi ngược lại lợi ích của thực dân Pháp, nhất là các lực lượng đã đô hộ và bóc lột Nam bộ từ 80 năm qua. 

Thấu hiểu nội tình chính trị và ý đồ của Pháp, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến Nam bộ kháng chiến. Ngày 26.9.1945, chỉ ba ngày sau khi nổ súng ở Nam bộ, Hồ Chí Minh có Thư gửi đồng bào Nam bộ: “Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Nghị quyết của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất về việc chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng số 368, ngày 12.7.1976.  Ảnh: TL


Ngày 29.10.1945, Hồ Chí Minh lại có Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ: “Hỡi đồng bào trong Nam. Quân Pháp nấp đuôi quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ… Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam… Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới”. Ngày 30.10.1945, Lời kêu gọi thanh niên Nam bộ của Hồ Chí Minh có câu: “Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc”.

Sau khi bầu xong Quốc hội ngày 6.1.1946, tại Kỳ họp thứ nhất (2.3.1946), khi thành lập Chính phủ, Hồ Chí Minh đã thông báo: các đại biểu Nam bộ và Nam Trung bộ chưa tới kịp hoặc do kháng chiến nên không ra họp được, đề nghị Quốc hội dành hai trong số mười bộ cho đại biểu đồng bào Nam bộ. 

Sự dũng mãnh của Nam bộ kháng chiến khiến thực dân Pháp thấy không thể “đánh nhanh, thắng nhanh”, nên muốn tìm cách thực hiện tham vọng thống trị Việt Nam thông qua đàm phán. Hồ Chí Minh cũng muốn thông qua hòa giải, thương lượng với Pháp để công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam mà không phải đổ máu; mặt khác mượn tay Pháp để đuổi 20 vạn quân Tàu Tưởng về nước. Đó là lý do Pháp và Chính phủ Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946.

Hai nội dung nổi bật của Hiệp định là: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng; Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế 200.000 quân Trung Hoa Quốc dân đảng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật và sẽ rút hết quân trong 5 năm, mỗi năm rút 3.000 quân. 

Sách lược “hòa để tiến” của Hồ Chí Minh thể hiện trong các Chỉ thị của Thường vụ trung ương Đảng ngày 3.3 và 9.3.1946: “Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động…”, và “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”. 

Hai cuộc đàm phán tiếp theo là Hội nghị Trù bị Đà Lạt (19.4.1945) và Hội nghị Fontainebleau tại Pháp (6.7-14.9.1946). Các nỗ lực hòa đàm Pháp - Việt thất bại do phe hiếu chiến của Pháp, tiêu biểu là Cao ủy Đông Dương, Đô đốc D’Argenlieu, liên tục phá hoại. Phía Việt Nam bỏ Hội nghị Fontainebleau ra về ngày 13.9.1946. Để tranh thủ cơ hội cuối cùng cho hòa bình và để có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến, Hồ Chí Minh đã ký với Pháp Tạm ước 14.9, thỏa thuận đình chỉ xung đột, thả chính trị phạm và tù binh, nhượng bộ một số quyền lợi của Pháp ở Đông Dương và đồng ý tiếp tục đàm phán vào đầu năm 1947. 

Do ký Hiệp định 6.3 và Tạm ước 14.9 mà Việt Minh và Hồ Chí Minh bị các đảng phái thân Nhật, thân Tàu và chống cộng quy chụp là “hợp tác với Pháp”, thậm chí “bán nước”. Người dân Nam bộ cũng rất băn khoăn, lo lắng về số phận tương lai của mình. 

Ngày 10.3.1946, Hồ Chí Minh có Thư gửi đồng bào Nam bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến và Ủy ban Hành chính Nam bộ: “Tôi xin báo để đồng bào và anh em chiến sĩ các bộ đội biết rằng: việc điều đình giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp đã đi đến một kết quả đầu tiên… là nước Pháp đã công nhận Việt Nam là một nước tự chủ... Cuộc đàm phán đầu tiên đã gây dựng được những điều kiện chính trị mà chúng ta phải biết lợi dụng để đạt tới cái mục đích Việt Nam hoàn toàn độc lập… Chúng ta cần phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”.

Ảnh: Chế Hồng Trung


Ngày 1.6.1946, Hồ Chí Minh có Thư gửi đồng bào Nam bộ, với tình cảm bộc trực và chân thành hiếm thấy giữa lãnh tụ và nhân dân: “Cùng đồng bào yêu quí Nam bộ. Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam bộ sẽ ra thế nào… Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước. Đồng bào Nam bộ đã hi sinh mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam bộ. Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” 

Từ ngày Nam bộ kháng chiến, 23.9.1945, đến ngày kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, 19.12.1946, trong những bức thư, lời kêu gọi, bài nói chuyện, công văn (trong đó có các công hàm gửi nguyên thủ năm nước thường trực Hội đồng Bảo an, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, gửi riêng cho Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp và các quan chức Pháp), trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước, Hồ Chí Minh đã hơn năm mươi lần biểu dương Nam bộ kháng chiến, lên án Pháp tàn sát đồng bào Nam bộ, khẳng định Nam bộ là con dân nước Việt.

Hồ Chí Minh kiên quyết không chấp nhận mọi thỏa hiệp với Pháp mà không bảo đảm cho Nam bộ thuộc về Việt Nam, và đó chính là một trong hai nguyên nhân khiến cho Hội nghị Fontainebleau thất bại. Tuy cố gắng nhân nhượng Pháp để tránh chiến tranh đổ máu, Hồ Chí Minh cuối cùng đã phải quyết định chiến đấu để giành độc lập và thống nhất, nhất quyết không chịu để mất Nam bộ để đánh đổi hòa bình. 

Vì sao Sài Gòn được đề nghị đặt tên Hồ Chí Minh?

Hội nghị Fontainebleau từ 6.7-8.9.1946 vẫn không thống nhất được về hai vấn đề cốt tử: Việt Nam phải có quyền ngoại giao độc lập, dù ở trong khối Liên hiệp Pháp; thời gian và cách thức trưng cầu ý kiến nhân dân Nam bộ về thống nhất ba miền. Hồ Chí Minh, là thượng khách của Chính phủ Pháp, đã có mười sáu lần thảo luận với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet, kể cả tại nhà riêng, và gặp riêng Thủ tướng Pháp Bidault, vẫn không tìm được giải pháp. Trong khi đó, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Đô đốc D’Argenlieu lại dựng lên Xứ Nam kỳ tự trị và Xứ Tây Nguyên tự trị, tạo cớ để không đàm phán việc trưng cầu ý dân Nam bộ về việc thống nhất đất nước, nghĩa là chia cắt Nam bộ vĩnh viễn khỏi Việt Nam. 

Ngày 25.8.1946, có cuộc họp mặt của một số nhà hoạt động cách mạng quê Nam bộ tại Phòng Nam bộ Trung ương ở Hà Nội, kỷ niệm một năm Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn. Tại đó, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một trí thức Nam bộ yêu nước, đưa ra ý tưởng đặt tên Hồ Chí Minh cho Sài Gòn - Gia Định. Đề nghị đó được hưởng ứng nhiệt liệt. Ngày 26.8.1946, 57 người đã ký tên vào Bản Quyết nghị gửi Quốc hội và Chính phủ Trung ương, nội dung như sau: “Toàn thể đồng bào Nam bộ đủ các đảng phái, giai cấp, họp mặt tại Hà Nội hôm nay, 25 tháng tám năm thứ hai của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để kỷ niệm ngày Nam bộ khởi nghĩa. Xin Quốc hội và Chính phủ trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hi sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ”. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ký tên đầu tiên.

Ngày 27.8.1946, trang nhất báo Cứu Quốc chạy tít lớn: “Thành phố Sài-Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ-Chí-Minh”. Rõ ràng, thông tin này là sự tiếp sức cho phái đoàn Việt Nam để cung cấp bằng chứng cho Chính phủ Pháp thấy người dân Nam bộ ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh và nhất quyết trở về với Tổ quốc của mình. 

Trang nhất báo Cứu Quốc 27.8.1946. Ảnh: TL


Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một trong những giáo sư và nhà giáo nhân dân đầu tiên trong ngành y, được người đời mến phục gọi là “kẻ sĩ Gia Định”. Ông thi đỗ hạng ưu Đại học Y Hà Nội, sau đó tu nghiệp tại Pháp. Trở về, đang là chủ một bệnh viện tư, ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, tham gia Cách mạng tháng Tám và Nam bộ kháng chiến. Cuối tháng 3.1946, bác sĩ Nghiệp được lãnh đạo Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre phân công cùng bà Nguyễn Thị Định, giáo sư Ca Văn Thỉnh và ông Nguyễn Văn Khước vượt biển ra Bắc, báo cáo với Hồ Chủ tịch về thực thi Hiệp định 6.3 và xin trung ương tiếp viện vũ khí. 

Bà Định kể câu chuyện vui: “Chiều hôm đó, gia đình anh Đặng Thai Mai làm cơm mời Bác và chúng tôi. Chúng tôi sửa soạn kê bàn, xếp ghế để dọn cơm. Anh Tư Thỉnh và anh Chín Nghiệp đang bố trí lại chiếc bàn ăn, thì Bác đi tới đỡ một tay. Nhìn bác sĩ Nghiệp - anh cao gần 1 mét 80, nặng 75 - 76 ki-lô, Bác nói: ‘’Người Việt Nam ta ai cũng to, cao như chú thì tốt quá!’’. Bà Định kể tiếp: ”Lần thứ hai, Đoàn chúng tôi đến chào Hồ Chủ tịch ở Bắc bộ phủ... chúng tôi lại được vinh dự thay mặt cho Nam bộ đang chiến đấu đến mừng sinh nhật Bác, nhân ngày 19.5… Giọng Bác càng xúc động: ”Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng Già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam bộ. Nói xong Bác khóc. Chúng tôi đều khóc”. 

Mối quan hệ của Hồ Chí Minh với Nam bộ và Sài Gòn là quan hệ giữa nhà lãnh đạo đất nước với cấp dưới và nhân dân của mình. Tuy nhiên, tôi cứ cảm thấy còn có những mối cảm tình riêng bên trong những ngôn từ chính trị. Chợt nhớ, sau khi rời trường Dục Thanh (Phan Thiết), Sài Gòn là nơi Nguyễn Tất Thành dừng chân, theo học ba tháng tại trường Bá Nghệ, sau đó lên tàu LaTouche-Tréville, ra đi tìm đường cứu nước.

Theo một tư liệu, ngày 26.2.1911, cụ Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, đưa Nguyễn Tất Thành xuống Mỹ Tho gặp Phan Châu Trinh, một người bạn của ông đang hoạt động cách mạng, lúc này Phan Châu Trinh đang chuẩn bị sang Pháp. Nam bộ, vì vậy, là nơi nẩy mầm tình bạn vong niên của Nguyễn Ái Quốc với Phan Châu Trinh ở Paris từ 1917-1923. Có lúc cụ Phan ở chung nhà và chu cấp tài chính cho Nguyễn Ái Quốc khi mới về lại Paris, chưa có việc làm. Nam bộ cũng là nơi người cha thân yêu của Hồ Chí Minh sống những năm cuối đời; ông mất năm 1929, mộ phần tại  Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Ngày 2.7.1976, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, Quốc hội khóa VI ra quyết định chấp nhận đề nghị của các đại biểu Nam bộ ba mươi năm trước, để thành phố Sài Gòn mang tên Hồ Chí Minh. Kể từ đó, tuy đã không thể về lại lúc sinh thời, Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện diện ở đây, trên quê hương Nam bộ - Sài Gòn. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Tham khảo vì khách hàng

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.