Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về mức sống “đắt đỏ,” theo sau là TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương. Trái lại, người dân tại năm tỉnh Bến Tre, Nam Định, Quảng Trị, Sóc Trăng và Gia Lai có cuộc sống “dễ thở” hơn nhờ có mức giá sinh hoạt ở top 5 thấp nhất.
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê công bố tại báo cáo Chỉ số Giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023, ngày 29.3.
Hà Nội có thang điểm 100%
Theo kết quả biên soạn chỉ số SCOLI năm 2023, vùng Đồng bằng sông Hồng đang có chỉ số SCOLI cao nhất và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất.
Cụ thể, chỉ số SCOLI chỉ ra Hà Nội tiếp tục giữ vị trí đầu tiên về mức giá “đắt đỏ” với mức thang 100%. Trên cơ sở đó, TP.HCM đứng thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội. Một số nhóm hàng của thành phố Hồ Chí Minh có mức giá bình quân thấp hơn là may mặc, mũ nón và giày dép bằng 81,99%, văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,87%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,12%, thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,93%.
Về điều này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), phân tích TP.HCM là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng. Đây cũng là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế. Bên cạnh nguồn cung hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP.HCM đã đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hoá, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng có một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội, như nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,52%, giáo dục bằng 116,86%, đồ uống và thuốc lá bằng 114,52%.
Theo báo cáo, Quảng Ninh đứng vị trí thứ ba sự “đắt đỏ” với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Lý giải điều này, bà Oanh chỉ ra Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại đồng thời là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. “Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác,” bà Oanh nói.
Tiếp theo là Hải Phòng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 96,07%. Đây là thành phố có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế. Vị trí thứ 5 thuộc về Bình Dương. Tỉnh này đã tập trung khai thác được lợi thế về vị trí địa lý, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với công tác an sinh và phúc lợi xã hội trên cơ sở đầu tư có trọng điểm.
Bà Oanh nhấn mạnh, các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Bình Dương có sự phát triển mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao so với các năm trước, do đó mức giá hàng hóa, dịch vụ cũng đắt đỏ hơn.
Ở chiều ngược lại, Bến Tre là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2023 thấp nhất cả nước, bằng 85,93% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre so với Hà Nội trong khoảng từ 72,02%-101,22%. Theo bà Oanh, Bến Tre có điều kiện phát triển mạng lưới giao thông đường thủy và thủy lợi, phát triển các khu vực chợ nổi trên sông giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Với điều kiện thuận lợi về thiên nhiên và địa lý, tỉnh ngày càng phát triển về nông nghiệp, chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu của người dân.
“Nhìn chung, giá lương thực, thực phẩm, may mặc, mũ nón, giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình, dịch vụ giáo dục và y tế, chi phí du lịch thấp là các yếu tố chính khiến giá bình quân của Bến Tre thấp nhất cả nước,” bà Oanh cho biết.
Địa phương có giá thấp khác là Nam Định với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 86,35%, Sóc Trăng (87,82%); Gia Lai (87,91%); Long An (87,97%); Nghệ An (88,34%); Hậu Giang (88,47%); Trà Vinh (88,73%); Phú Thọ (88,74%).
Mức giá sinh hoạt đồng đều hơn
Đánh giá xu hướng chung, bà Oanh chỉ ra lạm phát toàn cầu trong năm 2023 có xu hướng giảm dần, do các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm. Nhưng so với mục tiêu dài hạn, bà Oanh nhấn mạnh mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường. Theo đó, lạm phát trong năm 2023 đã được kiểm soát ở mức 3,25% và đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương không biến động nhiều. Vì vậy, chỉ số SCOLI năm 2023 của các vùng kinh tế-xã hội không thay đổi nhiều so với năm 2022.
Ngoài ra, bà Oanh chia sẻ thêm trong những năm gần đây, thương mại điện tử được mở rộng và trở thành phương thức mua bán phổ biến của người dân. Sự phát triển của loại hình thương mại này cùng với công nghệ số đã dần chuyển đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến.
Nhờ đó, việc so sánh giá của sản phẩm, dịch vụ được thực hiện với nhiều nguồn thông tin được nhanh chóng, đa dạng và có tính khách quan. Trên thị trường, giá hàng hóa công khai, minh bạch, dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng đã giúp mức giá sinh hoạt giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn.
Về kỹ thuật, bà Oanh cho biết chỉ số giá sinh hoạt theo không gian là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Chỉ số này nhằm phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương.
Bên cạnh đó, chỉ số SCOLI còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) theo sức mua tương đương. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ số SCOLI để đánh giá tính cạnh tranh liên quan đến giá, thị phần, chi phí sản phẩm. Đặc biệt, người lao có thể sử dụng chỉ số SCOLI để thương lượng về mức tiền công và xem xét khả năng di cư giữa các địa phương…
Hạnh Nguyễn