Người thầy giáo gần 30 năm gắn bó với học sinh dân tộc Chứt ở Quảng Bình

 15:10 | Thứ ba, 19/11/2024  0
Dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh dân tộc Chứt trong 30 năm qua, ông Hoàng Xuân Dục, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học-THCS Lâm Hóa (Quảng Bình) là một trong 60 gương Nhà giáo được tuyên dương.

Nhà giáo Hoàng Xuân Dục luôn tâm huyết với công tác giảng dạy. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN


Gần 30 năm qua, nhà giáo Hoàng Xuân Dục, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), luôn tâm huyết với nghề, giảng dạy, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh dân tộc Chứt.

Ông luôn được các em học sinh và người dân địa phương kính trọng, yêu mến.

“3 cùng” với học sinh

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình, nhà giáo Hoàng Xuân Dục được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa.

Đây là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi có đa số đồng bào dân tộc Chứt sinh sống.

Theo nhà giáo Hoàng Xuân Dục, thời điểm được phân công về xã Lâm Hóa giảng dạy, cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn với “4 không”: Không điện, không đường, không trường học và không nước sạch.

Một giờ lên lớp của nhà giáo Hoàng Xuân Dục tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên /TTXVN


Đặc biệt là công tác giáo dục gặp rất nhiều khó khăn khi chủ yếu học sinh là dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế. Học sinh thường vào rừng cùng cha mẹ lấy măng, bắt cá... nên nhiều em không thường xuyên đến trường, việc duy trì sỹ số lớp học là rất khó.

Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm ông nản lỏng mà càng thêm quyết tâm gắn bó với mảnh đất Lâm Hóa.

Nhớ lại những ngày đầu giảng dạy tại điểm trường bản Kè, hình ảnh những học sinh lấm lem, rụt rè vẫn còn in đậm trong tâm trí nhà giáo Hoàng Xuân Dục.

Với mong muốn nhanh chóng hòa đồng cùng học sinh, nhà giáo Hoàng Xuân Dục đã xây dựng một kế hoạch với phương châm “3 cùng” gồm cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các học sinh. Từ đó, những khó khăn của học sinh, từ đời sống đến việc học tập luôn được ông nắm bắt, động viên và chia sẻ.

Trong nhiều năm giảng dạy tại điểm trường bản Kè, không ít lần nhà giáo Hoàng Xuân Dục phải vượt đèo, lội suối đến tận nhà vận động các em quay lại trường lớp để học tập.

Ông cũng không quên vận động cha mẹ học sinh khắc phục mọi khó khăn về đời sống kinh tế, nhắc nhở con em đến trường học tập đầy đủ, với hy vọng, tương lai của các em sẽ ngày đỡ vất vả hơn.

Nhà giáo Hoàng Xuân Dục thường xuyên đến nhà vận động học sinh tới trường lớp đều đặn. Ảnh: Tá Chuyên/ TTXVN


Nhà giáo Hoàng Xuân Dục nhớ lại: "Thời điểm đó, ngoài giảng dạy trên lớp, những hôm cuối tuần phải tranh thủ đến tận nhà vận động học sinh quay lại lớp; tôi và các và giáo viên khác cũng phải dạy học xóa mù chữ cho cả người dân địa phương. Để đáp ứng được nhu cầu học của đồng bào, chúng tôi phải chia ra dạy nhiều lớp, có khi phải dạy cả buổi tối dưới ánh sáng đèn dầu. Có khi một tháng tôi chỉ về thăm nhà một lần, những ngày khác đều ở bản để cùng ăn, cùng ở, cùng sống với các em học sinh dù ngày hay đêm, từ đó thầy và trò ngày càng gần gũi nhau hơn."

Năm 2008, nhà giáo Hoàng Xuân Dục chuyển công tác sang bản Chuối (xã Lâm Thủy), song cứ mỗi lần về lại bản Kè, đồng bào trong bản từ người lớn tới trẻ nhỏ đều ra chào đón thầy với một tình cảm thật đặc biệt.

Ai cũng nhớ đến thầy Dục, một con người đầy nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, luôn động viên, giúp đỡ người dân và học sinh khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, học tập thật tốt.

Em Hoàng Kim Chi, học sinh lớp 4B do thầy Hoàng Xuân Dục chủ nhiệm chia sẻ: "Thầy giáo của em là một người rất mẫu mực, luôn thương yêu các em học sinh. Không chỉ giảng dạy trên lớp, vào ban đêm thầy cũng thường xuyên đến nhà để kiểm tra, hướng dẫn chúng em học bài. Với những học sinh đặc biệt khó khăn, nghỉ học theo cha mẹ làm nương rẫy, thầy đều quan tâm nhắc nhở, động viên để chúng em đi học đầy đủ."

Thay đổi nếp sống lạc hậu

Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, nhà giáo Hoàng Xuân Dục luôn tâm niệm, công tác giảng dạy không chỉ trên trường, trên lớp mà cả trong đời sống thực tế. Bởi, với một xã miền núi đặc biệt khó khăn như Lâm Hóa, các kiến thức, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe của bà con địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, lạc hậu.

Nhà giáo Hoàng Xuân Dục cho hay: "Từ nhiều năm trước, khi được phân công về giảng dạy tại xã Lâm Hóa, tôi thường xuyên nhắc nhở đồng bào và các em học sinh phải chú trọng việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, luôn ăn đồ ăn, nước uống đun sôi; đặc biệt thức ăn phải ăn hết trong ngày, không lưu trữ dài ngày. Từ đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức để bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi được các loại bệnh thường gặp như sốt rét, tả, kiết lỵ hoành hành.

Đặc biệt, các hủ tục lạc hậu, mê tín vẫn còn tồn tại trong nhận thức của đại bộ phận người dân đồng bào dân tộc Chứt khiến nhà giáo Hoàng Xuân Dục không khỏi lo lắng.

Đơn cử như trước đây, mỗi khi ốm đau, không ít người dân tại các bản thường đi “cúng” hoặc tìm đến các “thầy thổi” để hết bệnh. Ông Dục đã có lần phải gọi xe ôm đưa học trò đi nhập viện do ủ bệnh quá lâu, trong khi gia đình phụ huynh vẫn tin tưởng vào các hủ tục lạc hậu.

Trong các giờ lên lớp hay dịp gặp gỡ người dân địa phương, nhà giáo Hoàng Xuân Dục luôn chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở đồng bào bỏ các hủ tục lạc hậu; khi ốm đau phải đến bệnh viện để thăm khám, điều trị; tuyệt đối không sử dụng các thuốc trên rừng nếu thật sự chưa hiểu rõ công dụng, hiệu quả để chữa bệnh. “Mưa dầm thấm lâu,” nhận thức của đại bộ phận người dân đã được nâng cao, điều này khiến nhà giáo Hoàng Xuân Dục rất vui mừng.

Nhà giáo Hoàng Xuân Dục luôn cảm thấy vui với những nhành hoa dại, bó chè tươi của học sinh giành tặng Thầy trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Ảnh: Tá Chuyên/ TTXVN


Nhà giáo Hoàng Xuân Dục xúc động chia sẻ: "Gắn bó với nghề giáo nhiều năm, điều khiến tôi vui mừng nhất có lẽ là nhận thức về việc học tập đã được người dân nơi đây chú trọng. Việc giáo việc đến vận động học sinh đến lớp đã ngày càng ít đi. Đặc biệt, trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, nhiều học sinh dù đang học hay đã rời ghế nhà trường vẫn nhớ đến các thầy, cô giáo, hái những nhánh hoa rừng, cầm những bó chè tươi… đến lớp để tặng và chúc mừng. Điều này khiến tôi thật sự cảm động."

Ông Lê Tường Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa cho biết những năm qua, hoạt động dạy học của nhà trường có những bước phát triển rõ rệt, về cả mũi nhọn và chất lượng đại trà. Tất cả giáo viên đều nỗ lực trong giảng dạy chuyên môn.

Trong số đó, nhà giáo Hoàng Xuân Dục là giáo viên tâm huyết với nghề và người dân, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy Dục có gần 30 năm công tác tại trường nên rất hiểu tâm lý học sinh, hiểu được cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Thầy luôn làm tốt việc vận động học sinh tới trường cũng như làm tốt công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, thầy Dục cũng là giáo viên luôn nhiệt tình, cởi mở, giúp đỡ đồng nghiệp trong cả chuyên môn lẫn ngoài cuộc sống.

Nhiều năm liền nhà giáo Hoàng Xuân Dục là giáo viên chủ nhiệm dạy giỏi, Chiến sỹ thi đua cơ sở của trường, được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuyên Hóa tặng Giấy khen.

Năm 2024, nhà giáo Hoàng Xuân Dục là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

Tá Chuyên

 

Nguồn TTXVN/Vietnam+
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.