“Bà trông cháu hộ con một lát. Con bé này cứ ngủ là ra mồ hôi trộm nhiều lắm. Khăn đây, mẹ nhớ lau trán và lưng cho nó nhé!”. Cô con gái nói với mẹ mình như thế khi cô có việc chạy ra ngoài.
“Mồ hôi trộm” là một tổ hợp định danh từ hai từ: mồ hôi (danh từ) + trộm (động từ). “Trộm” là một từ bình thường. Nhưng nó trở thành một thành tố đặc biệt trong các kết hợp (mà nó tham gia). Bài viết này phân tích sự khác biệt về sắc thái ngữ nghĩa của một số tổ hợp của “trộm” trong tiếng Việt.
Minh hoạ AI
Ta hãy bắt đầu bằng mục từ “trộm” trong Từ điển tiếng Việt, bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học – NXB Đà Nẵng, 2020):
TRỘM
I đg. (thường dùng sau một đg. khác). 1. lấy của người một cách lén lút, nhân lúc đêm hôm hoặc lúc vắng người. (Ví dụ: lấy trộm tiền; câu trộm cá; nhà bị mất trộm; kẻ trộm; xảy ra nhiều vụ trộm trâu. (đồng nghĩa với: cắp, trộm cắp). 2. làm việc gì đó lén lút, thầm vụng. (Ví dụ: nhìn trộm bài; đọc trộm thư; ảnh chụp trộm; liếc trộm…).
II d. [kng] kẻ trộm [nói tắt]. (Ví dụ: vây bắt trộm; bọn trộm vào nhà lấy hết đồ đạc.).
Ta thấy, cả 3 nét nghĩa (trong I và II) của “trộm” đều theo hướng nghĩa tiêu cực, không hay. Trộm, trộm cướp, ăn trộm, trộm đồ, đầu trộm đuôi cướp đều gây liên tưởng về hành vi, nhân cách xấu của ai đó.
Nghĩa ban đầu là như thế, nhưng khi kết hợp với các thành tố khác, “trộm” đã tạo nên những từ “thoát ly” nghĩa đang có.
Trước hết là “nghĩa trung tính” mà “mồ hôi trộm” là một ví dụ. Mồ hôi là “chất nước bài tiết qua lỗ chân lông”. Ai đó khi vận động (tập luyện, chơi thể thao,…) hay làm việc vất vả, cường độ cao (đi cày, đi cấy, gánh gồng, vận chuyển đồ đạc, đào, vận chuyển đất đá thủ công…), hay khi gặp trời nóng bức… đều ra mồ hôi (với mức độ nhiều ít khác nhau).
Nhưng có nhiều người, nhất là các bé, có hiện tượng ra nhiều mồ hôi vào ban đêm dù thời tiết không nóng và cũng không mặc nhiều quần áo. Có nhiều trẻ ngủ mà thân mình, mặt mũi lại túa ra mồ hôi đầm đìa. Đó là một hiện tượng phản ánh bệnh lý (người lớn, trẻ em), chứng tỏ sức khỏe không bình thường.
Không có gì đáng trách với người ra mồ hôi trộm. Đó là hiện tượng sinh lý tự thân. Từ “trộm” hoàn toàn mang nghĩa trung tính. Cũng như từ “trộm nghĩ”, dùng để chỉ “điều nêu ra sau đó (của ai đó) chỉ là một ý kiến riêng, trao đổi với người đối thoại, với ý “theo tôi nghĩ là” (dùng với thái độ khiêm nhường)”, ví dụ: Cháu trộm nghĩ, trường hợp bác vừa rồi, nhất quyết không nhận quà của người ta là đúng.
Hay từ “trộm liếc”, chỉ ai đó “liếc nhìn ai đó mà người này không biết.”: Nàng rằng: Trộm liếc dung quang/ Chẳng sân Ngọc Bội thì phường Kim Môn.” (Truyện Kiều). Hay từ “trộm nghe”, chỉ “điều sắp nói ra là điều mình đã từng được nghe, được biết, nay mạn phép đem ra trao đổi với ai đó là người bề trên (hàm ý khiêm nhường)”: Trộm nghe kẻ lớn trong nhà/ Ở vào khuôn phép nói ra mối giường. (Truyện Kiều). Hay từ “trộm phép”, dùng để chỉ “lời xin lỗi hay phân trần của ai đó đã trót làm việc gì (lẽ ra chưa được làm)”. Từ này gần với từ “trộm vía”, được dùng “chêm vào trong câu nói, biểu thị ý khiêm nhường do bản thân tự làm một việc vốn chưa được phép làm”, ví dụ: Tôi nói trộm vía anh ấy, chị không biết đâu. Anh ấy khoe với cả đơn vị, chị là người phụ nữ đẹp nhất làng Đông.” (Dương Hướng)
Hơn thế nữa, “trộm” thoát ra khỏi nghĩa trung tính mà mang nghĩa tích cực, nghĩa hay. Chẳng hạn, ta có câu thành ngữ quen thuộc “trộm nhớ thầm yêu/ thầm yêu trộm nhớ”, chỉ ai đó “yêu thầm kín trong lòng, không dám thổ lộ với ai (vì e ngại hay chưa có cơ hội, hay chưa đủ tự tin)”, ví dụ: Cậu cứ nói thẳng ra đi, chứ cứ thầm yêu trộm nhớ như thế thì ai người ta biết được; Nước non cách mấy buồng thêu/ Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng. (Truyện Kiều). Đó là những trường hợp “tình cảm trộm” (yêu một phía) thường thấy, đáng yêu và đáng trân trọng.
Như vậy ta thấy, “trộm” từ nghĩa gốc, nghĩa ban đầu, tưởng “đóng đinh” thành nghĩa xấu, nhưng qua cách dùng của cộng đồng, nó đã chuyển di nét nghĩa khác trong các kết hợp. Đó chính là một nét của tư duy “dân gian hoá từ ngữ”, làm cho ngữ nghĩa khởi thủy của nó “lệch đi” nhằm thể hiện một mặt biểu hiện tinh tế của cuộc sống.
Một chữ “trộm” nghĩa chia ba
Dân gian dẫn lối cho ta bao điều.
PGS-TS. Phạm Văn Tình (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)