Nguyễn Trương Quý: Dìu dắt dặt dìu

 05:40 | Thứ bảy, 17/08/2019  0
Chỉ hai chục năm, từ chỗ bị coi là một trò “dâm ô”, khiêu vũ đã được khoác lên cái áo văn minh mà mỗi người đàn ông thành thị nên biết. Kèm theo sự biến đổi ấy là cách đàn ông Việt Nam bày tỏ tình cảm với phái nữ.

Đàn ông Việt Nam vẫn mang tiếng là không “lịch sự như Tây”, ông nào có vẻ chiều chuộng phụ nữ chút là lập tức bị nghi ngờ có động cơ không trong sáng hoặc “nịnh đầm”.

Thời xưa người ta hay nói đến những cấm đoán dưới nhãn chữ “lễ”, chẳng hạn “nam nữ thụ thụ bất thân”. Hai người nam nữ đứng gần nhau mà nói chuyện, ấy đã là việc tày trời. 

Việc nhảy đầm xảy ra giữa hai người nam nữ có khi không quen biết đã trở thành một cú sốc khi những thanh niên Tây học khởi xướng vào đầu thập niên 1930. Dễ đến hàng trăm số báo những năm này đã tranh cãi về đạo đức của việc nhảy đầm và có người “dám cam đoan cả quyết cho lối chơi ấy, với ta tuy nay có bồng bột thật, song rồi chẳng bao lâu - trong một thời gian rất ngắn - nó sẽ (bị) tiêu diệt đi hết mà thôi... Nhảy đầm rồi sẽ chết! Chết một cách ngấm ngầm không ai còn muốn nhắc ra nữa làm gì!” Sở dĩ vậy vì theo họ, cảnh “một cặp trai gái ôm nhau mà nhảy là một sự rất chướng, một lối chơi dâm ô: phải đả đảo cho tiêu diệt!” (Phụ Nữ Tân Văn, 31.8.1933).

Nhảy đầm - tranh dân gian Đông Hồ đầu thế kỷ XX


Tuy vậy, lo ngại của các nhà đạo đức trong xã hội Việt Nam khi ấy chủ yếu nhắm vào việc đàn ông đem tiền đi cho các cô vũ nữ hoặc các bà vợ bỏ bê thiên chức tề gia nội trợ, và nhất là lo lắng các cô tân thời mê nhảy sa ngã, thậm chí Vũ Trọng Phụng còn liệt “gái nhẩy ở các tiệm khiêu vũ” là “một trong năm loại đĩ” ở Hà Nội. Nhưng nhiều người Việt nhận thấy nhảy đầm là một tấm giấy thông hành dự phần vào thế giới văn minh của giới cai trị.

Một sinh viên Việt Nam du học ở Pháp đã nói với Phạm Quỳnh rằng học nhảy đầm “để khi về nước, mình là người có chức phận, gặp khi quan trên mời dự tiệc ở Phó soái hay Chánh soái, mình biết “nhẩy” cho đúng cách, cho Tây bên ấy họ biết rằng mình đã thạo những cách lịch sự ở Paris” (Pháp du hành trình nhật ký - Phạm Quỳnh, 1922). Nhưng lịch sự với ai thì các vị này không nói! Chẳng lẽ chỉ lịch sự làm hàng với các quan Tây?

Tất nhiên về lý thuyết là lịch sự với phái nữ nhưng thực tế lại để ghi điểm trong mắt giới đàn ông, như thể biết dìu bạn nhảy trong điệu valse cũng có giá trị ngang với biết hút xì gà hay cầm gậy chơi gôn, hoặc để bước chân vào quan trường. 

Sàn nhảy disco ở TP.HCM năm 1988. Ảnh: TL


Chỉ hai chục năm, từ chỗ bị coi là một trò dâm ô, khiêu vũ đã được khoác lên cái áo văn minh mà mỗi người đàn ông thành thị nên biết. Kèm theo sự biến đổi ấy là cách đàn ông Việt Nam bày tỏ tình cảm với phái nữ.

So sánh không hề khập khiễng thì khiêu vũ cũng như màn hát giao duyên cổ truyền, chỉ khác ở điệu bộ hay quy cách do âm nhạc dẫn lối. Cái nắm tay hay ôm eo của người đàn ông với bạn nhảy nữ vốn dĩ là cách phân biệt nam nữ, khi vào đời sống xã hội Việt Nam lại đem đến một cảm giác khuyến khích người nữ bộc lộ bản ngã nhiều hơn.

Đã có những chị em tân thời cổ vũ việc nhảy đầm bằng cách coi đó là một loại “thể dục” có tính thẩm mỹ. Đương nhiên phi phụ nữ khiêu vũ bất thành. Ngoại trừ số vũ nữ ít ỏi ở các tiệm nhảy, sự hưởng ứng của phụ nữ tân học quyết định phần còn lại của câu chuyện khiêu vũ. Nhưng về phần đàn ông, liệu biết khiêu vũ đã khiến họ biết ứng xử với phụ nữ theo ý nghĩa nghiêm túc của môn giao tế có tính chất phổ quát - mà thực ra là theo chuẩn Tây phương - chưa?

Hay là chẳng cần đợi khiêu vũ, thị dân ở những nơi như Hà thành đã có sẵn khung cảnh thuận lợi để giao lưu nam nữ, việc nhảy đầm có lẽ chỉ như quả cherry trên đỉnh cái bánh gatô cho đẹp.

Quảng cáo trường dạy khiêu vũ ở Sài Gòn trên báo Sài Thành 1932


Năm 1949, thị trưởng Hà Nội Phan Xuân Đài ra lệnh cấm người Việt khiêu vũ trong “tình thế quốc gia chưa phải lúc ăn tiêu hoặc chơi bời xa xỉ” (Tia Sáng, 4.6.1949), tiệm nhảy nào để người Việt vào khiêu vũ sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên các bài hát sáng tác đầu những năm 1950 lại chủ yếu theo các điệu nhảy.  

Người ta lại thấy Quốc vương Bảo Đại không phải đối tượng của những lệnh cấm ấy, vì theo nhiều truyền tụng, ông đã quen vũ nữ Lý Lệ Hà trên sàn nhảy Hà Nội. Giống như số phận quân vương, khiêu vũ cũng khóc cười nổi trôi.

Sau khi Hà Nội được tiếp quản năm 1954, qua một giai đoạn rầm rộ cũ mới hữu hảo ngắn ngủi với những phòng trà và khiêu vũ tập thể “đời sống mới” ở vườn hoa, khiêu vũ lùi vào bóng tối của thời chiến.

Ở miền Nam, “đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân đã ra lệnh cấm khiêu vũ nhằm hưởng ứng đạo luật về bảo vệ luân lý vào tháng 8.1962. 

Lệnh cấm người Việt Nam khiêu vũ trên báo Tia Sáng 1949


Sau những khoảng thời gian “đóng-mở”, khi nước nhà đã thống nhất, Bộ Văn hóa cũng có một chỉ thị số 80 ngày 20.7.1983 “về nhảy múa trong thanh niên”, dọn đường cho việc các sàn nhảy mang tên “khiêu vũ quốc tế” hoạt động hợp pháp. Thậm chí khiêu vũ đã thành một môn thể dục bắt buộc trong nhiều trường đại học.

Khổ nỗi, khi một phương thức giao tế trở thành môn học có thể khiến sinh viên thi lại thì nó sẽ mau chóng chỉ còn là một môn thể dục vận dụng cơ bắp, nhất là đối với cánh đàn ông. Sau khi lập gia đình, vợ chồng rủ nhau đi sàn nhảy có lẽ là một chuyện bất thường. Hoặc họ phải có một lối sống rất lãng mạn, hoặc họ đang cần xốc lại mối quan hệ.

Văn hóa huê tình nơi sàn nhảy có gốc rễ từ những kiểu cách quý tộc châu Âu chưa đủ thời gian liên tục để ngấm vào từng “tế bào của xã hội” - tức các gia đình - để có thể tạo ra một thói quen cộng đồng.

Tranh biếm họa khiêu vũ trong đám cưới đời sống mới của Mạnh Quỳnh, lời Lê Ngọc. Báo Thời Mới 5-10-1956


Xem ra khiêu vũ cũng chung số phận nhiều sản phẩm Tây phương vào Việt Nam thường được sử dụng kiểu “đi tắt đón đầu” như một thứ công cụ hình thức hơn là một nhu cầu văn hóa nội tại. Dù vài show truyền hình thực tế kiểu Bước nhảy hoàn vũ có gây chú ý cho người xem thì ai nấy vẫn coi đó là những chương trình biểu diễn. Những người nổi tiếng tham dự đều cho thấy họ vô cùng vất vả để học nhảy, thứ mà gần như trăm phần trăm số diễn viên, người mẫu, hoa hậu chưa từng dạo qua.

Sàn nhảy disco ở TP.HCM năm 1988. Ảnh: TL


Suýt soát một thế kỷ trước, khiêu vũ như lời Phạm Quỳnh ghi nhận từ người đồng bào Tây học của mình, chỉ là một thứ công cụ tiến thân. Những thập niên sau, khiêu vũ bị nhiều chính thể e dè vì cái tiếng thỏa mãn nhu cầu giải khuây về mặt tình dục của đàn ông. Cho đến nay, từ để gọi những cô gái hành nghề mại dâm phổ biến nhất rút cục xuất xứ từ tên gọi các cô vũ nữ thời Pháp - cavalière.

Nó xác nhận một điều, rằng khiêu vũ đã không xâm nhập được vào hành vi văn hóa giao tế xã hội một cách đúng nghĩa, mà giống như một cái khăn mùi xoa giắt túi, chẳng rút ra để lau nước mắt giúp một người đẹp nào mà nhiều khi chỉ là mảnh vải thừa rất đỗi khả nghi. 

Dẫu vậy, khiêu vũ đem lại một nhận thức mới mẻ về thế giới cho người Việt. Nó vượt qua phạm vi một sản phẩm của quá trình thuộc địa để trở thành phương tiện hữu tình của tao nhân mặc khách ở một nước Việt nóng lòng hiện đại hóa.

Ít nhất thì khiêu vũ cũng khiến người Việt bận tâm về việc ứng xử nơi công cộng, điều mà kỳ lạ thay, cho đến giờ vẫn cứ gây được những cú sốc văn hóa trong xã hội. 

Nguyễn Trương Quý - Ảnh: TLTG

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.