Nhà ống và cháy nổ

 10:45 | Thứ bảy, 05/06/2021  0
Với từ khóa “nhà ống-cháy nổ” có thể tìm được trên mạng nhiều bài báo thông tin về những sự cố cháy nổ xảy ra trong thời gian qua. Một nguyên nhân được nhắc đến không ít là những ngôi nhà ống bít bùng không lối thoát hiểm. Có quá nhiều ý kiến đề xuất của các nhà chuyên môn trong nhiều lãnh vực, cơ quan chức năng PCCC phân tích nguyên nhân, giải pháp đã xuất hiện trên báo chí, truyền thông.

Thực trạng đáng buồn là sau cháy nổ, sau những phân tích trên báo chí truyền thông và những đề xuất lại là... những vụ cháy nổ mới. Mục Thời sự kiến trúc của KT&ĐS số này mời bạn đọc cùng tham gia mổ xẻ vấn đề với sự tham dự của KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM.

Hình ảnh một vụ cháy xảy ra vào đầu tháng 5.2021 ở TP.HCM. Vụ hoả hoạn này đã lấy đi sinh mạng của 8 người. Ảnh: SGGP

Thông tin về những vụ cháy vừa qua cứ lặp đi lặp lại là những ngôi nhà ống được xây dựng với mật độ cao, chỉ có một lối ra vào duy nhất, không thông thoáng lại được dùng với công năng nhà ở kết hợp với kinh doanh, trong đó có nhiều ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao. Đọc tựa các bài báo thì thấy nhà ống bị coi là thủ phạm!? Xin ông chia sẻ quan điểm? 

Nhà ống chắc chắn không phải là thủ phạm của cháy nổ nhưng hiện trạng nhà ống đô thị quả thực là rất đáng lo. 

Nhà ống là một loại hình kiến trúc nhà ở phổ biến ở nước ta. Nhà ống cũng không mới mẻ gì. Từ thời Pháp đã có dãy phố nhà ống rồi, nhưng hồi đó có nhà trước, nhà sau, có sân. Thời kỳ đó dân cư ít, thưa thớt. Nhưng thời đó qua rồi, hiện nay số lượng nhà ống trên địa bàn thành phố, theo tôi nghĩ, có khi chiếm đến đến 80% số lượng nhà.

Cũng có nhiều nhà ống được cấp phép xây dựng làm bằng bê tông hoàn chỉnh nhưng cũng có nhiều khu dân cư có nhà ống xây dựng kiểu tự phát, tồn tại từ lâu do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đa số trong khu vực này dân cư đông đúc, nhiều người nghèo, họ chỉ cần chỗ trú nắng, che mưa nên nhà cửa làm vừa đủ ở trong điều kiện của họ. Chính vì vậy mới có nhiều nhà ống chật hẹp, chiều ngang chừng 2-3m, trang thiết bị thô sơ, tạm bợ. 

Nhà ống dạng này tiềm ẩn hai nguy cơ chính. Thứ nhất là điều kiện môi trường sống rất thấp, không có lưu thông không khí, oi bức, mất vệ sinh. Thứ hai là nguy cơ rủi ro từ cháy nổ rất cao, nguy hiểm. Nhà không lối thoát hiểm, nhiều nhà lại còn làm cửa cuốn bít bùng, khi xảy ra sự cố cúp điện, vô tình cửa cuốn không kéo lên được nên những người ở trong nhà lại bị nhốt. Nhà chỉ sử dụng làm chỗ ở cũng đã kém an toàn, không đủ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn PCCC mà còn phải kèm thêm công năng kinh doanh, sản xuất thì lại càng có nguy cơ cao. 

Vậy theo ông nên xử lý thế nào trong điều kiện cụ thể của thành phố chúng ta? Có ý kiến cho rằng cần tuyên truyền nhưng cũng có ý kiến là cần nhiều biện pháp chế tài giống như trước đây đối với việc đội mũ bảo hiểm?

Phải chấp nhận hiện trạng và xử lý thực tế. Tôi nghĩ rằng cần phải có giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện với sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau và cần cả giải pháp tuyên truyền - chế tài đi đôi với nhau, hỗ trợ nhau thì mới hiệu quả. Có giải pháp cụ thể, phân công phân nhiệm rõ ràng thì sẽ khả thi. 

Thứ nhất là về kiểm tra hiện trạng. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, tôi nghĩ ở mức tổ dân phố là có thể nắm chắc thực trạng. Với những ngôi nhà có giấy phép xây dựng nhưng đã bị chỉnh sửa, che lối thoát hiểm bên hông, trên mái hoặc đằng sau thì chắc chắn địa phương phải nắm và xử lý. Với việc cấp giấy phép kinh doanh ngành nghề, đặc biệt là ngành nghề có rủi ro cháy nổ thì đơn vị cấp phép phải kiểm tra thực địa, kiểm tra thực chất, định kỳ chứ không thể chỉ kiểm tra qua giấy tờ. Đây là những việc cần chế tài nghiêm khắc. 

Thứ hai là đối với những khu nhà ống tự phát mà người nghèo đô thị cư trú trong đó với điều kiện sống thiếu thốn thì phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, khuyến cáo người dân và phải có hướng dẫn, giúp họ làm, kể cả giải pháp tài chính. Người nghèo đô thị chủ yếu chỉ lo mưu sinh. Họ không có kỹ năng và khả năng tài chính tự xử lý được những vấn đề về môi trường sống của họ.

Trong trường hợp này, mô hình hoạt động của những tổ chức xã hội trên thế giới như những chương trình “Save Life - bảo vệ cuộc sống an toàn” là một giải pháp cần tham khảo học tập. Chúng ta cần phải có những chiến dịch truyền thông như truyền hình, phát tờ rơi hướng dẫn và cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để bảo vệ an toàn cuộc sống; giúp cảnh báo mọi nguy hiểm trong đời sống để người dân có ý thức và kiến thức bảo vệ an toàn cho cuộc sống của chính mình và cộng đồng.

Chúng ta cần các nhà chuyên môn tư vấn, hướng dẫn cụ thể những giải pháp đơn giản như xử lý thông thoáng không gian, mở lối thoát hiểm để người dân có thể thực hiện. Hãy nhớ lại việc đội mũ bảo hiểm, tuyên truyền mang đến kiến thức qua đó góp phần hình thành ý thức, chế tài giúp quá trình xây dựng ý thức được thực hiện nghiêm túc. Có được kiến thức và ý thức bảo vệ an toàn cuộc sống là cả một quá trình. 

Tóm lại là với nhà ống, ở trung tâm, khu dự án mới ta có quy chuẩn, quy phạm kiểm soát được an toàn. Với những khu dân cư hiện hữu còn tồn tại nhiều nhà ống lụp xụp, chưa đúng quy chuẩn thì ta phải chỉnh trang đô thị, mở rộng đường thoát hiểm rồi hướng dẫn người dân làm những giải pháp như đã nêu trên. Cần lưu ý là giải pháp tài chính, tín dụng phải linh động giữa nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì mới khả thi.

Nhà ống là một loại hình kiến trúc nhà ở đã bộc lộ những bất cập nhưng đến nay, tâm lý người dân vẫn thích sở hữu “nhà liền thổ”. Ông có thể chia sẻ về xu hướng phát triển các loại hình kiến trúc nhà ở trong tương lai?

Trong tương lai, xu hướng phát triển tất yếu, phổ biến tại đô thị là nhà cao tầng. Sự tập trung mật độ dân cư cao trên diện tích có giới hạn, những thay đổi về làm việc, sinh hoạt, buôn bán dẫn đến xu hướng này.

Trong xu hướng phát triển đó, loại hình nhà ống tuy đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhưng cũng vẫn còn những lợi thế của nó. 

Ta đã trải qua thời kỳ phát triển đô thị với nhà ống - xe gắn máy - buôn bán lẻ. Nhà ống đóng góp vào diện mạo đô thị, hoạt động liên tục và sống động trong khi phần lớn các trung tâm văn phòng, thương mại hết giờ làm việc thì đóng cửa. Trong thời gian đại dịch vừa qua, khi nhiều trung tâm thương mại, mua sắm, chợ lớn bị ngưng hoạt động thì do quy mô phù hợp, nhà ống - xe gắn máy - buôn bán lẻ vẫn duy trì hoạt động và nhờ đó mà ta chống chọi được suy sụp kinh tế.
Trong những dụ án mới và cả các khu đô thị mới hiện nay và cả trong tương lai, vẫn có một tỷ lệ thích hợp cho nhà ống - nhà phố. Ta không thể loại bỏ nó một cách cực đoan.

Còn việc mỗi cá nhân chọn loại hình kiến trúc nhà ở nào phù hợp với mình thì lại tùy thuộc vào khả năng, sở thích và điều kiện của từng người.

Hy Hưng thực hiện

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 181
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.