Anh bảo vệ dẫn tôi men theo chiếc cầu thang nhỏ lên tầng một của ngôi nhà là nơi đặt trụ sở Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát. Khá ngạc nhiên khi vừa hết bậc thang cuối cùng cũng là lúc tôi đặt chân vào căn phòng tưởng niệm KTS. Huỳnh Tấn Phát, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, người trí thức cách mạng lỗi lạc của Việt Nam. Căn phòng nhỏ thật khiêm nhường so với tầm vóc lớn lao của ông.
“Tôi dọn về căn nhà này năm 2001, má cũng về ở với tôi được một năm thì mất. Tôi hứa với má là giữ chỗ này làm nơi họp mặt hàng năm cho các chú, các bác là bạn bè, đồng chí của ba má. Mãi đến năm 2018 các buổi họp mặt mới chấm dứt vì các bác già yếu không đi được nữa. Lúc sinh thời ba cũng muốn có một quỹ học bổng cho sinh viên kiến trúc nhưng không thực hiện được. Má là người hiểu hơn ai hết tâm nguyện đó của ba nên trước khi mất má nhiều lần căn dặn chúng tôi phải cố gắng xây dựng cho bằng được quỹ học bổng...” - bà Huỳnh Xuân Thảo, con gái út của KTS. Huỳnh Tấn Phát, giám đốc quỹ học bổng, giải thích khi thấy tôi chăm chú nhìn những hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của KTS. Huỳnh Tấn Phát và người bạn đời tri âm tri kỷ.
Trong lời căn dặn của má cho con gái Huỳnh Xuân Thảo như có hình ảnh của người kiến trúc sư trẻ Huỳnh Tấn Phát gần năm mươi năm trước: đỗ thủ khoa kiến trúc năm 1938, kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn năm 1940, Giải nhất cuộc thi thiết kế Trung tâm hội chợ Triển lãm Đông Dương năm 1941…
Bà Huỳnh Xuân Thảo cùng "bọn trẻ" của mình quanh bàn làm việc của KTS. Huỳnh Tấn Phát. Trên chiếc bàn này, bàn tay tài hoa của ông đã phác thảo nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng
Tâm nguyện của mẹ cha
Tính đến năm 2024, Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát đã chính thức hoạt động được 17 năm. Một thành quả đáng kể nếu so với nhiều quỹ học bổng thành lập cùng thời nhưng đến nay không còn trụ lại được. Bà Thảo nhớ lại: “Mấy anh em trong nhà mình không ai theo nghề của ba. Hồi má nói làm học bổng cho sinh viên kiến trúc, mình lo quá trời vì có biết gì đâu mà làm. Nhưng vì thương má, mình bàn với ông xã cố gắng tìm cách xin giấy phép. Phải danh chính ngôn thuận đàng hoàng thì mới làm”.
Cách đây 20 năm, Nhà nước chưa có quy định về hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận nên việc xin phép thành lập Quỹ rất khó khăn. Bà Thảo kể: “Cũng may mình là con của ba - bà Thảo cười - Mình tìm gặp mấy anh chuyên viên ở UBND TP.HCM trình bày nguyện vọng của gia đình. Các anh là đồng nghiệp lớp sau của má nên nhiệt tình giúp đỡ làm dự án. Đến ngày 29.10.2007, Quỹ chính thức được thành phố cấp phép. Nhưng có giấy phép rồi cũng chưa biết bắt đầu ra sao. Tiền thì chỉ có 300 triệu đồng má để lại (lúc đó trị giá cỡ 20 cây vàng). Nếu gởi tiết kiệm để lấy tiền lãi trao học bổng thì không đủ, chắc chắn phải ăn dần vô vốn. Rồi sau đó thì sao? Lo lắng không kể xiết…”.
Năm đầu tiên, 13 suất học bổng cho sinh viên kiến trúc - quy hoạch đô thị được trao. Mỗi suất 3 triệu đồng trích từ lãi và vốn của số tiền 300 triệu đồng ban đầu. Rõ ràng cách làm này không thể tồn tại lâu dài. Nhưng đi xin cũng “mắc cỡ” lắm. “Quỹ mang tên ba nên mình rất ngại người ta nghĩ mình xin cho mình. Có người còn nói vì mình có ba như thế, mình làm để đánh bóng tên tuổi gia đình... Nghe họ nói mà buồn”, bà Thảo chia sẻ.
Chưa hết, có một vài người quen của bà Thảo là kiến trúc sư, khi biết ý định thành lập quỹ học bổng cho sinh viên kiến trúc đã nói một câu xanh rờn: sinh viên nghèo không nên học kiến trúc!. “Mình nghĩ bụng mấy anh nói câu đó chưa chắc đúng đâu. Ông già tui cũng nhà nghèo đó mà ông học kiến trúc và còn tốt nghiệp thủ khoa. Để tui chứng minh cho mấy ông thấy”, bà Thảo nhớ lại.
May mắn là lúc đó một tổ chức thiện nguyện nước ngoài mở các lớp dành cho các tổ chức cộng đồng trong nước. “Họ mở lớp gì, mình đi học lớp đó: cách tìm tình nguyện viên, quản lý tình nguyện viên; cách viết kế hoạch chiến lược; công tác tài chính, kế toán, kiểm toán, giải trình minh bạch... Thậm chí mình còn... được thưởng vì thành tích đi học. Nhờ có học mà làm được”.
Một buổi gặp gỡ, trao đổi của các sinh viên, tình nguyện viên của Quỹ
Không chỉ là học bổng...
Khi xét trao học bổng, ngoài giấy tờ xác nhận kết quả học tập, các ứng viên còn có một buổi gặp gỡ trực tiếp hội đồng xét duyệt. Giám đốc Huỳnh Xuân Thảo kể khi phỏng vấn các em sinh viên, bà thấy nhiều em học thì giỏi nhưng các kỹ năng mềm như tiếng Anh, giao tiếp... lại rất hạn chế. Nhiều bạn khi trả lời thì cúi gằm mặt không dám nhìn thẳng người hỏi, rất thiếu tự tin, trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi... Hoặc trong quá trình làm việc với các trường, bà phát hiện rất nhiều sinh viên thi tốt nghiệp rồi nhưng không lấy được bằng vì còn nợ môn tiếng Anh. Hay nhiều em không có máy tính để làm đồ án...
“Sự khác biệt của Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát là ngoài học bổng, Quỹ có các hoạt động khác hỗ trợ sinh viên từ năm nhất đến năm cuối để khi ra đời các em sẽ vững vàng, phát triển bản thân, kiến thức, tư duy... Nếu thấy các em “đuối” chỗ nào thì hỗ trợ đúng điều mà các em cần, ví dụ như giao tiếp, tiếng Anh, làm việc nhóm... Ví dụ khác là phần mềm. Ngành kiến trúc cần rất nhiều phần mềm, hầu hết rất mắc tiền. Chúng tôi mua về để các em sử dụng miễn phí. Hiện nay phần mềm nào ngoài thị trường có thì Quỹ đều có. Ngoài ra còn có hai thầy ở Trường Đại học Công nghệ đến dạy phần mềm về xây dựng.
Trụ sở Quỹ là nơi các bạn trẻ tụ tập. Các em rất thích đến đây vì được sáng tạo, được học tập, sáng kiến được lắng nghe, phản biện, dự án có sức thuyết phục thì được hỗ trợ. Ngoài ra, các sinh viên không nhận học bổng của Quỹ nhưng có ý chí vượt khó, ham học hỏi thì vẫn được tạo điều kiện để đến đây học tập. Nhiều năm nay, văn phòng Quỹ còn là nơi trú ngụ tạm thời cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, bà Thảo cho biết.
Với 9 chương trình cơ bản: minitalk, hội thảo, học bổng, du học, HTP center, phần mềm chuyên ngành, chuỗi các chương trình kỹ năng (quản lý tài chính cá nhân, hội thảo, start up, thuyết trình, viết hồ sơ tìm việc...), tham quan các công trình kiến trúc, dã ngoại... Quỹ đã tạo được môi trường học tập năng động, sáng tạo, hiệu quả cho sinh viên kiến trúc. Chính điều này làm cho sự gắn bó của Quỹ và các trường đại học có khoa kiến trúc tại TP.HCM không ngừng được vun đắp, phát triển.
Hạnh phúc lớn nhất của những người điều hành, quản lý Quỹ là nhìn thấy hiệu quả thực sự mà các hoạt động của Quỹ mang đến cho sinh viên. Mười bảy năm với gần 300 sinh viên thuộc chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch được trao học bổng, hơn 12.000 lượt sinh viên nhận được phúc lợi từ các chương trình và hơn 30 sinh viên khó khăn đã tốt nghiệp thủ khoa, á khoa hoặc tiếp cận cơ hội du học là những con số biết nói góp phần “phá dớp” sinh viên nghèo thì không nên học kiến trúc!
Bà Huỳnh Xuân Thảo cùng các sinh viên vượt khó, tài năng của Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát đến thăm Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM - một trong những thiết kế gắn liền với tên tuổi KTS. Huỳnh Tấn Phát
Ra đi để trở về
Hôm tôi đến, bà Thảo cho biết Phạm Tuấn Nam, một trong những sinh viên tiêu biểu nhất của Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát vừa ghé lại để góp ý về học bổng sắp tới. Hiện Nam là giảng viên Khoa Quy hoạch của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và là cố vấn chuyên môn của Quỹ.
Câu chuyện “học sinh nghèo vượt khó học xuất sắc” của Nam đã truyền cảm hứng cho rất nhiều lứa sinh viên kiến trúc trong cả nước. Mẹ mất khi Nam còn rất nhỏ, cha lập gia đình mới, cậu bé ở với ông bà. Thương cháu chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nên tuy nhà nghèo, ông bà vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện để Nam theo đuổi đam mê học vẽ và ước muốn trở thành kiến trúc sư. Thế nhưng bất hạnh của Nam chưa dừng lại đó. Cuối năm 2011, khi Nam vừa bước chân vào đại học thì ông qua đời. Không còn chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần, Nam phải vừa đi học, vừa làm thêm đủ mọi việc nhưng tiền kiếm được vẫn không đủ trang trải cuộc sống và chi phí học hành. Đúng lúc đó, Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát đã có mặt để cùng Nam viết tiếp ước mơ. Văn phòng Quỹ cũng chính là ngôi nhà thứ hai của anh cho đến lúc ra trường.
“Sự khác biệt của Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát là ngoài học bổng, Quỹ có các hoạt động khác hỗ trợ sinh viên từ năm nhất đến năm cuối để khi ra đời các em sẽ vững vàng, phát triển bản thân, kiến thức, tư duy... Nếu thấy các em “đuối” chỗ nào thì hỗ trợ đúng điều mà các em cần, ví dụ như giao tiếp, tiếng Anh, làm việc nhóm..."
Bà Huỳnh Xuân Thảo
Tốt nghiệp thủ khoa như Nam không phải là cá biệt. Nhưng chàng trai ấy ngay cả khi đi học thạc sĩ và tốt nghiệp thủ khoa ở nước ngoài hay nhận rất nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá trong nước thì ngôi nhà số 11 Lê Ngô Cát, quận 3 vẫn là chốn đi về. Ở đó Nam tiếp tục thắp lên ngọn lửa đam mê nghề nghiệp cũng như nâng đỡ, dìu dắt các em sinh viên trẻ trên con đường học tập, rèn luyện, cống hiến.
Cũng như Nam, rất nhiều cựu sinh viên từng nhận sự hỗ trợ của Quỹ, đã ra trường, thành đạt nay quay về làm tình nguyện viên, đóng góp công sức, kinh nghiệm để giúp các bạn sinh viên trẻ trải qua 5 năm học thuận lợi nhất, nhẹ nhàng nhất và đạt kết quả tốt nhất.
Chỉ cho tôi xem những hình vẽ ngang dọc, những mũi tên lên xuống cùng những từ ngữ được khoanh tròn trên tấm bảng trước mặt, bà Thảo cho biết đó là nội dung buổi làm việc mới đây của các cựu sinh viên, tình nguyện viên. Các bạn đã thành tài, nay quay lại hỗ trợ Quỹ chăm lo cho các em mới. Bà khoe “bọn trẻ” đang xây dựng nền tảng Kiến Việc, một kiểu “chợ việc làm” để gắn kết doanh nghiệp và sinh viên. Nhưng đây không đơn thuần là kết nối cung - cầu trên thị trường lao động mà còn giúp sinh viên hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp, tiêu chuẩn của vị trí ứng tuyển để đối chiếu với năng lực của bản thân. Nếu thấy mình còn thiếu tiêu chuẩn nào thì học bổ sung ngay, đến khi đáp ứng được yêu cầu thì ứng tuyển. Về phía doanh nghiệp, Kiến Việc sẽ giúp họ tìm được nguồn cung đa dạng, có chất lượng.
Hạnh phúc lớn nhất của những người điều hành, quản lý Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát là nhìn thấy hiệu quả thực sự mà các hoạt động của Quỹ mang đến cho sinh viên
Thay lời kết
Có một chút suy tư trong ánh mắt người sáng lập Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát khi tôi đề cập đến “người kế thừa” của Quỹ. Người cựu Học sinh miền Nam trên đất Bắc kể về tuổi thơ phải sống xa gia đình, xa cha mẹ, mãi đến khi đất nước hòa bình, thống nhất mới được gặp lại: “Các con cháu của mình bây giờ dù được nuôi dạy tử tế nhưng chúng lớn lên trong hoàn cảnh khác, có chí hướng khác nên khó có sự đồng cảm với người nghèo khó, cô đơn, nhiều mặc cảm như mình ngày xưa. Chúng cũng không hiểu hết ân tình mà những đứa trẻ bơ vơ côi cút được đón nhận từ những người xa lạ. Vì vậy không thể bắt ép chúng làm. May mắn là cũng đã có hướng ra. Hai năm nay chúng tôi kết nối được với một tổ chức thiện nguyện ở Úc do các doanh nhân thành đạt sáng lập. Họ hỗ trợ chúng tôi khá nhiều và năm nay tập trung đầu tư cho các Alumni - cộng đồng cựu sinh viên, tình nguyện viên. Từ đó Quỹ có thể tìm được người kế thừa”.
Qua câu chuyện của bà Thảo, tôi được biết ba má chính là động lực giúp bà đứng ra thành lập và duy trì hoạt động của Quỹ. “Ba cũng là con nhà nghèo, ông nội đi làm thuê, bà nội làm bánh bán và dạy nữ công, ba học giỏi nên vô được Trường Petrus Ký rồi Trường Mỹ thuật Đông Dương, được trao học bổng và tốt nghiệp thủ khoa (năm 1938). Tôi cũng rất phục má (bà Bùi Thị Nga, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - PV). Mấy chục năm tham gia cách mạng, khi ở đô thị, khi ở trong rừng, đến ngày giải phóng, bao nhiêu kiến thức má học được từ trường trung học Pháp vẫn còn nguyên. Má dẫn đoàn phụ nữ Việt Nam đi dự Đại hội Phụ nữ Dân chủ thế giới ở Paris mà không cần phiên dịch tiếng Pháp.
Ông bà Huỳnh Tấn Phát và Bùi Thị Nga trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Việt kiều ở Pháp về, má trò chuyện, hướng dẫn họ một cách am hiểu về mọi lĩnh vực họ cần tìm hiểu, tìm ở đâu, tìm ở ai cho có hiệu quả. Hai tấm gương đó quá lớn khiến tôi phải nỗ lực từng ngày để xứng đáng là con ba má. Nhiều lúc khó khăn, tìm chưa đủ nguồn tài chính để trao học bổng, tôi lại thắp nhang khấn ba “phù hộ cho con gặp nhà tài trợ”. Ông xã tôi trước dạy toán ở trường đại học, sau ra làm doanh nghiệp, năm nào cũng hỗ trợ cho Quỹ. Cách đây hai năm anh thông báo sẽ nghỉ hưu, điều đó đồng nghĩa nguồn tài trợ từ mạnh thường quân “ruột” sẽ không còn, tôi xoay xở bằng cách cho thuê tầng dưới ngôi nhà để chủ động phần nào chi phí chăm lo cho bọn trẻ”.
Tôi để ý thấy mỗi lần nhắc đến “bọn trẻ” là ánh mắt bà Thảo lại lấp lánh niềm vui. Bà say sưa kể: “Kiến trúc học vất vả hơn nhiều ngành khác, nhất là mùa làm đồ án thì “chết giấc” luôn. Tụi nhỏ phải thức trắng nhiều đêm liền, mệt quá thì lăn ra ngủ luôn chỗ phòng thờ ông già...”.
Bà nói về “bọn trẻ” thật trìu mến như cách một người mẹ nói về con mình. Thật sự các em sinh viên đi lên từ sự nâng bước của Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát từ lâu đã xem bà như một người mẹ. Bất giác tôi nhớ những điều nhà văn Thép Mới, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, người có thời gian dài sống với KTS. Huỳnh Tấn Phát ở vùng căn cứ cách mạng miền Nam: Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho “than hồng nhen lên thành lửa ngọn” (báo Nhân Dân, số ra ngày 14.10.1989).
Tin rằng những ngọn lửa do ông thắp sáng sẽ cháy mãi ở tương lai...
Nhà trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ
KTS. Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15.2.1913 tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1938, ông đỗ thủ khoa ngành kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1943, ông đã thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt… gây sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam kỳ và sự ngưỡng mộ của người Pháp.
Trong thời kỳ chống Pháp, ông hoạt động sôi nổi, tích cực trong phong trào truyền bá chữ quốc ngữ ở Nam kỳ, phong trào cứu tế nạn đói ở Bắc kỳ, phong trào Thanh niên Tiền phong... Là một trí thức với tinh thần yêu nước cao độ, KTS. Huỳnh Tấn Phát gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, có uy tín đặc biệt đối với đội ngũ trí thức nước nhà.
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, ông được phân công trở về hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn, được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn phụ trách Ban Trí vận. Năm 1959, ông ra vùng giải phóng, được phân công làm ủy viên Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là một trong những trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức và thanh niên.
KTS. Huỳnh Tấn Phát đi xa đã 35 năm những mỗi khi nhìn kỷ vật của cha, bà Huỳnh Xuân Thảo luôn bồi hồi xúc động
Tháng 6.1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trên cương vị này, ông đã góp phần tích cực cùng các thành viên trong Chính phủ đảm đương những nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp của nhân dân miền Nam. Ông chính là tác giả của lá cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông làm Phó thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông còn kiêm nhiệm các chức danh như Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam...
KTS. Huỳnh Tấn Phát đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc, như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981; Bảo tàng các Vua Hùng; Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM)... Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ngoài ra ông còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch TP.HCM, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn…
Với những đóng góp to lớn của mình, KTS. Huỳnh Tấn Phát được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 1996... Ông mất ngày 30.9.1989 tại TP.HCM.
Những món nợ ân tình
Từ trái: Phạm Tuấn Nam, Nguyễn Phạm Thảo Vân, Võ Thiên Kiều Giang, Nguyễn Quang Huy
Phạm Tuấn Nam:
"Ấm áp như trong chính ngôi nhà của mình"
Ngoài công việc giảng dạy, thiết kế, thời gian rảnh em lại chạy về văn phòng để hỗ trợ các bạn sinh viên, tham gia các hoạt động của tình nguyện viên, giúp cô Thảo quản lý, điều hành Quỹ. Về đây em thấy ấm áp như trong chính ngôi nhà của mình. Bà xã em tuy không phải là sinh viên nhận học bổng của Quỹ nhưng từ lâu cũng đã trở thành tình nguyện viên, sát cánh cùng em tham gia các hoạt động. Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát và cô Thảo đã cho em rất nhiều. Em thấy mình có trách nhiệm với những gì đã nhận được ở nơi đây.
Võ Thiên Kiều Giang:
"Em chắc chắn sẽ quay về"
Khi em vừa vào đại học thì gia đình gặp biến cố, ba mẹ em lần lượt qua đời. Bốn chị em gái của em và bà nội bơ vơ không nơi nương tựa. Không có tiền đóng học phí, thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt... Em hoàn toàn suy sụp. Chính lúc ấy cô Thảo đã đến. Em nhận được Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát suốt 4 năm cho tới khi ra trường. Em cũng không phải lo lắng chỗ trọ vì cô đã cho em và em gái của mình ở luôn tại văn phòng Quỹ. Tốt nghiệp thủ khoa, em vui một, cô vui gấp nhiều lần. Thời gian qua em chưa giúp được gì nhiều cho Quỹ vì còn nặng gánh gia đình nhưng em chắc chắn sẽ quay về.
Nguyễn Phạm Thảo Vân:
"Điều nên làm và phải làm"
Năm nay em 23 tuổi, vừa tốt nghiệp loại giỏi. Em có may mắn được nhận học bổng liên tục 5 năm. Người vui sướng nhất có lẽ là ba mẹ vì học bổng thật sự giúp những người lao động nghèo như ba mẹ em cất được gánh nặng học phí cho con. Với em, học bổng ngoài việc cung cấp tài chính còn cho em cơ hội tích lũy kiến thức, trau dồi kỹ năng, có phương tiện học tập, làm đồ án... Em thấy việc mình quay trở lại làm tình nguyện viên cho Quỹ là điều nên làm và phải làm.
Nguyễn Quang Huy:
"Tận dụng mọi cơ hội học tập"
Em mới 19 tuổi và đang học năm thứ nhất ngành xây dựng của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Em rất biết ơn vì mình đã được chọn để trao học bổng. Để xứng đáng với sự quan tâm của cô Thảo và Quỹ Học bổng Huỳnh Tấn Phát, em đang cố gắng rất nhiều, tận dụng mọi cơ hội học tập để có kết quả tốt hơn. Em rất thích đến văn phòng Quỹ còn vì ở đây có phòng máy rất “xịn xò”, máy cấu hình mạnh, rất thích hợp cho sinh viên kiến trúc.
Bài: Lệ Thủy - Ảnh: Nguyễn Á