Bốn năm trước, khi đọc một bài viết của tôi trên tạp chí Người Đô Thị về phương thức hoạt động của nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing, chị Võ Ánh Hồng bạn tôi, nguyên là bác sĩ trưởng khoa chăm sóc đặc biệt ở lầu 10 Bệnh viện Chợ Rẫy, đã bày tỏ chút băn khoăn: “Mục đích, phương thức và kết quả hoạt động của nhóm thấy rõ là tốt rồi đó. Tuy vậy, không phải là một tổ chức có đăng ký giấy phép hoạt động, không có trụ sở, không có lương cho người điều phối và cộng tác viên (thậm chí thù lao cũng không có) thì làm sao duy trì được hoạt động lâu dài? Nhất là có tìm được lực lượng kế tục không?”.
Tôi nói với bạn tôi rằng, lòng nhân ái đích thực và sự gương mẫu của những người nòng cốt, tính minh bạch trong huy động nguồn lực và tính hiệu quả xã hội trong công tác tổ chức triển khai nguồn lực là những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo uy tín lâu dài của hoạt động thiện nguyện. Khi sự tử tế trở thành một giá trị cốt lõi, tự thân nó sẽ tạo ra nguồn cảm hứng để thu hút con người đến với nhau và làm việc cùng nhau vì mục đích tốt đẹp.
Ở Sharing, những người làm nhiệm vụ kết nối, điều hành hoạt động của nhóm đều hoàn toàn tự nguyện, không những không hưởng bất cứ khoản thù lao nào mà còn gương mẫu đi đầu trong các đợt vận động cứu trợ người nghèo, nơi khó bằng chính tiền bạc và thời gian, công sức của cá nhân. Chia Sẻ - Sharing tổ chức mối liên hệ công việc và tình cảm giữa các thành viên bằng một địa chỉ viber group và một trang facebook mang tên “Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing”.
Bằng các hình thức liên lạc công nghệ tiện lợi này, không cần họp trực tiếp, cả nhóm đều biết công việc cứu trợ của nhóm phối hợp với những tổ chức xã hội nào, địa phương nào nhằm nắm bắt chính xác nhu cầu cần giúp đỡ là những ai, là cái gì để lập dự án về nội dung, kinh phí, tiến độ. Rất chi tiết về mục tiêu, về nguồn lực tài chính và hiện vật cần đóng góp.
Các ông bà, cha mẹ trong Sharing đến dự khánh thành dự án Joy Park (Sân chơi trẻ em) tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở II do Sharing thế hệ thứ ba thực hiện.
Các thành viên của nhóm đều biết trước thời gian của từng đợt cứu trợ để sắp xếp tham gia theo hình thức thanh toán tự túc toàn bộ các khoản chi phí cá nhân cho mỗi chuyến đi, không trích bất cứ khoản nào từ số tiền đã huy động cho công việc thiện nguyện. Kết thúc mỗi dự án là một báo cáo chi tiết trên viber và facebook kết quả đóng góp của từng thành viên và hiệu quả cụ thể của sự đóng góp ấy.
Nguyên tắc của nhóm là chỉ huy động nguồn lực đủ để thực hiện dự án, không huy động thừa và vì vậy không có quỹ tồn. Không chỉ thông tin công việc, các địa chỉ liên lạc công nghệ này còn gắn kết tình cảm trong nhóm bằng những thông tin hữu sự buồn, vui của từng thành viên. Cách làm ấy thể hiện đúng tinh thần tên gọi của nhóm, đó là chia sẻ khó khăn với những người có cảnh ngộ không may mắn và chia sẻ nhu cầu tinh thần với chính những người đang đồng hành trên con đường thiện nguyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Cách làm gương mẫu, minh bạch và hiệu quả đó của Sharing quả nhiên đã giúp hoạt động thiện nguyện của nhóm được duy trì tính đến năm 2025 là 19 năm (tất nhiên thời gian đó bao gồm cả những năm nhóm hoạt động mà chưa mang tên Sharing!). Sau dịch Covid-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả các cuộc vận động thiện nguyện. Các thành viên nòng cốt của Sharing, như nhiều năm qua, lại chủ yếu đem tiền cá nhân ra để góp phần duy trì các hoạt động của nhóm.
Vẫn những cái tên thân thương quen thuộc đã trở thành gương mẫu: gia đình má Nguyễn Thị Phương, gia đình chị Mai Thị Hạnh, gia đình chị Huỳnh Bích Ngọc TTC, gia đình ACB với các chị Đặng Thu Thủy, Đặng Thu Hà, gia đình chị Như Loan, anh chị Lê Nhựt Tân và Nguyễn Thị Tranh, chị Kim Chi, chị Thanh Vân, chị Tuyết Minh, chị Thúy Nga Kiến Á, chị Phượng Sala, chị Trương Minh Tuyết… Hơn 1,5 tỷ đồng chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho bà con Cần Giờ, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre. Hơn 1 tỷ đồng để đóng góp xây nhà văn hóa ở thôn Tổng Chúp - Cao Bằng và hỗ trợ các gia đình khó khăn tại địa phương. Trong dịp Giỗ trận 12.7.2024, Sharing cũng đã tặng Hà Giang hơn 700 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế cho 20 hộ dân tộc, cựu binh nghèo, tặng 20 bò sinh sản (17 triệu đồng/con) cho nạn nhân bom mìn, cựu binh và tài trợ cho buổi Giỗ trận.
Giữa năm 2024, khi biết Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang rất thiếu máy điều trị cho bệnh nhân, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã cùng Sharing vận động các thành viên trong nhóm và đặc biệt là đóng góp chủ yếu của VPBank để tặng bệnh viện 3 máy siêu âm trị giá 2,1 tỷ đồng và 225 ghế ngồi cho bệnh nhân trị giá 470 triệu đồng cùng với 120 phần quà tặng cho trẻ mắc ung thư trị giá 102 triệu đồng. Món quà thiết thực này đã tạo một kỷ lục: từ lúc vận động đến lúc trao tặng chỉ trong 10 ngày.
Trong ảnh là hai sinh viên thuộc Sharing thế hệ thứ ba (bà nội của họ đều là thành viên Sharing thế hệ một).
Những kết quả hoạt động thiện nguyện không nhỏ trong năm 2024 hóa ra vẫn chưa phải là niềm vui lớn nhất của Sharing. Trước năm 2024, Sharing chỉ mới có sự tham gia làm thiện nguyện của thế hệ thứ hai là các con của chị Mai Thị Hạnh, chị Kim Thanh, chị Võ Thị Xuân Trang, chị Dương Thị Năm, anh chị Lê Nhựt Tân và Nguyễn Thị Tranh…Tiêu biểu là Đặng Huỳnh Ức My (con gái của anh chị Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc TTC) đã tặng kinh phí 160 triệu đồng để xây chiếc cầu dài 18m ở Đại Ân, Cù Lao Dung và lại tiếp tục tặng 100 triệu đồng để góp phần cùng Sharing chăm lo cho 1.000 trẻ mồ côi ở TP.HCM ăn Tết Ất Tỵ.
Nhưng, có thể nói điều khiến cho Sharing cảm thấy vui nhất, tự hào nhất là năm 2024, lần đầu tiên Sharing có dự án thiện nguyện của thế hệ thứ ba bằng sự tự nhận thức và tự triển khai của những người rất trẻ, là lớp cháu nội, ngoại của các thành viên Sharing. Đó là dự án sân chơi cho trẻ bị ung thư mang tên Joy Park (đặt tại sân thượng lầu 4 của Bệnh viện Ung bướu cơ sở II - TP.HCM). Đây là dự án quà tặng của 17 bạn nhỏ độ tuổi từ mẫu giáo đến sinh viên do Trương Tấn Phát, sinh viên dự bị Đại học Oxford, Vương quốc Anh (cháu nội của anh chị Trương Tấn Sang - Mai Thị Hạnh) tình nguyện làm trưởng dự án.
Dự án này nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình Trung thu mơ ước - 2024 do nhóm Sharing phối hợp cùng khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ báo Tuổi Trẻ thực hiện. Từng trải qua tuổi thơ, Tấn Phát biết Tết Trung thu hàng năm là dịp để trẻ em xúng xính trong bộ quần áo mới, rước lồng đèn và thưởng thức bánh Trung thu bên gia đình thân yêu của mình... Trong khi đó tại Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, hàng trăm em bé đang phải vật vã chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác!
Trương Tấn Phát, Trưởng dự án Thiện nguyện “Sân chơi cho trẻ em” (Joy Park) tại lễ khánh thành 24.8.2024.
Thương và mong muốn được chia sẻ nổi đau với bệnh nhi ung thư, trong kỳ nghỉ hè 2024 của mình, Tấn Phát đã xung phong làm trưởng dự án và kêu gọi thêm 15 bạn khác vừa là bạn học hồi nhỏ của Tấn Phát, vừa là con cháu thế hệ thứ ba của các cô chú trong nhóm Thiện nguyện Sharing cùng tham gia dự án mang tên Joy Park - đó là một sân chơi giúp các bệnh nhi thư giãn sau những đợt hoá trị, xạ trị đau đớn và mệt mỏi. 17 bạn nhỏ từ mẫu giáo đến sinh viên đã cùng nhau đóng góp tiền để dành, đập ống heo, tiết kiệm sinh hoạt phí... để thực hiện dự án này. Chỉ trong chưa đến 20 ngày kể từ khi nảy sinh ý tưởng đến lúc khánh thành vào ngày 24.8.2024, sân chơi Joy Park rộng 400m2 đã ra mắt các bạn nhỏ, mang nét độc đáo dành cho bệnh nhi với sự chọn lọc kỹ từ màu sắc của mái che di động, vách lưới an toàn khuôn viên, trải thảm cỏ nhân tạo, nhà vệ sinh công cộng di động... trang trí dễ thương và thu hút. Đồ chơi cho bệnh nhi được lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo an toàn cho các bé gồm: thú nhún, bập bênh, cầu trượt liên hoàn, nhà nấm, nhà nhún, làn xe trượt dốc, xe chòi chân, sân chơi bóng rổ, khu vực lắp ráp lego, tô tượng...
Dự án sân chơi Joy Park có tổng kinh phí 511 triệu đồng là phần đóng góp trực tiếp của 17 cháu trong nhóm dự án, có thêm 24 triệu đóng góp của các thành viên Sharing để mua vớ chống trượt, giữ ấm - chưa tính phần góp thêm trong ngày khánh thành Joy Park trị giá khoảng 60 triệu đồng từ một số đồ chơi, thú bông, sách vở, bánh kẹo... của báo Tuổi Trẻ và các con cháu thế hệ thứ ba thành viên nhóm Sharing như các cháu Suzy - Sumy cháu nội anh chị Chiến - Tuyết, các cháu Chánh Kiên, Thanh Trung, Thanh Mai con chị Trang…
Niềm hạnh phúc của các bệnh nhi ung thư bên các anh chị Sharing thế hệ thứ ba khi được các anh chị hứa “Sẽ cùng các em chiến đấu với bệnh tật”.
Trong buổi làm việc với Ban giám đốc bệnh viện để xin phép được triển khai dự án Joy Park, Tấn Phát đã thay các bạn bày tỏ suy nghĩ của mình: “Chúng con muốn đến với các em bệnh nhân ung thư để trải nghiệm, hiểu thêm các em đã phải trải qua những gì, để cùng chia sẻ nổi đau của các em, muốn giúp các em cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên các em vui hơn, cố gắng hơn để vượt qua nỗi ám ảnh, lo sợ vì mắc phải bệnh hiểm nghèo”. Hoàn thành xong dự án thiện nguyện đầu tiên Joy Park, Tấn Phát và các bạn cùng nhóm thế hệ thứ ba của Sharing đã thống nhất: vào mỗi mùa hè khi đã hoàn thành năm học ở nước ngoài hoặc trong nước, thay vì chỉ đi du lịch và nghỉ ngơi sẽ cố gắng cùng nhau làm thêm gì đó, dù ít dù nhiều, để đóng góp cho cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh và thay nhau làm trưởng dự án.
Có người nghe kể về nhóm dự án Joy Park đã nói: xuất thân trong gia đình có ông bà cha mẹ làm lớn và giàu có thì làm thiện nguyện dễ thôi, có sẵn tiền và sẵn người hỗ trợ mà. Nhưng cũng có người lại nói thế này: nếu xuất thân thuận lợi hơn người mà không lo học hành cho tử tế, không biết quan tâm, giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn sống quanh mình, chỉ lo hưởng thụ những gì người khác làm sẵn cho, vậy thì nghĩ được và hành động được như những bạn trẻ của dự án Joy Park vẫn đáng quý, đáng khuyến khích chứ. Tôi thiên về cách nghĩ thứ hai. Nó giúp mình vui hơn, nghĩ sáng hơn về cuộc sống vốn vẫn còn nhiều gập ghềnh, vất vả... Thật mừng cho các bậc cha mẹ sống thiện và có con cháu tự nguyện nối theo mình. Tre và Măng đang tựa vào nhau để sống vững chãi.
Nhóm dự án Joy Park
Trương Tấn Phát (cháu nội của anh chị Trương Tấn Sang - Mai Thị Hạnh), Ngân, Trí, Phú (bạn học của Tấn Phát), Vi Thảo, Phúc Quân, An (con và các cháu của chị Nhung VPBank), Mỹ Anh (con của anh chị Tuấn - Loan), Chinh ( bạn học của Mỹ Anh), Thủy Tiên (cháu ngoại chị Nguyễn Thị Phượng), Bill và Na ( cháu nội của chị Mai Thị Huệ), Trâm Anh (cháu nội của chị Nguyễn Thị Phượng), Trương Hồng Quốc Bảo, Trương Hồng Bảo Trân (con của Đặng Huỳnh Ức My), Đặng Quang Anh, Đặng Minh Anh (con của Đặng Hồng Anh, cháu nội anh chị Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc).
Các hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ của Sharing
- Tặng 100 triệu đồng cho các y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở II để góp phần đón Tết Ất Tỵ.
- Tặng 1.300 chăn bông cho đồng bào phía Bắc trị giá 260 triệu đồng.
- Đóng góp hơn 500 triệu đồng cho hoạt động từ thiện của Bộ Ngoại giao tại Liên hoan Ẩm thực Quốc tế tháng 12.2024 để chăm lo Tết 2025 cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng bão lũ.
- Tặng 500 triệu đồng cho bà con giữ rừng Cần Giờ và 120 triệu cho 1.000 trẻ em nghèo (các chị Đặng Thu Thủy và Đặng Thu Hà ACB).
- Tặng 100 triệu đồng để chăm lo Tết bà con nghèo (chị Cẩm Phương Saigontel).
- Tặng 100 triệu đồng để chăm lo trẻ nghèo (chị Đặng Huỳnh Ức My).
- Tặng 222.222.222 đồng chăm lo cho người nghèo và trẻ mồ côi, cơ nhỡ (Thầy Tuệ Hải).
- 1.000 phần bánh kẹo (Công ty CP Phú Trường Quốc Tế).
- 2.000 kg đường và 2.000 hộp sữa dừa socola (Tập đoàn TTC và Công ty TTC Agris).
- 1.000 phần quà (Công ty bột Quốc Tế Intermix).
- 1.000 phần sữa (Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood).
- 1.000 phần bún khô (Công ty Food For You).
- Nhiều anh chị em khác trong nhóm đã đóng góp 5 - 20 triệu đồng để chăm lo người nghèo trong Tết Ất Tỵ.
- Năm nay được sự hỗ trợ đặc biệt của chị Mai Thị Hạnh và anh chị em trong nhóm, Sharing sẽ tiếp tục sắm quần áo mới cho 170 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ. Mỗi bộ quần áo mới trị giá 700.000 đồng cùng với phần quà chung cho 1.000 trẻ nghèo TP.HCM và Long An (mỗi phần quà trị giá 1 - 1,2 triệu đồng).
- Đặc biệt, một bạn giấu tên tặng 500 triệu đồng để cùng Sharing chăm sóc cho trẻ nghèo cơ nhỡ, bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi có cái Tết ấm cúng.
Bài và ảnh: Thanh Nguyễn