Tôi, vì tò mò, lần đầu tới đây, nhưng lại thấy mọi thứ đều rất thân quen. Cảm tưởng như một buổi mai nào đó, trước một điểm dừng đèn đỏ, bất chợt hiện ra bên cạnh xe mình một mái tóc, một gương mặt không khác một người đã từng một thời vò nhầu nát lòng mình…
Ban mai đang dần hiện mà mấy bóng đèn đường vẫn còn hắt hiu. Ông Thanh nhóm bếp. Mấy que diêm xoè giữa những thanh củi bé nhỏ. Khói ngún dần thành ngọn lửa. Lửa bắt than kêu lắc rắc toả ra ngan ngát mùi hoang dã. Cà phê đã ở trong vợt. Vợt nằm sẵn trong siêu đất nhỏ màu da lươn. Siêu da lươn nằm trong thau nước nhỏ sôi liu riu trên than lửa. Tiệm nước đặc sánh trong hương cà phê quyện với mùi khói than. Chợt ngó quanh những chiếc bàn thấp cao lô xô, những chiếc ghế đẩu đủ kiểu, đủ cỡ; ngó lên gác gỗ trần nhà; ngó bức tường có dán hình một nam tài tử xinê Pháp nổi danh của những năm 50 thế kỷ trước… Tất cả nâu bóng mà lại cũ càng một màu khói cà phê. Không gian này được hun đúc đã hơn 30 năm rồi còn gì!
Ông Thanh lơ đễnh nghiêng siêu rót cho tôi ly cà phê đen, nóng nghi ngút, khói mờ cả mặt ly, đầy đến tưởng như chỉ cần thêm giọt nữa thì cà phê sẽ sánh ra bàn. Thế mà không hề có cái giọt thừa ấy. Không bàn nào có cái giọt thừa ấy.
Đèn đường đã tắt, quán râm ran tiếng khách chào nhau, hầu hết bằng tiếng Hoa. Ông Thanh nói, sống ở đây thì người Hoa nào cũng biết tiếng Việt và người Việt nào cũng nói được tiếng Hoa. Có ai đó gọi chủ quán mấy điếu thuốc lá lẻ. Bất giác tôi cho tay vào túi và đầu nghĩ tới những đồng tiền lẻ, cứ như mình vừa gọi thuốc, cứ như mình còn ở thời khốn khó mấy mươi năm trước…
Bàn bên, một cụ bà co ro trong áo len, tay nhẹ đặt chiếc ly không xuống bàn, chép miệng đứng lên, không cần nhìn đến bình trà nóng đặt trước mặt. Trước khi ra khỏi quán, bà không quên dằn lại mấy đồng tiền lẻ dưới ly. Anh T. chào và mời một người quen cũ ngồi xuống cùng bàn, vẫn không thấy hai người trò chuyện gì. Họ thong thả nhấp từng ngụm nhỏ cà phê. Trông vào mắt anh, cứ như chưa từng có 33 năm anh xa nơi này. Và tôi, như đang sống lại với những buổi cà phê sáng trong tiệm nước quen thuộc dưới chân cầu quay Bạc Liêu, một miền đất mà ca dao đã từng lưu dấu tích của những Hoa kiều sớm có mặt từ mấy trăm năm trước:
Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt,
trên bờ Triều Châu.
Bài: Nguyễn Trọng Tín. Ảnh: A.T
_____________________________
(*) Tên đầy đủ là Lưu Nhâm Thanh, 66 tuổi, theo cha mẹ từ Kiệt Dương (Quảng Đông) - Trung Quốc sang Sài Gòn từ năm 5 tuổi. Địa chỉ tiệm nước ông Thanh: 313 Tân Phước, phường 6, quận 11.