Tinh thần người lính trong một bộ phim về sự thật

 13:38 | Thứ bảy, 25/12/2021  0
Đâu cần phải diễn giải dài dòng về bộ phim đặc biệt này. Đặc biệt vì cái tên phim: "Chuyện thật trưa 30.4.1975". Chuyện thật tức là khác với chuyện không thật. Và, người làm phim cùng các nhân vật trong phim đều chịu trách nhiệm cá nhân về sự thật gắn với hành động của mình trong cùng một thời khắc lịch sử.  

Nói cách khác, rõ ràng hơn và kiên quyết hơn, như ông Nguyễn Trọng Xuất - Tổng thư ký Ban biên tập bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến, là: “Lịch sử không chấp nhận những cái gì người ta bịa ra. Lịch sử chỉ chấp nhận sự chân thật và quần chúng chỉ được thuyết phục bằng sự chân thật của lịch sử”. 

Xem đi xem lại bộ phim tài liệu có thể nói là rất công phu và đầy sức thuyết phục này, càng thấy rõ một điều: sự thật thì đơn giản vì có sao nói vậy. Nhưng bảo vệ sự thật mới là điều cực kỳ khó khăn. Bởi vì, như tiến sĩ sử học Phan Xuân Biên đã nói ngay sau khi xem bộ phim, trước khi được công chiếu: “Sự thật thì chỉ có một thôi, nhưng ngặt cái người ta lại làm ra nhiều phiên bản về một sự thật”.

Vậy thì điều gì đã khiến cho sự thật có nhiều phiên bản khác nhau? Phải chăng đó là do căn bệnh háo danh, ham công trạng? Và việc đưa sự thật trở lại vị trí duy nhất của nó quả không hề đơn giản, khó hơn việc tạo ra phiên bản sự thật nhiều, thậm chí bị nguy hiểm đến thanh danh và sinh mạng chính trị của những người theo đuổi công việc này. 

Xem đi xem lại bộ phim Chuyện thật trưa 30.4.1975 mới thấy có đến mấy tình tiết sự thật bị làm ra các phiên bản mà người trong cuộc còn sống sờ sờ mấy chục năm qua chưa dễ gì lật lại! Chỉ nói riêng một sự thật là việc ai đã đi cùng đại tướng Dương Văn Minh sang Đài phát thanh Sài Gòn và tại đó soạn thảo lời xác nhận đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc trên sóng phát thanh, cũng đã tốn biết bao thời gian, công sức vẫn chưa đi đến hồi kết! 

Trang kỷ yếu Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22.

Rất nhiều nhân chứng còn sống, nhiều thước phim tư liệu của các nhà báo trong và ngoài nước ghi lại ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, những cuộc điều tra công phu, đặc biệt là bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến và tác phẩm TP.HCM - Giờ khắc số 0 của cố nhà báo người Đức Börries Gallasch, đã chứng minh hết sức thuyết phục cho NSƯT - nhà báo Phạm Việt Tùng và ê kíp làm phim của ông rằng, Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng đã đi cùng tướng Dương Văn Minh và nhiều người khác sang Đài phát thanh Sài Gòn, đã tự mình soạn thảo bằng viết tay trên giấy lời xác nhận đầu hàng cho Đại tướng Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Trang kỷ yếu Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. 

Bản viết tay ấy đến nay vẫn còn được lưu giữ rất rõ ràng, có thể được đối chứng bằng phương pháp xác định chữ viết của khoa học hình sự và bằng một đoạn băng cassette ghi âm lời đầu hàng của Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn, khớp từng chữ với nội dung bản giấy viết tay của Chính ủy Bùi Văn Tùng được Dương Văn Minh chấp nhận đọc.

Cách nay chưa đầy 2 tháng, trong lần đi viếng kỹ sư Bùi Quang Độ, tiến sĩ Nguyễn Nhã cho người viết bài này biết, khi ông ghi âm lời đầu hàng của Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn vào thời khắc lịch sử trưa 30.4.1975 ấy, ông cũng không ngờ là sau này khi đoàn làm phim Chuyện thật trưa 30.4.1975 tìm đến ông để xác minh sự thật thì bản ghi âm và bản viết tay lại trùng khớp nhau đến thế. 

Xem đi xem lại mới thấy rất rõ nét tinh thần chiến đấu của người lính bên trong và bên ngoài bộ phim tài liệu Chuyện thật trưa 30.4.1975 hết sức công phu và đầy sức thuyết phục.

Đó là tinh thần dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước lịch sử của Chính ủy Bùi Văn Tùng khi ông quyết định làm một việc chưa từng làm, chưa được chỉ đạo: soạn thảo lời đầu hàng cho Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Đó là tinh thần của NSƯT - nhà báo Phạm Việt Tùng cùng ê kíp làm phim của mình đã giữ vững tinh thần khách quan, quả cảm để đi đến thước phim cuối cùng của bộ phim, góp phần làm rõ sự thật lịch sử mà tất cả những người chân chính trong hệ thống chính trị và khán giả xem phim chân chính đều mong muốn.

NSƯT  - nhà báo Phạm Việt Tùng. Ảnh: Dân Việt

Đó là tinh thần dám chịu trách nhiệm để góp phần bảo vệ sự thật lịch sử của nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ khi quyết định công chiếu bộ phim trên kênh VTC1 và kiên quyết không thay đổi quyết định sau đó.

Đó là tinh thần dám chấp nhận sự khác biệt trong dòng phim tài liệu điều tra của Ban tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22, diễn ra từ 18 đến 20.11.2021 tại Huế, khi chọn phim Chuyện thật trưa 30.4.1975 vào danh sách 37 bộ phim chính thức tham dự Liên hoan phim và in một cách đàng hoàng 2 trang giới thiệu bộ phim này trong cuốn kỷ yếu Liên hoan phim.

Hóa ra, ngay cả khi chiến tranh chống xâm lược đã kết thúc thì tinh thần chiến đấu của người lính vẫn rất cần hiện diện trong các hoạt động bình thường của những người yêu đất nước mình, trong đó có việc nói sự thật và bảo vệ sự thật. 

Nguyễn Thế Thanh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.