10 năm phát hành Tạp chí Người Đô Thị (bộ mới):

Lời mời gọi dấn thân vào đời sống thị dân

 08:48 | Thứ ba, 07/01/2025  0
Người Đô Thị như nói với tôi rằng tôi còn có một trách vụ quan trọng hơn, đó là làm cho đô thị trở thành nơi đáng sống.

1. Tôi biết đến Người Đô Thị khi còn là sinh viên năm hai đại học. Đó là tờ tạp chí được tôi mua kèm những tờ nhật báo sau lời giới thiệu của ông chủ tiệm tạp hóa “ngó bộ cũng hay, mua về đọc thử đi nhóc”. Ngày thường tôi đều tranh mua với mấy chú xe ôm hay người dân quanh đó những tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên được chủ tiệm bày biện không quá 10 tờ. Lỡ không mua kịp, tôi sẽ chạy vội vô phòng anh trưởng nhà của ký túc xá để đọc ké.

Nhưng với Người Đô Thị, nếu chậm chân, tôi chỉ biết dài cổ chờ đến số sau. Tiếc nuối vì không biết trong số này Người Già Chuyện sẽ châm biếm vấn đề gì để tôi vừa cười thích thú, vừa thấy bẽ bàng với thói đời nhiêu khê. Đó còn là biếm họa của anh họa sĩ Mớ với nét vẽ láu lỉnh cùng những câu thoại giễu nhại đắt giá. Những câu văn giản dị tâm tình nhưng thấm đẫm tâm can thầy Bùi Văn Nam Sơn mà mỗi lần đọc tôi như được ngồi dưới chân thầy, nghe giảng giải về các triết thuyết giáo dục uyên thâm. Những bài nghị luận sắc bén về thế sự của các nhà báo Đoàn Khắc Xuyên, Thế Thanh, Minh Hiền, Duy Thông, Thượng Tùng…

Những câu văn ngân dài như giọng cô Lệ Thủy xuống câu vọng cổ của chị Trác Thúy Miêu hay đầy nhạc tính của anh Tuấn Khanh; những bài viết lần dở ký ức thị dân Sài Gòn, Đà Lạt của các anh Phạm Công Luận, Phúc Tiến, Nguyễn Vĩnh Nguyên… cứ thế đưa tôi vào một thời quá vãng, nối lại mạch ngầm văn hóa của đô thị đã bị đời sống kim tiền hiện đại cuốn trôi. 

Tạp chí Người Đô Thị được gửi tặng một số sĩ quan, thủy thủ Mỹ - trong đó có chuyên viên kỹ thuật Mỹ gốc Việt Đoàn Nhật Huyền Trân (ảnh), tại sự kiện hàng không mẫu hạm Ronald Reagan đến Vịnh Đà Nẵng ngày 27.6.2023. Ảnh: Trần Hữu


2. Không biết từ bao giờ cái suy nghĩ đọc Người Đô Thị để học cách trở thành thị dân của Sài Gòn đã nảy nở trong tôi. Nếu những ngày tháng sinh viên, tôi đọc Người Đô Thị với tất cả sự háo hức hiểu thêm về những vàng son một thuở đã đứt gãy trong lối sống thị thành hôm nay; ở tuổi mưu sinh, vào đời, Người Đô Thị lại mở ra trong tôi một hành trình khác - hành trình trở thành một thị dân.

Là một thị dân, tôi hiểu rằng “giấc mơ Sài Gòn” không chỉ để đổi đời. Người Đô Thị nói với tôi rằng tôi còn có một trách vụ quan trọng hơn, đó là làm cho đô thị trở thành nơi đáng sống. Trong trách vụ đó, những người làm nên Người Đô Thị đã đồng hành với thị dân khi đặt lên tờ tạp chí một thế đứng, một vai trò là “tiếng nói của tầng lớp thị dân”, “để cùng xây dựng một xã hội đô thị văn minh hơn, tử tế hơn, tự do hơn, sáng tạo hơn, đáng sống hơn”. 

Học cách trở thành thị dân, tôi bắt đầu ưu tư hơn khi biết những căn biệt thự cổ ở trung tâm Sài Gòn bị tháo dỡ; khi hàng cổ thụ dọc đường Tôn Đức Thắng phải nhường chỗ cho dự án giao thông hiện đại. Đó cũng là khi tôi đứng tần ngần trong dòng người ngẩn ngơ cố níu giữ dáng hình thương xá Tax những ngày cuối cùng. Giữa những vòng lặp bất tận của cuộc mưu sinh, tôi biết dừng lại khi ngang qua công trường Mê Linh để hiểu rằng có một đời sống tâm linh của thị thành dưới chân tượng Đức Thánh Trần… 

Có thể những ưu tư mà Người Đô Thị gợi mở không giúp “giấc mơ Sài Gòn” của tôi trở nên gần hơn khi căn chung cư của một tòa cao ốc nào đó vẫn là giấc mơ hoang đường của tuổi trẻ. Nó cũng không giúp tôi bớt đi những đêm trắng vì sàn giao dịch phủ màu đỏ sẫm. Nó càng không giúp tôi thôi chạnh lòng sau một ngày mỏi mòn ở bệnh viện rồi rời phòng khám với toa thuốc chỉ dám mua một vài ngày cầm chừng. Trong vô số lần chùng lòng trên hành trình trở thành thị dân mà Người Đô Thị mời gọi tôi dấn thân vào, tôi lại thấy gắn bó với Sài Gòn hơn. 

Là một thị dân, những ưu tư ấy đã giúp tôi hình dung về công lý di sản (heritage justice) và quyền công dân môi trường (environmental citizenship right - Dobson, 2010) trong cuộc đối thoại với các thiết chế quyền lực. Trong cuộc đối thoại công (public discourse) đó, tôi hiểu rằng “giấc mơ Sài Gòn” là giấc mơ về một đô thị đáng sống. Ở đó, đô thị vừa là một thế giới do thị dân kiến tạo vừa là thế giới thôi thúc họ không ngừng dấn thân, tư nghì. 

3. Như một tất yếu của thời đại, Người Đô Thị phải chuyển mình, sống một đời sống bên ngoài các bản in giấy truyền thống để đến với một thế hệ công chúng mới. Trong không gian ấy, tôi mong rằng sẽ nhìn thấy Người Đô Thị là một ấn phẩm điện tử độc lập và chỉn chu như những số tạp chí in từng phát hành, thay vì một phiên bản được số hóa xơ cứng, chuyển dời nguyên trạng bản in qua hệ mã nhị phân.

Sự chuyển mình ấy để Người Đô Thị sống với một lớp thị dân mới, để mãi luôn là tiếng nói của thị dân mặc cho vật đổi sao dời.  

Võ Anh Vũ -  Chuyên viên truyền thông, Đại học Quốc gia TP.HCM

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.