Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có chỉ đạo trong tháng 12.2024, UBND thành phố Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng đề án, hồ sơ thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập.
Mô hình đô thị kinh doanh tích hợp
Tại diễn đàn “Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” ngày 14.11, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136 ngày 26.6.2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, thành lập khu thương mại tự do được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng: khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của Đà Nẵng.
“Đặc biệt, chính sách đặc thù này áp dụng cho thành phố Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung”, ông Cường nói.
Nghị quyết 136 của Quốc hội đã quyết định thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, đang khẩn trương thi công. Ảnh: Hoài Sơn
PGS-TS. Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đại diện đơn vị tư vấn đề án xây dựng Khu Thương mại tự do Đà Nẵng cho biết khu thương mại tự do được đề xuất phát triển phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”, bao gồm nhiều chức năng tích hợp như logistics cảng biển, sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, chức năng phụ trợ… Quản lý theo cơ chế một cửa, một đầu mối, liên kết chặt chẽ giữa các phân khu, giữa các ngành và khu vực để tạo hiệu ứng cộng hưởng.
Sẽ có các khu phát triển 4 ngành ưu tiên gồm: logistics, sản xuất, dịch vụ và thương mại, đổi mới sáng tạo. Trong đó, logistics gắn với vận tải đa phương thức, dịch vụ phụ trợ và kho bãi, dịch vụ logistics số hiện đại. Sản xuất gồm điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không và MRO (bảo trì, sửa chữa, vận hành), dược phẩm và công nghệ sinh học, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn (ATP). Dịch vụ và thương mại gồm trung tâm du lịch tích hợp với các dịch vụ độc đáo (bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, ăn uống, khách sạn, MICE…), cụm kinh tế số của Việt Nam (công nghệ thông tin, phần mềm…). Đổi mới sáng tạo gồm nghiên cứu và phát triển, nhất là đối với các ngành và lĩnh vực ưu tiên (AI, bán dẫn), dịch vụ hỗ trợ (thanh toán, khởi nghiệp, tư vấn luật), giáo dục đào tạo nghề...
Không phải đặc khu kinh tế
Dự thảo đề án thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng đưa ra tham vấn ý kiến chuyên gia ngày 23.11 cho biết quy mô diện tích của khu thương mại tự do đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng 2.400 ha. Trong đó: khu logistics 180 ha; khu logistics và sản xuất 579 ha; khu sản xuất 559 ha; khu thương mại - dịch vụ và khu đổi mới sáng tạo 699 ha; khu lấn biển - du lịch MICE, mua sắm miễn thuế, thể thao và casino 300 - 350 ha...
Tổng vốn đầu tư phát triển bên trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng ước tính khoảng 32.741 tỷ đồng trong giai đoạn 1 (2026-2030) và giai đoạn 2 (2031-2040) sẽ cần khoảng 5.033 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn lực và hiệu quả đầu tư theo kinh nghiệm quốc tế, Đà Nẵng dự kiến ưu tiên thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động một số hạng mục theo từng lộ trình.
Trao đổi với báo chí hồi tháng 7.2024, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng có khu chức năng về thương mại và dịch vụ, tập trung các hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, hàng giảm giá và các hoạt động thương mại - dịch vụ khác nhằm hình thành một hệ sinh thái thương mại - dịch vụ cao cấp (cửa hàng outlet cao cấp, siêu thị miễn thuế và các dịch vụ bổ trợ như khu vui chơi giải trí trong nhà, các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao...). Mô hình này hướng đến tạo lập một đô thị kinh doanh toàn cầu, đẳng cấp quốc tế nhằm thu hút các công ty hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, du lịch đồng thời cung cấp một môi trường sống đô thị lý tưởng (xanh, sạch, thông minh, đầy đủ các phương thức giải trí, thương mại) phù hợp với định hướng và tầm nhìn phát triển của thành phố Đà Nẵng.
“Khu thương mại tự do không phải là đặc khu kinh tế. Đặc khu kinh tế tạo ra sự thay đổi cả bộ máy quản lý lẫn thể chế, có thể thành lập một đơn vị hành chính riêng, tách biệt với đơn vị hành chính hiện có. Trong khi khu thương mại tự do thuần túy là vấn đề kinh tế, tổ chức bộ máy quản lý khu thương mại tự do giống như với một khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh đó, không tồn tại quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu giữa đặc khu và phần còn lại của nước sở tại”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, khu thương mại tự do vẫn là một mô hình kinh tế mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để đảm bảo tạo thuận lợi tối đa trong công tác quản lý, vừa thí điểm vừa hoàn thiện nên giai đoạn đầu sẽ không có dân cư thường trú và phải có hàng rào cứng, vừa thí điểm vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hóa ranh giới trên cơ sở nghiên cứu áp dụng mô hình đô thị kinh doanh tích hợp.
Với quỹ đất hạn chế, Đà Nẵng dự kiến xây dựng khu thương mại tự do tại 10 vị trí phân tán. Ảnh: Sở Xây dựng Đà Nẵng
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), so với khu công nghiệp, khu chế xuất - những mô hình hiện có ở Việt Nam thì khu thương mại tự do có những điểm khá tương đồng. Về quy mô, đó đều là những khu vực có diện tích rộng từ hàng trăm ha trở lên, do doanh nghiệp đứng ra đầu tư, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng và sau đó mời gọi các doanh nghiệp khác vào xây dựng cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, khu công nghiệp không phải là khu phi thuế quan. Hàng hóa ra vào khu công nghiệp không đòi hỏi có sự giám sát của lực lượng hải quan vì chỉ là hàng hóa lưu thông trong nội địa như các hàng hóa thông thường. Trong khi đó, khu chế xuất và khu thương mại tự do đều là khu phi thuế quan. Với khu chế xuất, doanh nghiệp trong khu chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến. Còn với khu thương mại tự do, ngoài doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến thì có thể có các doanh nghiệp dịch vụ.
Đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ liên quan đến khâu xử lý hàng hóa như chia tách, đóng gói, dán nhãn, phân loại, sơ chế trước khi chuyển tiếp đi các nước khác hoặc đưa vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa trung chuyển, phân phối vào thị trường các nước lân cận thông qua khu thương mại tự do có thể luân chuyển nhanh hơn, khối lượng lớn hơn. Như vậy, khu chế xuất thường chỉ tập trung vào sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, trong khi khu thương mại tự do bên cạnh hàng hóa sản xuất tại chỗ thì còn tập trung vào việc thu hút, kéo nguồn hàng từ các nước khác đến để rồi lại đi. Bằng việc gia tăng luồng hàng như vậy, các dịch vụ đi kèm, từ cảng, kho bãi, giao nhận cũng đều tăng theo.
“Tìm kiếm nhà đầu tư khu thương mại tự do có đủ năng lực triển khai là một thách thức. Ở đây không chỉ là vấn đề vốn để đầu tư hạ tầng ban đầu, giống như đầu tư một khu công nghiệp, mà còn là quan hệ, uy tín để có thể mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đặt cơ sở kinh doanh ở đây…”, ông Hải lưu ý.
Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia từng tham vấn ý kiến trong quy hoạch đô thị tại Đà Nẵng, tham gia góp ý với đơn vị tư vấn Singapore trong quá trình làm đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng và mới đây là kế hoạch lấn biển để làm khu thương mại tự do, cho biết Đà Nẵng là trung tâm đô thị tại miền Trung, tiềm năng để phát triển rất lớn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, phát triển của Đà Nẵng đã chững lại rõ rệt. Thế nên, một cơ chế mới, đặc thù để thay đổi diện mạo Đà Nẵng là cần thiết.
Do quỹ đất cạn kiệt, Đà Nẵng nên hình thành chuỗi đô thị trung tâm và kết nối bằng giao thông công cộng. Đặc biệt, tầm nhìn phát triển kết nối vùng, vào Quảng Nam, ra Thừa Thiên - Huế để phát triển có quy mô và tầm vóc hơn. Hàng hóa sản xuất vẫn có thể kết nối từ các vùng lân cận, không nhất thiết đặt tại Đà Nẵng, dành quỹ đất khiêm tốn đó cho các hoạt động dịch vụ cao cấp khác.
Nhà đầu tư chiến lược vẫn nhìn vào đô thị trung tâm miền Trung này với nhiều triển vọng, kỳ vọng lớn lao hơn nhiều. Đây là vùng đất hấp dẫn, nên chính sách cơ chế đặc thù cần thiết phải tháo gỡ những khó khăn mà lâu nay khiến sự phát triển của Đà Nẵng chựng lại. Đơn giản nhất là cơ chế một cửa, cải cách mạnh mẽ, ưu đãi vượt trội…
“Với đặc thù Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung địa hình hẹp và trải dài, có lẽ thành phố nên theo mô hình Singapore hoặc Hong Kong (Trung Quốc). Việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do nên gắn với phát triển khu đô thị sân bay và bến cảng Liên Chiểu”, ông Sơn đề xuất.
Theo đề xuất của chuyên gia, Khu Thương mại tự do Đà Nẵng nên gắn với phát triển khu đô thị sân bay. Ảnh: Tiến Tuấn
Theo ông Nguyễn Thành Huy (Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp), thực tiễn triển khai xây dựng khu thương mại tự do trên thế giới đã cho thấy tiềm năng lợi ích mang lại cho các quốc gia là vô cùng lớn, tuy nhiên cũng có một số rủi ro cần lưu ý. Đó là nguy cơ trở thành điểm trung gian cho các doanh nghiệp lẩn tránh các chính sách, pháp luật về thuế. Các doanh nghiệp buôn lậu có thể thao túng giá trị hàng hóa và tỷ lệ chuyển đổi trong quá trình gia công để được hưởng những ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan. Việc thiết lập kiểm tra hải quan ở mức tối thiểu đối với hàng hóa dịch vụ lưu thông trong khu thương mại tự do có thể tạo ra cơ hội để những doanh nghiệp kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lợi dụng...
“Do vậy bộ ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến việc xử lý tem mác, đảm bảo quy cách hàng hóa dịch vụ khi hàng hóa, dịch vụ từ khu thương mại tự do được đưa vào thị trường nội địa, cũng như cách can thiệp phù hợp đối với việc kiểm soát hàng hóa dịch vụ nhập khẩu vào khu thương mại tự do”, ông Huy góp ý.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết đến nay khu thương mại tự do đã trở thành động lực của thương mại toàn cầu, với hơn 3.500 khu vực tại 135 quốc gia. Những mô hình khu thương mại tự do thành công tại Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc, UAE… cho thấy khi được quản lý và khai thác hiệu quả, khu thương mại tự do không chỉ tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn thu hút đầu tư quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng cho địa phương.
Theo bà Minh, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do.
“Đà Nẵng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế. Phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng...”, bà Minh nhấn mạnh.
Phạm Tuấn - Nguyễn Hữu