Cách đây gần 50 năm, tôi được Tổng cục Lâm nghiệp cử làm trưởng đoàn thiết kế và tổ chức thi công trồng thông khu vực Ngự Bình - Huế. Nhận nhiệm vụ, điều tôi lo nhất là phải làm sao kiếm đủ cây giống thông ta (Pinus merkusii)... Vì lúc này ở miền Bắc đã kết thúc mùa trồng rừng, cây giống đã được đem đi trồng, còn các tỉnh phía Nam đã từ lâu ngưng sản xuất cây giống lâm nghiệp. Gọi điện đến tất cả các cơ sở trồng rừng ở miền Bắc, chỉ tìm được hai vườn ương còn cây giống thông ta, nhưng với số lượng ít ỏi. Ôm mối lo ấy đến Huế thì may mắn thay chúng tôi đã được giáo sư Nguyễn Hữu Đính, người thông thạo các cơ sở khảo cứu lâm học ở miền Nam mách nước: lấy thông ta ở vườn ương cây thông Noel Lang Hanh, bên quốc lộ 20...
Ngày 5.11.1975 xe chúng tôi đến Trạm thực nghiệm Lâm học Lang Hanh. Văn phòng Trạm gồm một ngôi nhà sàn mái ngói, ván thưng hai lớp, đặt trên những hàng cột bê tông, có ban công đẹp, cửa sổ mở ra nhiều hướng. Mặt tiền nhà trồng một hàng cau trên khoảng sân rộng rồi đến cánh rừng thông chạy xuống tận chân đồi. Phía đầu và sau nhà là Vườn sưu tập thực vật rừng - Arboretum có nhiều cây đẹp và lạ...
Anh đào Nhật Bản - Prunier sumonobeauty - ở Trạm thực nghiệm Măng Lin, trước khi đưa ra trồng quanh hồ Xuân Hương. Ảnh: Tư liệu
Hai kỹ sư đi cùng tôi thay nhau gọi vào rừng “có ai ở đây không” nhưng đáp lại chỉ là tiếng gió vi vu qua những tàng cây tán lá. Chúng tôi đang phân vân thì may quá, đã xuất hiện một đoàn người từ dưới thung lũng đi lên. Tất cả già trẻ đều vác xà gạc trên vai, lưng đeo gùi. Bác lớn tuổi nhất khoảng ngoài 50, khuôn mặt chữ điền, có tên nghe thật hiền lành là Đồng Ngưu và em là Đồng Thị Nuôi, nhiệt tình làm việc với chúng tôi. Bước đầu tôi được biết người trạm trưởng cuối cùng của Trạm Lang Hanh tên là Nguyễn Văn Tài, kỹ sư thủy lâm.
Sau 30.4.1975 chưa có ai đến đây tiếp quản, nhưng nhớ lời căn dặn trước khi giã từ nhiệm sở của kỹ sư Tài, công nhân của Trạm vẫn hàng ngày lên đây tăng gia sản xuất và thay phiên ở lại trông coi bảo vệ Trạm.
Ông Đồng Ngưu dẫn chúng tôi đi xem vườn ương thông Noel, toàn cây 2 - 3 năm tuổi, có sức sống khỏe, tán lá cân đối xanh tươi... Tôi vui mừng như trút được một gánh nặng, xiết chặt tay ông Đồng Ngưu nói lời cảm ơn, hẹn ngày điều xe vào chở cây ra Huế. Ông cũng cảm ơn chúng tôi đã tạo điều kiện cho những cây thông Noel, thành quả lao động của kỹ sư Nguyễn Văn Tài cùng công nhân Trạm Lang Hanh được tham gia đóng góp vào công trình của cả nước.
Ông cũng đề nghị được bàn giao những tài liệu của Trạm cho chúng tôi, đó là những tập “phúc trình niên đệ” (báo cáo kết quả công tác hàng năm) của hai trạm thực nghiệm Lang Hanh và Măng Lin từ 1963 đến 1973. Tôi đồng ý ngay. Về Sài Gòn tôi đã đến báo cáo với Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam Huỳnh Văn Nghệ, và chuyển giao các phúc trình niên đệ lên Tổng cục...
Năm 1976, tôi được Bộ điều vào Đà Lạt để xây dựng rừng giống thông và vườn ương thông quy mô lớn phục vụ trồng rừng Tây Nguyên. Đến đầu năm 1980, thật ngẫu nhiên tôi lại được Bộ điều sang phụ trách Trung tâm Khảo cứu mà trước đây ông Nguyễn Văn Tài làm giám đốc. Tôi lại có dịp làm việc với những công nhân từng được ông Tài dẫn dắt ở hai trạm Lang Hanh và Măng Lin, khiến tôi hiểu thêm và trân trọng nhân cách của một nhà lâm học trước những bước ngoặt trên con đường nghiên cứu gập ghềnh.
Trên cao nguyên Lang Biang có một loài anh đào bản địa cho hoa 5 cánh giống hoa mai (thuộc chi Prunus) nhưng màu hồng thắm và có hình thái của cây anh đào (thuộc phân chi Cerasus). Vì vậy, nó được các nhà khoa học đặt cho tên ghép là Prunus cerasoides, tức mai anh đào.
Đầu thập niên 1960, căn cứ vào đặc điểm sinh thái của mai anh đào và điều kiện tự nhiên trên cao nguyên Lang Biang, các nhà nghiên cứu lâm học ở miền Nam nước ta đã liên hệ với cơ quan Di truyền - Chọn giống Nhật Bản để được giới thiệu và cung cấp giống một vài loài anh đào phục vụ công tác nhập nội cây - hoa cho thành phố Đà Lạt. Kết quả khảo nghiệm trên cao nguyên Lang Biang thật bất ngờ: một loài anh đào có xuất xứ từ miền Nam nước Nhật, tên khoa học Prunier sumonobeauty khi trưởng thành cho hoa đẹp màu phớt hồng đã sinh trưởng tốt...
Trạm thực nghiệm Lang Hanh, nhiệm sở cuối cùng của kỹ sư Nguyễn Văn Tài trong ngành nông lâm Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Nguyễn Hoàng Bích
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Tài - giáo sư Cao đẳng Nông Lâm Súc, nguyên giám đốc Trung tâm Khảo cứu Lâm học Đà Lạt, cũng là người trực tiếp làm đề tài này thì anh đào Prunier sumonobeauty được gieo ươm ở Trạm thực nghiệm Măng Lin (trực thuộc Trung tâm) vào ngày 7.1.1963 trên luống đất bazan trộn hỗn hợp dưỡng chất hữu cơ, có ủ rơm rạ khô đã sát trùng bằng nước vôi và được chăm sóc kỹ.
Đến giữa tháng 10.1963, khi đã đạt chiều cao trung bình 1,2m, kỹ sư Tài huy động công nhân cả hai trạm Măng Lin và Lang Hanh đưa cây ra trồng quanh hồ Xuân Hương, với cự ly cách nhau 5m. Hố trồng có kích thước 60 x 60 x 60cm, được bón lót hỗn hợp dưỡng chất hữu cơ, mỗi hố có rọ tre bảo vệ và đai giữ cho cây khỏi bị gió lay... Công việc đã diễn ra rất chu đáo, suôn sẻ và bảo đảm mỹ quan.
Song cũng vào thời điểm này, ngày 1.11.1963, một cuộc đảo chính do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã nổ ra, lật đổ chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau khi nghe tin trên đài Sài Gòn rằng anh em ông Diệm đã bị sát hại, thành phố Đà Lạt vốn yên tĩnh bỗng sôi lên xé ảnh ông Diệm và các khẩu hiệu, đốt phá ở nhiều nơi. Hăng hái nhất là các chủ hộp đêm, nhà chứa và bọn trộm rừng vì từ nay tự do hành nghề không bị cấm đoán bởi “Luật thuần phong mỹ tục” và “Luật bảo vệ thiên nhiên cây cối”.
Sang ngày 3.11.1963, quân đảo chính đã cho chặt phá hết những cây anh đào trồng quanh hồ Xuân Hương. Ông Tài phản đối thì được nhà cầm quyền mới trả lời: vì nó là tàn dư của chế độ cũ (!) và vì những cây anh đào ấy được trồng để chào mừng ông Diệm lên dự lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt (diễn ra sáng 28.10.1963). Đó là sự thật về cái chết của những cây anh đào Nhật Bản đầu tiên đến thành phố hoa cách đây hơn 60 năm!
Ông Nguyễn Văn Tài (cầm mũ) cùng các cộng sự tại vườn ươm Trạm thực nghiệm Măng Lin, mùng 1 Tết nguyên đán 1963. Ảnh: Tư liệu
Sau biến cố trên, kỹ sư Nguyễn Văn Tài bị miễn nhiệm chức giám đốc Trung tâm để xuống làm Trạm trưởng Trạm thực nghiệm Lang Hanh, cách Đà Lạt 50km.
Đến 30.4.1975, ông Tài là nhà lâm học duy nhất còn ở lại Đà Lạt. Sau một thời gian “học tập tại địa phương” ông đã xin được vào làm lái xe cho trại gà Scala (sau này chuyển đổi thành Xí nghiệp quốc doanh Gà Đà Lạt). Chiếc xe ông vận hành là một chiếc ô tô cũ hiệu Renault chuyên dụng để chở gà. Hàng ngày ông có nhiệm vụ chăm sóc, lái xe an toàn. Sau mỗi lần đi giao nhận gà về, việc ông cần làm ngay là quét dọn, vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc sát trùng cho cái chuồng gà di động ấy. Ông Tài đã làm việc tận tâm, chu đáo và luôn đúng giờ ở trại gà Scala cho đến ngày ông qua đời.
Những người đến vĩnh biệt kỹ sư Nguyễn Văn Tài ngày ấy đều sửng sốt trước khối tài sản ông để lại cho đời: ngoài sách báo, tài liệu khoa học đồ sộ... ông còn không sợ nguy hiểm miệt mài lặn lội vào tận rừng sâu nguyên sinh, tìm kiếm những giống hoa lan đẹp để xây dựng một giàn lan độc đáo có đủ bộ sưu tập lan hài Đà Lạt và 5 loài lan rừng đặc hữu của Đà Lạt - Lang Biang (không có ở nơi nào khác trên thế giới, đã được mang tên Đà Lạt và Lang Biang như Dendrobium dalatense và Dendrobium langbianese...) mà sau này gia đình theo di nguyện của ông đã hiến tặng cho các tổ chức trong nước và quốc tế bảo tồn những nguồn gen thực vật rừng quý hiếm của thế giới.
Trong mắt đồng nghiệp và người Đà Lạt năm xưa, ông Nguyễn Văn Tài là một nhà lâm học có tài, có tâm và giàu lòng tự trọng.
Nguyễn Hoàng Bích