Trả sự thật cho lịch sử

 10:53 | Chủ nhật, 16/05/2021  0
Tối 15.5.2021, hàng chục triệu khán giả truyền hình Việt Nam đã được xem bộ phim tài liệu “Chuyện thật 30.4.1975” trên kênh VTC1 (*).

May mắn có mặt trong buổi chiếu tham khảo ý kiến bộ phim tài liệu này từ lúc phim chưa công chiếu (cách đây một tháng), chúng tôi hiểu rằng việc bộ phim được chiếu lần đầu tiên trên truyền hình quốc gia là một nỗ lực rất lớn của nhiều người trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Nhà báo - NSƯT Phạm Việt Tùng và các cộng sự.

Tập thể những người lính cầm bút trên mặt trận truyền thông hiểu rõ sứ mạng của mình là phản ánh sự thật và phải kiên trì chiến đấu, góp phần làm rõ những sự thật lịch sử khi nó bị che khuất vì những lý do nào đó.

Việc bộ phim tài liệu dày công điều tra, xác minh từ nhiều nguồn trong nhiều năm được công chiếu, Phạm Việt Tùng và các cộng sự cuối cùng đã có thể chứng minh rất thuyết phục một sự thật quan trọng trong lịch sử dân tộc: ai mới là người thảo lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh phát trên Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30.4.1975?

*

*          *

Những thước phim được thực hiện dựa vào sự thật của bộ chính sử Lịch sử Nam bộ kháng chiến cùng nhiều tư liệu quý khác. Cũng quyết liệt như bộ phim Người lính xe tăng 390 ngày ấy cách nay hơn 25 năm, song lần này tâm nguyện của Nhà báo - NSƯT Phạm Việt Tùng không chỉ dừng lại ở câu trả lời chính xác cho nghi vấn: Ai đã thảo thư đầu hàng cho tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.1975 mà cuốn phim còn là một lời tạ lỗi với người lính xe tăng đã bị ai đó lãng quên đến tận hôm nay.

Đi tìm sự thật

Có lẽ nhiều người biết đến bộ phim Người lính xe tăng 390 ngày ấy nói về những chiến sĩ trên chiếc xe tăng thực sự đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trong buổi trưa 30.4.1975 lịch sử. Nói thực sự là bởi trước đó đã có những điều tưởng vậy mà không phải vậy. Và sự nhầm lẫn ấy đã ngủ yên suốt 20 năm, cho đến khi được “người chép sử bằng hình” Phạm Việt Tùng đánh thức. Cũng từ đây, ông đã phát hiện thêm nhiều thông tin lịch sử cần được kiểm chứng lại và khởi đầu cuộc hành trình mới cho sự thật, vì sự thật.

Rất nhiều người có mặt trong buổi công bố bộ phim cách nay một tháng. Ảnh: Lệ Thủy


Thông qua những nhân chứng còn sống, những thước phim tư liệu quý giá vào ngày kết thúc chiến tranh của nhiều nhà báo trong và ngoài nước, những cuộc điều tra công phu, những bài phóng sự của nhiều đài báo lớn, có uy tín; đặc biệt là bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến và  tác phẩm Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 của cố nhà báo Börries Gallasch, NSƯT Phạm Việt Tùng và ê kíp của ông đã đưa người xem đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.

Một trong những chứng cứ “không thể chối cãi” khẳng định ông Bùi Văn Tùng chính là người đã thảo lời đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ như vẫn thông tin lâu nay, đó là: bản viết tay do chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo (đến nay vẫn còn được lưu giữ rất rõ ràng) và Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm rồi phát trên Đài phát thanh Sài Gòn khớp từng chữ với đoạn băng cassette mà nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã ngồi tại nhà ghi lại được qua sóng phát thanh thời khắc lịch sử đó.

Những thước phim tư liệu điều tra còn hé lộ những sự thật khác. Theo bộ phim, hóa ra người vào Dinh Độc Lập trước tiên và “dồn nội các Dương Văn Minh vào góc phòng” là chính trị viên đại đội 4 Vũ Đăng Toàn, trưởng xe tăng 390 chứ không phải đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 66! Nguyên văn lời kể của ông Vũ Đăng Toàn: “Khi xe tăng chúng tôi dừng trước thềm dinh, quay lại thấy đại đội trưởng Thận ôm cờ chạy vào, tôi vơ thêm khẩu AK, xuống xe hỗ trợ. Khi chúng tôi đến đầu nhà thì có người đứng chặn lại và giới thiệu "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc". Do có người ra chỉ đường cho anh Thận lên nóc dinh cắm cờ, tôi theo ông Nguyễn Hữu Hạnh vào bên trong”.

Theo ông Toàn thì lúc bấy giờ có hơn 50 người đã tập trung hết vào phòng khánh tiết, còn ông Hạnh sang phòng phía sau mời ông Dương Văn Minh lên: “Sau đó thì xuất hiện một người lính, anh ta đến gần ông Minh, nói: báo cáo tổng thống Dương Văn Minh, tôi là Phạm Xuân Thệ, đại úy, phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 bộ binh… Trong lúc cả tôi và anh Thệ còn chưa biết phải làm gì tiếp theo thì chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện…”.

Lời kể của ông Toàn trùng khớp với những tài liệu, chứng cứ mà nhóm thực hiện phim có được. Nó hoàn toàn khác với những gì ông Phạm Xuân Thệ kể với báo chí về buổi trưa 30.4.1975 lịch sử ấy. Theo ông Thệ, là người đã đưa ông Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn để buộc tuyên bố đầu hàng, ông không hề biết chính ủy Bùi Văn Tùng là ai, mãi đến khi sang Đài Phát thanh, khi ông Thệ đang soạn thảo thư đầu hàng cho Dương Văn Minh thì ông Bùi Văn Tùng mới xuất hiện.

Ông Thệ kể: “...Chúng tôi đang củng nhau soạn thảo lời tuyên bố hàng thì anh Bùi Tùng mới đến đứng trước mặt tôi hỏi: Anh là ai?. Tôi mới nói là:  Tôi là Phạm Xuân Thệ, đoàn phó đoàn đoàn Đông Sơn (tức Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Đông Sơn - Trung đoàn 66)… Anh Bùi Tùng mới nói là: Tôi là Bùi Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Bấy giờ chúng tôi mới biết anh Bùi Tùng và anh Bùi Tùng mới biết tôi”.

Những chia sẻ của ông Thệ bị đặt dấu hỏi về độ trung thực khi NSƯT Phạm Việt Tùng tìm được một cuốn phim ghi lại cảnh quân giải phóng đưa tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập sang Đài Phát thanh. Trong phim, Phạm Xuân Thệ đi phía trái hơi chếch về trước, còn Bùi Văn Tùng đi bên tay phải ông Minh, khoảng cách giữa ông Thệ với ông Tùng chỉ vài bước chân.

Nhà báo Börries Gallasch là chứng nhân phương Tây duy nhất ở Dinh Độc Lập thời khắc lịch sử trọng đại sáng 30.4.1975. Ảnh tư liệu chụp lại từ bộ phim


Một sự thật khác buộc phải nhìn nhận lại, là thật ra không có chuyện “bắt sống” nội các Dương Văn Minh như trước nay mọi người vẫn nghĩ bởi lúc 9 giờ 30 phút, ông Minh đã tuyên bố ngừng chiến trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “… yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Sài Gòn hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó... Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào” (trích băng cassette ghi âm các chương trình phát thanh của Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30.4.1975 do nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nhã cung cấp).

Việc này được đại tá tình báo Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) xác nhận. Ông Sáu Trí cho biết thêm trưa 30.4.1975, ông và kỹ sư Tô Văn Cang (thuộc cụm tình báo A.24) đều có mặt ở phòng khánh tiết Dinh Độc Lập: “Anh Cang nói: Có lẽ các đồng chí bận hành quân nên không biết lúc 9 giờ 30 đã có lệnh đầu hàng. Bằng cớ khi các anh vào đây không có sự chống cự nào cả. Tôi đề nghị áp dụng chính sách hàng binh theo Công ước Genève chớ không phải tù binh” (**).

Như vậy, thực tế là ông Minh và nội các không hề bị “bắt sống”, không hề bị cùm xích như tù binh. Chính bởi điều này mà sau đó ông Dương Văn Minh đã đến tận nhà để cảm ơn đại tá Tô Văn Cang (theo tư liệu của nhóm làm phim).

Bản viết tay do chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo và ông Dương Văn Minh đã đọc phát trên đài phát thanh trưa 30.4.1975. Ảnh tư liệu chụp lại từ bộ phim


Theo nội dung bộ phim, còn một sự thật khác cũng khá thú vị: Hóa ra không hề có việc xe tăng 843 “nã hai phát đạn vào Dinh Độc Lập nhưng rất may cả hai viên đạn đều không nổ” như trong quyển sách Tiến vào Dinh Độc Lập 30.4.1975 của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Pháo thủ số 1 Thái Bá Minh của xe tăng 843 khẳng định trong thư gửi ông Bùi Văn Tùng: “Em không bắn phát nào, anh Thận (Bùi Quang Thận - NV) nói em bắn hai phát vào Dinh Độc Lập mà không nổ là anh Thận nói láo”.

Lịch sử không chấp nhận sự bịa đặt

Ngày 17.1.2006, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ra thông báo về “kết quả nghiên cứu, khảo sát những vấn đề chưa thống nhất xung quanh sự kiện đánh vào Dinh Độc Lập”. Thông báo có nội dung: Việc bắt tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở Dinh Độc Lập và áp giải sang đài phát thanh là của một số cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 do đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy. Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ Trung đoàn 66 đã tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng mới xuất hiện, và sau đó cùng tiếp tục thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đó…

Chính ủy Lữ đoàn xe Tăng 203 Bùi Văn Tùng được Bác Tôn ôm hôn biểu dương ngay sau ngày miền Nam thống nhất. Ảnh tư liệu chụp lại từ bộ phim


Sau thông báo này, hàng loạt cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đã vào cuộc. Nhiều tư liệu đáng tin cậy đã xác nhận Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng là người đã thảo thư đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30.4.1975.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2010, cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0 của nhà báo Tây Đức Börries Gallasch đã được xuất bản tại Việt Nam. Ngay năm sau, bộ chính sử Lịch sử Nam bộ kháng chiến cũng hoàn thành. Cả hai đều khẳng định ông Bùi Văn Tùng chính là người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh.

Trước những thông tin đó, đến nay, Viện Lịch sử Quân sự vẫn im lặng. Là người trong cuộc, ông Phạm Xuân Thệ (nay đã là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang) vẫn im lặng.

Là Tổng Thư ký Ban biên tập bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến, ông Nguyễn Trọng Xuất khẳng định: “Lịch sử không chấp nhận những cái gì người ta bịa ra. Lịch sử chỉ chấp nhận sự chân thật và quần chúng chỉ được thuyết phục bằng sự chân thật của lịch sử”.

Trong khi đó, trả lời cho câu hỏi vì sao ông vẫn miệt mài đi tìm sự thật, Đạo diễn - NSƯT Phạm Việt Tùng cho rằng phải trả lại cho lịch sử những gì như nó đã diễn ra, đó không chỉ là việc làm để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc cho hậu thế, mà còn là lương tri của người nghệ sĩ.

Đạo diễn - NSƯT Phạm Việt Tùng. Ảnh: Báo Dân Việt


Ngoài ra, còn phải kể đến nỗi băn khoăn, day dứt của những người lính xe tăng Lữ đoàn 203. Đó là việc trong 3 người có chiến công đặc biệt nổi bật buổi trưa 30.4.1975 ấy, đến nay 2 người đã được phong tặng danh hiệu anh hùng. Đó là Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Đại tá Bùi Quang Thận. Riêng đại tá Bùi Văn Tùng dường như đã bị lãng quên cho đến tận hôm nay.

Hành động của Chính ủy Bùi Văn Tùng - người đã sáng suốt quyết định và kiên quyết tổ chức đưa tổng thống Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn, sau đó thảo lời tuyên bố đầu hàng, góp phần làm cho cuộc chiến kết thúc một cách nhanh gọn, không đổ thêm xương máu - cần phải được chính thức ghi nhận, dù muộn màng. Chính vì điều này mà mấy chục năm qua, những người lính của Lữ đoàn 203 đã kiên trì tranh đấu, hàng chục thư thỉnh nguyện đã được gửi khắp nơi, cho cả cấp lãnh đạo cao nhất. Nhưng rất tiếc, sự thật bị che khuất, bị bóp méo gần 50 năm qua đến này vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm chính thức kết luận lại để tính trung thực và duy nhất của lịch sử được tôn trọng và bảo vệ.

Người Chính ủy Lữ đoàn 203 ấy nay đã bước sang tuổi 91. Và dù ông nói rằng “chỉ cần làm anh hùng trong lòng những người đồng đội chiến sĩ thiết giáp là đủ” thì hàng triệu người yêu sự thật, yêu chính nghĩa chắc chắn không đành lòng như thế!

Lịch sử sai mới thật sự nguy hại

Trung tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 203 Nguyễn Tất Tài, người cũng có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975, trước khi qua đời, ông đã để lại một lá thư rất dài, trong đó có đoạn: “Việc họp của các anh ở quân đoàn, đưa anh Thệ lên trên như là chỉ huy trận đánh là có ý đồ…”.

Theo NSƯT Phạm Việt Tùng, những sự kiện lịch sử mà trước đây vì lý do này kia đã được viết không chính xác thì phải sửa đổi để lịch sử được ghi nhận như chính nó. Mọi việc đã quá rõ ràng, không cần phải tranh cãi gì nữa. Bằng những thước phim này, những người thực hiện bộ phim và những người thiết tha với sự tôn trọng sự thật lịch sử mong Viện Lịch sử Quân sự phải sớm có kết luận lại.

Lệ Thủy

___________

(*) Bạn đọc có thể xem lại bộ phim tại địa chỉ này: https://vtc.vn/video-su-that-nguoi-soan-thao-ban-dau-hang-cho-tong-thong-duong-van-minh-ar612519.html

(**) Công ước Genève về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh định nghĩa: Tù binh chiến tranh là những quân nhân bị bắt khi tham gia chiến đấu trong một cuộc chiến giữa các bên. Hàng binh chiến tranh là quân nhân đầu hàng trong một cuộc chiến giữa các bên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.