Ngày 12.12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo đóng góp ý kiến cho đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức.
Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và của thành phố về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị thành phố.
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được tổ chức lấy ý kiến chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố; ý kiến góp ý, hướng dẫn của Tổ công tác của Bộ Xây dựng và đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua vào ngày 8.12. Tuy nhiên, với mong muốn đóng góp thêm cho Đồ án để hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy trình, quy định của Luật Quy hoạch đô thị sắp tới, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo này.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đưa ra các ý kiến, góp ý về quy hoạch phát triển các trục không gian chính đô thị; cụ thể hóa các nội dung về phát huy, bảo tồn, xây dựng văn hóa, gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; nghiên cứu, xem xét các điều kiện để xây dựng, phát triển các huyện thành quận cũng như đề xuất giải pháp thực hiện và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khả thi...
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo.
Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố phía Bắc sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633 km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385 km2, khu vực ngoại thị khoảng 248 km2 với 45 phường và 24 xã.
Thời hạn quy hoạch gồm giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Một trong những mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phần đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Quang cảnh Hội thảo đóng góp ý kiến cho đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Nội dung trọng tâm của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô, nắm bắt các cơ hội phát triển mới, định hướng cho các ngành kinh tế chủ đạo, như: Dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của Thủ đô Hà Nội.
Đồ án đưa ra các đề xuất mới về tập trung xây dựng Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng; mô hình thành phố trong Thủ đô; sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; phát triển đô thị theo mô hình TOD, cải tạo và tái thiết đô thị; xây dựng hành lang xanh...
Đồ án cũng đưa ra mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội; định hướng phát triển không gian; định hướng phân bổ đất đai và dân số; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và định hướng điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Bài và ảnh: Mộc Trà