Trang đời mới của thương xá TAX Sài Gòn

 04:58 | Thứ năm, 13/10/2016  0
Sau 136 năm tồn tại ở vị trí trung tâm thành phố Sài Gòn, từ ngày 12.10.2016, tòa nhà Thương xá TAX đã chính thức bắt đầu được tháo dỡ. Tòa nhà nguyên thủy của Thương xá TAX được xây dựng từ năm 1880.

Hình ảnh về TAX - thương xá gần 140 tuổi chỉ còn trong ký ức. Ảnh: Quý Hòa

Công ty Societe Coloniale Des Grands Magasins Charner de Saigon và L’UnionCommerciale Indochinoise et Africaine – chủ sở hữu tiếp theo của tòa nhà quyết định mở tại đây Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC) vào năm 1914. Vị trí đắc địa của SGMC (tiếp giáp với 3 con đường lớn của Sài Gòn, ngày nay là Lê Lợi, Nguyễn Huệ và  Pasteur) đã đưa tới quyết định của chủ sở hữu: tái thiết và khuyếch trương nơi đây trở thành trung tâm mua sắm lớn nhất và sầm uất nhất không chỉ của Sài Gòn mà của toàn xứ Đông Dương thời ấy. Lễ khai trương  GMC vào ngày 27.11.924 được đưa tin trên tất cả các báo như một sự kiện lớn đáng ghi nhớ của Sài Gòn.

         

Các tên gọi của Thương xá Tax Sài Gòn theo dòng thời gian:

1924: GMC (Grands Des Magasins de Charner).

Đầu thập niên 60 thế kỷ 20: Thương xá TAX.

1.6.1978: Cửa hàng phục vụ Thiếu nhi Thành phố.

1981: Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố.

19.1.1998: bảng hiệu Thương xá TAX chính thức đặt trên nóc tòa nhà, thay thế cho bảng hiệu Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố, cho đến nay. 

Trải qua nhiều lần thay tên, thay đổi những chi tiết kiến trúc bên ngoài và bên trong tòa nhà so với nguyên thủy, nâng tầng và mở rộng bằng vật liệu hiện đại, điều quan trọng nhất về mặt lịch sử là Thương xá TAX vẫn ở nguyên vị trí được xây dựng từ ngày đầu tiên và vẫn giữ được công năng từ ban đầu là trung tâm thương mại quan trọng của Sài Gòn với diện tích hiện hữu  9.200 m2.

Để phục vụ cho nhu cầu phát triển thành phố, trong đó có việc kết nối với hệ thống đường tàu điện ngầm, UBND TP.HCM đã quyết định phá bỏ kiến trúc hiện hữu của Thương xá TAX để triển khai tại đây Dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ văn phòng Khách sạn SATRA – TAX Plaza, dự kiến khánh thành vào năm 2020, cùng thời điểm với đưa vào sử dụng tuyến metro đầu tiên của thành phố.

Một thời cảnh buôn bán sầm uất trong thương xá TAX. Ảnh: Quý Hòa

Quyết định trên đây của UBND TP.HCM ngay lập tức dấy lên vào thời điểm đó sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng thị dân Sài Gòn đối với việc bảo tồn những giá trị di sản vật thể và phi vật thể thực sự quý giá ẩn chứa trong Thương xá TAX. Ý kiến của các nhóm chuyên gia về kiến trúc đô thị và di sản đô thị kết hợp với ý nguyện hợp tình hợp lý của đại diện cộng đồng cư dân Sài Gòn đã khiến cho chính quyền thành phố đi đến ban hành một văn bản chỉ đạo (số 215/UBND-ĐTMT ngày 17.1.2015) nêu rõ các hạng mục cần bảo tồn tại Thương xá TAX.

Theo đó, các hạng mục cần bảo tồn khá nhiều: Bảng hiệu Thương xá TAX, mái che nắng dọc vỉa hè, các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu tiên (1924) trên mặt đứng khối (góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ), không gian sảnh chính (không gian thông tầng, ít nhất 02 tầng), cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính, có tay vịn và lan can bằng đồng với các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu (1924), các phần trang trí lót gạch mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.

Những hạng mục như sàn gạch mosaic độc đáo của TAX sẽ được bảo tồn. Ảnh: Quý Hòa

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), chủ đầu tư của Dự án Satra Tax Plaza đã tiếp nhận và triển khai sự chỉ đạo ấy một cách, có thể nói là nghiêm túc, bằng việc chọn lựa các nhà tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm đối với các công trình biểu tượng khác trên thế giới có chức năng tương tự Dự án tại Thương xá TAX. Thiết kế chính của công trình Dự án Satra Tax Plaza là công ty TNHH Gemsler và các cộng sự quốc tế của Mỹ - đứng đầu trong xếp hạng 200 công ty hoạt động cùng ngành do Wold Architecture bình chọn.

Trên cơ sở làm việc rất chặt chẽ với công ty Gensler về nghiên cứu các giải pháp bảo tồn các hạng mục quan trọng nhất của Thương xá TAX trong quá khứ - trong đó có các nền khảm gạch mosaic đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước nghiên cứu, đánh giá là hết sức độc đáo với 21 màu khác nhau, SATRA đã quyết định ký hợp đồng với Bộ môn Khảo cổ học Khoa Lịch sử đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy các gía trị di tích lịch sử - văn hóa Thành phố về công việc bảo tồn các khảm gạch mosaic của Thương xá TAX.

Không gian buôn bán bên trong TAX. Ảnh: Quý Hòa

Trong cuộc tiếp xúc mới nhất với giới truyền thông trước khi bắt đầu chính thức tháo dỡ Thương xá TAX vào ngày 12.10.2016, KTS Đoàn Hoài Minh - phó tổng giám đốc SATRA, khẳng định: mục tiêu bất di bất dịch là Công trình Dự án SATRA TAX Plaza vừa phải bảo đảm được các tính chất hiện đại, đạt yêu cầu về thẩm mỹ và công năng của đô thị mới song vẫn phải hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực liền kề như trụ sở UBND TP.HCM, Nhà hát Thành phố, và quan trọng nhất là bảo tồn được các hạng mục đã được UBND TP.HCM quyết định, lưu giữ phần nào hình ảnh ban đầu của tòa nhà GMC (1924).

Sau một thời gian dài thực hiện công tác khảo sát, vệ sinh, đo vẽ, xác định kiến trúc gốc, chụp hình không ảnh, nghiên cứu và tiến hành một số thử nghiệm chuyên sâu đối với các hạng mục liên quan để đưa ra giải pháp bảo tồn, phương án cuối cùng được chọn trong 4 phương án đưa ra, là: “ Bóc tách toàn bộ gạch mosaic trên cầu thang, diềm trang trí, trên các lối vào và lắp đặt lại trên kết cấu mới”.

Tax đã chứng kiến nhịp sống bao thế hệ thị dân Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

Trước ngày bắt đầu chính thức tháo dỡ tòa nhà Thương xá TAX hiện hữu, toàn bộ các hiện vật quan trọng nhất thuộc các hạng mục phải bảo tồn đã được bóc tách và chuyển đến nơi cất giữ theo đúng tiêu chuẩn qui định. Từng viên gạch trong khảm gạch mosaic đã được lau chùi sạch và ghi ký hiệu nhằm đảm bảo chính xác khi lắp đặt lại trên kết cấu mới.

Hơn cả mong đợi của nhà đầu tư và những người quan tâm đến việc bảo tồn gạch mosaic của Thương xá TAX, tỷ lệ hư hỏng khó tránh khỏi và sẽ được thay thế chắc chắn thấp hơn 15%. Đó chính là nhờ phương pháp tháo dỡ khảm gạch nền từ bên dưới lên thay vì từ bên trên xuống, mảng khảm gạch mosaic được bóc gần như nguyên miếng, thành công hơn nhiều so với các công trình bóc tách để bảo tồn gạch mosaic ở các nước.

Thương nhân đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng SATRA TAX Plaza. Ảnh: Quý Hòa

Bây giờ, khi những gạch, ngói của Thương xá TAX 100 năm qua đã và sẽ đổ rụm xuống sau 90 ngày và được chuyển đến nơi cần đến như bất kỳ công trình xây dựng nào khác, người Sài Gòn bắt đầu chờ đợi một trang đời mới của Thương xá TAX được mở ra bằng một tòa nhà khác mọc lên ở chính nơi đây sau bốn năm nữa với sáu tầng hầm, sáu tầng bệ và 34 tầng tháp mang tên SATRA TAX Plaza. Người Sài Gòn sẽ bắt đầu chờ đợi việc đến đây và đi tới nơi khác bằng tàu điện ngầm mà không cần phải ra khỏi tòa nhà.

Tạm biệt Thương xá TAX. Ảnh: Quý Hòa

Chắc sẽ có những thú vị của tiện ích mới. Nhưng, những người Sài Gòn đã từng trải nghiệm một phần đời mình với Thương xá TAX và sẵn sàng kể với lớp hậu sinh về nơi chốn đặc biệt này cũng bắt đầu chờ đợi được chứng kiến những gì thuộc về hồn cốt của TAX 100 năm trước được giữ lại đàng hoàng ra sao trong công trình mới, như lời cam kết hôm nay của những người có trách nhiệm với quá khứ, với ký ức đô thị.

Trong ký ức đô thị khó phai mờ của người Sài Gòn về TAX, hẳn nhiên rồi, có hình ảnh chiếc cầu thang đẹp một cách sang trọng và khác biệt, uốn lượn “như một dòng sông gốm xanh biếc” hút mắt khách đến đây ngay từ cái nhìn đầu tiên… Lại ước mong có một khoảng không gian được dành ra tại đây để trưng bày cách nào đó, để kể cách nào đó về ngày hôm qua của Thương xá TAX, để hiểu hơn những gì của Thương xá TAX được còn lại đến hôm nay.

Thanh Nguyễn

» Cảnh hoang tàn bên trong Thương xá Tax trước giờ tháo dỡ

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.