Năng Gù có tên chữ là Năng Gù Châu. Trương Vĩnh Ký trong Petit cours de géographie de la Base Cochinchine, 1ère édition, S., Imp. Gouvernement, 1875, viết Nang Gù. Vương Hồng Sển cho rằng viết như vậy là có ý giữ âm “snèn kô” (tiếng Cơ Me dịch là sừng con bò). Hai bản dịch mới đều dùng chữ “Năng Cù”cũng được nhưng không đúng tiếng thường dùng của người địa phương”.
Giữa đoạn đường từ thành phố Long Xuyên đến thành phố Châu Đốc (quốc lộ 91, bên phải) có tấm biển to ghi “Bến phà Năng Gù”. Phà đưa khách qua sông Hậu – phía hữu ngạn thuộc huyện Châu Phú, tả ngạn thuộc huyện Phú Tân (An Giang). Xưa, Năng Gù là một cù lao khá rộng, nhưng hình thế và duyên cách buổi sơ thời cụ thể như thế nào, nay không dễ ai biết chắc, chỉ có thể mường tượng là “quanh co”, hoặc giống như “sừng con bò” như có một vài sách đã nói. Nhưng ví như vậy gượng quá!
Ở mục từ Cù lao Năng Gù, sách Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, giải:
“Tên cù lao ở NV [Nam Việt]; tên chữ Năng Gù châu (TVK) [Trương Vĩnh Ký]. Cơ Me: Kòh snèn kô (Di cảo TVK trong le Cisbassac), (snèn kô là sừng bò) (snèn c.v. snêng).
Ở về phía trước vàm dưới Vàm Nao ở Sông Sau, dài 9 dặm, cù lao quanh co, về hướng Nam cù lao bằng thẳng cho nên ghe đi phần nhiều noi theo bờ hướng nam, tục danh là xếp Năng Gù. (NKLTĐDC [Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí], tr. 87).
Thôn Bình Lâm ở về nơi này. (GĐTTC [Gia Định thành thông chí], tập 1 tr. 100).
Bản Pháp văn Aubaret, tr. 263, viết: Nang Cu, Vam Nao, village de Binh Lan [Bình Lâm].
Một thuyết khác:
Năng Gù, tiếng Miên XeNeng Cô: sừng bò, XeNeng ra Năng, Cô ra Gù (theo Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, tr. 72 Thuyết này vững và không xa lời dẫn giải của Trương Vĩnh Ký như trên)”.
Lý luận như vậy là có cơ sở, là một cách hiểu. Tuy nhiên, với cách hiểu này không mấy sát với diễn biến “dâu bể” ở địa phương. Do vậy, xin ghi chép lại những gì thu lượm được từ dân gian, mà theo tôi đó là tư liệu sống thực, và rất thuyết phục bởi không chỉ nhân dân, chính quyền mà cả nhà văn, nhà viết sử trước nay đều thống nhất thừa nhận.
Trước hết, về tiếng “Năng”: Năng có thể do “nàng” nói trại ra (tiếng Khmer là nen). Tại địa phương (phía tả ngạn sông Hậu, thuộc xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, An Giang), nhân dân vẫn còn bảo lưu một địa danh cổ: “doi Nàng Éc” (nơi này, một khúc quanh trên đường bộ, bà con gọi “cua Nàng Éc”). Vậy Năng là gốc từ Nàng mà ra.
Còn “Gù” là do trại ra từ Cù. Về Cù lao Năng Cù, sách Gia Định thành thông chí, tập thượng, mô tả: “Ở phía trước hạ khẩu phiếm hào thuộc Hậu Giang, dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Nơi đây rừng tre rậm rịt, ao cá đầy đặc, dân ở thượng lưu Hậu Giang trước hết là nhờ tre cây, cá tôm nơi ấy, sau là trồng bông vải, sau nữa là lúa thóc, để cung nhật dụng”.
Lần dở các bộ sách/sử như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… đều viết là Năng Cù. Ở đầu cồn Bình Thủy (nay thuộc huyện Châu Phú) đối diện Vàm Sau hay Vàm Dưới sông Vàm Nao, trước năm 1975, nhân dân vẫn còn bảo lưu một địa danh mang tên ấp Hóa Cù, và thủy danh nơi ấy có thời từng mang tên Hóa Cù Đà, vì tại đây có một con rạch (“đà”) được hình thành do hiện tượng “hóa cù”.
Không chỉ thế, ở hữu ngạn Vàm Dưới của sông Vàm Nao (thuộc diện địa xã Tân Trung, huyện Phú Tân nay) cũng có một địa danh mang dấu ấn vùng đất hóa cù, đó là ấp Mỹ Hóa 1 (Mỹ lấy gốc từ tên làng/ thôn Mỹ Lương, thời mới dựng đặt đầu triều Nguyễn; Hóa tức “hóa cù” – hai ấp Mỹ Hóa 2 và Mỹ Hóa 3 thuộc xã Tân Hòa, giáp ranh với xã Tân Trung, đều từ xã Hòa Hảo cũ chia tách ra).
Mỹ nói đủ là Mỹ Lương – dấu ấn tên gọi thôn Mỹ Lương tọa lạc phần đuôi cù lao Kết là cù lao lớn nhất giữa sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, trải dài từ Campuchia đến Hậu Giang (nay thuộc thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân và một phần huyện An Phú).
Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca mô tả: “Trời sanh phong thổ mỹ miều/ Nước non lợi lộc biết nhiêu bạc vàng/ Bởi vì Tiền, Hậu nhị giang/ Đuôi cù lao Kết rõ ràng phân hai/ Sông Sau một ngọn lớn dài/ Bên kia Châu Đốc xuống hoài vơi vơi/ Chảy về Ba Thắc các nơi/ Chảy luôn ra biển xa khơi vô chừng/ Sông Trước phía bên Cái Vừng/ Tàu Nam Vang tới thì ngừng Tân Châu…”.
Hóa là dấu ấn còn rớt lại từ tên gọi Hóa Cù (nay vẫn còn ấp Hóa Cù; Hóa Cù đà – đà là sông). Có câu “Mờ lu được sáng rắn hóa cù”. Chính vì vậy nên người ta không thể không “Ước mong rắn đặng hóa cù”. Nhưng do đâu vùng đất này có địa danh Hóa Cù?
Ta biết cù là tên gọi con vật thời thượng cổ đầu rồng, mình rắn (đều chỉ là tưởng tượng vì không ai thấy biết).
Do hiểu cù là một con vật cổ, thuộc loài rồng, đầu nhỏ, không sừng, có một gạc, là loài thú linh trưởng trong thần thoại, hiểu là con sấu sống lâu năm, “thành tinh”. Dân gian tưởng tượng rằng sấu ấy rất to lớn, ẩn mình sẵn dưới đất, chừng nào nó “dậy” (trở mình) thì nơi ấy sẽ hóa thành sông – thủy mạch thông suốt.
Liên hệ thực tế, địa hình vùng đất Năng Gù thuở xưa không như ngày nay, vì nó đã trải nhiều cuộc bể dâu do hiện tượng thủy xâm, mà nguyên nhân chính là sự phân cấp nước từ thượng nguồn đổ về hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang không đều. Mực nước thượng nguồn sông Tiền cao hơn sông Hậu dám có cả thước trong mùa nước nổi, tất nhiên hình thành độ dốc, nên chảy rất xiết.
Xuống đến huyện lỵ Phú Tân (nói theo ngày nay) dòng chảy sông Tiền một mặt theo thủy mạch chính của mình xuống Chợ Thủ, Cái Tàu, Cao Lãnh…, một mặt dồn sức nạo phá ráo riết, lâu ngày ăn thông với “hồ Chủ Bó” (xã Tân Trung, nay gọi Lòng hồ) tạo thành một con rạch nhỏ, gọi kinh/rạch Vàm Nao.
Thủy danh thì vậy, nhưng nếu chỉ nói Vàm Nao thì cụ thể trước hết là ở đâu? Tìm hiểu địa danh này, ngay cả người dân địa phương cũng “kẻ nói vầy người nói khác”. Rất may là cho đến khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước hãy còn lưu lại dấu vết từ thời Pháp, đó là một cột mốc cây số làm bằng đá xanh rất kiên cố (nay không còn, do mở rộng lộ giới), trồng bên lề đường cặp mé sông ở phía trên Chợ Đình (xã Hòa Hảo cũ, nay là thị trấn Phú Mỹ) khắc mấy chữ “Vàm Nao 1km”.
Nhờ đó, ta biết rõ Vàm Nao đích thị là vùng đất chỗ vàm trên sông ấy. Tuy nhiên, nếu cho rằng Vàm Nao là vùng đất chỗ Vàm Dưới cũng không sai, vì nơi đây có bến đò Vàm Nao, phía tả ngạn có chợ Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông); phía hữu ngạn (xã Tân Trung) là ấp Vàm Nao (mới đặt). Hay nói một cách khác hơn, từ sau ngày vàm trên được đặt gọi bằng những tên mới hiền hơn, thì hai tiếng Vàm Nao dịch chuyển xuống vàm dưới, rồi định danh luôn đến nay.
Chếch dưới, phía bờ xã Kiến An dài xuống, ngày trước do sông Hậu xâm thực mạnh một khu vực khá rộng tạo thành cái “búng” (như búng Bình Thiên ở An Phú nhưng nhỏ hơn nhiều) gọi Xẻo Búng (Búng là “chỗ nước sâu làm ra một vùng” (phía trên chợ Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới), lâu ngày dòng chảy của rạch Vàm Nao với tốc độ mạnh nên xoi phá miết, cho đến khi hội thủy được với Xẻo Búng, con rạch nhỏ Vàm Nao trở nên sâu và rộng, thành sông cái.
Sông Vàm Nao nối Tiền Giang và Hậu Giang, tuy ngắn nhưng do sự cấu tạo của địa hình cộng với tốc độ dòng chảy mạnh nên hầu khắp ở chỗ hai cửa sông quanh năm hình thành những xoáy nước rất dữ, đã nhận chìm không biết bao nhiêu là ghe xuồng, vì vậy dân thương hồ không thể không phân biệt chỗ hai đầu sông vô cùng hiểm nguy ấy là Vàm Trên và Vàm Dưới, sách viết là Vàm Nao Thượng và Vàm Nao Hạ, để nhắc nhau mỗi khi phải đi ngang qua.
Thế là Xẻo Búng dần dần bị xóa mờ và mất dấu. Nó chỉ tồn tại trong ký ức của ông già bà cả sống cố cựu ở địa phương.
Vàm Nao Hạ hội thủy với sông Cái Đầm (sách viết Đàm Giang – theo cách gọi ngày trước, đó là một nhánh của sông Hậu) tạo thành doi Nàng Éc ở hữu ngạn. Ngày trước mực nước sông Tiền cao hơn sông Hậu gần nửa thước nên như đã có nói ở trên, dòng chảy sông Vàm Nao không thể không liên tục xoi phá phía tả ngạn làm cho bờ xã Kiến An phải lở sụp từng mảng lớn. Hiện tượng thủy xâm ngày càng mạnh thêm hơn nên Vàm Nao vốn chỉ là con rạch nhỏ phải trở thành sông to, dòng chảy không còn bí tức, do đó như nguyên tắc “bình thông nhau”, sự chênh lệch của mực nước giữa hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang tất nhiên cũng thấp dần, dẫn đến cân bằng, ổn định.
Xưa, các ghe thương hồ miệt Cái Vừng, Chợ Vàm, từ phía sông Tiền muốn qua Bình Thạnh Đông, Cái Dầu, bên sông Hậu, để đỡ phải “chèo chống mỏi mê” người ta đã biết lợi dụng dòng chảy, chờ con nước ròng thả xuống, qua hết sông Vàm Nao khoảng 6km thì vừa lúc triều cường. Nước lớn, dòng sông Hậu chảy ngược lên hướng Châu Đốc. Vậy là ghe thương hồ vẫn đi được một mạch “nước xuôi”, tức không phải mất thời gian cả buổi trời cặm sào chờ con nước. Do đó người ta có cảm nhận rằng đây là “con sông nước chảy vòng cầu”, nên có người đã nhân đó mà Hán hóa là “hồi oa thủy” (không hiểu là tên sông như sông Hồi Oa ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp như có khá nhiều người đã lầm – hay nói một cách khác, sông Vàm Nao không phải là sông Hồi Oa).
Sự bứt phá phần đất ở Vàm Dưới của sông Vàm Nao, tạo thành một thủy mạch nối liền hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, dân gian gọi “hóa cù”. Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, phần Châu Đốc (1909) mô tả Vàm Nao: “Sông quanh uốn khúc tợ cù”, ta hiểu, đó không chỉ nói về hình thể (lúc ấy sông chưa lớn, cũng chưa thẳng như ngày nay) mà còn có hàm ý về sự “hóa cù” của một con sông thuộc diện địa của vùng đất Châu Đốc tân cương rộng lớn ngày xưa, như đã có nói ở trên.
Do biết rất tường tận hiện tượng “hóa cù”, nên Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có làm bài thơ Thuyền qua Núi Sập/ Thoại Sơn):
Một thuyền cầm hạc một mình ta,
Đường hiểm gian nan khắp trải qua.
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi,
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà.
Văn chương mới thử năm hay bảy,
Võ lược chưa truyền sáu với ba.
Gà gáy học đòi người dậy múa,
Luống e năm tháng để ta đà.
trong đó, ông viết: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” thật chí đúng! Thay vì nói “cù”, nhà thơ đã văn nghệ hóa là “xà” (rắn) – cũng là chữ dùng của Đại Nam nhất thống chí: “Giang lưu xà vỉ đoạn” để làm bật lên tính “dữ” nổi tiếng của một con sông mà ngày trước chừng như vẫn vang vang âm thanh của những loài “cá vùng phải kinh”. Không chỉ thế, với dòng chảy xoáy tròn và kêu nghe “ót ót” của nó cũng đủ làm rởn óc khách thương hồ!
Truyền thuyết “ông Năm Chèo”, tức con sấu 5 chân, có tật (ví như người có bàn tay mọc nhánh, thành “6 ngón”), khi lội dưới nước nó bơi bơi trông như chiếc thuyền có năm cây chèo (truyền rằng ngay từ hồi sấu còn bé, đức Phật Thầy Tây An cho là nghiệt súc, dạy phải giết đi để trừ hậu hoạn cho bá tánh, nhưng đệ tử Đình Tây đã không nghe!). Loài thú ác nghiệt này tính khí rất dữ tợn, ông già bà cả lớp trước thường nhắc kể như coi như con Năm Chèo là một tên thủ phạm sẽ mang đến tai họa khủng khiếp không tránh khỏi. Tuy gốc gác “con năm chèo” ở tận Xà Tón hoặc Láng Linh miệt Thất Sơn, nhưng dân gian đem gắn vào nơi đây cũng không ngoài cái ý làm tôn lên tính dữ của con sông Vàm Nao này.
Nhưng đó là chuyện thuở xa xưa, bởi dần về sau sông dữ đã hóa hiền:
Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, nhà thơ Nguyễn Liên Phong đã ghi nhận “Bấy lâu an ổn ba đào, Côn kình bặt dấu âm hao đến rày”.
Hóa hiền nên có thêm mấy thủy danh mới rất đáng yêu: Thuận Vàm, hay Thuận Cảng, Thuận Phiếm, Thuận Châu, rồi cuối cùng là Thuận Giang tồn tại đến ngày nay. Thuận Giang tức kinh Thuận. Cách nay khoảng trên trăm năm, cùng khoảng thời gian ông Thủ khoa Nghĩa đến vùng này, chính sử triều Nguyễn mô tả: “Kênh Thuận ở cách huyện Đông Xuyên 58 dặm về phía Đông Nam, rộng 4 trượng, sâu 1 trượng [1 trượng = 10 thước ta = 4 mét], cửa trên tự Tiền Giang chia ra, chảy về phía Nam chừng 13 dặm, cửa dưới thông với Hậu Giang” (Đại Nam nhất thống chí).
Phép đo ngày xưa cho biết, “trượng có 2 nghĩa: 10 thước Trung Quốc cổ (khoảng 3,33 mét) hoặc 4 thước mộc (khoảng 1,70 mét)”. Rõ là thời trước sông Vàm Nao còn nhỏ hẹp, chưa quá sâu, quá rộng như ngày nay, thành thử cho rằng “sông Vàm Nao hồi ấy hẹp nhưng độ sâu đáng sợ. Cá mập tránh sóng to của đại giang, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân đa số là người ở miệt dưới, tức Sa Đéc, Long Hồ, Trà Vang… Họ muốn trốn phải về đường đó, vì đường đó rừng bụi nhiều và nó là nẻo tắt, cách xa đường dịch trạm (tức công lộ), không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy mà khi đáo bỉ ngạn, mười người chỉ còn sót được có năm ba và có khi tay chân còn bị cụt mất nữa là khác”, tưởng cần xem xét lại, vì đối với người đồng bằng sông Cửu Long, lội qua con rạch không sâu, và cũng chẳng rộng như vậy (không tới 7m) là “chuyện nhỏ”, cần gì ôm cây chuối, (cây chuối đâu có bộng ruột, sao lại gọi là “ống nổi”!?).
Vả, với độ sâu 4 mét như vậy không chắc gì vô số cá mập vào trầm mình! Về loài cá này các lão ngư sống nghề Bà Cậu ở sông Vàm Nao quả quyết, nói cá mập chớ thật ra là cá vồ cờ lớn, do vây lưng của nó khá cao nên khi lội gần mặt nước, thấy nước tẹt ra “có cờ”, rẽ sóng trông như cá mập lội, người ta không thể không… ơn ớn. Chính vì vậy dân chài đã “phong” cho nó là cá mập (sách Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc (1902) của Hội Nghiên cứu Đông Dương ghi là “cá mập lắc” – hiểu là cá mập nhỏ). Còn nếu hiểu 1 trượng bằng khoảng 1,7m thì người tương đối cao có thể lội bộ được ngang sông vì nước chỉ mấp mé lỗ mũi, thế thì không thể cho Vàm Nao có “độ sâu đáng sợ” được!
Cho rằng nơi đây “không có đồn ải ngăn chặn” ta không thể không tham khảo Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, phần viết về Đường trạm trên sông Vĩnh Trấn:
“Từ trạm chính bến sông trước cửa trấn thành theo sông Long Hồ hợp với Tiền Giang đi lên 12.290 tầm thì đến đạo Đông Khẩu.
Đi 450 tầm, giữa sông (Hậu) có cồn gọi là cù lao Năng Cù [Năng Gù, thôn Bình Lâm – nay là xã Bình Thủy], trên đó có dân cư, ở đây nước chia ra hai nhánh. Hai bên sông đều có dân cư và ruộng cấy lúa, phía ngoài là rừng chằm, đến rạch Năng Cù, rạch ở phía bên trái, rộng 5 tầm, sâu 2 tầm, chảy đến cùng thì có dân cư.
Đi 2.000 tầm, bờ bên phải là cồn Năng Cù, bên trái có dân cư, đến đồn phân thủ ở rạch Vàm Nao Hạ, rạch ở phía bên trái rộng 9 tầm, sâu 2 tầm 3 thước, chảy 16.318 tầm thì thông ra rạch Vàm Nao Thượng, rồi đổ ra Tiền Giang. Hai bên bờ đều có dân cư. Đồn phân thủ ở bờ bên trái, lo việc xét hỏi thuyền buôn, phòng ngừa trộm cắp và bắt hàng cấm.
(…) Hai bên bờ sông đều có dân cư, đến rạch Ông Chưởng Hạ và đồn phân thủ [đồn nhánh] đạo Hùng Sai, rạch ở phía bên trái rộng 35 tầm, sâu 7 tầm 4 thước, theo rạch này lên hướng bắc 110 tầm đến ngả ba: nhánh bên trái là rạch Sóc Chiết [Sốc Chét – một địa danh cổ ở cù lao Ông Chưởng], đi lên thì thông với rạch Trùm Chúc, rồi chảy ra Hậu Giang, nhánh bên phải chảy 13.000 tầm thì đến rạch Ông Chưởng Thượng rồi chảy ra Tiền Giang [chỗ thị trấn Chợ Mới nay]. Hai bên bờ đều có dân cư, đồn phân thủ ở bờ bên trái”.
Rõ ràng, ở khu vực đầu cù lao Ông Chưởng có đồn phân thủ đạo Hùng Sai và đồn phân thủ Vàm Nao ở bờ bên trái [phía huyện Phú Tân nay], lo việc xét hỏi thuyền buôn, phòng ngừa trộm cắp và bắt hàng cấm. Thế thì cho là “không có đồn ải ngăn chặn” là không đúng! Càng vô lý hơn khi nói rằng “Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi (!) rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy mà khi đáo bỉ ngạn, mười người chỉ còn sót được có năm ba và có khi tay chân còn bị cụt mất nữa là khác”. Vì sao vô lý? Như sách sử mô tả, sông Vàm Nao rộng chỉ 4 trượng, tức không quá 7 mét, người ta chỉ cần hạ cây rừng ở bờ bên này thì cái ngọn của nó đã gác lên bờ bên kia, thế là đã có “cầu khỉ” để qua sông, tội gì phải nhào xuống lội đặng làm mồi cho cá mập!?
Tưởng cũng cần nói thêm về địa danh có tiếng Cù, theo cách hiểu “nước chảy đứt đuôi xà” như vừa nói không phải là cá biệt chỉ ở vùng này mà, ở một số nơi khác cũng có những thủy tính tương tự như thế. Chẳng hạn ở vùng chợ Tân An, xưa gọi Vũng Cù, hoặc cù lao Tân Cù ở phía Bắc sông Hàm Long.
Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca viết về Biên Hòa mô tả nơi ấy cũng từng diễn ra cảnh tượng không mấy khác:
Thạch nang chỗ rất hãi hồn,
Đá Hàn một dãy tiếng đồn thuở nay.
Hợp vừa lòng lạch giữa ngay,
Ghe đi lên xuống người rày đều nao.
Tới mùa lạo thủy lộn đào,
Chảy đứt đuôi rắn ra vào sợ ghê.
Tóm lại, câu “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” quyết không phải vì “nước chảy cuộn xoáy dữ tợn, đến nỗi rắn bơi qua bị xoáy nước cuốn vào vặn đứt đuôi” như có người đã giảng (!) mà phải hiểu tác giả muốn nói sự chảy xiết của dòng sông, gây hiện tượng thủy xâm, khiến đứt mất hẳn một phần đất ở vùng hạ lưu làm cho nơi ấy biến thành sông, tạo một nhát cắt mạnh như “chặt đứt đuôi rắn” vậy.
Nguyễn Hữu Hiệp