Tìm lối đi riêng
Sinh ra tại làng nghề mộc nổi tiếng ở Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), cùng với niềm đam mê vẽ, Nguyễn Duy Duy (sinh năm 1996), sau khi tốt nghiệp THPT, đã quyết định tham gia vào phát triển công việc kinh doanh nội thất gỗ của gia đình. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn làm việc, Duy nhận ra những sản phẩm được làng nghề thiên về phát huy giá trị sử dụng, trong khi đó cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của bản thân vượt ra ngoài công việc của nghề mộc.
Nguyễn Duy Duy chia sẻ: “Dù trong gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật nhưng từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với vẽ, và tôi luôn muốn được sáng tạo kể câu chuyện trong suy nghĩ của mình qua từng nét cọ. Chính vì thế, sau một thời gian làm việc với gia đình, cảm thấy bản thân có thể phát triển nhiều hơn nữa nên tôi đã quyết định đi tìm con đường khác để có thể thỏa mãn theo đuổi những đam mê của mình. Và năm 2015, tôi đã xin bố mẹ theo học ngành Thiết kế đồ họa của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để được đào tạo chuyên sâu về ngành này”.
Nguyễn Duy Duy bên các tác phẩm của mình.
Cũng chính từ đây, sự nghiệp của Duy đã bước sang một trang mới khi anh bắt đầu bén duyên với nghệ thuật cắt giấy Kirigami của Nhật Bản: “Năm 2017, lúc tìm đề tài cho bài thi tốt nghiệp, tôi tình cờ biết đến một cặp vợ chồng người Ấn Độ có ứng dụng nghệ thuật cắt giấy Kirigami để làm những sản phẩm rất ấn tượng. Nhưng tôi thấy nếu chỉ sử dụng bộ môn nghệ thuật này cho tác phẩm của mình sẽ không đạt hiệu ứng như mong muốn. Do đó, tôi tiếp tục suy nghĩ, tìm hiểu thêm về việc kết hợp các bộ môn, loại hình nghệ thuật sáng tạo của nhiều quốc gia”.
Đặc biệt, theo quan niệm của Duy, đã làm nghệ thuật thì cần phải có những suy nghĩ táo bạo nên trong trong sản phẩm đề án tốt nghiệp của mình, anh không dừng ở việc tạo ra sản phẩm 2D thông thường mà quyết định phát triển theo hướng làm đèn giấy nghệ thuật, kết hợp giữa nghệ thuật cắt giấy Kirigami, nghệ thuật rối bóng của Trung Quốc và phối bóng của đèn kéo quân. Những lớp giấy cắt được sắp đặt, thông qua hiệu ứng 3D, hiệu ứng ánh sáng trong mỗi hộp giấy lần lượt ra đời, dần thể hiện được ý tưởng của chàng trai trẻ.
“Nếu chỉ làm những chiếc đèn 2D, tôi sợ khi nhìn vào, người xem không thể hiểu hết câu chuyện mà mình muốn kể. Hiểu về văn hóa, phải hiểu sâu, hiểu kỹ chứ không thể hời hợt. Vì vậy, tôi tính toán để những chi tiết bên trong chiếc đèn của mình, cùng nghệ thuật ánh sáng thể hiện sinh động nhất những thông điệp ý nghĩa về văn hóa dân tộc. Nếu người xem không hiểu, không có cảm xúc thì đó là tác phẩm thất bại”, Nguyễn Duy Duy giải thích.
Đèn giấy không chỉ là món đồ trang trí hay mặt hàng để kinh doanh mà còn là nơi Nguyễn Duy Duy gửi gắm thông điệp về niềm tự hào dân tộc, vẻ đẹp đất nước.
Để hoàn thành một tác phẩm đèn giấy nghệ thuật ít nhất trải qua 5 công đoạn: tìm ý tưởng thiết kế, tách lớp, chia bản phác thảo thành nhiều lớp xa gần, sáng tối khác nhau, cắt khắc bản vẽ, lắp ghép và gia cố khung sản phẩm.Việc lên ý tưởng là công đoạn quan trọng nhất và khiến Duy mất khá nhiều thời gian. Trong mỗi tác phẩm đèn 3D, thiết kế và nghiên cứu về bố cục quyết định đến 70% thành công, còn ánh sáng đèn và sự phân chia lớp chiếm 30%. Hai yếu tố này kết hợp với nhau sẽ ra được một sản phẩm hoàn hảo.
“Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế trong số hàng trăm tác phẩm, rất hiếm khi tôi làm một lần là được ngay mà thường phải làm đi làm lại, có khi đến hơn 10 lần mới thấy ưng ý. Cùng với đó, các nguyên liệu để làm đèn thường bao gồm gỗ, giấy, nhựa mica, thanh đệm, đèn led và kính. Để tạo ra được chiếc đèn có độ xuyên sáng tốt, tôi phải sử dụng loại giấy có định lượng cao, cứng và bền, ít chịu sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường”, Duy chia sẻ.
Không gian trưng bày các tác phẩm của Nguyễn Duy Duy.
Những chiếc đèn mang thông điệp văn hóa, vẻ đẹp đất nước
Sau khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, Duy tiếp tục hoàn thiện, phát triển đèn giấy 3D để sản phẩm này có thể tới được người tiêu dùng. Ban đầu, khi kỹ thuật làm còn sơ khai, Duy thường lấy nội dung đơn giản theo phim ảnh. Về sau khi đã làm chủ được kỹ thuật và định hình được phong cách, anh bắt đầu triển khai nhiều nội dung khác như phong cảnh, văn hóa, lịch sử Việt Nam, Phật giáo và phong thủy.
Đèn giấy không chỉ là món đồ trang trí hay mặt hàng để kinh doanh mà còn là nơi anh gửi gắm thông điệp về niềm tự hào dân tộc, vẻ đẹp đất nước. Những ai từng ngắm các tác phẩm đèn giấy 3D của Duy không thể không ngạc nhiên. Bởi tranh của Duy thường chứa đựng những “mảnh ký ức” văn hóa mà cha ông ta để lại, những sự giao thoa văn hóa giữa các thế hệ… Đó là khung cảnh làng quê xứ Đoài với đường làng nhà cửa lô xô, một chiếc cổng vòm lấp ló phía xa, gần hơn là người đàn ông đạp xe, người phụ nữ dắt xe đạp, người gánh hàng rong. Tất cả khung cảnh đó nổi bật lên dưới ánh chiều vàng xuộm, khiến người xem man mác một nỗi nhớ quê…
Những hình ảnh văn hóa, đời sống gắn bó với làn quê Việt Nam được đưa vào những chiếc hộp đèn.
Nguyễn Duy Duy cho hay: “Tôi luôn có quan niệm rằng những sản phẩm được xây dựng trên ký ức, tình cảm và văn hóa đất nước dân tộc thì luôn trường tồn. Những hộp đèn của tôi mang những ký ức, kỷ niệm mà nhiều người đều có, để nhắc cho mọi người nhớ đến tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời, tôi cũng mong muốn có thể tạo ra được nhiều tác phẩm có ý nghĩa hơn nữa về Việt Nam, về đất nước và con người để có thể lưu giữ lại trong lòng bạn bè cũng như những người yêu quý Việt Nam những ấn tượng khó phai nhất”.
Đặc biệt, với bộ đèn thuộc dự án Việt Nam - đất nước, con người được thực hiện cùng nhóm bạn. Duy cho biết, ý tưởng thực hiện bộ đèn nảy ra khi anh nghe ca khúc Nhớ về Hà Nội do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện. Hình ảnh về tàu hỏa xưa cũ, những góc phố thân quen và hồ Hoàn Kiếm thân thương khơi gợi nhiều cảm hứng cho anh khi vẽ. Những nét văn hóa, hình ảnh đặc trưng trên khắp mọi miền của Tổ quốc như cố đô Huế, Hội An, sông nước miền Tây, cồng chiêng Tây Nguyên… đã được anh biến hóa kỳ ảo, tái hiện trong tổng thể 17 hộp đèn giấy.
Mỗi sản phẩm đèn giấy nghệ thuật 3D được nguyễn Duy Duy kết hợp giữa nghệ thuật cắt giấy Kỉrigami, nghệ thuật rối bóng của Trung Quốc và phối bóng của đèn kéo quân Việt Nam.
Tác phẩm Mùa thu Hà Nội.
Tác phẩm Nhã nhạc cung đình Huế.
Đến nay, Nguyễn Duy Duy đã có hàng chục bộ sưu tập tranh về văn hóa Việt như thế nhưng anh vẫn đau đáu với chủ đề về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Chính vì thế, Duy hy vọng không chỉ anh mà những bạn trẻ khác hãy có trách nhiệm hơn với văn hóa dân tộc: “Với sức trẻ, sự sáng tạo, tôi mong ngày càng nhiều người, bằng nhiều cách khác nhau hãy cố gắng lưu giữ, lan toả những giá trị văn hóa của Việt Nam. Chúng ta hãy thể hiện sự tự hào vì được sinh ra ở một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa”.
Tiết lộ về những dự định sắp tới, Duy cho biết đang tiếp tục thực hiện một số dự án tranh về lịch sử, văn hóa và trò chơi dân gian. Khi các dự án này hoàn thành, anh sẽ tổ chức triển lãm ra mắt công chúng những tác phẩm của mình vào khoảng nửa đầu năm 2024.
Bài và ảnh: Mộc Trà