Ảnh: internet
Về cơ bản, các hợp chất tạo nên nước tăng lực đều có những tác dụng nhất định để phù hợp với tên gọi "tăng lực" (Energy drinks): giải khát, giúp tỉnh táo, giảm mỏi mệt, suy yếu ngắn hạn, lợi tiểu… Thành phần chủ yếu nhất trong nước tăng lực là đường glucose, caffeine, acide pantothénique (vitamine B5), taurine...
Nhiều lời cảnh báo
Từ năm 2000, giới y tế quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến tính an toàn của các loại nước tăng lực, sau vụ một cầu thủ bóng rổ người Ireland chết ngay trên sân thi đấu vì đã uống một hơi ba lon Red Bull trước trận đấu. Các bác sĩ cho biết nạn nhân chết vì hội chứng rối loạn nhịp tim, nghi do tác dụng của chất taurine và caffeine trong nước tăng lực gây ra.
Liền sau đó, một số nước như Pháp, Đan Mạch… cấm bán một số loại nước tăng lực. Mỹ và Canada yêu cầu ghi chú cảnh báo trên các lon nước tăng lực như: “Có chứa nhiều caffeine, trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng”, “Không uống quá 500ml, tức hai lon trong một ngày”…
Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Steven Lipshultz, chủ tịch hội Nhi khoa của Đại học trường y khoa Miami cùng một số nhà khoa học, cho thấy nước tăng lực chứa hàm lượng caffein và các chất kích thích khác khá cao. Những tổ hợp chất này có liên quan tới hiện tượng đột quỵ, chứng hoang tưởng, bệnh tim mạch, tổn thương thận và gan của con người. Tỉ lệ này có thể thấp nhưng ở một số nhóm trẻ em, đối tượng mà các bác sĩ chuyên khoa nhi quan tâm, thì nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng khi uống nước uống tăng lực là khá cao.
Để sử dụng nước tăng lực an toàn
Nước tăng lực không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, nó chỉ cung cấp những calori rỗng. Những calori rỗng này khiến người dùng luôn cảm thấy no, không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả là bị thiếu dinh dưỡng. Do đó, chỉ uống nước tăng lực khi thật sự cần thiết (đi xa, quá mệt mỏi) và cũng không nên uống nhiều, quá thường xuyên (nhiều nhất chỉ nên 1 lon/ngày).
Nước tăng lực không giúp tái nạp nước trong cơ thể và còn làm cho tim bị mệt hơn nên tránh dùng nước tăng lực ngay trước hay sau một cuộc tranh tài gây go về thể lực.
Tuyệt đối không pha nước tăng lực với các loại rượu mạnh hoặc uống chung với bia để lâu say vì phối hợp chất kích thích caffeine với chất làm suy nhược tinh thần như rượu, bia có thể dẫn đến sự xáo trộn nhịp tim. Đối với trẻ em, phụ nữ đang mang thai, đang cho bú và những người nhạy cảm với caffeine đều không nên uống nước tăng lực.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc
(Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM)