Người xưa dạy rằng: “Nước tải thuyền, nước lại dìm thuyền”. Mối quan hệ của rượu với sức khỏe cũng giống như triết lý của bài học cổ xưa ấy, việc sử dụng rượu thuốc, rượu ngâm quá mức, không đúng cách có thể mang lại một số nguy cơ và tác động tiêu cực đối với sức khỏe, sẽ hại cho gan, tim, não, tổn thương hệ thống thần kinh, gây ra nhiều loại bệnh tật, hơn nữa có thể rút ngắn tuổi thọ của con người.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số rượu ngâm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Quang Thái
Một số nguy cơ và tác động tiêu cực đối với sức khỏe do sử dụng rượu thuốc, rượu ngâm quá mức, không đúng cách:
- Ngộ độc rượu: Rượu thuốc là rượu kết hợp với thuốc, uống lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc do quá liều của thuốc.
- Đột quỵ cấp, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp,…
- Gây nghiện: Rượu là một chất gây nghiện, và sử dụng nó không đúng cách có thể dẫn đến nghiện rượu. Nghiện rượu có thể tạo ra nhiều vấn đề sức khỏe và xã hội. Uống rượu thuốc lượng vừa phải là một lạc thú, có thể giúp khai vị, kích thích ăn ngon miệng,… nhưng uống lâu dài hoặc uống quá nhiều dẫn đến nghiện rượu là một nỗi đau tinh thần, có thể gây ra rối loạn thần kinh, mất kiềm chế.
- Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần: có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như stress, lo lắng, và trầm cảm, thay đổi nhân cách, tinh thần bất ổn, trí nhớ kém đi,…
Những nhà nghiên cứu phát hiện thấy khi nồng độ cồn trong cơ thế con người đạt tới 0,03 - 0,05% biểu hiện thấy vẻ hân hoan thú vị và tăng thêm nhiều động tác, khi đạt tới 0,06 - 0,1% thì gia tăng hưng phấn gọi là say rượu nhẹ, khi đạt tới 0,2% là say rượu mức trung bình, biểu hiện bước đi khó khăn, ngôn ngữ hàm hồ, khi đạt tới 0,3 - 0,5% có thể mất hết sự nhịp nhàng thăng bằng, tri giác bị trở ngại, hôn mê hoặc tử vong.
- Tổn thương gan: viêm gan, xơ gan, ung thư gan,…
- Nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ: Làm tăng chất béo nội tạng, huyết áp cao, tăng đường huyết (nguy cơ gây đái tháo đường), bệnh tim, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.
- Ảnh hưởng tình dục: Sử dụng rượu không đúng cách có thể gây ra vấn đề về sinh lý, giảm ham muốn tình dục và khả năng cương cứng.
- Tương tác với thuốc khác: Rượu và một số thuốc (dược liệu) trong rượu thuốc có thể tương tác với các thuốc khác đang sử dụng, làm tăng/giảm hiệu quả của thuốc hoặc tạo ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Dùng rượu thuốc ngâm sai cách: Tự ý chế tác rượu thuốc mù quáng, không biết rõ tính chất của thuốc, lượng thuốc, nguồn gốc, không hiểu những điều thường thức về rượu thuốc, lại không tham khảo ý kiến của thầy thuốc đông y trước khi ngâm và sử dụng rượu ngâm, nguy cơ có thể dẫn đến ngộ độc.
Vì vậy, khi sử dụng loại rượu thuốc hoặc rượu ngâm nào, nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế, người có chuyên môn để đảm bảo rằng việc sử dụng là an toàn và hợp lý với tình trạng sức khỏe bản thân. Đồng thời, quản lý lượng rượu sử dụng và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng.
BS-CK2. Huỳnh Tấn Vũ
(Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM; Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 3)