Ăn nhầm so biển, cả nhà ngộ độc

 15:11 | Thứ ba, 02/08/2016  0

So biển có độc tố Tetrodotoxin giống như cá nóc. Ảnh: TL

Ăn so lại ngỡ là sam! 

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM vừa tiếp nhận cấp cứu hai chị em ruột bị ngộ độc do ăn con so biển. Đó là bé gái 10 tuổi và bé trai 4 tuổi  nhà ở Bình Đại, Bến Tre.

Trước đó, hai bé cùng 3 người lớn trong gia đình có ăn hải sản là con so nhưng người nhà nghĩ là con sam biển. Khoảng 30 phút sau cả 5 người ăn đều có biểu hiện là đột ngột đau bụng, nôn ói và được đưa tới bệnh viện Bến Tre cấp cứu.

Tại đây, qua quá trình hỏi bệnh và thăm khám bước đầu chẩn đoán là trường hợp ngộ độc nhiều người trong gia đình do ăn nhầm con so biển. Sau khi được rửa dạ dày và uống than hoạt 2 bé được chuyển tới bệnh viện Nhi đồng 1.

Hai bé nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, môi hồng, mạch và huyết áp ổn định. Sau khi thăm khám cũng như hỏi bệnh cẩn thận, bệnh nhân được xác định là ngộ độc do ăn con so biển. Hai bé đã được truyền dịch, cho uống than hoạt và theo dõi tiếp. Rất may là sau đó sức khỏe hai bé dần ổn định và bình phục do ăn lượng độc tố không nhiều.

Qua trường hợp trên chúng tôi muốn nhắc nhở người dân tuyệt đối không được dùng con so biển như một loại thực phẩm. Chú ý phân biệt kỹ giữa con sam và con so để tránh bị ngộ độc.

Phân biệt con so và con sam

Sam biển (sam lớn): đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau. Sam trưởng thành nặng từ 1,5 - 2kg. Sam biển được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm. Sam biển không gây ngộ độc.

So biển: sống ở ven biển, nơi các lạch nước ngọt. Có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Kích thước tối đa của so là 25cm, trọng lượng dưới 1kg. So biển có độc tố Tetrodotoxin giống như cá nóc. 

Độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.

BS. Trần Văn Cường

(Khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)

 

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.