Hiện có khoảng 75 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng Asiad 18 nhưng bản quyền này vẫn chưa có mặt tại Việt Nam. Trong ảnh: Công Phượng ghi 1 bàn thắng U23 Pakistan ở trận ra quân của U23 Việt Nam tại Asiad 2018. Ảnh: S.N
Thật ra, họ phải bán với giá cao để bù lỗ cho các hành vi xâm phạm bản quyền mà họ biết chắc chắn chúng sẽ xảy ra khi bán bản quyền cho Việt Nam. Điều này không phải vô căn cứ, họ đã đúc rút được kinh nghiệm này sau nhiều thương vụ bản quyền thê thảm với chúng ta.
Các đối tác nước ngoài bán bản quyền chương trình cho Việt Nam với giá cao (có trường hợp còn không bán), các đơn vị ở Việt Nam không mua được bản quyền, khán giả không có nguồn chính thống để xem nên tìm đến nguồn phi chính thống, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tăng cao, mà thị trường vi phạm bản quyền tăng cao thì giá bản quyền lại… càng cao (để bù lỗ cho các hành vi xâm phạm mà họ tin chắc sẽ diễn ra ở Việt Nam).
Cái vòng luẩn quẩn không hồi kết.
Nhìn vào các yếu tố trên, dễ dàng nhận thấy chúng ta có thể làm việc này đúng đắn bằng cách dẹp các website chiếu lậu, có cơ sở để đàm phán giảm giá bản quyền xuống, người hâm mộ có kênh chính thống để xem. Nhưng sự thể rất khó khăn.
Đã có rất nhiều bài viết chỉ trích và quy trách nhiệm cho những website chiếu bóng đá lậu, thậm chí có cả bài phân tích pháp lý dài hơi, nhưng có lẽ câu hỏi chúng ta cần giải đáp ở đây là: tại sao các website này tồn tại?
Không có bữa trưa nào miễn phí, cũng không có ai làm không công hoàn toàn (chưa kể để chiếu lậu được bóng đá cần đến trình độ chuyên môn công nghệ rất cao), họ được lợi gì từ những chương trình lậu? Tiền bán quảng cáo, thông tin người dùng, danh tiếng trên internet,… Những nguồn lợi này đến từ đâu nếu không phải từ chính người xem? Và người xem cũng vô tư đồng thuận với họ, miễn không mất xu nào là được.
Khán giả không có nguồn chính thống để xem nên tìm đến nguồn phi chính thống, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tăng cao. Ảnh: CTV
Chưa bàn đến chuyện người xem lậu có vi phạm pháp luật hay không, cũng chưa đề cập đến khía cạnh đạo đức của người tiêu thụ mặt hàng mà mình biết rõ hàng lậu là sai hay đúng, nhưng chắc chắn trách nhiệm của người tiêu dùng không thể là con số không.
Nhu cầu của người tiêu dùng là lý do cho một mặt hàng tồn tại, bất kể có hợp pháp, có đạo đức hay không. Thế nên mới xuất hiện thuật ngữ “tiêu dùng có trách nhiệm”, một thuật ngữ thường thấy trong các chiến dịch bảo vệ môi trường, tức là tiêu dùng có cân nhắc đến hậu quả của nó.
Ở đây, khán giả hãy cân nhắc hậu quả khi mình xem lậu: những người sản xuất chương trình bị thiệt thòi, đối tác nước ngoài từ chối/bán bản quyền với giá cao cho Việt Nam, thị trường nội dung nhạt nhẽo,…
Hiểu rằng tình yêu bóng đá quá lớn, rằng người hâm mộ bồn chồn khi không thể sát cánh bên U23, được khóc, được cười cùng họ, nhưng tình yêu không phải là một cái cớ.
Khi quá thèm một thứ gì đó mà mình không thể có được nó, bạn sẽ nhẫn nhịn chờ cơn thèm xuống hay sẽ ăn cướp để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của mình?
Tùy lương tâm bạn chọn.
Luật sư Phan Vũ Tuấn
(Phó Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ TP.HCM; Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)