Tại Việt Nam hiện chưa có khuyến cáo hay quy định quy chuẩn giới hạn nào về thành phần SO2 (sunfur dioxide) trong thực phẩm và dược liệu. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàm lượng SO2 không nên vượt quá 20 miligam/kg sản phẩm, FDA khuyến cáo thực phẩm chứa nồng độ SO2 lớn hơn 10 ppm (mười phần triệu) phải được ghi rõ trên nhãn để người tiêu dùng biết. |
“Tắm” hóa chất
Hiện nay, thuốc Đông y có 2 nguồn chính là thuốc Nam (dược liệu trong nước) chỉ chiếm khoảng 20%; 80% còn lại là thuốc Bắc, toàn bộ được NK từ Trung Quốc.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn, hiện có 9 DN được NK nguyên liệu thuốc Bắc qua cửa khẩu. Trong 5 tháng đầu năm 2015, lượng thuốc Bắc được NK về Việt Nam là hơn 7.000 tấn với trị giá gần 7 triệu USD.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, sau khi NK về Việt Nam, trước khi đến tay người tiêu dùng, dược liệu được tập trung chủ yếu tại hai đầu mối là xã Ninh Hiệp - Hà Nội và phố Lãn Ông - Hà Nội vừa bán lẻ cho người tiêu dùng, vừa đổ buôn cho các mối ở khu vực phía Bắc.
Theo chân những chuyến hàng chở thuốc Bắc từ cửa khẩu Chi Ma về Ninh Hiệp - nơi được coi là “vựa” sản suất thuốc lớn nhất miền Bắc vào một ngày nắng nóng giữa tháng 5, phóng viên được tận mắt chứng kiến thuốc Bắc được chất đầy trong nhà, ngoài sân, trên nền đất, đi tới đâu cũng thấy mùi thuốc Bắc, mùi lưu huỳnh xộc lên nồng nặc.
Qua quan sát ban đầu tại một số kiện hàng của Ninh Hiệp phóng viên nhận thấy, phần lớn những nguyên liệu thuốc ở đây đều không có nhãn mác. Nhiều cơ sở chế biến dược liệu ngay trên nền đất, đường đi, bẩn thỉu và bụi bặm. Thậm chí với những gói dược liệu đã ngả màu nấm mốc vẫn được chủ kinh doanh đem phơi nắng để “tái chế” hoặc xông lưu huỳnh để bảo quản.
Qua lời kể của một phụ nữ chuyên làm nghề sơ chế thuốc thuê cho hiệu thuốc ở xóm 8 - Ninh Hiệp, lưu huỳnh là "thuốc tiên" nhằm chống nấm mốc được các hiệu thuốc dùng trong công nghệ chế biến Đông dược.
Nói về công đoạn xông lưu huỳnh cho thuốc Bắc, ông chủ hiệu thuốc ở xóm 9 - Ninh Hiệp cho biết: Thuốc Bắc sau khi được nhập từ Trung Quốc về, các hộ chế biến sẽ rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô, sau đó xông lưu huỳnh để bảo quản.
Với kinh nghiệm xông lưu huỳnh nhiều năm, ông chủ này cho biết: Lưu huỳnh khi dùng với liều lượng ít, các vị thuốc bảo quản được từ 4 - 5 tháng. Nhưng khi dùng với liều lượng lớn, thuốc để được vài năm mà không lo bị nấm mốc. “Một cân dược liệu quý có giá vài triệu, trong khi một cân lưu huỳnh chỉ có giá vài nghìn đồng, việc sử dụng lưu huỳnh đã trở thành việc thường ngày ở Ninh Hiệp", ông chủ này nói thêm.
![]() |
Thuốc Đông y được "chất" thành chồng trong nhà bếp của một hộ kinh doanh thuốc ở Ninh Hiệp |
Tìm hiểu qua người dân Ninh Hiệp về cách xông lưu huỳnh, phóng viên được biết, công đoạn này rất đơn giản, điều duy nhất cần chỉ là thời gian. Ban đầu, người dân sẽ xác định số dược liệu cần xông sẽ tương ứng với một lượng lưu huỳnh cần thiết. Sau khi đã ước lượng được tỷ lệ cần dùng, lưu huỳnh sẽ được cho vào bát, châm lửa, đặt giữa đống dược liệu cần xông để lưu huỳnh cháy âm ỉ, sau đó dùng cót quây tròn, buộc bạt xung quanh, dùng nilong phủ kín bên ngoài cho khói tỏa ra vừa phải. Thời gian xông diễn ra trong khoảng 5 - 6 tiếng. Sau đó, dược liệu được trải đều ra trên bề mặt thoáng rộng, khi khói bay đi hết sẽ cho vào túi nilon bảo quản.
Khảo sát trên thị trường phóng viên được biết, hiện rất dễ để người dân mua lưu huỳnh sử dụng, với giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 tấn dược liệu được NK qua cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn. |
Về mức độ nguy hiểm của việc xông lưu huỳnh với các sản phẩm thuốc Bắc, bà Trần Thị Dung - Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa - khoa Hóa - Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Lưu huỳnh sử dụng để chống ẩm mốc với hàm lượng ít thì không độc, nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc rắc trực tiếp thì bản thân người sơ chế cũng có thể nhiễm độc đường hô hấp. Còn với người ăn, khi lưu huỳnh vào cơ thể kết hợp với kim loại nặng trong cơ thể tạo thành hợp chất sunfua gây độc, vào dạ dày kết hợp với acid tạo thành hợp chất tích tụ ở dây thần kinh gây đau đầu.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ nhiệm bộ môn Đông dược - Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, phương pháp xông lưu huỳnh trong sản xuất và chế biến Đông dược vẫn được áp dụng nhưng chỉ ở mức độ cho phép, vượt quá giới hạn sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
“Hiện nay, nhiều cơ sở đã lạm dụng lưu huỳnh khi tẩm sấy trực tiếp vào Đông dược, hay một số thực phẩm khác… gây ra những hệ lụy lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng sử dụng thuốc Đông dược chữa bệnh, nhưng thực chất trong thuốc lại có độc thì bệnh tình ngày càng trở lên nguy hiểm hơn rất nhiều”, bà Hằng lo lắng.
|
Những bao tải thuốc đang được chất lên xe tải chuyển đến các cửa hàng thuốc khắp miền Bắc |
Cảnh báo về mức độ nguy hiểm của lưu huỳnh với sức khỏe người dân, ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai cho biết, khi bị dị ứng với lưu huỳnh, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính.
Để bảo quản thuốc Bắc, về nguyên tắc các vị thuốc được chế biến sẵn đều cần đến chất bảo quản; có thể là chất chống nấm mốc, giữ độ mềm của thuốc hoặc đơn giản hơn là giữ mầu. Tuy nhiên trên thị trường Việt Nam hiện nay, hầu hết các hoá chất này đều không có nguồn gốc hay tên gọi, được bày bán tràn lan với giá "bèo bọt" và số lượng không hạn chế. Đó là chưa kể các loại thuốc diệt kiến, diệt côn trùng, diệt nấm mốc đều là chất độc nhưng lại được sử dụng trong quá trình bảo quản Đông dược, hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu.
Để chữa bệnh cứu người, ngoài trình độ của y, bác sỹ còn phải kể tới nhân tố có tính chất quyết định là thuốc điều trị, nhưng thực tế đang diễn ra lại cho thấy, những bài thuốc này đang bị "đầu độc" bởi hóa chất, bởi sự thiếu hiểu biết của người chế biến, kinh doanh thì quả là nguy hiểm.
Minh Châu - Báo Hải Quan