Ngày xưa, trong làng phải có ít nhất một bộ ba gồm ông thầy lang, bà mụ vườn và ông… thiến heo. Còn giờ, khi làng ta bỗng chốc được đô thị hoá thì người ta thấy nó có những dịch vụ gì?
Cứ đi khắp các làng thôn ngoại ô thành phố, những khu cửa ngõ, ruộng vườn ngày trước mà giờ đã thành những khu dân cư mới, người ta sẽ thấy nhịp sống ở đây mới rộn ràng làm sao. Ở sâu bên trong là những khu biệt thự dành cho các đại gia sống “ẩn cư” với một cuộc sống gần gũi thiên nhiên nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi. Bên ngoài là những con đường mới mở thật ồn ào náo nhiệt chuyện mua mua bán bán…
Âm thầm mà sôi động nhất chính là dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ. Chẳng hiểu có phải vì có được chút “rủng rẻng” qua chuyện đền bù giải toả không mà nhóm dân “đô thị mới” khoái ở khách sạn, nhà nghỉ hơn là ở nhà. Có những nhà nghỉ cao cấp quảng cáo hẳn hoi: “Điểm hẹn của tình nhân”, “An toàn, kín đáo, sạch sẽ”... nhưng thường chỉ là những căn nhà phố mới xây, được bố trí lại để cho khách vào ra chủ yếu là một vài giờ hay qua đêm, luôn có vẻ mờ mờ ám ám.
Chuyện ăn chơi dường như là ưu tiên số một cho những khu đô thị mới. Ở những khu mà trước đó có thể chỉ là những đám ruộng hoang hay những khu ổ chuột, giờ không thấy thiếu món ăn chơi nào. Vũ trường cũng có, karaoke hay “thu âm gia đình” có, massage bằng đá nóng hay bằng tay chân, toàn thân cũng có. Có những “vũ trường” hẹp té, được thiết kế như một cái xà lim hay một cái lô cốt dành những cu Tèo, cu Tí mới lớn hay anh Năm chị Bảy sồn sồn vui chơi nhảy nhót cho ra vẻ sành điệu. Quán nhậu giờ có sáng kiến mở thêm “hát với nhau” khiến cho dân tình giờ không cần chờ đến đám ma, đám cưới, thôi nôi đầy tháng gì, chỉ cần ra làm vài chai bia thôi là cũng có thể làm ca sĩ miệt vườn tha hồ hú hét hay rên rỉ…
Nhiều cửa hàng chuyên bán các loại thời trang bình dân quằn quện kéo dài cỡ hai ba gian nhà. Những nhãn hiệu thời trang cỡ trung trung tấn công mạnh vào phân khúc thị trường này. Những nhãn hiệu xe máy có tiếng mở các đại lý cạnh tranh mạnh mẽ với nhau. Điện máy, điện thoại di động mở những cuộc chiến bằng âm thanh quảng cáo khá ồn ào ở những nơi này. Một điều đặc biệt là tuy mới đô thị hoá, nhưng ở những khu vực này thường hay có những đại lý bán xe hơi trang hoàng khá lộng lẫy.
Còn các dịch vụ giáo dục và y tế thì sao? Thông thường, đó là mảnh đất cho khu vực tư nhân đầu tư. Những bệnh viện tư hay các trung tâm nha khoa nho nhỏ, quy mô cỡ một khách sạn mọc lên nhiều. Các trường trung học tư thục dành cho học sinh có sức học yếu hay các trường “quốc tế” có nguồn khách hàng tương đối dồi dào từ con em những người ít học trước đây. Các trung tâm ngoại ngữ với những cái tên thật “kêu” như Anh - Âu - Việt - Mỹ… thu hút đông nghẹt những lứa học sinh thiếu nhi như để chuẩn bị cho một bước đột phá so với thế hệ anh chị của chúng trong tính toán của các bậc cha mẹ ngoại thành thời đô thị hoá…
Tất nhiên, những khu vực đô thị hoá chưa “thuần thành” như trên có những ngổn ngang của nó. Đó cũng chính là sự khác biệt với những khu đô thị được quy hoạch, thiết kế đồng bộ, khoa học và thẩm mỹ. Phải chăng, đó cũng chính là sự phân chia giai tầng của các khu đô thị?
ĐOÀN ĐẠT