Blue Water là cây cầu quốc tế hai nhịp bắc qua sông St. Clair nối liền Port Huron, Michigan, Mỹ và Sarnia, Ontario, Canada. Đây là một trong những ngã tư biên giới nhộn nhịp nhất giữa Canada và Mỹ. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu cho biết chính phủ nước này ủng hộ ý tưởng về “hộ chiếu vắc xin” và sẽ đưa ra một hình thức chứng nhận vắc xin để cho phép những người Canada đã được tiêm vắc xin đi du lịch quốc tế.
Gần 8/10 người Canada (khoảng 78%) đồng ý (trong đó có 56% hoàn toàn đồng ý) rằng tất cả khách du lịch vào Canada phải có hộ chiếu vắc xin, theo một cuộc khảo sát mới của Ipsos. Tương tự, phần lớn người Mỹ (71%) đồng ý rằng khách du lịch phải xuất trình hộ chiếu vắc xin trước khi nhập cảnh vào Mỹ.
Khoảng 3/4 (72%) người Canada đồng ý rằng hộ chiếu vắc xin sẽ có hiệu quả trong việc đi lại và giúp cho các sự kiện quy mô lớn được an toàn, phù hợp với mức trung bình toàn cầu là 73% và cao hơn đáng kể so với Mỹ, nơi 61% đồng ý.
“Người Canada cần phải có loại chứng chỉ phù hợp để đi du lịch quốc tế bởi vì như chúng ta biết, người Canada sẽ muốn đi du lịch quốc tế và họ sẽ muốn đảm bảo rằng họ có đủ chứng chỉ để làm điều đó xoay quanh vấn đề tiêm vắc xin”, bà Hajdu cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài CBC.
Nhận xét của bà giống với nhận xét của Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp báo tuần trước, ông nói rằng giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin là một phần không thế thiếu trong du lịch quốc tế thời kỳ COVID-19 và “hiển nhiên phải được cân nhắc khi nói đến đại dịch này và coronavirus".
Khi ngày càng có nhiều người trên thế giới được tiêm vắc xin và mùa du lịch hè đến gần, các quốc gia trên thế giới đang tranh giành để có được các chương trình chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã nói với kênh Face the Nation của CBS rằng những người Mỹ được tiêm vắc xin hoặc có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính có thể đến Pháp ngay trong mùa hè này, nhờ vào kế hoạch chứng chỉ xanh kỹ thuật số của EU.
Giống với Mỹ, Canada đã đàm phán với các quốc gia khác về việc tìm kiếm sự đồng thuận về các giải pháp được chấp nhận rộng rãi. “Tôi thường xuyên gặp gỡ với các đối tác tại G7 và đây là một cuộc thảo luận đang diễn ra sôi nổi liên quan đến cách thức và làm thế nào chúng ta có được phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn cho vấn đề này”, bà Hajdu nói với CBC.
Bà Hajdu cho biết Canada có thể sẽ bắt đầu một cách nhanh chóng chương trình hộ chiếu vắc xin của riêng mình bằng cách điều chỉnh một ứng dụng hiện có. “Từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có một chút khởi đầu trong vấn đề nhập cảnh vào Canada vì chúng tôi có ArriveCAN, ứng dụng cho phép kiểm tra bằng chứng kỹ thuật số, cùng với nhiều tài liệu khác mà mọi người phải nộp để nhập cảnh vào Canada”, bà Hajdu nói. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác quốc tế của mình để đảm bảo rằng bất cứ nơi nào mà họ đáp chân xuống trên thế giới, người Canada sẽ có được tài liệu ở định dạng phù hợp”.
Ứng dụng ArriveCAN miễn phí được giới thiệu vào tháng 4.2020 để giúp khách du lịch tuân thủ các biện pháp kiểm soát biên giới. Kể từ cuối tháng 11.2020, khách du lịch hàng không bay đến Canada phải nộp thông tin điện tử thông qua ArriveCAN trước khi lên chuyến bay. Các thông tin này bao gồm thông tin liên lạc và du lịch, kế hoạch cách ly và tự đánh giá triệu chứng COVID-19. Du khách phải sẵn sàng xuất trình biên nhận ArriveCAN khi nhập cảnh Canada.
Hoàng Phương