Sinh viên Deng Linjie khi viết thư pháp để bán tại New York. Ảnh: South China Morning Post
Vận may dường như đã mỉm cười với Deng Linjie khi anh được biết mình đã được một trường đại học nghệ thuật nổi tiếng của Mỹ nhận vào học. Anh lớn lên trong gia cảnh khá vất vả.
Cha mẹ chia tay từ sớm, mẹ của Deng khá khó khăn mới nuôi được anh ăn học. Đối với vô vàn sinh viên Trung Quốc, được một trường đại học danh tiếng của nước Mỹ nhận vào học giống như một giấc mơ.
Thế nhưng khi mà niềm vui được trúng tuyển chưa kịp qua đi thì nỗi lo lấy đâu ra đủ tiền đóng học phí lại ập đến, gia đình anh không thể lấy đâu ra tiền trang trải cho học phí quá cao của trường nghệ thuật tại Mỹ.
Trường đại học Beijing City nơi anh học đại học đã từ chối không giúp đỡ khi anh giải thích rằng gia đình anh chỉ có tất cả khoảng 31 nghìn USD, tức khoảng 200 nghìn nhân dân tệ để chi tiêu cho việc học của anh ở New York. Học phí cho chương trình cao học tại đại học nghệ thuật Mỹ lên đến khoảng 700 nghìn nhân dân tệ, tương đương khoảng 108 nghìn USD.
Khi Deng nộp hồ sơ vào ngân hàng Bank of China để vay tiền học phí, anh được trả lời rằng bằng đại học của anh từ trường đại học Beijing City đơn giản không đủ uy tín để ngân hàng có thể cấp tín dụng cho anh đi học cao hơn.
Anh tìm đến chính quyền địa phương tại Bắc Kinh và thành phố nơi anh sống, tại cả hai nơi anh đều bị từ chối. Cuối cùng, để có thể hiện thực hóa giấc mơ đến Mỹ học, anh đã tìm đến cộng đồng mạng.
Anh sử dụng tài khoản WeChat, ứng dụng nhắn tin rất phổ biến tại Trung Quốc, mạng xã hội, phần mềm thanh toán của tập đoàn Tencent, và weibo - twitter phiên bản Trung Quốc. Anh đã đưa ra một tuyên bố gây sốc bằng tất cả những phương tiện truyền thông xã hội mà anh có được: Anh cần tiền đi Mỹ học, gia đình không đủ khả năng, anh muốn vay của mọi người và khẳng định sẽ trả lại vào cuối khóa học (thời điểm cuối năm 2017). Khi trả tiền, số tiền sẽ có thêm mức lãi suất 20%.
Anh đồng thời thảo một bản hợp đồng có chữ ký của cá nhân anh, đăng tải lên các tài khoản mạng xã hội và đề nghị bạn bè chia sẻ cho mình.
Lời khẩn cầu của Deng đã chạm đến trái tim nhiều người, và cuối cùng, rất nhiều người đã giúp anh. Anh nhận được 500 nghìn nhân dân tệ anh cần để có thể trả tiền học phí.
Giấc mơ đến Mỹ học đã trở thành sự thật.
Trong bài phỏng vấn với truyền thông, anh nói: “Tôi mất cả tháng để chạy vạy khắp nơi kiếm nguồn cho tôi vay tiền đi học. Tôi chợt nghĩ ra tại sao mình không nên tự huy động lấy tiền. Chính phủ từ chối tôi, trường đại học từ chối tôi nhưng tôi không được phép buông tay.”
Tháng 5/2017, cuối cùng Deng cũng đã tốt nghiệp được cao học. Trong quá trình học tập tại đây, người ta không khỏi ấn tượng với danh sách dài những công việc anh đã làm để có thể kiếm được tiền trả nợ.
Trong hai năm, anh sống trong một nhà thờ ở New York để không tốn tiền thuê nhà. Không chỉ làm việc bán thời gian theo đúng quy định của chính phủ, anh ra đường phố viết thư pháp để bán cho khách du lịch, doanh nhân và những người đi qua lại. Anh đồng thời cũng hỗ trợ cho nhiều sinh viên Trung Quốc khác nộp đơn xin học vào trường đại học ở Mỹ, anh cũng nhận thiết kế web cho nhiều công ty.
Thậm chí đã từng có lúc, anh hiến cả tinh trùng cho ngân hàng tinh trùng của Mỹ.
Thế nhưng mọi nỗ lực của anh đã mang lại thành công. Anh cho biết giờ anh chỉ còn nợ khoảng 20 nghìn nhân dân tệ để trả cho hơn 40 người mà anh đã mất liên lạc. Để giữ uy tín với họ, anh đã liên tục cập nhật thông tin về thành tích học tập của mình tại trường, về cách anh sử dụng số tiền vay được.
Việc anh huy động được thành công nguồn tài chính cho việc học ở Mỹ của mình trái ngược hẳn với việc nhiều sinh viên Trung Quốc đã phải từ bỏ mơ ước học đại học ở Mỹ bởi không thể có đủ tiền.
Thực ra trước đây, rất nhiều sinh viên Trung Quốc đã cố gắng huy động tiền để có thể đi nước ngoài học, nhưng có lẽ cách làm của họ không khiến người khác tin tưởng. Có không ít trường hợp đã dùng tiền không đúng mục đích khiến cộng đồng không khỏi hoài nghi.
Còn với trường hợp của Deng, anh đã thực sự giữ cam kết và làm đúng cam kết, chính vì vậy tất cả những trường hợp cho anh vay tiền đều cảm thấy hài lòng và khâm phục trước ý chí và nghị lực của chàng trai này.
Trung Mến