Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là tính khả thi và sự tương thích của hệ thống pháp luật. Bởi dự án Luật này liên quan trực tiếp đến 20 luật khác, trong đó có 3 dự án luật cũng đang được Quốc hội bàn thảo, xem xét quyết định tại kỳ họp này. Do vậy, cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn, để bảo đảm tính khả thi và minh bạch, dễ áp dụng của các điều luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QH |
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm xử lý trong dự thảo Luật, trong đó có việc phải làm rõ hơn các quy định về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất và quy hoạch sử dụng đất.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương yêu cầu đất đai phải được điều tra, đánh giá, kiểm kê, lượng hoá và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế. Do đó, dự thảo Luật cần phải có một chương về vấn đề này hoặc có thể nằm rải rác ở các chương nhưng cũng phải quy định đầy đủ các nội dung liên quan này, trong đó xác định thế nào là điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán để bảo đảm có dữ liệu về đất đai, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đây là vấn đề căn cốt để quản lý tài nguyên, nguồn lực đất đai.
Cũng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương yêu cầu phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, khi đọc các nội dung của dự thảo Luật về giá đất thì sẽ rất khó cho Quốc hội để thảo luận. “Quốc hội không biết thảo luận cái gì vì nội dung chi tiết do Chính phủ quy định”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh trong tài chính đất đai thì vấn đề khó nhất chính là định giá đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay trong dự thảo Luật phải quy định về phương pháp xác định giá đất, các nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, bảo đảm tường minh. Cả Quốc hội cùng bàn thảo, xem xét, quyết định thì sẽ tốt hơn việc chờ Luật Đất đai được ban hành xong Chính phủ mới đi nghiên cứu, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết.
Mặt khác, theo nhiều ý kiến chuyên gia, càng nhiều phương pháp thì càng khó áp dụng. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thảo luận có một nội dung rất quan trọng mà Thành phố kiên trì đề xuất là cho phép áp dụng phương pháp hệ số K vì tính minh bạch và dễ thực hiện. Với phương pháp hệ số K, nhà đầu tư xác định được ngay chi phí đầu vào, thuê đất trả tiền một lần hay trả hàng năm trong phương án tài chính. Các cơ quan quản lý cũng dễ áp dụng, bảo đảm minh bạch. Việc áp dụng phương pháp hệ số K cũng sẽ xử lý được câu chuyện đất giáp ranh phức tạp thời gian qua.
Toàn bộ quy định về định giá đất hiện chưa rõ, đợi Chính phủ quy định nghị định thì Quốc hội khó mà yên tâm về vấn đề này được. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ kì vọng Chính phủ đưa nội dung này vào dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ không ngại luật dài, cần thiết có thể quy định thành một chương hoặc ít nhất cũng là một số điều quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất. Trí tuệ của toàn dân đóng góp, Quốc hội đóng góp chắc chắn sẽ hoàn thiện được quy định này hơn là sau này Chính phủ rất vất vả để xây dựng nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Về lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật chưa bảo đảm được tính thực chất của việc lấy ý kiến nhân dân. Có cùng nhận định này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải tránh câu chuyện “lấy ý kiến cho có, hình thức”.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: QH |
Chủ tịch Quốc hội phân tích những nội dung còn chưa rõ của dự thảo Luật như chưa rõ tỉ lệ phần trăm để xác định là đồng thuận hoặc không đồng thuận. Nếu người dân không đồng thuận thì như thế nào. Trường hợp các ý kiến góp ý của Nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng được cấp huyện thì cơ quan thẩm quyền có xem xét sửa đổi nội dung quy hoạch và kế hoạch đất hay không? Sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần? Trong trường hợp bảo lưu tức cơ quan có thẩm quyền khác với ý kiến Nhân dân thì trách nhiệm giải trình sẽ như thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền mà không thực hiện trách nhiệm giải trình ra sao?
Nếu không được làm rõ những vấn đề này thì tính khả thi của việc lấy ý kiến nhân dân rất thấp và sẽ lại hình thức; đồng thời khó khăn cho những người thực hiện ở cơ sở bởi thiếu ranh giới để ra quyết định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm đây cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều sai phạm. Nếu không quy định kỹ thì rất khó vận hành, mà vận hành rồi cũng khó tránh khỏi vi phạm.
Mặt khác, rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi do yêu cầu thực tiễn. Do đó, phải quy định rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp có lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo Luật phải bổ sung quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tương thích với nội dung nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch tùy tiện; bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Có như vậy mới đủ sức răn đe và lập lại trật tự trong lĩnh vực này.
Hoàng Phúc