Chủ tịch VCCI: Giảm thuế phí, khoan sức để doanh nghiệp phát triển

 19:49 | Thứ bảy, 30/04/2016  0

96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Chủ tịch VCCI dẫn chứng, trong khoảng 15 năm kể từ ngày ra Luật doanh nghiệp, cả nước có 941.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đến cuối năm 2015, có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (54,5%), tuy nhiên có tới 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động (45,5%). "Việc ngừng hoạt động là tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng lên đến gần một nửa và trong ba năm gần đây vẫn đang có xu hướng gia tăng là không bình thường,” ông Lộc nhận định.

Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp vẫn không lạc quan khi cuối năm 2015, chỉ 42% doanh nghiệp làm ăn có lãi, 58% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Ông nhấn mạnh: “Điều này cũng là không bình thường, phản ánh hiệu quả kinh doanh thấp và môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn.”

Cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng đáng lo ngại khi chỉ 2% doanh nghiệp lớn và 2% doanh nghiệp vừa. Số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 96%, nếu tính cả hộ kinh doanh thì tỷ trọng còn cao hơn nhiều, trong khi thực tiễn cho thấy đa số doanh nghiệp Việt không lớn thêm mà có xu hướng thu nhỏ lại là điều đáng ngại.

Nếu đặt mục tiêu có được 1,5-2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 thì Chính phủ phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm rủi ro, khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (ngồi, giữa) đang ký cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Người đứng đầu VCCI cho rằng 5 năm tới là giai đoạn hội nhập sâu rộng nhất của Việt Nam cần các chính sách nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp. Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp “Nên xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa chi phí  và giảm rủi ro cho doanh nghiệp”.

Khoan sức doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI kiến nghị giải quyết các chính sách kinh doanh theo hướng tạo ra môi trường an toàn bằng các giải pháp quyết liệt để gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, kể cả chính thức và không chính thức. Các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng.

Trong khi chi phí vốn doanh nghiệp hiện quá cao với lãi vay ngân hàng trung bình 8,5%/năm trong khi lạm phát ở mức 1,84% năm 2014 và 0,8% năm 2015.  Mức lãi suất thực doanh nghiệp phải chịu cao hơn nhiều các nước trong khu vực họ phải chịu cả chi phí từ nợ xấu của hệ thống ngân hàng và nợ công của chính phủ

Ông lý giải: “Cần giảm mặt bằng lãi suất thêm 2% nữa mới ở mức hợp lý. Nếu lãi suất hợp lý sẽ thúc đẩy dịch chuyển lãi suất cho vay của các ngân hàng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực sản xuất kinh doanh thay vì tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn và khu vực kinh doanh bất động sản như hiện nay”

Việc cải cách chi phí theo hướng giảm thuế và phí. Hiện các khoản thuế và phí chiếm đến 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp và ở mức cao nhất trong khu vực, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp người đứng đầu VCCI kiến nghị “Tránh tận thu để tăng chi mà cần khoan sức để doanh nghiệp hồi phục và phát triển, mới có thể nuôi dưỡng nguồn thu cho nền kinh tế trong lâu dài”.

Ông kêu gọi Chính phủ ngăn chặn các loại phí sai quy định. Rà soát, điều chỉnh giảm nhẹ gánh nặng thuế, phí, chi phí đầu vào cũng như chi phí hành chính là cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh doanh và trụ vững trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh. "Ngân sách hiện khó khăn nhưng là do tăng chi thường xuyên chứ không phải do mức thu thuế thấp”, ông khẳng định.

Người đại diện doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ khuyến khích kết nối doanh nghiệp trong nước với khối FDI chứ không chỉ nỗ lực thu hút đầu tư đơn lẻ như hiện nay. Đồng thời ban hành chính sách khuyến khích mua bán - sáp nhập doanh nghiệp để tích tụ được doanh nghiệp quy mô lớn làm đà hình thành các mô hình sản xuất lớn và nhiều công ty đại chúng.

Thị trường hóa các dịch vụ công

VCCI đề nghị xóa bỏ chế độ chủ quản với các doanh nghiệp thuộc bộ, ngành, địa phương để các bộ tập trung nguồn lực vào việc làm chính sách, làm thể chế với vai trò kiến tạo đồng thời giải phóng doanh nghiệp nhà nước ra khỏi khác sự vụ bộ ngành, tập trung vào sản xuất kinh doanh, năng động và sáng tạo hơn, tạo điều kiện bình đẳng cho các khối doanh nghiệp khác.

Cần thị trường hóa các dịch vụ công, xóa bỏ độc quyền và nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Ông cho rằng cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi nghe tin chính phủ đang soạn thảo luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó cần thành lập một hội đồng quốc gia về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mô hình tổ chức hợp tác công - tư để tư vấn chính sách cho chính phủ với sự tham gia của doanh nghiệp.

Ông đề nghị: “Chính phủ cần thiết kế chặt chẽ quan điểm hỗ trợ của luật này để tránh tình trạng luật hỗ trợ doanh nghiệp biến thành luật của cơ chế xin cho, cần có sự minh bạch về các biện pháp hỗ trợ và điều kiện thụ hưởng”.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị cơ chế đối thoại thường xuyên ở mọi cấp ngành chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo chính quyền luôn lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tinh thần đó thấm sâu vào hành động của từng công chức và bộ máy công quyền thì mới có thể vì dân và vì doanh nghiệp”.

Tuyết Ân

» Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ cam kết đổi mới sự lãnh đạo để thúc đẩy phát triển

 » HoREA kiến nghị Chính phủ ra “sắc thuế sử dụng đất ở” để tăng tính minh bạch

» Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ hải sản chết bất thường tại biển miền Trung

» Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ Tân Đức gây khó doanh nghiệp

» Thủ tướng đề nghị dừng ngay vụ “bán phở bị khởi tố”

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.