Chúc các bạn trở thành “những chuyên gia đô thị”

 11:36 | Thứ sáu, 24/06/2016  0

Tính đến 2015, hệ thống đô thị Việt Nam có trên 770 đô thị, trong năm năm tới, dự báo mỗi tháng sẽ có từ một đến hai đô thị mới hình thành. Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị Việt Nam trong 10 năm qua ở mức trên 3% một năm và dự báo tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ nhanh trong thập kỷ tới.

         
TS. Phạm Sỹ Liêm          

Điểm qua vài con số để nhắc với nhau rằng sự phát triển đô thị ở nước ta là xu thế của cả “thời đại và dân tộc”. Nói có chút quá lời thì mỗi bài viết trên Người Đô Thị cũng mang hai tính chất đó, để nó có thể tương tác tốt với hơn 48% dân số Việt Nam sử dụng internet (trong đó có hơn 30 triệu người sử dụng facebook). Nghĩa là số người đọc Người Đô Thị không chỉ đông đảo hơn, mà điều quan trọng, chất lượng bạn đọc của các bạn đã và sẽ cao hơn rất nhiều.

Đó là những người mà phần lớn trong số họ đều biết rõ các đô thị Việt Nam đang đối mặt với “hàng núi thách thức”. Bên cạnh các thảm họa truyền thống như: ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, thiếu nhà ở giá phù hợp, thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng, thất nghiệp, suy giảm chất lượng dịch vụ công cộng và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, là những thách thức do hội nhập gồm: cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa, di dân, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu. Và cả những vấn đề biến đổi xã hội đô thị từ bên trong nữa như: già hóa, chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn xã hội, thờ ơ với cộng đồng...

Nhưng trong số các “núi thách thức” đó, còn cần nhấn mạnh đặc biệt tới sự yếu kém, tham nhũng, tính cơ hội chủ nghĩa rất trầm trọng của nhiều bộ phận chính quyền các đô thị đã và đang câu kết với các “nhóm lợi ích” hình thành những thế lực tư bản thân hữu, hòng: “Đưa đất nước sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”... (khi đó) “Đảng chân chính sẽ không còn và Nhà nước sẽ biến chất, dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt quyền lực và tài sản của cải, chế độ xã hội sẽ là một chế độ không có dân chủ và tự do, không có bình đẳng”... “Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận” (theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - Tạp chí Cộng sản số 872, tháng 6.2015).

Nếu như những người làm báo Người Đô Thị đang trước cơ may có ngày càng nhiều bạn đọc giàu tri thức về đô thị, thì cũng đứng trước các thách thức từ sự vận động rất phức tạp của xã hội đô thị nói riêng và đất nước nói chung. Để có thể cùng, và tích cực hơn là chia sẻ với bạn đọc các nhận thức, các quan điểm khoa học về phát triển đô thị - lấy đó làm cơ sở để đánh giá khách quan, khẳng khái đấu tranh phê phán những dự án gây hại cho cộng đồng đô thị; hay tham gia đề xuất những giải pháp có chất lượng khoa học cho các thách thức đã nêu ở trên, thì những người làm tờ Người Đô Thị hẳn sẽ cần tiếp tục dũng cảm, tiếp tục tích lũy những kiến thức chuyên sâu hơn về đô thị.

Đô thị dẫu là “một thế giới” do con người tạo ra, nhưng cũng là thế giới mà con người muốn hiểu để tác động vào nó, phải không ngừng khám phá. Bởi vậy, nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn các biên tập viên, phóng viên của tờ Người Đô Thị về tinh thần tác nghiệp tận tụy, tính chuyên nghiệp cao và mong các bạn ngày càng am hiểu đô thị sâu sắc như những chuyên gia đô thị.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

TS. Phạm Sỹ Liêm

 

» Tổng hội xây dựng và Viện nghiên cứu Đô thị chúc mừng Ngày báo chí

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.