Có cuốn sách mới nào bằng tiếng Yiddish không?

 12:35 | Chủ nhật, 30/12/2018  0
Phố Krochmalna nằm ở Vacsava, thủ đô của Ba Lan. Ở đó có những khu tập thể xập xệ, bảo bọc những mảnh đời lầm lũi vật lộn với cuộc sống…

Nó cũng như bao khu phố khác mọc trên bất kỳ thành phố nào khắp thế giới này, điều khiến nó trở nên đặc biệt chính bởi Krochmalna là một khu Do Thái (ghetto) và sẽ an toàn hơn nếu khu Do Thái đó không đặt vào bối cảnh những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ XX. 

Hồi 4 giờ 45 phút ngày 1.9.1939, Đức nổ súng tấn công Ba Lan, đến ngày 27 cùng tháng, Đức chiếm được Vacsava. Ba Lan nằm gọn trong tay Hitler còn những người dân khu Do Thái sắp bước vào địa ngục của đời mình. 
Toàn bộ những biến thiên thời đại ấy được ghi lại trong thiên tiểu thuyết Shosha (*) của Isaac Bashevis Singer, nhà văn người Do Thái, người cả đời sáng tác bằng tiếng Yiddish. 

Đối với Tsutsik - nhân vật chính của truyện, Krochmalna là vương quốc của kỷ niệm, với phong vị đặc trưng của một khu phố Do Thái mang những tập tục, lễ nghi riêng, nơi mà tín ngưỡng đi vào đời sống tự nhiên như hơi thở và chi phối sinh hoạt cá nhân của từng người. Đó là tuổi thơ, là miền nhớ, là mối tình đầu lạ kỳ với cô bé tên là Shosha. Trong suy nghĩ của nhân vật nam chính Krochmalna chính là Shosha và vì ở đó còn Shosha mà hồi ức trở nên cay đắng hơn, đau đớn hơn. 

Shosha không bao giờ lớn, cả về trí năng lẫn thân thể, ngây thơ như vừa mới ra đời hôm qua dù cô đã tồn tại trên mặt đất này mấy mươi năm. Người ác ý sẽ bảo cô ngớ ngẩn, cũng không trách họ được, cô nói năng như đứa trẻ lên ba, học chậm, thường khóc nhè và có khi tè dầm, cô luôn sống trong cõi chết, mơ ác mộng và thấy hồn ma, cái thân thể gầy nhom trơ xương như thể bước ra từ địa ngục. Nhưng đứa “nhóc con” ấy là tình yêu của cả đời Tsutsik. 

Trong cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện được kể ở ngôi thứ nhất này, ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng trong cuộc đời Isaac Bashevis Singer. Ông và nhân vật chính đều sinh trưởng ở Krochmalna, có một người cha là giáo sĩ Do Thái, cùng độ tuổi vào khoảng thời gian đó, Singer cũng rời Ba Lan trước khi chiến tranh bùng nổ… Trong Shosha ta có thể bắt gặp một giai đoạn khốn khổ của những người Do Thái sinh sống ở Ba Lan trước khi mùi vị của chiến tranh bắt đầu lan tới khu phố Krochmalna, với những cuộc chia ly rồi hội ngộ, diễn ra trong một cộng đồng người đánh mất quê hương, buộc phải nuôi dưỡng quê hương ấy bằng những gắn kết văn hóa, bằng ngôn ngữ.

Ở đó, ta có thể bắt gặp từ những người lao động nghèo khổ nhất, tới những trí thức, nghệ sĩ Do Thái, sẽ thấy được sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc đứng bên bờ tuyệt chủng và phẩm cách ưu tú của những trí thức sẵn sàng đương đầu với cái chết chứ nhất quyết không chịu đầu hàng quỷ dữ, như triết gia Feitelzohn, như Celia. 

Cho đến những giây phút cuối cùng của đời mình, Isaac Bashevis Singer còn đi dạo trên con phố Krochmalna ở Vacsava, trong tâm tưởng và trên những trang văn, trong tiểu thuyết Shosha hay ở tiểu thuyết Scum, như thể dưới chân ông vẫn còn âm vang tiếng của những viên đá lót đường, tiếng những người hàng xóm trò truyện bằng ngôn ngữ Yiddish, ngay cả khi Krochmalna của thời trai trẻ đã thành đống đổ nát và những người Do Thái sống trong khu phố đó đã bị sát hại dưới bàn tay phát xít. Ông xuất bản Shosha năm 1978, cùng năm đó ông đoạt giải Nobel. 

Tại sao quyển tiểu thuyết bao trùm cả một thời đại lại lấy tên một nhân vật yếu đuối và mong manh đến thế? Shosha bản thân nàng như nghệ sĩ đi dây giữa âm ty và dương thế, nơi mà tất cả những điều làm nên sự quyến rũ của sự sống lẫn cái chết đi qua nàng, một thực tại thấm đẫm màu sắc tâm linh, như cái cách ông phát biểu tại buổi tiệc trao giải Nobel:

Mọi người thường hỏi tôi, “Tại sao ông viết bằng thứ ngôn ngữ chết?” [...] Thứ nhất, tôi thích viết truyện ma và không có gì phù hợp với ma hơn là ngôn ngữ chết. Ngôn ngữ chết càng nhiều, hồn ma càng sống động. Những hồn ma yêu tiếng Yiddish và theo như tôi biết, tất cả họ đều nói thứ tiếng ấy. Thứ hai, tôi không chỉ tin vào ma, mà còn tin sự tái sinh. Tôi tin rằng Đấng Messiah sẽ đến sớm và hàng triệu xác chết nói tiếng Yiddish sẽ trổi dậy từ nấm mồ. Câu hỏi đầu tiên của họ sẽ là: “Có cuốn sách mới nào bằng tiếng Yiddish để đọc không?” 

Huỳnh Trọng Khang

______________ 

(*) Hoàng Lam Vân dịch, NXB Hội Nhà Văn - PhanBook, Phương Nam phát hành 10.2018

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.