Có một Hà Nội rất riêng qua những trang ký ức của Vũ Công Chiến

 17:08 | Thứ sáu, 01/09/2023  0
Mỗi một nhà văn đều có vùng đất của bản thân mình. Với Vũ Công Chiến, đó là Hà Nội. Tuy không phải nơi ông được sinh ra, thế nhưng Thủ đô gắn liền cuộc đời với những ký ức và các đổi thay của vị tác giả.

Tác phẩm mới nhất Có một Hà Nội trong tôi thể hiện điều đó. Được viết như tập tản văn mang tính cá nhân bắt nguồn từ tuổi ấu thơ, đến khi trưởng thành, chiến đấu và rồi hồi cố trở lại, tuy vậy độc giả dù có ở đâu thì vẫn thấy được những nét tinh túy vô cùng “Hà Nội”. Bằng óc quan sát và sự chọn lọc kỹ lưỡng đề tài, đây là tác phẩm có một dung lượng không quá đáng kể, thế nhưng lại truyền tải được lượng lớn thông tin.

Những ngày xưa tươi đẹp

Như nhà văn chia sẻ, ông “viết cuốn sách này cho những người ‘xưa’ hoài niệm, và cho những người ‘nay’ đọc để biết, để hiểu và trân trọng hơn việc góp phần xây dựng Thủ đô ngày một tốt đẹp”. Bởi nói cho cùng, khi một người “đã chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và lập nghiệp, rồi có thêm gia đình, con cái... thì Hà Nội chính là quê hương thứ hai. Qua thời gian cũng sẽ đến lúc bạn trở thành người Hà Nội, Hà Nội trở thành quê hương, vì vậy phải có trách nhiệm với vùng đất ‘ngàn năm văn hiến’ ấy”.

Do đó xuyên suốt tập tản văn này, ta không hề thấy một Hà Nội “mới” chật chội, ồn ào, xô bồ, láo nháo, mà thay vào đó là nơi chốn cũ của những ngày xưa. Đó là thập niên 1960 khi Hà Nội vừa chớm đông đúc, khi những người tham gia kháng chiến sau năm 1954 từ các chiến khu đổ về, cũng như cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tuân theo điều khoản của Hiệp định Geneve. Ngoài ra còn có cán bộ kháng chiến vốn là những người ở tỉnh thì nay cũng ra Hà Nội…

Nhà văn Vũ Công Chiến. Ảnh: Hà Nội mới


Khi ấy thủ đô đất chật người đông, mỗi hộ được cấp cho một không gian tương đối khiêm tốn, thế nhưng mọi người đều sống hiền hòa, tử tế với nhau. Ký ức của Vũ Công Chiến lúc 6 - 7 tuổi là quãng thời gian ở cùng với bà trong khuôn viên trường Chu Văn An bên cạnh Hồ Tây, nơi cậu tò mò những trò nghịch dại như trèo qua tường xem các loài thú nhốt tạm trong lúc vườn Bách Thú sửa sang, hay là mạo hiểm cùng với chị mình đi bộ đến tận bệnh viện thăm mẹ vì bị bệnh lao mà đã hai năm không gặp… Và cũng chỉ bằng những chấm phá đơn giản ấy thôi, mà Hà Nội qua mắt của một đứa trẻ hiện lên đẹp đến nao lòng.

Ông còn ghi nhận những nét rất riêng của từng hình ảnh được cô đọng lại. Đó là làng Yên Phụ chuyên nuôi cá cảnh, là những bến sông nơi nhịp đời sống diễn ra xung quanh, cũng như là chiếc thuyền nan chèo ra giữa hồ để lấy nhụy sen ướp trà hay gương sen bóc hạt… Không may khi cha phải đi làm xa còn mẹ lại phải nằm viện, ông đã có thời tuổi thơ rất nhiều kỷ niệm.

Một điểm cũng quan trọng khác của tác phẩm này là tuy được phân loại như một tập tản văn, thế nhưng vẻ đẹp văn chương của nó thật sự đáng quý. Mô tả về thời khó khăn khi phải xa cách với cha, với mẹ, và cũng có lúc đã phải về quê sống cùng người dì… dẫu vậy lại không cay đắng mà vô cùng hồn nhiên. Cũng như Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên, đứa trẻ nơi chốn thành thị khi về thôn quê dần dần học hỏi những trò cưỡi trâu, chăn trâu, tắm trâu, đánh trận giả… hòa đồng với những cậu bé và em bé khác.

Vũ Công Chiến cũng kể lại những dịp mót trứng, bắt trộm vịt, đuổi chuột đồng hay đi hôi cá… của những người dân quanh làng. Ký ức tuổi thơ cũng là những lần bắt dế, đổ dế, bắt chuồn chuồn cũng như ve sầu bằng keo crepe làm từ đáy dép ngâm xăng. Những chi tiết đó được ông thuật lại một cách say mê, từ phương pháp, cách thức cho đến các chiến lợi phẩm như đang sống lại bầu không khí ấy một cách trực tiếp và đầy sống động.

Hiện thực của thời trưởng thành

Xen kẽ những hồi ức ấy, ký ức một thời chiến tranh 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, những đợt di tản hay là tem phiếu trong thời bao cấp cũng được tác giả hoài nhớ kể lại. Cũng như những tác phẩm khác có cùng đề tài như Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (Hồ Anh Thái), Phố Hoài (Trần Thị Trường)... câu chuyện về việc xếp hàng để lấy rau muống sao cho thật nhanh vì nó miễn phí, cá biển chở bằng xích lô thì cực kỳ hiếm, việc mất sổ gạo như là mất đi cả một gia tài… cũng được tái hiện một cách ấn tượng.

Bìa sách Có một Hà Nội trong tôi. Ảnh: NXB Trẻ


Chiến tranh trong tác phẩm này được lướt nhẹ êm một cách nhanh chóng, như thể tác giả không muốn thuật lại năm tháng đau thương và nhiều mất mát, hoặc cũng do chúng đã được kể hết trong Hồi ức lính đồ sộ trước đó. Dẫu vậy thời kỳ phục vụ chiến sự ở miền Nam Lào vẫn sẽ trở lại với “cà phê bít tất”, cà phê chồn, với người thiếu nữ mà ông đã “lỡ cung đàn” và nỗi hoài nhớ hướng về Hà Nội mỗi khi nhìn thấy hoa gạo đơm bông ở đất bazan đầy nắng và gió...

Phần quan trọng khác là các ký ức có liên quan đến ẩm thực. Cũng như Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam)... Vũ Công Chiến kể lại nhiều “đặc sản” riêng của vùng đất này. Đó là cà phê trứng, cà phê mỡ gà, cá rô đầm Sét, chả nhái Khương Thượng, bánh cuốn Thanh Trì… Không chỉ tái hiện lại phương pháp làm cũng như xuất xứ của nó, mà ông cũng ngầm nuối tiếc thời thế đã qua, khi những sản vật của đất trời này không được lưu giữ.

Những quan sát như phải ăn bánh cuốn lúc nguội với các loại rau thơm, kinh giới, khi ăn thì phải thấy bánh chìm trong nước chấm... cũng như lòng đỏ trứng gà phải luôn được đánh bông lên bằng những que tre có hình chữ thập thay vì kim loại vì các thứ này kỵ nhau… đã mang đến những điều thú vị, tạo ra một điểm khác biệt so với cách dùng của người hiện đại. Chỉ một góc nhỏ về thức ăn bản địa hay bà cụ già chuyên bán cà cuống… cũng làm sống dậy cả một góc phố và mảng ký ức, mang ta về với Hà Nội gần gũi hơn bao giờ hết.

Thời thanh niên ấy rồi cũng trở lại với những công trình lao động xã hội chủ nghĩa, trong việc xây đường mới Cổ Ngư, Công viên Thống Nhất hay là nạo vét con sông Tô Lịch… Trong từng chặng đường tác giả đã phản ánh được những thời kỳ lịch sử đã qua, từ đó biến những trải nghiệm mang tính cá nhân trở nên thân quen và gần gũi hơn với cơ số người. Đó là một sự chập choạng hòa vào với nhau giữa ngày hiện tại và những ký ức từ buổi xa xưa, từ đó thấy được mạch nguồn vận động, phát triển của đô thị.

Trong các tản văn, có thể thấy Vũ Công Chiến không lên lịch trình một cách rập khuôn cho các văn bản mà là tuân theo những dòng suy tưởng, và các ký ức sẽ được đan móc một cách ngẫu nhiên, không được trù tính. Chẳng hạn trong việc nghiên cứu những món hàng quà mà thanh thiếu niên ở giai đoạn cũ vốn rất ưa thích như táo dầm, phá xa (lạc rang húng lìu), nộm đu đủ thịt bò khô, mì “không người lái”… ông cũng dần dần chuyển sang văn hóa xem phim, lực lượng “phe vé” mà ít tác phẩm từng đề cập đến.

Cũng có đôi khi ông thu mình lại, để cho bạn văn và nghệ sĩ khác nối tiếp cất lời như trong chuỗi bài về Hồ Tây qua các tác phẩm của Trịnh Công Sơn hay Phùng Quán. Thế nhưng dù cho đứng cạnh những tên tuổi lớn, thì mảng ký ức của ông vẫn có được sức sống riêng, khi được viết từ những gì đã từng trải qua, từ đó mang đến được sự độc đáo không kém những áng văn hay.

Và tuy chủ trương hướng về một Hà Nội cũ nằm trong tâm thức của bản thân mình, thế nhưng ông cũng không quên buông tiếng thở dài về ngày hiện tại. Đó là Văn Miếu mùa xuân không còn những trận cờ người, những ông đồ già ngồi đó cho chữ… mà giờ là đông lúc nhúc những người vào sờ đầu rùa để cầu thi đậu, cũng như thượng vàng hạ cám những kẻ đi xin và người cho chữ. Dẫu vậy đó không phải là cái nhìn gay gắt, mà là một sự nuối tiếc cũng như chấp nhận thời thế thì phải thay đổi…

Với Có một Hà Nội trong tôi, tuy viết về một vùng đất mà Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Lê Minh Hà… đã từng khai thác rất hay và rất riêng biệt… thế nhưng Vũ Công Chiến vẫn tìm thấy nét đặc biệt, từ đó gợi lại những ngày đã qua một cách sống động. Cùng với Kim Liên một thuở từng nhận đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, đây có thể xem là tác phẩm hay và đầy ấn tượng của riêng tác giả. 

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.