Ảnh minh họa: TL
Đây là một suy nghĩ khá táo bạo. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không khuyến khích hay ủng hộ suy nghĩ chủ động lây nhiễm để kháng thể tốt hơn.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khi mắc Covid-19 và khỏi bệnh thì sức đề kháng mạnh hơn. Tuy nhiên, thực tế qua làn sóng thứ 4, đặc biệt ở TP.HCM và các nghiên cứu cũng chỉ ra 70% các ca mắc là “tạm yên bình”, không tử vong nhưng còn khoảng 30% có dấu hiệu trở nặng cần được điều trị tại cơ sở y tế. Trong đó có 5 - 10% cần được điều trị ở khoa chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ tử vong chung trên thế giới khoảng 2 - 3% và nước ta cũng nằm trong khoảng này.
Thứ hai, đúng là miễn dịch do mắc bệnh mạnh hơn, tuy nhiên cho đến nay đã qua 2 năm đại dịch Covid-19, các nhà khoa học thấy rằng, thời điểm an toàn nhất là trong 3 - 6 tháng đầu sau khi lành bệnh, khi đó tỷ lệ tái nhiễm rất thấp. Sau khoảng thời gian này thì không chắc chắn. Trung bình, khoảng 6 - 12 tháng, lượng kháng thể tự nhiên giảm đi đáng kể. Vì vậy, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người F0 khỏi bệnh trong 6 - 12 tháng thì có thể chưa cần vắc xin, nhưng khi đã đủ thời gian này thì cần tiêm ngừa.
Lấy ví dụ cho bạn dễ hiểu, chúng ta nhiễm virus SARS-CoV-2 và sau đó khỏi bệnh, không tiêm vắc xin giống như đánh võ tự phát, không có chiêu thức rõ ràng, kết quả chung cuộc vẫn thắng. Nhưng vì là võ tự phát nên sẽ nhanh quên, sau 6 tháng phải được thầy cô dạy lại, có chiêu thức rõ ràng. Tương tự như vậy sau thời gian này, người đã khỏi Covid-19 cần được chích ngừa để ghi nhớ cho hệ miễn dịch. Vì vậy, khỏi bệnh không có nghĩa là không cần chích ngừa hay không nhiễm lại.
Thứ ba, hiện nay chúng ta đã nghe nhắc nhiều đến vấn đề hậu Covid-19. Nghĩa là virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, dù không gây tử vong nhưng để lại di chứng đa cơ quan. Các nhà khoa học đã chỉ ra, sau khi khỏi Covid-19 vẫn có khả năng xảy ra 50 - 60 triệu chứng mệt mỏi vô cớ kéo dài, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm lý, gây viêm mãn tính ở mạch vành, thậm chí làm viêm những phế nang nhỏ ở phổi… mà chúng ta không biết được. Vấn đề này xảy ra kể cả ở những người mắc Covid-19 nhẹ, chỉ cách ly ở nhà.
Hơn nữa, khi chủ động nhiễm, về lý thuyết bạn cho rằng không tử vong nhưng có thể lây cho người khác. Bạn không thể test nhanh hay làm RT-PCR mỗi ngày để biết khi nào nhiễm để tránh xa, bảo vệ cho người khác, có thể hôm nay âm tính nhưng ngày mai đủ tải lượng sẽ dương tính, như vậy khoảng thời gian trước đó có thể bạn đã lây cho người khác. Nếu người đó là người lớn tuổi, ông bà, cha mẹ dù đã được tiêm ngừa thì xác suất mắc hoặc diễn tiến nặng chỉ giảm đi chứ không phải triệt tiêu về “zero”. Hoặc nếu không phải người thân thì bạn cũng gián tiếp làm lây lan cho cộng đồng.
Tóm lại, không nên chủ động nhiễm để có kháng thể cao hơn.
ThS-BS-CK2. Trần Ngọc Lưu Phương
(Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)