Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch vừa ban hành thông tư 07, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2014, quy định về mức tiền công trả cho người làm mẫu vẽ trong các trường mỹ thuật, với những quy định chi li đến mức đáng kinh ngạc (cũng giống như trước đó bộ đã từng gây kinh ngạc với nghị định 145 về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận khen thưởng, danh hiệu thi đua… với những quy định chi tiết đến buồn cười như không được tặng quà, logo, cài hoa đeo nơ, phải kính thưa ai, đứng trang nghiêm như thế nào, v.v.).
Người làm mẫu vẽ ở các trường mỹ thuật trước đây chỉ được trả công 15.000 - 20.000 đồng cho một giờ làm mẫu; nay, với quy định mới, tiền công của người làm mẫu đã tăng lên gấp đôi, từ 40.000 - 75.000 đồng/giờ. Cụ thể, theo thông tư 07, người làm mẫu nam ở tư thế ngồi được trả mức 40.000 đồng/tiết học (có quần áo) và 45.000 đồng/tiết học (không có quần áo), tư thế đứng: 55.000 đồng/tiết học (có quần áo) và 65.000 đồng/tiết học (không có quần áo), tư thế nằm: 45.000 đồng/tiết học (có quần áo) và 50.000 đồng/tiết học (không có quần áo). Đối với nữ: tư thế ngồi được trả mức 45.000 đồng/tiết học (có quần áo) và 55.000 đồng/tiết học (không có quần áo), tư thế đứng: 60.000 đồng/tiết học (có quần áo) và 75.000 đồng/tiết học (không có quần áo), tư thế nằm: 50.000 đồng/tiết học (có quần áo) và 65.000 đồng/tiết học (không có quần áo).
Nếu như trước đây, như hoạ sĩ Nguyễn Quang Vinh - phó khoa Hình hoạ trường đại học Mỹ thuật TP.HCM - cho biết: “Số lượng người mẫu thực tế rất thiếu hụt, còn nhà trường không giải quyết được vì... không đủ tiền” thì nay, theo ông Nguyễn Xuân Tiên, hiệu phó trường đại học Mỹ thuật TP.HCM: mỗi lần làm mẫu của người mẫu vẽ thường kéo dài 4 - 5 giờ, nếu nhân với số tiền công theo giờ của quy định mới này thì đã có một sự “thay đổi khích lệ”.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ tiền công trả theo giờ cho người mẫu tăng vài ba chục ngàn đồng. Nói như hoạ sĩ Lê Thiết Cương: “Lịch sử hội hoạ Việt Nam đã đi qua gần một thế kỷ mà chưa bao giờ các hoạ sĩ của chúng ta ngồi lại để làm gì đó tôn vinh những người mẫu của mình. Ai cũng đều biết trong hội hoạ thì người mẫu đóng vai trò quan trọng thế nào. Từ bài học đầu tiên của anh sinh viên mỹ thuật năm nhất cho đến những sáng tác của một hoạ sĩ thành danh đều cần có người mẫu để vẽ, vì tỉ lệ đẹp nhất trong tự nhiên nằm ở cơ thể con người. Có thể nói, nếu không có người mẫu sẽ không thể có những hoạ sĩ thành danh”.
Vậy mà cho tới nay nhà nước vẫn chưa công nhận nghề làm mẫu vẽ như một nghề chính danh, và bản thân những người làm mẫu vẽ cũng không coi đó như một nghề. Cho nên, điều đầu tiên cần làm chính là mang lại tính chính danh cho một nghề đáng trọng như bao nghề khác, từ đó những người làm nghề mới có điều kiện để đòi hỏi được trả công xứng đáng với giá trị lao động của họ.
Mặt khác, liệu bộ có cần thiết phải can thiệp chi li đến mức ấy vào công việc quá cụ thể của nhà trường? Thuê bao nhiêu người làm mẫu, thuê ai, trả bao nhiêu cho xứng đáng để có được những người mẫu tốt nhất cho việc học tập sáng tạo của sinh viên mỹ thuật, thiết tưởng không ai ở vị trí tốt hơn những người thầy và nhà trường để quyết định. Trả lại quyền tự chủ cho nhà trường trong việc này cũng như trong nhiều lĩnh vực khác chính là góp phần vào công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục và đào tạo mà Nhà nước đang chủ trương.
Câu chuyện bộ quy định đến cả tiền công trả theo giờ cho người làm mẫu cho sinh viên mỹ thuật một lần nữa cho thấy tư duy bao cấp, bao đồng của không ít cơ quan quản lý nhà nước thật khó gột rửa đến mức nào. Nó cũng khiến người ta không khỏi lo âu cho công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” tới đây.
Đoàn Khắc Xuyên