Từ câu chuyện biệt thự 49 Trần Hưng Đạo:

Công tác bảo tồn luôn cần nhiều hơn một ‘tư duy khảo cổ’

 11:36 | Thứ bảy, 17/06/2023  0
Trong tháng 4 vừa qua, những hình ảnh về việc cải tạo biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo ở Hà Nội đã làm xôn xao không ít diễn đàn và gây nên một sự kiện truyền thông thu hút nhiều quan tâm của dư luận. Yếu tố tranh cãi nhất chính là lựa chọn màu sắc mặt ngoài, với các mảng đỏ đậm xen kẽ trên nền vôi vàng tạo ra một tương phản khá gắt và "khó tiêu hóa" dưới mắt nhiều người.

Ban đầu, phản ứng chủ đạo là sự bức xúc được chia sẻ không chỉ bởi người dân bình thường mà ngay cả nhiều kiến trúc sư[1]. Sau đó, các chuyên gia nhanh chóng lên tiếng và kết tội thái độ này là thiếu căn cứ. Họ lập luận rằng phương án can thiệp đã được đề xuất dựa trên khảo sát thực tế kết hợp với tư liệu lịch sử, cụ thể là qua việc bóc tách các lớp vôi cũ và tham khảo những bức ảnh một số công trình tương tự được chụp từ cả trăm năm trước[2].

Ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo trong màu vôi mới cùng pano phối cảnh dự án sau khi hoàn thành treo trên hàng rào phía phố Hàng Bài. Ảnh của tác giả.


Là người biết rõ căn biệt thự một phần nhờ sống rất gần và đi qua hàng ngày, ấn tượng thoạt tiên của tôi khi thấy "lớp áo mới" này bên cạnh sự hoang mang là một cảm giác có phần vui nhộn. Trông nó như đang sẵn sàng trở thành một nhà hàng kem Ý hay pizza vậy. Đâu có sao, thành phố vẫn thường được xem như nơi mọi thứ đều có thể mà[3].

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những cuộc tranh luận dù đã phần nào lắng xuống nhưng nỗi hậm hực vẫn còn đây đó âm ỉ, với chút hiểu biết về lĩnh vực bảo tồn khi hành nghề và giảng dạy kiến trúc[4], tôi muốn được cùng mọi người nhìn lại thông qua việc chia sẻ một vài suy nghĩ. Kinh nghiệm rút ra từ bài học này không chỉ ý nghĩa cho cải tạo những ngôi nhà cổ như ở Trần Hưng Đạo, mà sẽ giúp chúng ta có những góc nhìn mở và đa chiều hơn khi đối xử với di sản ở những dự án quy mô khác trong tương lai.

Bảo tồn có nhất thiết luôn phải đưa về nguyên gốc?

Một trong những lập luận chủ đạo của các tác giả là bảo tồn đúng đắn thì cần đưa công trình trở về nguyên gốc[5]. Tuy là một thói quen khá phổ biến nhưng về nguyên tắc, quan niệm bảo tồn bằng cách trả về nguyên gốc là hơi đơn giản và dễ gây ra những vấn đề.

Thực tế mỗi công trình sinh ra đều có đời sống riêng, theo thời gian sẽ có nhiều thay đổi được tiến hành có thể mang đến những đóng góp giá trị. Điều quan trọng là cần xác định xem các giá trị di sản của công trình nằm ở đâu và thuộc về những thời kỳ nào.

Mỗi công trình sinh ra đều có đời sống riêng, theo thời gian sẽ có nhiều thay đổi được tiến hành có thể mang đến những đóng góp giá trị.

Trong nhiều trường hợp, các giá trị ký ức nổi trội không hẳn nằm ở thời điểm ban đầu. Cũng như tư duy phương Đông coi công trình như một cơ thể sống, thời kỳ huy hoàng nhất thường là ở tuổi trưởng thành chứ hiếm khi là lúc mới chào đời. Ngay các hiến chương và văn kiện về di sản của UNESCO, trong khi nhấn mạnh sự tôn trọng lịch sử cũng không có bất cứ điều nào quy định cần phục hồi về thời điểm đầu tiên như vậy. Trừ khi chứng minh được những thứ thêm vào sau không có nhiều giá trị, giải pháp tốt nhất sẽ là để các lớp thời gian tiếp tục được hiện diện cùng nhau.

Một điểm nữa cần đặc biệt lưu ý là giữ màu gốc, bảo tồn màu gốc thật sự khác hẳn việc phục chế theo nghĩa tạo mới lại màu gốc, vốn cũng chỉ là giả chứ không phải nguyên bản thật. Theo một số khuyến cáo của UNESCO, đó thậm chí còn là điều nên tránh[6]. Nhiều tòa nhà trong các khu phố cổ từ châu Âu sang châu Á, họ vẫn để tồn tại các lớp vôi theo thời gian kết hợp giữa sự chồng đè và bong tróc bên cạnh các mảng tường rêu tạo nên hiệu ứng loang lổ trông đầy ký ức và cũng rất hội họa.

Trong khi ấy, loại bỏ các lớp vôi cũ rồi phủ lên một lớp vôi mới đồng nghĩa xóa đi các dấu vết của câu chuyện và ngụy tạo nên một thứ giả. Tất nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta không bao giờ được phép quét vôi lên, nhưng còn tùy tình huống, và cần gọi tên sự việc đúng theo bản chất của nó.

Mặt tiền một tòa nhà ở Venice (Ý) vẫn giữ lại các lớp vôi và rêu loang lổ theo thời gian. Ảnh của tác giả.


Tính xác thực là gì? Di sản của ai, ký ức của  ai?

Một lý lẽ nữa thường được viện dẫn khi trùng tu là quá trình đã tiến hành dựa trên những bằng chứng xác thực. Nhưng chúng ta nên lựa chọn cái gì để xác thực cho cái gì? Việc bóc tách các lớp vôi cũ xác thực ban đầu tòa nhà có lớp màu đỏ, nhưng nó đồng thời cũng xác thực có những lớp màu khác nữa được quét chồng lên về sau.

Chủ nhà đầu tiên cùng kiến trúc sư có thể đã bê nguyên hình mẫu màu sắc từ chính quốc sang cho căn biệt thự, hoặc đó có thể là một lựa chọn theo sở thích cá nhân. Nhưng những người sử dụng về sau thay đổi lại màu là cũng có lý do riêng của họ, chẳng hạn vì thấy như thế phù hợp hơn về cảnh quan đô thị, ánh sáng, khí hậu, tâm lý văn hóa… Thật khó kết luận rằng logic này không xứng đáng được tôn trọng.

Vì vậy nếu nói dựa trên tính xác thực, chúng ta cũng có thể dùng lại bất cứ một màu nào trong số các màu vôi từng được quét lên, vì tính xác thực không phải độc quyền của mỗi màu vôi đỏ.

Các lớp vôi còn lưu lại trên mặt tường ngoài được ghi nhận trong quá trình khảo sát. Ảnh của đơn vị thực hiện dự án.


Nhằm tránh những lựa chọn cảm tính, chủ quan hoặc chỉ đại diện cho một nhóm, UNESCO nhắc chúng ta "không được tùy tiện ưu tiên giá trị này để phương hại giá trị kia"[7], cũng như thường xuyên đề cao vai trò những cộng đồng có liên quan trong việc đánh giá, bảo tồn di sản[8] và tránh áp đặt những công thức máy móc quan liêu.

Thực tế thì trước khi tiến hành trùng tu ở đây, các tác giả cũng nói đã trưng bày phương án để lấy ý kiến dư luận. Đáng tiếc lúc đó ít người quan tâm ghé thăm cho ý kiến, nhưng bây giờ khi làm gần xong lại lập tức nhận được các ý kiến của dư luận[9]. Tuy nhiên nếu nhìn bản phối cảnh, người dân có quan tâm thời điểm đó khả năng cao cũng sẽ chẳng phản ứng gì, vì theo ảnh công trình có màu kem nhạt, trong khi nếu đưa vào cái màu đỏ quạch kia thì có thể phản ứng sẽ rất khác. Đấy là chưa nói thông thường cần khảo sát xong mới đưa ra đề xuất để cụ thể hóa trong phối cảnh. Ở đây phối cảnh có trước tức đề xuất đưa ra chưa dựa trên khảo sát kỹ càng, hoặc đã có những tác động mang tính chủ quan làm thay đổi quyết định.

Lớp vôi mới với gam màu gắt thực ra chỉ là một phần lý do tạo nên tranh luận, thậm chí không tiếc lời chê bai. Bên cạnh điều này, việc đánh mất đi vẻ xưa cũ rêu phong cũng là nguyên nhân khiến một bộ phận xã hội cảm thấy tổn thương. Thành phố nào cũng cần lưu giữ những dấu ấn ký ức, thứ giúp người dân của nó nuôi dưỡng những kỷ niệm để cảm thấy gắn bó và tự hào, nhất là ở đây vai trò càng được nhân lên khi công trình nằm cạnh một ngã tư hết sức trung tâm.

Trong phần lớn trường hợp, sẽ hay hơn nếu chúng ta có thể bảo tồn cả câu chuyện phong phú hơn là chỉ một lát cắt có tính thời điểm vốn làm nghèo thông tin.

Dưới mắt số đông trừ những nhà chuyên môn, tòa nhà hiện tại không khác mấy những công trình nhại cổ vẫn mọc lên nhan nhản khắp nơi. Phản ứng khó chịu càng dễ hiểu trong hoàn cảnh dư luận đã chứng kiến rất nhiều vụ trùng tu di tích biến thành quá trình làm trẻ ra, từ hàng trăm năm thành vài ngày tuổi. Cần nhớ tình cảm và sự gắn kết của người dân đối với di sản luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo thành công cho bất cứ một can thiệp nào[10]. Dù được an ủi rằng công trình theo thời gian sẽ xuống màu, nhưng không chỉ chúng ta phải chờ đợi mà nhiều lớp ký ức dẫu sao cũng đã mất đi.

Một cách tiếp cận dân chủ cần tạo điều kiện để mọi thời kỳ đều hiện diện nếu có thể, điều không chỉ nên áp dụng trong cảnh quan đô thị mà đôi khi ngay cả ở quy mô một tòa nhà. Trên tinh thần này, sự đáng tiếc không chỉ là những lớp vôi đã từng quét lên hay mảng tường rêu phong nhuốm màu thời gian đáng ra có thể tiếp tục duy trì. Sự tôn trọng diễn biến lịch sử cùng những câu chuyện gắn theo làm ta cần thận trọng khi gạt bỏ những gì không được cho là thuần khiết hay chuẩn mực của một phong cách.

Chính vì quá dựa trên sự "thuần khiết" này mà các chuyên gia đã quyết định loại đi một số chi tiết, chẳng hạn như mi ngăn nước mưa ở ô cửa chỗ buồng thang, một hành động cũng đã gây nhiều tranh cãi. Thực tế thì theo kinh nghiệm của người viết, các bản vẽ ngày xưa nhiều lúc có thể chưa lường hết được các tình huống, dẫn đến việc khi thi công một số chi tiết được xử lý tại chỗ theo cách không được nghiêm ngặt hay "chuẩn mực" lắm. Với ô cửa được nói đến, vị trí buồng thang làm nó không nằm giữa sàn và trần như những chỗ khác mà phải dịch lên trên theo các bậc dẫn đến việc ngắt qua gờ phân tầng.

Theo cảm nhận cá nhân, mi cửa được người xưa đắp thêm ở đây tuy chưa hoàn toàn bài bản hàn lâm nhưng vẫn là một cách xử lý khả dĩ. Nó vẫn ưa nhìn hơn so với cách phá bỏ làm gờ phân tầng bị ngắt đứt, điều thường chỉ thấy ở các phong cách kiến trúc Hậu hiện đại về sau.

Một ô cửa buồng thang với mi cửa lúc trước (ảnh lớn). Do bị đánh giá là thiếu tính thống nhất trong kiến trúc, mi cửa này sau đó đã bị phá làm gờ phân tầng bị cắt rời (ảnh nhỏ). Cách xử lý này rõ ràng cũng gây bối rối nếu chiếu theo các nguyên tắc của kiến trúc cổ điển. Nguồn ảnh: kientrucsu.net


Trong phần lớn trường hợp, sẽ hay hơn nếu chúng ta có thể bảo tồn cả câu chuyện phong phú hơn là chỉ một lát cắt có tính thời điểm vốn làm nghèo thông tin. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp gìn giữ được ký ức tập thể liên quan đến nhiều giai đoạn, và nhiều cộng đồng sẽ thấy được những kỷ niệm của họ trong đó. UNESCO cũng khẳng định "Những phần đóng góp có giá trị ở mọi thời kỳ vào xây dựng di tích cần được tôn trọng, vì tính thống nhất của phong cách không phải là mục tiêu cần đạt của việc trùng tu"[11].

Trên tinh thần này, tôi hơi tiếc cho bộ mái sảnh đón làm thêm về sau dưới thời bao cấp với những vòm bê tông chịu ảnh hưởng của trào lưu Kiến trúc Hiện đại. Tuy khác biệt về ngôn ngữ nhưng được tạo hình duyên dáng với tỷ lệ hài hòa, chi tiết này phần nào gợi tôi nhớ đến cấu trúc trung tâm của Ga Hà Nội hiện tại[12], dù không cùng quy mô và độ kịch tính trong tương phản.

Lối vào từ phố Hàng Bài với những mái vòm bê tông nay đã bị phá. Ảnh: Nguyễn Phú Đức


Bảo tồn là quá khứ quyết định hay hiện tại và tương lai?

Khi bảo vệ quan điểm tiếp cận, các tác giả luôn nhấn mạnh đây là cách bảo tồn bài bản vì nó dựa trên sự tôn trọng quá khứ. Nhưng điều quan trọng ở đây là quá khứ nào? Ký ức chưa bao giờ là câu chuyện chỉ thuần túy dựa trên các sự kiện đã diễn ra. Giữa vô vàn thông tin về quá khứ, việc chúng ta muốn lưu giữ gì luôn phụ thuộc những mối quan tâm của hiện tại và tương lai. Nói cách khác, quá khứ chỉ cung cấp các lựa chọn, còn chọn thế nào là tùy theo cách nhìn, văn hóa, nhu cầu… của các thế hệ hôm nay cũng như ngày mai.

Phía trước biệt thự này vốn có một quảng trường, kết thúc trục đường từ Hồ Gươm - Hàng Bài. Ảnh tư liệu


Ông chủ đầu tiên của căn biệt thự có quyền quét lên màu vôi mà ông thấy hài lòng. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có quyền khoác lên ngôi nhà mà ông ấy cũng như những người chủ sau để lại lớp áo mới theo ý của thời đại chúng ta. Khi phản bác quan điểm coi di sản như một vật thừa kế từ quá khứ cần truyền lại cho các thế hệ sau một cách nguyên vẹn, GS. Dominique Poulot từng nói di sản ngay từ đầu đã là do chúng ta xây dựng ở hiện tại với sự phản ánh những mối bận tâm về văn hóa, chính trị, tư tưởng. Để khẳng định giá trị và tôn vinh cảm xúc, nó thậm chí đôi khi chống lại sự thật lịch sử nếu cần[13].

GS. David Lowenthal trong một bài nói chuyện tại Đại học London cũng nhấn mạnh di sản không phải là lịch sử, với đại ý lịch sử là những gì con người tạo ra trong quá khứ để khiến họ hài lòng[14]. Trong khi đó di sản là do chúng ta tạo ra, với nguyên liệu từ quá khứ, để thỏa mãn chính chúng ta. Cùng chung mạch suy nghĩ, một đồng nghiệp của tôi, PGS-TS. Phạm Quỳnh Phương cũng đã có những phát biểu rất cô đọng trong một hội thảo gần đây: "Di sản không phải của quá khứ mà là khát vọng của đương đại. Di sản kết nối và sử dụng quá khứ cho nhu cầu hiện tại với tầm nhìn tương lai. Với vai trò kết nối, di sản là một bộ phận không thể tách rời với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện đại"[15].

Dưới lăng kính này, một khi vẫn quyết định quay lại màu vôi đỏ, các chuyên gia cần đưa ra lời giải thích mới tại sao họ muốn tôn vinh ký ức về thời người chủ nhà đầu tiên. Câu chuyện không phải nó xấu hay đẹp, và tôi cũng không đặt vấn đề về trình độ thẩm mỹ của các tác giả mà phần lớn đều là kiến trúc sư, cả chuyên gia Pháp lẫn phía Việt Nam. Điều quan trọng là câu chuyện họ muốn kể ở đây là gì? Phải chăng họ muốn bổ sung thêm một ví dụ khác về khẩu vị thẩm mỹ thời thực dân, bên cạnh những sự tinh tế thường thấy mà chúng ta đã quen đóng khung?

Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo với một triển lãm ảnh về Hà Nội trong khuôn viên. Ảnh của tác giả.


Nếu đúng vậy cá nhân tôi sẽ không phản đối, ngoài việc công tác truyền thông cần được làm một cách thấu đáo hơn. Đôi khi những thứ dị hợm vẫn có thể là cốt liệu cho một câu chuyện hay, trong khi ở đây chỉ là một màu sắc hồn nhiên và vui nhộn. Sự tinh tế lúc này sẽ đến bằng cách chúng ta nhìn và diễn giải quá khứ thế nào, cũng như viết tiếp câu chuyện mới thông qua design chi tiết các không gian trưng bày, triển lãm hay kiến trúc sẽ gắn thêm. Điều đó sẽ giúp chúng ta không trở thành nô lệ cho những nguyên tắc khô cứng, hoặc không mang tiếng tôn vinh những thị hiếu có thể bị coi tầm thường theo mắt một số người.

Công bằng mà nói những mảng màu tương phản hơi sặc sỡ có vẻ không được nhã nhặn lắm nhưng bù lại có tính khuấy động cao, giúp không khí căn biệt thự trông rất hội hè dù chưa cần cờ quạt. Vào những sự kiện như triển lãm ảnh vừa qua[16], công trình còn trở nên sống động hơn nhờ những hình thức trưng bày vừa sáng tạo vừa phảng phất ký ức, chẳng hạn những tấm bạt như voan lụa vươn ra từ các ô cửa làm liên tưởng đến quán nước vỉa hè, hay giá đỡ thép cho các bức ảnh gợi ẩn dụ về những cây cột điện.

Thời điểm đầu tiên, do đó chỉ là cái cớ cho một câu chuyện cần sáng tạo thêm, chứ ko phải nguyên tắc thật sự bắt buộc nhằm bảo vệ lựa chọn trước dư luận. Ngoài lựa chọn này, chúng ta cũng có quyền đưa vào một màu sắc mới chưa từng được áp dụng để làm tòa nhà trở nên đương đại hơn, vì một trong những cách bảo tồn tốt nhất chính là biến đổi[17]. Điều quan trọng là với tính chất và vị trí nhạy cảm, những cộng đồng địa phương cần được lắng nghe thông qua một cơ chế điều tiết hài hòa với sự hỗ trợ của truyền thông. Có như thế các giá trị mà chúng ta muốn tôn vinh mới được thừa nhận và tôn trọng.

TS-KTS. Lê Phước Anh

 

[1] Thiên Điểu, Màu vôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo trùng tu 14 tỉ đồng bị chê, Tuổi Trẻ Online, 14.4.2023. https://tuoitre.vn/mau-voi-biet-thu-49-tran-hung-dao-trung-tu-14-ti-dong-bi-che-20230414120802396.htm

[2] Đinh Thuận, Chuyên gia lý giải về màu vôi hiện tại của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, TTXVN/Vietnam+, 15.4.2023. https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-ly-giai-ve-mau-voi-hien-tai-cua-biet-thu-49-tran-hung-dao/857390.vnp

[3] Rem Koolhaas, Delirious No More, Wired, 1.6.2003.

[4] Tác giả hiện là Trưởng Bộ môn Đô thị và Kiến trúc Bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội.

[5] Lập luận này được lặp lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, chẳng hạn có thể tham khảo bài viết Chuyên gia Pháp: Gam màu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo 'cơ bản đúng theo màu gốc' của Nguyễn Trường trên báo Thanh Niên ra ngày 15.4.2023. https://thanhnien.vn/chuyen-gia-phap-gam-mau-biet-thu-49-tran-hung-dao-co-ban-dung-theo-mau-goc-185230415153443695.htm

[6] ICOMOS, Hiến chương Venice về Bảo tồn và Trùng tu Di tích và Di chỉ, 1964.

Theo tinh thần các Điều 9 và 15, mục đích của trùng tu là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của một cách chân thật, trong khi cần loại trừ mọi thứ được tạo dựng lại.

[7] ICOMOS Australia, Hiến chương Burra, 1979, mục 5.1.

[8] ICOMOS, Văn kiện Nara về tính xác thực, 1994.

Theo Phụ lục 1, cần đảm bảo những giá trị được công nhận phải thực sự là đại diện cho các mối quan tâm khác nhau…, các nỗ lực để xây dựng ở mức cao nhất có thể một sự đồng thuận đa ngành và của cộng đồng về các giá trị.

[9] Thanh Hương, Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài: “Đã là tôn tạo, trùng tu thì chúng ta tôn trọng đặc điểm ban đầu của công trình”, Tạp chí Kiến trúc, 15.4.2023. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/biet-thu-49-tran-hung-dao-46-hang-bai-da-la-ton-tao-trung-tu-thi-chung-ta-ton-trong-dac-diem-ban-dau-cua-cong-trinh.html

[10] ICOMOS, Hiến chương Athens về việc trùng tu di tích lịch sử, 1931, Điều 7 mục b.

[11] ICOMOS, Hiến chương Venice về Bảo tồn và Trùng tu Di tích và Di chỉ, 1964, Điều 11.

[12] Vốn được dựng lại thay cho gian trung tâm của nhà ga cũ (xây dưới thời Pháp theo kiến trúc cổ điển) đã bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy trong chiến tranh.

[13] Dominique Poulot, Une histoire du patrimoine en Occident, XVIIIe-XXIe siècle, Presses Universitaires de France, 2006.

[14] David Lowenthal, Heritage is not History, Annual Lecture of UCL Centre for Critical Heritage Studies, 10.2017.

[15] Phạm Quỳnh Phương, Tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội”, Khoa Các khoa học liên ngành - ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 23.11.2022.

[16] Triển lãm ảnh “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á”, diễn ra từ 15.4 đến 22.4.2023 tại khuôn viên biệt thự 49 Trần Hưng Đạo.

[17] “Bảo tồn là biến đổi, biến đổi là bảo tồn”: tuyên ngôn của KTS Thụy Sỹ Aurélio Galfetti khi thực hiện trùng tu lâu đài Castelgrande ở Bellinzona (1981-1991) và được lý thuyết hóa bởi KTS Pháp Paul Chemetov qua một chuỗi các bài viết về sau.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.