Cơ sở khiến học giả đến từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thận trọng xuất phát từ bài học hội nhập WTO cách nay một thập niên. “Đời cũ (WTO-NV) chưa dùng được thì tôi hết sức hoài nghi đời mới (TPP –NV)” – ông Nghĩa lập luận.
Cải cách trên đầu lưỡi
Một thập niên gia nhập WTO không giúp Việt Nam cải cách thể chế căn bản. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào lợi thế như thâm dụng lao động, chi phí môi trường thấp… Hai nhiệm kỳ Chính phủ liên tiếp đều không tận dụng sức ép hội nhập để buộc doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu với những đóng góp đáng kể. Chính sách mở cửa dễ dãi giúp tư bản nước ngoài tung hoành, thâu tóm tài nguyên, tiêu diệt cơ hội của tư bản dân tộc. Tính đến năm 2015, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% tổng lượng xuất khẩu, nghĩa là cứ 10 đồng xuất khẩu thì 7 đồng rơi về nước ngoài.
![]() |
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa. Ảnh: Trung Dũng |
Chất lượng quản trị nhà nước được đánh giá qua bộ chỉ số quản trị toàn cầu (Worldwide Gorvenance Indicators) do Ngân hàng Thế giới xây dựng. Sáu chỉ số thành phần gồm Tiếng nói và trách nhiệm giải trình; Ổn định chính trị; Năng lực chính quyền; Chất lượng pháp quy; Mức độ thực thi chế độ pháp quyền và Kiểm soát tham nhũng đều không được cải thiện rõ rệt. Những nỗ lực cải cách sau WTO có vẻ mới dừng lại ở lớp vôi ve bên ngoài, hoàn toàn chưa đụng đến toàn bộ nền móng, kiến trúc thiết kế ngôi nhà.
Liệu WTO có phải cây đũa thần? Nhìn sang bên kia biên giới, ông Nghĩa điểm lại một số cột mốc đáng chú ý. Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách khai phóng. Năm 1979, Trung Quốc bất ngờ khai chiến dọc biên giới Việt Nam. Đài phát thanh tuyên truyền đội quân xâm lược “nhếch nhác hơn mình nhiều lần”. Sau 30 ngày tấn công, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân. Đến năm 1990, thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua của Việt Nam và Trung Quốc cùng xuất phát điểm. Sau một thập niên, thu nhập bình quân đầu người giữa hai nền kinh tế bắt đầu có xê xích. Trung Quốc bắt đầu bứt tốc từ năm 2000 khi nước này gia nhập WTO.
Đến năm 2012, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 12.000USD (tính theo ngang giá sức mua), gấp ba lần Việt Nam. Trung Quốc tận dụng rất tốt WTO như một ngoại lực thúc đẩy cải cách, ép các doanh nghiệp trong nước phải niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế, tuân thủ cơ chế quản trị minh bạch. Với tài nguyên đất đai, Trung Quốc tuyên bố đất đô thị thuộc sở hữu nhà nước, còn đất nông thôn thuộc cộng đồng làng, xã. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng có sự khác biệt về chất trước và sau năm 2000. Chỉ còn 4% trong số 80 triệu đảng viên có gốc là giai cấp công - nông. Ông Giang Trạch Dân nói đưa lực lượng tiến bộ vào đảng, biến nó trở thành đảng của giới tinh hoa thượng lưu gồm giới chủ, trung lưu, trí thức đô thị, quản lý đất nước… có khát vọng dẫn dắt đất nước Trung Quốc. Những yếu tố gọi là cộng sản trong chủ thuyết phát triển mờ dần.
Những lực cản cải cách
Hiệp định TPP có hiệu lực hay không còn phụ thuộc vào kỳ bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội một số quốc gia thành viên. Quốc hội ở các thể chế dân chủ tập hợp đám “nghị lắc” khó bảo. Cũng chính bởi vậy mà Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất. Nhưng ngay cả khi TPP chính thức có hiệu lực từ năm 2018, liều lượng cải cách vẫn là một dấu hỏi.
![]() |
|||||
"Tôi có bằng chứng về việc những tập đoàn đa quốc gia bám chặt, khai thác lợi ích của các nhà nước toàn trị hơn là đấu tranh bảo vệ cho giới thợ” - ông Nghĩa nói. Ảnh: Trung Dũng |
Những cuộc cải cách hiện nay khó hơn rất nhiều so với thời điểm nền kinh tế bị dồn vào chân tường năm 1986. Không cải cách duy trì lợi ích cho một nhóm thiểu số nắm giữ quyền lực tập trung. Chính vì vậy nhóm hiện hữu quyết liệt phản lại mọi vận động cải cách. Thậm chí, những người chủ trương cải cách có thể còn gặp nguy hiểm.
Vượt xa tính chất thương mại của WTO, TPP thúc đẩy Nhà nước hành xử nhất quán, bảo vệ lợi ích của các công ty đa quốc gia, giúp các dòng tư bản lưu chuyển dễ dàng hơn. Những nhà nước gây khó dễ dễ dàng bị nhà đầu tư kiện ra tòa ở những thể chế tin cậy hơn. Theo ông Nghĩa, quyền lợi của giới thợ có thể là chiếc bánh vẽ. Trên thế giới, quyền lợi của thành phần này hiếm khi được các nhà tư bản bảo vệ. Vậy nên những vi phạm xảy ra chưa chắc sẽ phải đối mặt với những thúc ép từ bên ngoài. “Tôi còn nghĩ nếu Nhà nước phục vụ lợi ích của các công ty đa quốc gia tốt thì có khi họ ôm ấp Nhà nước hơn đám thợ thuyền. Tôi có bằng chứng về việc những tập đoàn đa quốc gia bám chặt, khai thác lợi ích của các nhà nước toàn trị hơn là đấu tranh bảo vệ cho giới thợ” - ông Nghĩa nói.
Một số kỳ vọng rằng TPP sẽ làm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhỏ lại tuy nhiên khái niệm này chỉ xem xét DNNN trực thuộc chính quyền trung ương, mà không tính đến sở hữu của chính quyền địa phương. Những thủ tục để DNNN lách luật khá dễ dàng bằng cách chuyển đổi sở hữu. Những DNNN không hiệu quả truyền cảm hứng cho tư bản nước ngoài. Có nhiều bằng chứng cho thấy chỉ cần thao túng được lãnh đạo DNNN là có thể mua rẻ tài sản công.
Một hiện tượng không bình thường trong hệ thống pháp luật Việt Nam là những bộ luật do Quốc hội soạn thảo ít có hiệu lực. Chúng được thay thế bởi những văn bản dưới luật do nhiều cơ quan hành pháp tùy tiện ban hành và triển khai. Mạng lưới giấy phép con chằng chịt này được diễn dịch tùy thuộc vào mức độ liêm chính của bộ máy quan lại, tạo ra sự không an toàn với người dân, đồng thời khuyến khích tạo dựng lợi thế cạnh tranh nhờ quan hệ gần gũi với chính quyền.
Những cải cách sắp tới chỉ thành công nếu như dám chấp nhận những cải cách chính trị có thể kiểm soát được, chẳng hạn như thực thi quyền được biết. Người dân cần được thông tin về những khoản vay ODA trị giá hàng tỉ USD được sử dụng như thế nào? Đảng lãnh đạo toàn diện. Nhưng nếu làm trật thì phải chịu trách nhiệm, phải giải trình. Cần dũng cảm thiết lập lại thể chế chính trị mà mọi người đều phải chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của mình.
Hiểu thế nào về dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng? Dân giàu phải là giới chủ người Việt, thúc đẩy hình thành tầng lớp trung lưu có nhu cầu đòi quyền tài sản. Xã hội sẽ không có nhu cầu về pháp luật nếu toàn dân vô sản. Nước mạnh là Nhà nước làm đúng việc. Mô hình Nhà nước hiện nay quá chăm chú vào việc kiếm tiền, chẳng hạn như có bộ sở hữu hằng trăm công ty, có ủy ban sở hữu hằng chục doanh nghiệp. Phải tách các yếu tố thương mại ra khỏi chính quyền. Mối đe dọa đối với công bằng xã hội là giai cấp vô sản bị bần cùng hóa. Khi đó xã hội Việt Nam trở thành quả bom nổ chậm, chờ đợi những cuộc cách mạng vô sản. Nguy cơ này chỉ có thể tránh được nếu lợi ích được phân phối hài hòa giữa giới chủ và giới thợ.
Diệp Khuê ghi
» Đi tới ba trụ cột trong các xã hội tiến bộ
» “Dân oan” và ba nguyên nhân gây bất đồng thuận xã hội
» Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 1)
» Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 2)
» Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 3)
» ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: 'Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền, cả biển sâu'
» Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Đổi mới không thể tránh đụng lợi ích”