Sinh viên ĐH Ngoại thương trong hoạt động phản đối, lên án việc làm ngang ngược, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ảnh minh họa: Citinews
Việt Nam giành được độc lập tính đến nay đã hơn 70 năm, và gần nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất. Chuyện tự do làm ăn của người dân từ Đổi mới năm 1986 có những bước chuyển cơ bản, tạo ra những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận. Vậy mà, đến gần đây, quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy quốc gia khởi nghiệp cũng đã thổi một luồng sinh khí mới trong xã hội.
Trong thực tế lại có nghịch lý, đó là tình trạng hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đổ xô qua Singapore đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hiện tượng này, theo VTV đã xuất hiện hai năm trước, nhưng giờ gia tăng đột biến. Lý do, không chỉ là thủ tục pháp ký thông thoáng và doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi về thuế… ở nước sở tại, mà còn là nỗi ám ảnh phạm tội kinh doanh trái phép trên mạng ở Việt Nam, theo Điều 292 Luật Hình sự. Đây chỉ là một trong vô vàn những rào cản quyền tự do làm ăn của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. Tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, đi từ việc thay đổi căn bản các quy phạm pháp luật đang được xúc tiến từ cấp cao. Mong muốn của Chính phủ không chỉ là xây dựng thiết chế minh bạch, khoa học mà còn khai thông tận gốc những tư duy từ thói quen nhà nước cai trị, để hình thành nhà nước kiến tạo, như tuyên bố của Thủ tướng.
Một nhà nước kiến tạo, cũng là một nhà nước đảm bảo các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do làm ăn, tự do lập hội, biểu tình trong khuôn khổ luật pháp.
Khát vọng ấy đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013.
Theo Bộ Tư pháp, để những quyền con người, quyền công dân theo hiến định không còn là “quyền treo” nữa, nhà nước cần sửa đổi, soạn thảo đến 28 bộ luật trong đó có 12 luật liên quan đến quyền chính trị, dân sự, 16 luật liên quan đến quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, nhiều bộ luật đã được sửa đổi theo hướng thể chế hóa những điều khoản trong Hiến pháp, bước đầu thúc đẩy một xã hội dân chủ như Luật Doanh nghiệp, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tạm giam tạm giữ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần được nhanh chóng xác lập để tạo ra một hành lang pháp lý rộng mở hơn nhằm phát huy dân chủ.
Đó là, luật biểu tình đã được bàn thảo nhiều lần rồi gác lại. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa gọi đây là một món nợ với nhân dân. Ông Nghĩa phân tích “Chúng ta đã và đang quản lý bằng luật các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền đình công, bãi công, quyền tự do tín ngưỡng, bí mật đời tư... Vậy thì không có lý do gì mà không thể và không sớm làm luật này để bảo đảm quyền tụ họp hoà bình của nhân dân”.
Đó là, quyền được lập hội của công dân. Theo Bộ Nội vụ, đến tháng 12.2014 trên cả nước hiện có 52.565 hội, nhưng những hội đoàn này được thành lập và hoạt động trong khuôn khổ pháp lý chật hẹp, chưa đảm bảo thực thi quyền này theo hiến định.
Hai bộ luật nhiều lần lỗi hẹn, giờ đây chưa có trong chương trình xây dựng pháp luật 2016-2017 của Quốc hội khóa mới. Đó còn là, hàng ngàn văn bản dưới luật như một “cơn ác mộng” trong đời sống xã hội, gây nhiêu khê và cản trở những cơ hội làm ăn, học hành, đi lại... của người dân mà Chính phủ đang rà soát để loại bỏ.
Một quốc gia độc lập với đầy đủ nội hàm của nó, phải xuất phát từ ý thức độc lập của từng công dân. Tinh thần độc lập của công dân còn là nền tảng của một xã hội tự do, vốn là mục tiêu hướng đến của mọi xã hội văn minh. Trong thế giới hội nhập sâu rộng hiện nay, mỗi cá nhân cũng có thể đi tìm tự do cho mình, để mưu cầu hạnh phúc, nếu các điều kiện độc lập không rõ ràng, như câu chuyện ở đầu bài chỉ là một ví dụ về sự chảy máu nguồn lực quốc gia.
Do đó, đảm bảo các quyền con người, quyền công dân sẽ thúc đẩy hình thành một xã hội công dân, tạo động lực phát triển quốc gia giàu có và thịnh vượng. Đó còn là nền tảng cho hàng chục triệu dân của một đất nước độc lập có đầy đủ quyền lực, năng lực làm chủ đất nước cũng như cuộc sống của mình.
Khi đó, nền độc lập mà chúng ta giành lấy từ ngoại bang và bền bỉ xây dựng trong gần thế kỷ qua mới thực sự là một nền độc lập đầy đủ.
Duy Thông
» Sớm có Luật Biểu tình sẽ giúp quản lý xã hội tốt hơn
» Quốc hội yêu cầu khẩn trương chuẩn bị Luật Biểu tình
» Sớm thông qua Luật biểu tình để 'trả món nợ với nhân dân'
» Người Việt chỉ đoàn kết khi đứng trước mối hoạ bên ngoài?
» Nguyên đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: 'Đừng độc quyền yêu nước'
» TS Bùi Trân Phượng: 'Vì sao cứ nói học sử là để nuôi dưỡng lòng yêu nước?'
» ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: 'Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền, cả biển sâu'