Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái môi trường trong các rừng đặc dụng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã được xây dựng trong vườn quốc gia, khu bảo tồn gây ra nhiều nghi vấn lẫn tranh cãi.
Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) cho rằng, nhiều dự án hiện nay của Việt Nam đang lợi dụng danh nghĩa du lịch sinh thái nghỉ dưỡng để mưu cầu lợi ích riêng.
Gần đây nhất có thể kể đến là dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng cáp treo Fansipan trong vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), quần thể siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc (trong đó có vườn thú Safari Phú Quốc), các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở vườn quốc gia Ba Vì... Quan điểm của ông như thế nào về việc xây dựng trong khu bảo tồn, vườn quốc gia?
Việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái là đúng và nên làm, nhưng việc đầu tư đó vào các vườn quốc gia, khu bảo tồn thì cần có sự hướng dẫn, giám sát và đánh giá cụ thể, minh bạch và nghiêm túc từ trung ương tới địa phương. Nếu không, hậu quả rất khó lường. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng việc xây dựng (các công trình xây dựng) trong khu bảo tồn, vườn quốc gia là việc làm hiểu sai khái niệm du lịch sinh thái. Vả lại, việc lấy đất khu bảo tồn, vườn quốc gia để xây dựng từ 50 ha trở lên phải có ý kiến của quốc hội. Điều 7 Luật Đầu tư công quy định, dự án sử dụng từ 50ha đất vườn quốc gia trở lên thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia”. Và, Điều 17 quy định thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh trong mô hình du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng liệu có phù hợp không, thưa ông? Kinh nghiệm trên thế giới như thế nào trong phát triển mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng?
Hiện nay khu sinh quyển Rhone của CHLB Đức được xem là thành công nhất trong việc sử dụng khu sinh quyển làm nơi du lịch nghỉ dưỡng thông qua các hoạt động phát triển kinh tế địa phương, kết hợp giữa bảo tồn với phát triển kinh tế, cảnh đẹp thiên nhiên được tôn trọng, các hình thức ăn, ở, chăn nuôi trồng trọt của người dân địa phương theo truyền thống được khôi phục hấp dẫn du khách. Như vậy, nghỉ dưỡng trong kinh doanh du lịch là một dịch vụ, một hoạt động kinh tế rất cần một môi trường thiên nhiên được bảo tồn; nếu các giá trị trong lành, tươi đẹp của thiên nhiên không còn hoặc bị biến dạng, đảo lộn thì hoạt động nghỉ dưỡng cũng sẽ không còn. Nói tóm lại, bảo tồn thiên nhiên là cái gốc, cái cơ bản để các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng ăn theo. Nếu các hoạt động ăn theo này làm thay đổi cái gốc, cái nuôi dưỡng mình thì mình cũng sẽ không tồn tại. Chúng ta cần một sự phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thay vì một nền kinh tế tăng trưởng nóng, ăn xổi ở thì, chỉ biết hôm nay không biết đến ngày mai.
Nằm ở độ cao 3.000m trên dãy Hoàng Liên Sơn và trong vườn quốc gia Hoàng Liên (một loại rừng đặc dụng), quần thể du lịch nghỉ dưỡng cáp treo Fansipan gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận
Ông nhận định gì về các dự án hiện nay ở Việt Nam?
Phát triển mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn được UNESCO khuyến cáo là nên làm để tạo thêm nguồn thu nhập, sinh kế cho người dân địa phương. Cần làm rõ khái niệm du lịch sinh thái là các hoạt động tạo điều kiện cho khách du lịch có dịp thưởng ngoạn những cảnh đẹp tự nhiên, đa dạng sinh học, là nơi học tập để sống hài hòa với thiên nhiên mà những nỗ lực bảo tồn mang lại. Nếu ta xây dựng các tòa nhà, các khối bê tông, cáp treo... làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan, xua đuổi các loài quý hiếm do ô nhiễm tiếng ồn, nước, không khí là đi ngược lại ý tưởng tốt đẹp của du lịch sinh thái. Đó không phải là du lịch sinh thái mà là phản du lịch sinh thái (anti-ecotourism), là ngành du lịch vô trách nhiệm! Thế giới có rất nhiều mô hình thành công, nguyên nhân cơ bản do họ có được một nền dân trí, quan trí cao. Sẽ sai lầm nếu nói thế giới cũng có cáp treo, cũng có xây dựng rồi làm theo trong khi chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, đôi khi còn lợi dụng chúng để mưu cầu lợi ích riêng.
Thực tế là đang có vấn đề sức ép của phát triển rất lớn lên các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam. Theo ông, làm cách nào để hài hòa lợi ích của bảo vệ các tài sản tự nhiên quốc gia và vấn đề phát triển?
Sức ép chỉ xảy ra khi một bên mạnh và một bên thì yếu. Trong trường hợp này là các nỗ lực bảo tồn của ta còn quá yếu. Để hài hòa lợi ích của bảo vệ các tài sản tự nhiên quốc gia và vấn đề phát triển, cần có những công cụ chính sách hữu hiệu. Chúng ta đã có những bộ luật quy định cụ thể nhưng việc thực thi còn nhiều vấn đề. Núp sau những dự án tưởng như tốt đẹp với danh nghĩa phát triển du lịch sinh thái, họ đang phá hỏng những nỗ lực bảo tồn của nhiều thế hệ đi trước và đẩy cho các thế hệ mai sau phải trả giá. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là công chúng chỉ được biết khi sự việc đã xảy ra rồi (cáp treo, biệt thự...) mà không được tham vấn từ những giai đoạn đầu quy hoạch, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, xã hội... Như vậy, sự minh bạch và quyền được biết của công chúng rộng rãi phải được tôn trọng.
Ông đã cho rằng thực tế lâu nay, ban quản lý rừng quốc gia tại các địa phương và doanh nghiệp thường không tham vấn nhà chuyên môn trước mỗi dự án khai thác rừng làm du lịch. Từ thực tế của việc phân quyền quản lý và cho thuê rừng, xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng cáp treo ở vườn quốc gia Hoàng Liên, Ba Vì, vườn thú Safari Phú Quốc... Theo ông, đang có những bất cập gì trong luật hiện nay? Vấn đề cần giải quyết trước những thực tế này là gì?
Cần khẳng định rằng việc phân cấp quản lý cho địa phương là chủ trương đúng, nhưng khi địa phương có những quyết sách sai lầm thì không phải là vô can, đặc biệt trong cách điều hành, thực thi pháp luật. Như trên đã phân tích, vấn đề cần giải quyết trước những thực tế này là tạo ra sự minh bạch. Khi có sự minh bạch thì không còn bóng tối, khi bóng tối không còn thì những việc làm vô trách nhiệm, duy lợi cá nhân và nhóm lợi ích, tham ô, tham nhũng sẽ không còn được che đậy. Mặt khác, khi công chúng được thông tin đầy đủ sẽ có nhiều ý kiến hay, sáng tạo từ nhiều góc độ. Điều đó cũng thể hiện trình độ văn minh, văn hóa của cả một dân tộc.
Lê Quỳnh (thực hiện)
» Ngồi cáp treo lên đỉnh Fansipan
» Lên đỉnh Fansipan bằng cáp treo: rằng nhanh thì thật là nhanh...
» Từ vụ “cáp treo trên Fansipan”: Di sản là để bảo tồn
» Từ vụ thú chết ở Vinpearl Safari Phú Quốc: Làm bảo tồn hay kinh doanh “bảo tồn”?
» Những câu hỏi đặt ra cho mô hình kinh doanh vườn thú tư nhân