Ngoài đường Hải Thượng Lãn Ông từ mấy tuần nay người ta đã bày bán thiệp Tết, phong bao lì xì, giấy đỏ có vẽ chữ Phước để dán trái dưa và câu đối. Chợ Lớn đã đông càng đông, kẹt xe nhiều hơn. Nắng gió tháng Chạp mỗi năm vẫn vậy mà sao mang lại cảm xúc như hồi còn nhỏ, náo nức và lâng lâng chờ đợi. Đi ngang tiệm bán dầu hàu Diệu Phát ở góc đường Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm, Mỹ Yến chợt nhớ từ khi mình sinh ra trên đất Chợ Lớn, đã thấy tiệm này ở góc đường, có từ thời nào không rõ.
Ôi, cái món dầu hàu làm nước xốt cũng ngon, bỏ chút vô tô mì hay hủ tíu hồ càng thơm. Nhưng phải là dầu hàu chế biến từ con hàu, chứ không phải là hương liệu. Nhớ hồi còn nhỏ, một buổi sáng nọ khi mới thức dậy, vừa rửa mặt xong, pá (1) kêu Mỹ Yến lại đưa cho một cái gói màu đỏ. Pá biểu: “Để cái này dưới gối ngủ hoặc đeo bên mình cho bình yên nha con!”.
Đó là phong tục lâu đời. Ông giải thích thêm, pá đã cho Yến được làm con nuôi ông Bổn. Khi Mỹ Yến sinh ra, xem tuổi khắc với pá nên pá và má đưa đến chùa Ông Bổn ở đường Hải Thượng Lãn Ông, còn gọi là Nhị phủ miếu để xin làm con nuôi cho được an lành. Pá đưa tên tuổi của Mỹ Yến cúng ở chùa, nhận về một cái bùa bọc trong vải gấm đỏ. Nghe lời pá, túi bùa được bỏ dưới gối Mỹ Yến mỗi đêm khi ngủ. Sau này khi lớn lên, mỗi đêm cuối cùng của năm, Mỹ Yến phải đến chùa Ông Bổn cúng, rồi xin đổi lá bùa mới.
Nhị Phủ Miếu, còn gọi là chùa Ông Bổn ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Tranh: Phạm Công Tâm
Nếu không có chuyện xin làm con nuôi ông Bổn, cả nhà Mỹ Yến vẫn đến ngôi chùa này vào mỗi giao thừa, vì đó là phong tục của người Hoa Chợ Lớn. Những đêm đó, pá đi với má hoặc với ía (2) Lán đến cúng, lần nào cũng mang về lá bùa, tấm hình ông Bổn, một cây nhang lớn đang cháy đỏ. Về nhà, ông dán hình ông Bổn dán trên tường, lá bùa dán bên cạnh, còn cây nhang cắm nơi bàn thiên. Sau này, ông không mang nhang về nhà nữa, vì có người bảo nhang đang thắp, lại đi trong đêm khuya, sợ rằng các oan hồn sẽ đi theo về nhà. Má Mỹ Yến tuy là người Việt nhưng đương nhiên nhập gia tùy tục, đã chuẩn bị bày biện các thứ, chỉ đợi đến giờ cúng mà thôi.
Nhớ hồi còn nhỏ, đến giờ giao thừa là nghe tiếng pháo vang rân từ chùa Ông Bổn đến chùa Thiên Hậu, từ đình Minh Hương Gia Thạnh đến chợ Bình Tây. Đi ngang đường Hải Thượng Lãn Ông, mùi thuốc bắc vẫn thơm nức nhưng đã nghe lẫn trong đó thoảng mùi nhang ở các ngôi chùa từ rằm tháng Chạp. Đêm Chợ Lớn lạnh mát và ấm cúng khói nhang, thức thì vui lắm. Trước đó, má đã chuẩn bị sẵn giấy vàng bạc, quýt vỏ xanh, bánh tổ, mứt, trà để cúng. Người Tiều không cúng gạo muối, không có trái dừa. Người Quảng bảo rằng trái dừa bị gọt trụi lủi không hên, người Tiều cũng vậy. Người Tiều không cúng trái sa pô chê vì sợ bị... chê.
Nhớ một đêm trong khi ngồi chơi cắn hạt dưa đợi tới giờ cúng giao thừa mới năm trước đây, ía Lán hỏi Mỹ Yến khi nào chịu lên xe hoa. Phong tục người Hoa ngày Tết là lì xì cho tất cả con cháu từ nhỏ cho đến lớn, miễn là chưa lập gia đình. Lớn tuổi nhưng chưa lấy vợ lấy chồng cũng được nhận lì xì và không phải lì xì cho ai, còn ai đã lập gia đình cho dù còn trẻ phải có nghĩa vụ mừng tuổi và lì xì cho người nhỏ hơn mình. Mỹ Yến trả lời với ía Lán là con còn muốn được lì xì thì làm sao mà đi lấy chồng được!
Mẹ con người Hoa Chợ Lớn. Ảnh sưu tầm: Hoàng Việt
Vui chuyện, ía kể về phong tục xem mặt đức lang quân trong đêm Trung thu. Dân gian truyền rằng, đúng 12 giờ đêm Trung thu, các cô gái mang một thau nước đến một nơi bí mật, nơi chỉ có một mình. Đặt thau nước làm sao để bóng trăng nằm giữa lòng thau nước. Khi đó, cầm một loại trái cây có vỏ như xoài, cam, bưởi... và bắt đầu gọt. Gọt ngược vào trong và gọt làm sao cho vỏ thành một sợi dài, không bị đứt đoạn. Phải vừa gọt vừa lẩm nhẩm: “Cầu xin Hằng Nga cho con thấy được mặt đức lang quân tương lai của con”. Lúc đó, ảo ảnh của đức lang quân sẽ hiện ra dưới thau nước.
Mỹ Yến loáng thoáng có nghe chuyện này. Hồi nhỏ xíu, nghe ai đó kể rằng một bà cô đã làm và nhìn thấy chồng tương lai là một người bị tật một chân. Bà cô không tin và quyết tâm tìm một người lành lặn lấy làm chồng. Một thời gian sau, chồng của bà cô đi lính và bị mất một chân như hình ảnh bà cô đã thấy.
Ía Lán tên đầy đủ là Chung Lâm Lan, là vợ hai của pá. Lán là cách gọi thông thường theo tiếng Tiều của Lan. Cha của ía gốc gác ở Triều Dương, Triều Châu, Trung Quốc. Ông bà nội của ía trôi dạt từ bên Tàu qua Việt Nam hồi nào không rõ, bán chạp phô. Còn má của ía là dân gốc Triều Châu mấy đời ở Bạc Liêu. Dù Mỹ Yến là con bà lớn nhưng ía coi Mỹ Yến như con vì ía không có con gái. Ía hay kể chuyện gia đình. Pá của ía sinh năm 1925, qua Việt Nam năm 1939, qua sau bà nội. Nhà nghèo, phải mướn nhà ở.
Lớn lên, nhà làm nghề ép nhựa gia công, quanh năm làm ăn, đến gần Tết, ía dọn dẹp máy móc, bắt đầu “kế hoạch vui vẻ” của mình. Đó là nấu các món ăn Tàu kiểu Triều Châu. Ía Lán thấy món người ta nấu món gì lạ là hỏi cách thức, về nhà làm thử, không ngại gì cả. Ngày Tết, người Việt gói bánh tét thì người Hoa làm bánh tổ. Tục lệ nó vậy, chứ hồi nhỏ ía không thích ăn bánh tổ và tất nhiên cũng không thích làm, nhưng sau này, khi muốn làm bánh để bán, ía làm đại và thấy thích. Bắt đầu từ ngày 24 Tết, ía bắt tay vào việc chuẩn bị. Người Hoa gọi bánh tổ là tém kuế (tém: ngọt, kuế: bánh), làm riết cho tới ngày 28 Tết nếu năm đó có 30. Mua 100kg nếp để sẵn đó, một ký nếp thì làm được bốn cái bánh nhỏ, hai cái bánh trung và một cái bánh lớn. Có khi ía làm một cái bánh lớn nhất bằng hai ký nếp, đường kính của nó hơn hai tấc. Bột nếp xay ra, trộn với đường Biên Hòa màu vàng, đem hấp.
Trên bánh có in câu “Vạn sự như ý”, “Năm mới phát tài”. Đóng chữ lên bánh bằng cái mộc gỗ đặt ở mấy tiệm khắc dấu trên đường Phùng Hưng làm, màu đỏ thực phẩm thì mua ở tiệm chạp phô ngoài chợ. Bánh chưng trên bàn thờ, có khi để nửa năm cũng chẳng sao. Không chưng thì xắt ra miếng, phơi khô, trữ trong tủ lạnh. Thèm thì lấy ra chiên cho mềm. Ai biết ăn thì lấy bột mì trộn hột gà đánh cho đều xong lấy miếng bánh nhúng vào rồi đem chiên. Bánh vừa giòn vừa thơm.
Tiệm nước người Hoa vùng Chợ Lớn thập niên 1950. Tranh Louis Bouigues, trong cuốn Aspects Chinois de Cholon et Saigon
Bánh tổ để ăn lai rai vậy, chứ ngày Tết còn bao nhiêu món hấp dẫn khác. Má Mỹ Yến luộc gà hay vịt, dùng bắp cải dài (cải thảo). Nhà nào khá giả lấy cải dài làm lẩu, có cá viên, thịt viên. Gà vịt luộc lấy nước, thịt chặt ra bày trên dĩa để ăn.
Ía Lán còn kể những món ngon gia truyền khác của gia đình ía. Đó là món khoai môn ngào đường (tèm ồ đương môn). Bà nội của ía lấy khoai môn nấu trong nồi cơm. Cơm chín lấy khoai ra. Thịt ba rọi xắt nhỏ, thêm tôm khô, đậu phộng xào. Cơm khoai môn gọi là ồ pần. Ồ là khoai môn, pần là cơm. Ăn ngon, thơm mùi khoai, mùi gạo mới và đậm đà vị thịt, tôm khô, nghe mà phát thèm!
Mỹ Yến lớn lên, có pá có má và sau đó lại có ía. Má Mỹ Yến lúc đầu không thích ía, rồi sau cũng thương như hai chị em. Ía tính hiền lành, vui vẻ, hay kể chuyện nhờ vậy Mỹ Yến học được nhiều điều. Ía thích quan sát, giao du với người Hoa các bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ (Khách Gia) và Hải Nàm. Ía cũng quen biết nhiều người Việt, kết bạn với nhau. Chơi với nhau không phân biệt dân tộc, chỉ phân biệt người tốt với người xấu.
Nhận xét con gái Việt, bà bảo con gái Việt thường có đôi mắt đẹp, hai mí. Eo nhỏ và đẹp hơn eo con gái Tàu nên bận áo dài đẹp, nhìn sau lưng biết là con gái Việt. Tuy nhiên, con gái Việt một số cô có miệng rộng, con gái Tàu miệng nhỏ chúm chím, theo quan niệm phương Đông là đẹp chứ dân Tây thích con gái miệng rộng. Mũi con gái Việt không cao, có khi không kín như mũi con gái Tàu. Đó là quan sát khi ía còn nhỏ, bây giờ ăn uống cũng khác, lai giữa các dân tộc cũng nhiều nên nhận xét của ía chắc chỉ đúng với hồi xưa. Các thanh niên người Tiều còn bảo nhau là con gái lai giữa cha Tiều mẹ Việt thường đẹp vì lấy được nét đẹp của hai bên.
Còn về chuyện làm ăn, người ta nói người Tàu di cư qua Việt Nam rất chịu khó, nên mới có ông Hui Bon Hoa, ông Thông Hiệp nhưng ía làm chung với người Việt, nhất là người gốc miền Bắc thì thấy họ rất chịu khó. Mấy bà vợ Bắc để yên cho ông chồng buổi sáng nấu nước sôi, pha trà, hút thuốc lào. Còn mấy bà rất siêng năng, chịu cực giỏi, ăn uống tiết kiệm. Có bà đi bán mang theo một nải chuối, tới bữa mua một dĩa cơm không, bẻ chuối ăn hai bữa. Họ chịu cực hơn phụ nữ Hoa, dành dụm giỏi hơn phụ nữ Hoa, rất đáng nể.
Ía Lán hỏi Mỹ Yến: “Lâu nay con có ra tiệm nước Lâm Huê Viên ăn mì không?”. Đó là cái quán bán hủ tíu mì ở đường Nguyễn Thi, bên hông nhà bưu điện Chợ Lớn. Mỹ Yến bảo: “Lâu quá con không ra chỗ đó, không biết món mì dầu hàu ngoài đó còn ngon không? Gần Tết bớt việc con sẽ ra, năm nào sáng giao thừa cũng ngồi quán đó, sẵn ngắm người ta đi chơi Tết luôn”. Ía Lán lắc đầu: “Tiệm đó cũng vậy thôi, nhưng bây giờ đã bỏ cái tên “Tiệm nước” rồi, mà là tiệm hủ tíu mì Lâm Huê Viên thôi. Ía buồn quá!”. Mỹ Yến hỏi vì sao ía Lán buồn. Ía nói: “Chả biết vì sao. Hỏi bà chủ, bà nói là người ta đến ăn, cứ hỏi tại sao tiệm bán hủ tíu mì mà bảng hiệu cứ ghi là Tiệm nước. Thế là bà làm lại bảng hiệu. Chắc ía buồn vì hồi còn nhỏ, pá của ía khi nào rủng rẻng tiền bạc là cho con đi ăn ở tiệm nước. Lúc đó, cái tên “Tiệm nước” đọc lên đã thấy vui rồi!...”.
Ía Lán thừ ra một chút rồi lại cúi xuống làm tiếp mớ bánh củ cải chuẩn bị giao cho người ta. Mỹ Yến thấy thương người dì mộc mạc chân chất này. Thật là dễ hiểu vì sao từ khi pá mất đi, má của Mỹ Yến vẫn lui tới và xem ía Lán như cô em gái. Ía cũng sinh ra, lớn lên ở Chợ Lớn và gắn bó vùng đất đô thị này, gắn bó từ cái tên “Tiệm nước” xa lắc lơ mà bây giờ mấy ai còn dùng, từ việc ráng bỏ sức nhồi bột làm cái bánh tổ cực công mà giờ không mấy ai thích ăn vì nhai mỏi miệng, lại càng không thích đồ ăn cũ để lâu. Ía Lán như muốn níu kéo những mảnh quá khứ của cái đất Chợ Lớn ồn ào, nhộn nhịp này dù biết rằng cuộc sống phải thay đổi.
Ở ngoài chợ Thiếc, có một ông người Quảng Đông bán bánh tiêu bánh bò hay nói câu: “Có cái cầu ba cẳng còn không giữ được”. Đối với dân Chợ Lớn xưa, cái cầu này tuy không gì quan trọng nhưng độc đáo, có về Đài Loan sống hay xuất cảnh qua Úc, Canada vẫn còn nhớ nó với những chiều thả bộ lên cầu hóng mát... vậy thì tiếc chi cái tên Tiệm nước, nó vẫn còn trong tim mình đó thôi khi ngồi kể nhau nghe chuyện về vùng đất này. Đó là điều Mỹ Yến ngẫm nghĩ trong cái đêm cuối năm đợi đến giao thừa này.
Phạm Công Luận
_____________
(1) Cách gọi cha của người Tiều
(2) Cách gọi dì của người Tiều