Làm nghệ thuật, hay sáng tạo nghệ thuật, là một quá trình diệu vợi. Bởi lẽ, nó bao hàm trong đó cả thuộc tính lao động lẫn thiên tư. Con người không phải là một thực thể toàn năng (omnipotent), toàn tri (omniscient) và toàn hiện (omnipresent) như Chúa. Trái lại, con người luôn thường trực trong trạng thái ý hướng thì bất định, ý tưởng thì bất toàn, ý thức thì bất an. Do đó, con người luôn truy tầm sự hoàn hảo, trong khi chính sự không hoàn hảo đó mới làm nên đặc tính con người.
Ở người nghệ sĩ sáng tạo, vấn đề này càng trở nên trăn trở hơn. Họ luôn khát khao biểu đạt, làm mới mình, vượt qua bờ giới cũ để bước chân vào những địa hạt mới. Một hành trình đi tìm căn cước nghệ thuật và chế ngự bất lực hữu hạn trong sáng tạo.
Tôi đến với hội họa Nguyễn Quang Thiều, ngẫu nhiên thay lại từ những phụ bản trong tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa (Nxb Hội Nhà văn, 2020) của ông. Tranh bìa cuốn sách là một chân dung siêu thực, có lẽ là của tác giả, được chia thành các khối mảng. Chứa đựng trong các khối mảng đối xứng là những ảnh tượng như đôi mắt/tế bào, ngọn nến và chữ. Và đáng lưu ý hơn, bên cạnh khuôn mặt là một tấm ảnh trang thông tin cá nhân của hộ chiếu tác giả. Sau này, khi được nhìn bức tranh nguyên khổ tại triển lãm cá nhân của tác giả, tôi không khỏi tò mò về sự phơi bày bản diện căn cước này.
Nguyễn Quang Thiều tự họa, màu nước trên giấy.
Nghệ sĩ phức hợp
Tên tuổi Nguyễn Quang Thiều đã được xác lập trong bức tranh thơ ca Việt Nam hiện đại, đặc biệt từ sau 1986, với tư cách là một nhà thơ, nhà văn. Còn với hội họa, Nguyễn Quang Thiều tiếp xúc như một hạnh ngộ tình cờ, và ông bắt đầu vẽ kể từ 2005 trở lại đây. Xuyên suốt khối lượng tác phẩm văn chương đáng kể của mình, ông luôn thể hiện tinh thần cách tân và thể nghiệm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
Đương nhiên, mọi sự cách tân muốn được khẳng định, đều phải trải qua sự phủ định. Thơ văn xuôi của ông từng phải nhận nhiều phê phán trái chiều, thậm chí bị phủ nhận chính bản thể của nó, tức tính thơ. Đến tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng vậy, đâu đó có ý kiến cho rằng tranh của ông không phải là tranh, còn ông không phải là họa sĩ thực đích. Cả sự nghiệp sáng tạo của Henri Rousseau[1] đã bị chế giễu bởi giới phê bình mỹ thuật đương thời và thiên tài của ông chỉ được thức nhận bởi hậu thế.
Tôi muốn mạn phép đưa đến một khái niệm khác, có lẽ trên thế giới từ lâu đã có kiểu loại này rồi, nhưng ở Việt Nam thì chưa định nghĩa nó trở thành một kiểu loại nghệ sĩ hoàn chỉnh, đó là nghệ sĩ phức hợp. Khái niệm này bắt nguồn từ khái niệm rộng là polymath (nhà thông thái bác học), nhưng khu biệt trong nội hàm sáng tạo nghệ thuật[2].
Đặc trưng của nghệ sĩ phức hợp là họ có phong cách nghệ thuật phức hợp, đồng thời có tác phẩm mang tính chất của Gesamtkunstwerk[3] (nghệ thuật tổng hòa), là chỉnh thể kết hợp của nhiều thành tố hay cấu kiện đến từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, như văn chương, âm nhạc, kiến trúc và hội họa… Bản thân người nghệ sĩ có thể vừa là nhà thơ, nhà văn, vừa là nhạc sĩ, vừa là họa sĩ. Trước Nguyễn Quang Thiều, đã có Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Trịnh Công Sơn. Nhưng điều gì làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo của các nghệ sĩ phức hợp?
Con bống đen đẻ trứng, màu nước trên giấy, khổ 50 x 70 cm, 2020.
Sự chuyển đổi ngôn ngữ nghệ thuật
Đặc sắc phong cách đến từ họa phẩm của các nghệ sĩ phức hợp nói chung, và Nguyễn Quang Thiều nói riêng, mấu chốt nằm ở sự chuyển đổi ngôn ngữ nghệ thuật. Phương tiện biểu đạt (means of expression) của văn học, âm nhạc và hội họa là khác nhau, lần lượt là ngôn từ, nốt nhạc và màu sắc lẫn đường nét, cho nên chúng khởi tạo những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau.
Nếu thi sĩ sử dụng sáng tạo từ ngữ và những quy tắc kết hợp của ngôn ngữ thông thường (ví dụ như niêm luật trong thơ), thì họa sĩ sử dụng sáng tạo thành phẩm do giác quan mang lại, đó là các đối vật hữu hình, sự tổ chức của đường nét và màu sắc bên trong chúng, và mối quan hệ giữa chúng trong không gian thực tế.
Cây đời 2, sơn dầu trên toan, khổ 110 x 110cm, 2019.
Cách họa sĩ nắm bắt đối vật thực tế cũng giống hệt như cách nhà thơ tận dụng con chữ vốn đã có sẵn ý nghĩa. Khi nhà thơ bắt đầu với nghĩa có trước mà không thể từ bỏ nó, thì đồng thời họ cũng vượt thoát nó để tạo ra một nghĩa mới, còn họa sĩ bắt đầu từ đối vật hữu hình nhằm biến đổi và cấp cho nó một hình dạng mới mang ý nghĩa tự thân của riêng nó. Nếu không có sự sáng tạo, thì cả hai quá trình chuyển đổi này đều là bất khả. Ở trường hợp Nguyễn Quang Thiều, đó là sự chuyển đổi từ ngôn ngữ thi văn sang ngôn ngữ hội họa. Sự biểu đạt bị quy giản cho nhỏ vừa với những giới hạn của ngôn từ, nay nhận được sự biểu kiến khoáng đạt trong không gian, qua màu sắc, đường nét và hình khối.
Vì vậy, tranh của Nguyễn Quang Thiều mang tính thơ. Chúng không đơn thuần chỉ là sự minh họa thơ. Đó là sự đứng lên, trỗi dậy và thành hình của những bài thơ do ông sáng tác. Bên trong là những chủ đề giàu tính văn chương. Chủ đề tự sự được ngôn ngữ tạo hình cởi trói khỏi ngôn từ để trở nên sinh động.
Cây Thiên Đường, sơn dầu trên toan, khổ 90 x 110cm, 2021.
Mặt khác, ngôn từ trở thành một phụ gia mang tính trang trí bổ trợ, được họa sĩ “đắp” lên những hình tượng trong tranh. Đôi khi, nó lại là chất dung môi làm mềm các chi tiết góc cạnh và lấp đầy khoảng trống. Người xem nếu thích, có thể đọc nó để cảm nhận thơ trong một không gian tinh thần khác nằm ngoài sách vở. Hoặc đứng lùi ra xa, để nhìn nó như một điểm nhấn dị biệt trong tổng thể sắp đặt của hình khối và màu sắc.
Thơ Nguyễn Quang Thiều lúc này đã mang hiệu ứng thị giác của một tác phẩm nghệ thuật tổng hòa, sự xoắn luyến hài hòa giữa thơ ca và hội họa.
Mạt thế luận
Có một cảm quan thường trực trong tranh của Nguyễn Quang Thiều. Trong khi bộ tranh Người Thổi Sáo và Nhà Thơ như muốn minh thị căn cước nghệ thuật của tác giả, thì đan xen trong cả hai bộ tranh trên lẫn toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều luôn chứa đựng chủ đề mạt thế luận (eschatology). Đây chính là cội nguồn của sự bất an về thế giới, thế giới quan nghệ thuật chủ đạo trong ông. Tư tưởng mạt thế xoay quanh sự hình dung, dự phóng hay cảnh tỉnh về sự kiện cuối cùng của lịch sử, hay định mệnh cuối cùng của nhân loại, kết thúc sự sống và cáo chung lịch sử con người.
Tư tưởng này tồn tại phổ biến trong các học thuyết tôn giáo, và có luồng quan điểm hai chiều về nó, lạc quan hay bi quan, tuyệt vọng hay hy vọng. Một mặt là khẳng định kết cục tối hậu như ở giáo lý Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, mặt khác là phủ định và chỉ thức nhận sự luân hồi trong một tiến trình vô thủy vô chung như ở Phật giáo.
Người thổi sáo 6, sơn dầu trên toan, 90 x 180cm, 2018.
Người thổi sáo 7, sơn dầu trên toan, khổ 150 x 150cm, 2018.
Người thổi sáo 8, sơn dầu trên toan, khổ 110 x 150 cm, 2020.
Người thổi sáo 11, sơn dầu trên toan, khổ 110 x 150cm.
Quan điểm mạt thế luận còn tạo ra một ưu tư bất an về nhân sinh, lo sợ sự suy thoái lầm lạc và băng hoại đạo đức của con người sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt của chúa trời, giống như hai đô thành tội lỗi Sodom và Gomorrah trong Sáng Thế ký. Bất an trước một kết cục cùng tận, đối với người Việt Nam, có một khoảng cách ngắn không bao giờ miên viễn. Nó luôn liên hệ hạn hữu với một điều gì đó trước mắt, thiết thực đối với cuộc sống hiện thế. Còn chết thì là hết (“Sống được miếng dồi chó/ Chết được bó vàng tâm” hay “Chính chuyên chết cũng ra ma/ Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng” – Ca dao Việt). Bởi vậy, nó là một bất an riêng tư, bất an cá nhân, không có tận thế, chứ không phải là bất an thế giới.
Sự bất an trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, là hợp dung giữa suy tư thế sự bất trắc, trăn trở trước sự phán xét cuối cùng dành cho loài người suy đồi (Nhân chứng về một cái chết, Trong nghĩa trang này có bầy chim thôi), nhưng rồi được ánh sáng dẫn lối đến hy vọng về sự cứu rỗi đầy trắc ẩn (Cây ánh sáng). Đồng thời, nhìn theo quan điểm này, góp phần lý giải những ảnh tượng mang màu sắc tôn giáo trong tranh của ông như thánh giá – đức tin, người thổi sáo – sứ giả truyền tin, cánh bướm – thiên sứ, con mắt – chứng nhân, con chim – tự do và an nghỉ, cá bống – phục sinh, con rắn – cám dỗ nguyên thủy, bình gốm – vật chuyên chở ký ức và ẩn dụ văn hóa.
Biến tấu từ trường ca Nhân chứng của một cái chết, màu nước trên giấy, khổ 50 x 70 cm, 2019.
Vẽ bằng đứa trẻ nội tâm
Đến đây, tôi trở nên thắc mắc về nguyên lý sáng tạo của họa sĩ. Nguyễn Quang Thiều đã vẽ như thế nào? Trước hết, tranh của Nguyễn Quang Thiều mang mỹ cảm của hội họa ngây thơ (Naïve art), còn sắc điệu đầy nguyên thủy tính. Hội họa ngây thơ chỉ đến từ những họa sĩ tự giác, tự đào luyện không bị “tráng” qua lớp men nhà trường. Chỉ có đứa trẻ mới vào được Nước Trời[4]. Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ[5]. Đứa trẻ và người nguyên thủy là hai nhân thể sở hữu tâm thức không có sự mâu thuẫn, không phân biệt hư thực, có thế giới quan toàn vẹn không phân mảnh, nát vỡ hay tha hóa. Bởi vậy, đứa trẻ và người nguyên thủy có thể vẽ mà không cần phác thảo và vẽ thuần túy từ ký ức, không cần đến toan tính logic để được tự do sáng tác không nghịch cản.
Cầu xin và hy vọng, sơn dầu trên toan, khổ 150 x 150cm, 2020.
Nguyễn Quang Thiều đã vẽ bằng đứa trẻ nội tâm[6] (inner child) của mình. Nghĩa là khi họa, là tác giả đã chuyển hóa và xuất hình đứa trẻ nội tâm được giấu kín trong tâm hồn già dặn trưởng thành. Đứa trẻ nội tâm này bảo lưu sự hồn nhiên và giữ gìn nguyên vẹn những ký ức ấu thời, để khi cá nhân trưởng thành tổn thương thì những ký ức này trở thành nơi trú ẩn bình yên. Khi đứa trẻ nội tâm xuất hiện, đồng nghĩa con mắt nội tâm được thức tỉnh.
Con mắt nội tâm không nhìn sự vật theo thiên hướng trực họa tả thực và sao y mô phỏng – nó thấu thị, giải tích và phản tư. Bởi vậy, con mắt bên trong hiệu triệu những biến nghịch trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, như tỷ lệ kích cỡ và độ chính xác của chi tiết không tương ứng phối cảnh xa gần, cấu trúc bất đối xứng của mảng khối và hình tượng. Thậm chí, phối cảnh còn biến mất, tạo ra cho người xem ảo giác rằng những hình tượng như đang neo đậu lơ lửng trong không gian.
Người xem đồng hồ, màu nước trên giấy, khổ 50 x 70cm, 2019.
Thế Gian, màu nước trên giấy, khổ 80 x 100 cm, 2020.
Những chiếc đèn, sơn dầu trên toan, khổ 90 x 110cm, 2020.
Thị giác chất phác của một đứa trẻ, còn nằm trong cách sử dụng màu sắc. Tranh của trẻ thơ lúc nào cũng mang màu sắc thanh khiết như tâm hồn của chúng, không tồn tại bất kỳ quy luật hay lý thuyết màu nào cả. Thứ màu sắc ngự trị trong tranh Nguyễn Quang Thiều là sắc màu trẻ thơ, được phối bằng trực giác, rất sạch và rực rỡ với độ bão hòa và tương phản màu cao. Dù chất liệu bất kể là màu nước hay sơn dầu, ông không bao giờ trình hiện trên toan vẽ thứ tông điệu mờ đục và xỉn. Một nghệ thuật trực cảm khoáng đạt, không toan tính là hiệu quả của sự hoàn nhi,[7] khi cá nhân vượt ra khỏi những xiềng xích của tình trạng con người để đạt đến trạng thái tự do của chơi đùa và sáng tạo.
Và vẽ chính là cách Nguyễn Quang Thiều trở lại tìm về với Đứa Trẻ Làng Chùa[8] thô mộc và thuần khiết. Dấu ấn sáng tạo, bản nguyên hội họa Nguyễn Quang Thiều chính nằm ở đây – nơi mọi căn cước giao diện nghề nghiệp nhà thơ và họa sĩ bị xóa nhòa, chỉ còn sót lại một “cậu bé rong chơi đi ngang qua cánh đồng hội họa.” Người, và tranh, nên chọn đứng từ một khoảng cách xa, để thinh lặng ngắm nhìn và thưởng ngoạn.
Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)
[1] Họa sĩ tiêu biểu cho trường phái hội họa nguyên thủy (Primitivism) và ngây thơ (Naïve art) cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Ông vốn là viên chức, tự học vẽ mà không trải qua bất kỳ trường lớp nào, và phải đến ngoài 40 tuổi mới toàn tâm toàn ý tập trung vẽ tranh.
[2] Ý niệm về con người Phục hưng (Renaissance man), có thể sáng tác thơ ca, vẽ, điêu khắc, thiết kế kiến trúc và sáng chế như Michelangelo hay Leonardo da Vinci, cũng vậy.
[3] Khái niệm này, lần đầu xuất hiện trong tác phẩm Ästhetik oder Lehre von Weltanschauung und Kunst (Mỹ học hay bài giảng về thế giới quan và nghệ thuật, 1827) của triết gia, nhà thần học Đức Karl Trahndorff. Nhưng nó trở nên nổi tiếng và gắn liền với nhà soạn nhạc Đức thế kỷ XIX, Richard Wagner, với ý tưởng hợp nhất mọi loại hình nghệ thuật thông qua sân khấu.
[4] Matthew 19:14, “Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy cứ để trẻ em đến với ta, đừng ngăn trở chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Jesus said, “Let the little children come to me, and do not hinder them, for the kingdom of heaven belongs to such as these”).
[5] Pablo Picasso, “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để chúng giữ được tố chất nghệ sĩ một khi lớn lên.” Peter's Quotations: Ideas for Our Time, Laurence J. Peter, Bantam Books, New York, 1977, tr. 25.
[6] Một thuật ngữ trong tâm lý học phân tích hiện đại, có nguồn gốc xuất phát từ khái niệm cổ mẫu đứa trẻ thần thánh (das göttliches Kind) của nhà phân tâm học Karl Jung. Nó gắn liền với cái tôi đích thực/chân ngã của một con người, và có mối liên hệ tới sự hồn nhiên, tinh thần năng động sáng tạo.
[7] Tức sự trở về trẻ thơ, ứng với giai đoạn thứ ba của đời người, mà theo Nietzsche trong Zarathustra đã nói như thế, tinh thần tự quyết định ý chí của mình, và con người từng lạc lối trong thế giới tự chinh phục lấy thế giới của mình.
[8] Nguyễn Quang Thiều sinh ra tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Quê hương trở thành một chủ đề, một ám thị, một ẩn ngữ trong tất cả các tác phẩm của ông, đến cả trong những phát biểu thường ngày (“đứa con của làng”).