Từ máy nước nóng đến pin mặt trời
Đứng trên sân thượng gia đình anh Nguyễn Văn Hà ở khu phố 3, phường Thới An, quận 12, TP.HCM, mới đếm sơ qua một góc dân cư khoảng 40 nóc gia đã có đến hơn mười nóc lắp máy nước nóng năng lượng mặt trời (MNNNLMT), kế bên là các bồn chứa nước phụ trợ. Anh Hà cho biết, gia đình anh lắp MNNNLMT dung tích 180 lít (dùng cho 4 người) đã được bốn năm, với chi phí 7 triệu đồng. Anh cho biết, trước đây việc nấu nước bằng điện, gas, máy tắm nước nóng của gia đình anh tốn khoảng 30-50% tổng năng lượng. Còn hiện nay, nước được làm nóng bằng ánh nắng nên không tốn điện.
Không chỉ dùng MNNNLMT, anh Lê Nguyễn Đông An, phường Tân Quy, quận 7 cho biết anh lắp thêm pin mặt trời để cung cấp điện cho sinh hoạt gia đình (đèn chiếu sáng, máy vi tính, tivi, tủ lạnh...) được một năm nay - giúp giảm sử dụng điện lưới. Với quy mô nhà có bốn phòng ngủ, một phòng khách, nhà bếp, anh An cho biết điện năng tiêu thụ hằng tháng của gia đình khoảng 350kWh. Nghe theo lời tư vấn, anh đã lắp một hệ thống điện mặt trời 3kWp (1kWp tấm điện mặt trời cho ra lượng điện 5,20 kWh/ngày trong điều kiện nắng ở TP.HCM - PV), sau khi tính tổn hao trên các thiết bị.
Trường Lương Thế Vinh - mô hình trường học xanh đầu tiên của TP.HCM với hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới có công suất 2kWp dùng cho các thiết bị quạt, tủ lạnh, tivi, điều hòa không khí cho một phòng. Ảnh ECC
Tuy nhiên, chi phí lắp đặt pin mặt trời hiện nay khá mắc, như chi phí cho hệ thống điện mặt trời của gia đình anh Đông An là 350 triệu đồng. Đây cũng là lý do việc sử dụng pin mặt trời trong khu vực dân cư chưa nhiều. Trong khi đó, ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) cho biết, thị trường MNNNLMT cả nước hiện đã phát triển tới 10.000% so với năm năm trước (năm 2011 chỉ khoảng 50.000 máy), trong đó Tây Nguyên là thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Riêng TP.HCM, hiện cứ hai nhà được xây mới thì có một sử dụng MNNNLMT.
Lợi thì có lợi, nhưng...
Về điện mặt trời, theo khảo sát sơ bộ của ECC trên địa bàn TP.HCM, ước tính khoảng 400kWp pin mặt trời đã được lắp đặt, chiếm 8-10% công suất điện mặt trời Việt Nam (khoảng 3MWp), như tòa nhà Intel với công suất 285kWp, Văn phòng Thành ủy với hơn 11kWp, tòa nhà tập đoàn Tuấn Ân 12kWp, các hộ gia đình từ 3-5kWp...
Tuy xu hướng sử dụng điện mặt trời đang được khuyến khích, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nhưng theo ông Tước, đầu tư điện mặt trời vẫn chưa lợi bằng điện lưới. Nguyên nhân: Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư, lắp đặt điện mặt trời, giá thành sản phẩm còn quá cao; chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hòa lưới từ nguồn năng lượng mặt trời; giá điện của Việt Nam tương đối rẻ. “Vì vậy, TP.HCM muốn đi trước cơ chế”, ông Tước nói. Theo đó, ECC chuẩn bị triển khai chương trình thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM, cho ba đối tượng: hộ gia đình, tòa nhà công sở và doanh nghiệp.Tham gia chương trình, người dân và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thiết bị lắp đặt nối lưới, đồng hồ đo đếm và sẽ được mua điện với giá 2.000 đồng/kWh điện. Theo ông Tước, lẽ ra ngành điện lực phải mua điện này, nhưng do chưa có cơ chế nên TP.HCM sẽ đứng ra trả tiền đó cho người dân và doanh nghiệp.
Khả thi không? Ông Tước cho rằng, góc nhìn của Việt Nam về điện mặt trời hiện nay y như nhìn về MNNNLMT cách đây năm năm. Tuy nhiên, chỉ sau một “cú hích” nhỏ từ chương trình hỗ trợ người tiêu dùng 1 triệu đồng lắp đặt MNNNLMT giai đoạn 2011-2015 (hiện chương trình đã kết thúc - PV) do ECC phối hợp Bộ Công Thương triển khai, việc sử dụng MNNNLMT trong các hộ gia đình ở đô thị đã trở nên thông dụng. Chưa kể, với các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài, trong kinh doanh có các chỉ số về tăng trưởng xanh, chỉ số ISO về môi trường, nên việc sử dụng điện mặt trời cũng là một lựa chọn để họ thực thi cam kết của mình.
Tấm tế bào quang điện, thường được gọi là pin năng lượng mặt trời, chuyển ánh sáng mặt trời (chứ không phải nhiệt như nhiều người tưởng) thành dòng điện một chiều (DC) sau đó đưa vào trữ trong bình ắc quy trước khi được chuyển thành điện xoay chiều (AC). Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của hệ thống là 15 năm, thời gian sử dụng: tấm pin tuổi thọ 25 năm, bảo hành 5 năm, thiết bị điện tử bảo hành 3-5 năm tùy nhà cung cấp... Giá thành hệ thống trọn gói khoảng 3 USD/1Wp, nếu lắp hệ 1kWp, giá 3.000 USD.
MNNNLMT hoạt động theo nguyên lý hiệu ứng nhà kính, biến quang năng thành nhiệt năng. Theo tính toán của ECC, bình quân mỗi MNNNLMT dung tích 180 lít, với 30.000 máy thì mỗi năm ngành điện tiết giảm được 57 triệu kWh điện, đồng nghĩa với việc không phải đốt 4.900 tấn dầu nhập khẩu và giảm thải ra bầu khí quyển trên 23.500 tấn CO2. Mỗi MNNNLMT có giá 3-10 triệu đồng, tuổi thọ 10-20 năm, bảo hành 5 năm, sau 2-3 năm là hoàn vốn. Cả nước hiện có khoảng 90 doanh nghiệp cung cấp, sản xuất MNNNLMT.
Thùy Linh