Sơ tuyển Chiếc Thìa Vàng cụm Tây Nguyên:

Đoạt giải 40 triệu nhờ 4 món ăn mạo hiểm hương vị núi rừng

 01:11 | Thứ năm, 04/08/2016  0

Có thể coi vòng sơ tuyển khu vực miền Trung - cụm Tây Nguyên với sự góp mặt của sáu đội thi, đến từ các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk là một “cuộc chiến” của hương vị núi rừng. Bởi, các đầu bếp đến từ Tây Nguyên đã kỳ công tìm kiếm, chọn lọc, nghiên cứu nhiều đặc sản địa phương, đặc biệt là các loại lá, cây gia vị mới lạ để làm nên những bàn tiệc gói trọn hương vị núi rừng.

Các giám khảo thích thú trước những loại gia vị mới lạ, đặc trưng Tây nguyên

Là những đại diện “nổi lửa” cho những cuộc tranh tài giành vé vào vòng bán kết khu vực miền Trung, các đầu bếp Tây Nguyên khá phấn chấn với những thách thức, cơ hội và những nét mới của cuộc thi, đặc biệt sau khi tham gia chương trình giao lưu ẩm thực khởi động Chiếc Thìa Vàng diễn ra từ hồi tháng 4. Nhờ tích luỹ kinh nghiệm từ những mùa thi trước, nên thực đơn của họ mang đến dự thi lần này được đầu tư khá ấn tượng. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là những món ăn được kết tinh từ sản vật và những loại gia vị mới lạ đặc trưng Tây Nguyên.

Các đầu bếp đến từ Kon Tum, Gia Lai tự tin với những món ăn phảng phất hương vị núi rừng, như: Tam ba trứng kiến, cá anh vũ nướng ống tre xốt lá ngải cứu, gà nướng lá é kết hợp với cơm lam, súp gà cải thảo (Nhà hàng Tây Nguyên); chạch gai xốt hạt muối rừng ăn kèm lá ngũ vị, gà làng nấu củ cau rừng ăn kèm mỳ Quảng, chè lá sương rừng (Quán 79 Gia Bảo); Gỏi măng run gà đồi - tép Biển Hồ trái vả và nước xốt chanh dây, cá anh vũ cuộn lá bứa đút lò xốt tiêu rừng (Nhà hàng Pleiku Palace). Còn các đồng nghiệp đến từ Khách sạn Palace Đà Lạt lại nương vào thế mạnh là các loại rau, củ, quả tươi đặc hữu: Cá mú hấp tổ yến & trà xanh dùng kèm caviar, ức vịt áp chảo & xốt cam ăn kèm khoai tây, bông Atisô và măng tây... Và cuộc so tài hương vị diễn ra sôi nổi và gay cấn trong 140 phút.

Đầu bếp Đức Hoàng giới thiệu về củ hủ cau rừng

Mắc một số lỗi nhỏ ở khâu trình bày, thậm chí món tráng miệng (chè lá sương rừng) không đạt như mong muốn (bởi nguyên liệu đã trữ trước đó mấy ngày, trải qua quá trình vận chuyển đường dài, lá sương sâm không còn giữ được phẩm chất như ban đầu) nhưng ba chàng trai đến từ Kon Tum (Quán Gia Bảo 79) vẫn thuyết phục được Ban giám khảo để bước lên bục bục cao nhất dành cho người thắng cuộc ở vòng sơ tuyển cụm thi Tây Nguyên. Thành tựu đó là nhờ các đầu bếp trẻ đã mạo hiểm với một thực đơn mang đậm hương vị núi rừng, trong đó hiển hiện sự nhiệt tâm, chuẩn bị chu đáo các thành phần nguyên liệu thực phẩm, gia vị đặc trưng; nghiên cứu kỹ để tìm ra phương cách phối kết sao cho đạt sự hóa quyện tốt nhất; kỹ thuật chế biến tốt và trang trí món ăn hợp lý.

Chuyên gia ẩm thực, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương nhận xét, bàn tiệc các đầu bếp đội 45 “mang theo (hương vị) cả núi rừng Tây Nguyên”. Quả thật, các đầu bếp đã mang tới nhiều gia vị lạ đến ngỡ ngàng. Lá lốt rừng bò dọc theo khe đá kết hợp với cá chạch gai câu từ sông Sesan. Nước xốt cũng là một bất ngờ, khi chủ vị là trái muối rừng - loại trái mọc nhiều ở Khu bảo tồn Chư Mom Ray - cũng là gia vị chủ lực dùng để chế biến món thịt trâu trong những dịp lễ trọng hoặc sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên (chẳng hạn như: dựng nhà, đám cưới, cúng cơm mới…). Gà làng (gà lai gà rừng) kết hợp với củ hũ cau rừng cũng là một phát hiện thú vị.

Nhưng táo bạo nhất là chén súp hải sản (tôm) hạt ươi bay mà ban giám khảo thừa nhận “chưa từng thấy”. Ươi có nhiều ứng dụng trong Đông y, trị bệnh gai cột sống, thanh nhiệt, giải độc… và hiện đang được ưa chuộng khi làm nên những món ăn bài thuốc.  Tuy nhiên, trước giờ ươi thường gắn nhiều với món chè. Chính vì vậy, sự bất ngờ nhanh chóng chuyển qua sự cảm mến, khi nghe các đầu bếp chia sẻ quyết định đưa hạt ươi vào món khai vị, xuất phát từ thực tế: “Kon Tum được mùa nhưng giá rớt thê thảm. Thông qua Chiếc Thìa Vàng, tôi muốn giới thiệu thêm một cách tiếp cận khác, ứng dụng hạt ươi trong ẩm thực” – đội trưởng Nguyễn Đức Hoàng bày tỏ hy vọng tăng giá trị gia tăng cho hạt ươi, để những người dân quê anh có thêm thu nhập dù xác định “năm ăn năm thua”.

Bốn món ăn đoạt giải nhất (từ trên xuống) của Quán Gia Bảo 79Súp hạt ươi hải sản ăn kèm salad hạt ươi trái cây; Cá chạch gai xốt hạt muối rừng ăn kèm lá ngũ vị; Gà làng nấu củ cau rừng ăn kèm mì Quảng; Chè lá sương rừng.

Ngoài Gia Bảo 79, khu vực Tây Nguyên có thêm hai đại diện vào bán kết, gồm: Nhà hàng Thành Phát (Đắk Lắk) và Khách sạn Palace Đà Lạt (Lâm Đồng). 

Trước đó, 123 đầu bếp khu vực phía Nam (thuộc ba cụm thi: ĐBSCL, TP.HCM, Đông Nam bộ) đã vinh dự là những đội khai hỗi Chiếc Thìa Vàng năm 2016 với những màn tranh tài sôi nổi, diễn ra trong ba ngày thi (7, 9, 10 tháng 6) tại TP.HCM. Họ đã làm nên những ngày hội ẩm thực đặc sắc, đẳng cấp. Đó là lý do mà Ban giám khảo đã trao tới 20 chiếc vé đầu tiên vào Bán kết cho 20 đội xứng đáng nhất.

Nhóm PV

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Gia công nồi phở điện 50 lít inox giá rẻ

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.